Người giữ bộ chiêng cổ hơn 200 năm của dòng họ Lô
(Baonghean) - Trong một lần, tình cờ, tôi được nghe kể có một ông già ở bản Bộng, xã Thành Sơn đang lưu giữ một bộ chiêng cổ đến nay đã hơn 200 năm. Không giấu được sự tò mò, tôi đã có chuyến ngược rừng tìm đến nhà ông.
Được anh cán bộ văn hóa xã Thành Sơn dẫn đường, không khó để tìm nhà ông Lô Văn Quyết. Thấy chúng tôi đến ông đón chúng tôi ngay tận ngõ, dáng người nhỏ nhắn, năm nay đã 73 tuổi nhưng đôi mắt còn tinh anh lắm. Ông Quyết hiện là trưởng tộc của dòng họ Lô và cũng là già làng ở bản Bộng, xã Thành Sơn.
Với mong ước gìn giữ những giá trị văn hóa của dân tộc mình qua đó giáo dục truyền thống cho thế hệ con cháu, ông đã âm thầm gìn giữ bộ chiêng cổ của dòng họ mình, thỉnh thoảng lại đem bộ chiêng cổ ra lau chùi tỉ mẩn, trân trọng. Bộ chiêng gồm 4 chiếc, kích thước khác nhau, được đúc với kỹ thuật điêu luyện; khi đánh lên âm thanh của nó âm vang khác lạ, lôi cuốn lòng người…Cái lớn nhất có đường kính khoảng 50 cm, nhỏ nhất khoảng 35cm, bộ chiêng này đã truyền lại đến đời ông Quyết là đời thứ 4 của dòng họ Lô. Bộ chiêng của dòng họ Lô có đầy đủ chiêng mẹ, chiêng cao, chiêng ót, và chiêng lá. Chiêng được đúc thủ công bằng đồng thau. Ông Quyết tâm sự: “Bộ chiêng được xem là báu vật của gia đình, của họ và của bản. Có những lúc gia đình ông lâm vào cảnh túng quẫn, nhưng nhất định ông không bán chiêng.”
Không chỉ gìn giữ bộ chiêng cổ của dòng họ mình, ông Quyết còn bày cho cháu con học cách sử dụng. Với ông, bộ chiêng không chỉ là báu vật của cha ông để lại mà còn là hồn văn hoá của người Thái bản Bộng và dân tộc Thái nói chung. Bộ chiêng của dòng họ Lô, năm 1997, được đưa ra phục vụ bản đón nhận đơn vị văn hoá cấp tỉnh, vào những ngày lễ đặc biệt như dịp lễ hội, Tết Độc lập, rằm Trung thu, Tết Nguyên đán… hoặc nhà nào trong vùng có cưới xin, làm lễ mừng lúa mới, lễ cầu may…bộ chiêng lại được sử dụng. Cho đến nay, bộ chiêng đã đi dự thi ở hầu khắp các lễ hội trên địa bàn huyện.
Từ xa xưa, đồng bào dân tộc Thái đều coi âm thanh cồng chiêng là phần hồn của các lễ hội, việc lưu giữ cồng chiêng của ông Quyết thật đáng tự hào, góp phần bảo tồn giá trị văn hoá cồng chiêng của đồng bào các dân tộc thiểu số miền Tây Nghệ An!.
Thái Hiền