Người gọi hồn thiêng đồng đội

11/07/2011 11:04

(Baonghean) – Trong tuyển tập thơ văn về Ngã ba Đồng Lộc thời kỳ chống Mỹ (1964-1973) do Hội Văn nghệ Hà Tĩnh và UBND huyện Can Lộc xuất bản năm 1998, có 2 bài thơ được xem viết sớm nhất về sự kiện lịch sử này là “La Thị Tám” (1969) của cố nhà thơ Xuân Hoài và “Cúc ơi” của Yến Thanh.

Còn nhớ, thời gian sau tách tỉnh Nghệ -Tĩnh (1991), tôi làm việc ở tạp chí Hồng Lĩnh thuộc Hội Văn nghệ Hà Tĩnh. Thỉnh thoảng anh Yến Thanh lại bắt xe từ thị trấn Nghi Xuân vào thị xã Hà Tĩnh thực thi công việc khảo sát thi công đường cho một vùng quê đã bị bỏ quên quá lâu. Chúng tôi lại có dịp gặp, trò chuyện về bạn bè, sách vở, thơ phú... Lúc đó Yến Thanh làm thơ chưa nhiều nhưng thấy say lắm, và trong số những bài thơ anh đọc cho nghe đã có bài “Cúc ơi” mà tác giả cho biết là đã viết ngay tại Ngã ba Đồng Lộc, ngày 25/7/1968:

Tiểu đội đã về xếp một hàng ngang
Cúc ơi! Em ở đâu không về tập hợp
Chín bạn đã quây quần đủ mặt:
Nhỏ-Xuân-Hà
Hường-Hợi-Rạng-Xuân-Xanh
A trưởng Võ Thị Tần điểm danh
Chỉ thiếu mình em
“Chín bỏ làm mười” răng được.

Bọn anh đã bới tìm vẹt cuốc
Đất sâu bao nhiêu bọn anh không cần
Chỉ sợ em đau nên nhát cuốc chùng.

Cúc ơi! Em ở đâu?
Đất nâu lạnh lắm
Da em thì xanh
Áo em thì mỏng.

Cúc ơi! Em ở đâu?
Về với bọn anh tắm nước sông Ngàn Phố
Ăn quýt đỏ Sơn Bằng
Chăn trâu cắt cỏ.

Bài toán lớp năm em còn chưa nhớ
Gối còn thêu dở
Cơm chiều chưa ăn...
Em ở đâu, hỡi Cúc
Đồng đội tìm em đũa găm cơm úp
Gọi em
Gào em
Khản cổ cả rồi...?

Cúc ơi... ời... ơi!

Trong bài thơ, nhân vật Cúc mà tác giả thân thương gọi bằng em chính là nữ thanh niên xung phong Hồ Thị Cúc, một trong mười cô gái đã anh dũng hy sinh thời chống Mỹ cứu nước.


Nữ TNXP ở ngã ba Đồng Lộc, năm 1968. (Ảnh tư liệu)

Chị Cúc quê xã Sơn Bằng, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh. Mồ côi cha lúc một tuổi, mẹ thì đi bước nữa, Cúc ở với chú, ngày ngày đi chăn trâu cắt cỏ. Lớn lên, Hồ Thị Cúc hăm hở vào TNXP, rồi làm đến tiểu đội phó Tiểu đội 4, C552, thuộc Tổng đội TNXP 55-Hà Tĩnh (Tiểu đội trưởng Tiểu đội của 10 cô gái Đồng Lộc là chị Võ Thị Tần). Đơn vị của các chị bám trụ tại Ngã ba Đồng Lộc, ngày đêm đảm bảo giao thông thông suốt đúng vào những năm giặc Mỹ ném bom hạn chế trên miền Bắc nước ta, và họ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nơi túi bom chảo lửa này...

Tại lễ kỷ niệm lần thứ 20 ngày thành lập Hội LHPN Việt Nam (19/10/1966), phát biểu tại buổi lễ Bác Hồ khen ngợi: “Trong phong trào TNXP chống Mỹ cứu nước, nhiều cháu thanh niên gái đã nêu gương dũng cảm trong sản xuất và chiến đấu”. Đến dự Đại hội Thi đua các lực lượng TNXP chống Mỹ lần thứ nhất tổ chức tại Hà Nội (12/1/1967), Bác Hồ “rất vui lòng với thanh niên Việt Nam anh hùng”, và căn dặn: “Các cháu nào đã là anh hùng thì phải cố gắng tiến lên nữa, các cháu nào chưa là anh hùng thì cố gắng phấn đấu để trở thành anh hùng!”. Trong chiến công của TNXP được Bác Hồ khen lúc đó, chắc có đóng góp thầm lặng và không nhỏ của những người như chị Hồ Thị Cúc !

Tác giả bài thơ “Cúc ơi” có lần kể: “Lúc 2 giờ chiều ngày 24/7/1968, một quả bom tấn nghiệt ngã đã dội trúng hầm của 10 cô gái đang trú ẩn lúc đó. Cả tiểu đội hy sinh, đau xót quá! Hai giờ sau, đồng đội mới tìm thấy thi thể của 9 cô đặt lên 9 chiếc cáng xếp hàng ngang. Riêng với Hồ Thị Cúc, phải mãi 3 ngày sau, tức ngày 26/7/1968, mới tìm ra được chị đang ngồi trong hầm tròn, đầu đội nón vai còn ôm cuốc. Bài thơ “Cúc ơi” mình viết khi đang cùng đồng đội tìm thi thể Cúc...”!

Cả bài thơ là một tiếng gọi hồn thiêng đồng đội, nhiều thảng thốt, ngắt quãng như không nói được hết lời từ tâm can của một người cầm bút đồng cam cộng khổ với chính đối tượng mình hàm ơn, ca ngợi.


Nhà thơ Yến Thanh (trái) cùng bạn thơ ở TP. Vinh

Tuyển tập thơ văn về Ngã ba Đồng Lộc thời kỳ chống Mỹ (1964-1973) ra đời sớm nhất có lẽ là cuốn tuyển do Hội Văn nghệ Hà Tĩnh và UBND huyện Can Lộc cùng thực hiện, xuất bản năm 1998 với 180 trang in. Sách chọn 34 bài thơ của 34 tác giả, trong đó 2 bài thơ được xem viết sớm nhất về sự kiện lịch sử này là “La Thị Tám” (1969) của cố nhà thơ Xuân Hoài và “Cúc ơi” của Yến Thanh. Thời gian làm bộ phim truyện lịch sử Ngã ba Đồng Lộc, cả tác giả kịch bản và đạo diễn bộ phim nhận được nhiều giải thưởng này đã trân trọng xin Yến Thanh đưa bài thơ “Cúc ơi” vào phần cuối phim. Bài thơ được nghệ sĩ đọc trên nền nhạc và hình ảnh bi hùng, làm xúc động hàng triệu người xem, kể cả bạn bè Quốc tế. Năm 2008, vào dịp cả nước kỷ niệm 40 năm Chiến thắng Đồng Lộc, bài thơ “Cúc ơi” thêm lần nữa được tôn vinh qua một cuộc thi ca khúc do tỉnh Hà Tĩnh và Hội Nhạc sỹ TP.Hồ Chí Minh tổ chức.

Khoảng mươi năm lại nay, nhà thơ Yến Thanh cùng gia đình tá túc tại một ngôi nhà sâu lối thuộc phường Hưng Bình, TP.Vinh. Không hiểu sao anh hay buồn, ít giao du với bạn bè văn nghệ hơn trước. Và, cứ mỗi lần trầm tư, dù một mình hay ngồi với ai, Yến Thanh thường khuây khoả cùng vài ba chén rượu quê lúc nào cũng sẵn trong nhà. Hồn vía nhà thơ lang thang trở về quá khứ, về với Đồng Lộc. Tôi biết, hình như năm nào anh cũng nghé thăm mộ 10 cô gái, dềnh dàng một buổi với mấy anh chị trong ban nghĩa trang... Không phải để làm thơ phú gì đâu, mà để thấy mình phải sống sao cho tử tế hơn, người hơn!


Kim Hùng

Mới nhất
x
Người gọi hồn thiêng đồng đội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO