Người "giàu ý tưởng" chăn nuôi

18/10/2014 21:35

(Baonghean) - Dẫn chúng tôi đi theo con đường đất hẹp gồ ghề dẫn vào trang trại chăn nuôi lợn tập trung của gia đình mình ở xã Giang Sơn Đông, huyện Đô Lương, anh Nguyễn Văn Hạnh cho hay: “Từ nhà lên đến trang trại hơn 3 km, những lúc thời tiết khô ráo thì đi được, nhưng chỉ một cơn mưa là lầy lội, đi lại vất vả lắm. Nhưng nhờ khu vực chăn nuôi nằm lọt vào giữa khu đất rừng trồng cây nguyên liệu gỗ, nên vẫn ráo rẻ và không ảnh hưởng đến môi trường của các khu vực dân cư”.

Anh Hạnh là cựu chiến binh từng tham gia chiến trường phía Bắc (năm 1979). Sau khi phục viên trở về quê, thấy xã có lợi thế về trồng rừng, nhất là việc lâm trường Đô Lương trồng rừng trên diện tích lớn nhưng thiếu lực lượng khoanh nuôi, bảo vệ, nên anh làm đơn xin đảm nhận 10 ha. Với hình thức liên doanh cùng Lâm trường Đô Lương (nay là Công ty TNHH 1 TV Lâm trường Đô Lương), sau khi thu hoạch nguyên liệu gỗ, anh Hạnh được hưởng 20% tổng giá trị từ rừng trồng có thêm thu nhập đáng kể cho gia đình. Quá trình ấy giúp anh có quyết định làm ăn mới vào năm 2006, ấy là nhận khoán đập Mộ Dạ để nuôi cá; và rồi nghề nuôi cá hồ đập anh đã đưa ra ý tưởng đầu tư phát triển chăn nuôi lợn tập trung. Được ngân hàng cho vay vốn và chính quyền địa phương, bạn bè ủng hộ, anh Hạnh đầu tư 300 triệu đồng xây dựng khu chuồng trại nuôi lợn liên hoàn bên hồ đập Mộ Dạ.

Trang trại chăn nuôi của anh Nguyễn Văn Hạnh ở   xã Giang Sơn Đông (Đô Lương).
Trang trại chăn nuôi của anh Nguyễn Văn Hạnh ở xã Giang Sơn Đông (Đô Lương).

Trước khi xây dựng trại nuôi lợn tập trung, anh Hạnh đã tham khảo, học hỏi nhiều mô hình trong huyện, nên chuồng trại được xây dựng hợp lý theo từng khu nuôi lợn nái, lợn úm (lợn con hơn 10 ngày tuổi), lợn thịt, rất thuận tiện cho chăm sóc, phòng dịch bệnh… Để tiết kiệm chi phí, anh Hạnh thu mua các loại rau, dây khoai lang, cây chuối và cám về chế biến thức ăn cho lợn và tùy vào từng giai đoạn phát triển của vật nuôi để có chế độ cho ăn hợp lý. Lợn thịt nuôi trong thời gian 3 - 5 tháng là có thể xuất chuồng, thế nên hàng năm trang trại anh Hạnh xuất hàng tới hơn 35 tấn lợn hơi. Anh cho biết thêm: “Có thời điểm trang trại có hơn 200 con lợn thịt, nên ngoài việc lo nguồn thức ăn theo cách chăn nuôi truyền thống (chế biến thức ăn từ dây khoai, cây chuối băm, cám…), thì có ngày cần đến 2,5 triệu đồng mua thêm thức ăn tổng hợp”.

Trong trang trại chăn nuôi, khu nuôi lợn nái được anh đầu tư nhiều tiền vốn, công sức nhất. Hiện có 10 con lợn nái đang được chăm sóc kỹ càng và đây là nguồn cung cấp giống để phát triển đàn lợn thịt, bán lợn giống. Một trong những điều quan trọng giúp anh Hạnh thành công là chủ động được nguồn giống vật nuôi có chất lượng.

Đến nay, ngoài nguồn thu khoảng 1,3 tỷ đồng/năm từ bán lợn thịt, lợn giống, anh Hạnh còn có thêm nguồn thu nhập lớn từ chăn nuôi cá thịt ở đập Mộ Dạ. Diện tích mặt nước rộng lớn, sâu và được chăm sóc chu đáo nên các loại cá mè, trắm, rô… phát triển rất nhanh. Thu nhập từ nuôi cá giúp cho gia đình anh có thêm khoảng 400 triệu đồng mỗi năm. Đầu tư phát triển chăn nuôi có hiệu quả, trang trại của gia đình anh Hạnh đã giải quyết cho 4 lao động có việc làm, ổn định.

Hoàng Vĩnh

Mới nhất
x
Người "giàu ý tưởng" chăn nuôi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO