Người góp công đầu xây dựng nền giáo dục đại học sau cách mạng
GS-NGND Nguyễn Thúc Hào sinh ngày 6/8/1912 tại xã Xuân Liễu (nay là xã Nam Xuân), huyện Nam Đàn, Nghệ An, trong một gia đình có truyền thống khoa bảng nổi tiếng ở xứ Nghệ. Cụ thân sinh là Nguyễn Thúc Dinh đậu Cử nhân năm Canh Tý (1900), đậu Phó bảng năm Đinh Mùi (1907), về trí sĩ hàm Thượng thư, nên dân Nam Đàn thường gọi là cụ Thượng Dinh.
(Baonghean) GS-NGND Nguyễn Thúc Hào sinh ngày 6/8/1912 tại xã Xuân Liễu (nay là xã Nam Xuân), huyện Nam Đàn, Nghệ An, trong một gia đình có truyền thống khoa bảng nổi tiếng ở xứ Nghệ. Cụ thân sinh là Nguyễn Thúc Dinh đậu Cử nhân năm Canh Tý (1900), đậu Phó bảng năm Đinh Mùi (1907), về trí sĩ hàm Thượng thư, nên dân Nam Đàn thường gọi là cụ Thượng Dinh.
Thời trẻ, khi cụ Dinh đang làm Thừa Thiên Phủ doãn, Nguyễn Thúc Hào học ở Trường Quốc học Huế, cụ Dinh cho ông Tạ Quang Bửu (sau này là GS, Bộ trưởng BộĐại học và Chuyên nghiệp) ở trong nhà cùng học với nhau. Từ năm 1926-1929, thầy Hào ra Hà Nội học Trường Albert Sarraut, sau đó sang Pháp du học tại trường Trung học ở miền Nam nước Pháp. Sau khi đậu Tú tài Toán ở Pháp, thầy theo học dự bịđại học tại Trường Saint Louis ở Paris chuẩn bị thi vào các trường lớn ở Pháp. Bệnh yếu phổi khiến thầy phải từ giã Paris băng giá, trở lại miền Nam, vào học Trường Đại học Khoa học Marseille bên bờĐịa Trung Hải, chói chang ánh nắng mặt trời. Trong vòng 4 năm, thầy chăm chỉ học tập, thi lấy 6 chứng chỉ: Toán đại cương, Giải tích toán học, Vật lý đại cương, Cơ học thuần lý, Cơ học chất lỏng và Thiên văn học. Ngoài ra, thầy còn viết xong luận án Cao học (thạc sĩ) về một đề tài có liên quan đến Hình học và Cơ học.
Năm 1935, ở tuổi 23 thầy trở về Huế, dạy Toán ở Trường Quốc học (bấy giờ gọi là Trường Khải Định) và dạy ởđó 10 năm. Những năm 1942-1944, các nhà khoa học: Nguyễn Xiển, Hoàng Xuân Hãn, Đặng Phúc Thông... xuất bản báo Khoa học tại Hà Nội, một số trí thức ở Huế như Tạ Quang Bửu, Nguyễn Thúc Hào đã tham gia viết nhiều bài báo lý thú cho báo này và tham gia hoạt động trong Hội Truyền bá Quốc ngữ.
Cách mạng Tháng Tám thành công, thầy Hào bận rộn suốt ngày, làm việc say sưa với một niềm hứng khởi khác thường, vừa tiếp tục dạy Toán ở Trường Quốc học, vừa giữ chức Giám đốc Vụ Trung học Trumg bộ, tham gia Hội đồng cố vấn học chính của Bộ Quốc gia giáo dục, góp phần xây dựng nền nếp mới cho 4 trường trung học ở miền Trung (2 trường ở Huế, 1 trường ở Vinh và 1 trường ở Quy Nhơn). Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, Tổng hội Sinh viên Đông Dương đổi tên thành Tổng hội Sinh viên cứu quốc Việt Nam và gia nhập Mặt trận Việt Minh. Nhưng bọn phản động Quốc dân Đảng, theo gót quân Tưởng vào giải giáp quân Nhật, ra sức chia rẽ, phá hoại phong trào sinh viên, cuộc đấu tranh diễn ra gay gắt. Trước tình hình rối ren, bà Giám đốc Hoàng Thị Nga, nữ Tiến sỹ Tây học đầu tiên của nước ta, chán nản bỏ sang Pháp nên tháng 8/1946, Bộ QGGD mời GS Nguyễn Thúc Hào rời Huế, chuyển ra Thủđô Hà Nội, nhận chức Tổng Thư ký kiêm Quyền Giám đốc Trường Đại học Khoa học Hà Nội, thay Tiến sĩ Hoàng Thị Nga.
Sau kỳ nghỉ hè năm 1946, Trường ĐH Khoa học Hà Nội lại mở cửa. Giáo sư phải lo toan nhiều việc: sắp xếp lại tổ chức, tuyển sinh, ổn định tư tưởng cho sinh viên, mời thầy dạy các môn Toán, Lý, Hoá, Sinh. Nhiều nhà khoa học nổi tiếng nhận lời mời: Tạ Quang Bửu, Nguỵ Như Kon Tum dạy Vật lý, Hoàng Xuân Hãn và Nguyễn Thúc Hào dạy Toán. Sau ngày toàn quốc kháng chiến gia đình Giáo sư tản cư ra ngoại thành Hà Nội.
Tại đây, Giáo sư gặp Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Văn Huyên và đề nghị với Bộ trưởng nhân việc Trường ĐH Khoa học tạm ngừng hoạt động, xin về Nghệ An thăm quê và cụ thân sinh đã già. Bộ trưởng đồng ý và cấp cho thầy công lệnh đi thanh tra các trường trung học ở Trung bộ. Thầy đưa gia đình về quê, ít lâu sau theo chỉ thị của Bộ, Giám đốc Sở Giáo dục Liên khu IV giao cho thầy tổ chức lớp Toán học đại cương. Theo cách tổ chức đại học ở Pháp và áp dụng ở nước ta hồi Pháp thuộc, cũng như những năm đầu sau Cách mạng, những người đã đỗ Tú tài (tương đương tốt nghiệp THPT bây giờ) muốn lấy bằng Cử nhân toán thì phải học lấy 3 chứng chỉ: Toán học đại cương, Cơ học thuần lý và Giải tích, mỗi chứng chỉ dạy trong 1 năm.
Niên khoá đầu tiên 1947-1948, lớp Toán học đại cương mởở xã Xuân Lâm, Nam Đàn. Khoá 1 chỉ có 5 sinh viên đều là giáo viên Trường Trung học Nguyễn Công Trứ, tản cư về xã Nam Trung bên hữu ngạn sông Lam, hàng ngày qua đò sang học. Khoá 2 (1948-1949) lớp dời về xã Lạc Hồng (nay là xã Hùng Tiến, Nam Đàn), gần bến Gành, sông Lam; học trong nhà thờ họ của ông Chắt Cừ. Sở dĩ lớp chuyển vềđây vì tại xã này lúc đó Trường Trung học tư thục Tân Dân mới mở, tiện cho sinh viên vừa theo học vừa có thể tham gia giảng dạy trường tư thục. Lớp có 10 sinh viên. Tiếp theo, khoá 3 (1949-1950), khoá 4 (1950-1951).
Cuối niên khoá, Sở Giáo dục Liên khu IV tổ chức thi tốt nghiệp do Giám đốc Sở làm Chánh chủ khảo, hội đồng chấm thi có thầy Hào và thầy Đặng Phúc Thông, lúc ấy là Giám đốc Trường Giao thông-Công chính ở Thanh Hoá. Phần lớn đều thi đỗ, ai không đỗ phải thi lại vào kỳ thi cuối tháng 9 năm ấy. Thứ trưởng Bộ Giáo dục là Viện sỹ Nguyễn Khánh Toàn đã có lần từ Việt Bắc vào thăm lớp. Sinh viên các khoá, sau này nhiều người nổi tiếng như GS-AHLĐ thời kỳđổi mới Nguyễn Văn Trương, GS Viện sỹĐinh Ngọc Lân, Trịnh Ngọc Thái (nguyên đại sứở Pháp), GS Nguyễn Đình Tứ sau này là Bộ trưởng BộĐH&CN... Thời gian này, anh Hoàng Tuỵở Quảng Nam không có điều kiện vượt Trường Sơn ra Nghệ An thụ giáo thầy Hào, đã biên thư xin thầy tài liệu để tự học, cuối khoá xin dự thi tốt nghiệp. GS Nguyễn Thúc Hào xin phép Bộ cho gửi đề thi niêm phong từ Nam Đàn vào cho Sở Giáo dục Liên khu IV. Sở mở kỳ thi riêng cho Hoàng Tuỵ, thu bài bỏ vào phong bì, gắn xi dán kín, niêm phong rồi gửi ra cho Hội đồng chấm thi ở Liên khu IV. Hội đồng họp tại đền thờ Mai Hắc Đế, dưới chân Rú Đụn.
Biên bản kỳ thi được gửi ra Việt Bắc để Bộ Giáo dục kiểm tra công nhận kết quả, rồi mới cấp chứng chỉ tốt nghiệp cho thí sinh. Sau này Hoàng Tuỵ là một Giáo sư Toán học có tiếng trên thế giới, là thành viên Ban biên tập tạp chí quốc tế về Tối ưu hoá (Optimization) với các công trình Toán học nhưĐịnh lý Hoàng Tuỵ (Hoàng Tuỵ Theorem), Thuật toán kiểu Tuỵ (Tuỵ-Type Algorithm)... Song song với lớp ở Liên khu IV, có lớp Toán học đại cương do GS Nguyễn Xiển mởở Việt Bắc, có 10 sinh viên, lúc đầu học theo cách gửi bài, về sau tập trung ở làng Đại Điền, huyện Tam Dương (Vĩnh Phúc).
Tháng 10/1947, Pháp tấn công lên Việt Bắc, lớp phải đình giảng. Năm 1951, Chính phủ kháng chiến chủ trương mở Trường Khoa học cơ bản ở Việt Bắc, sinh viên các lớp này đều được triệu tập tiếp tục học. Từ 1951-1954, Trường Dự bịđại học, Trường Sư phạm Cao cấp được mởở vùng tự do Liên khu IV, GS Nguyễn Thúc Hào được cử vào Ban Giám đốc và cùng giảng dạy với các giáo sư: Trần Văn Giàu, Đặng Thai Mai, Nguyễn Mạnh Tường, Đặng Xuân Thiều, Cao Xuân Huy, Nguyễn Lương Ngọc, Phó Đức Tố, HồĐắc Liên, Tôn Thất Chiêm Tế.
Hoà bình trở lại trên miền Bắc, Giáo sư trở về Hà Nội, cùng GS Lê Văn Thiêm dạy toán ở Trường ĐH Khoa học, rồi Trường ĐH Sư phạm. Ít lâu sau, Giáo sưđược cử làm Phó Hiệu trưởng cùng với GS Phạm Huy Thông là Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm và trực tiếp dạy môn Toán. Các giáo sư nổi tiếng sau này như Nguyễn Văn Hiệu, VũĐình Cự, Phan Đình Diệu, Đào Vọng Đức, Văn Như Cương... đều được học Toán với thầy Hào. Thầy đã nổi tiếng từ lâu là một nhà sư phạm mẫu mực, một bậc thầy uyên bác; ai cũng ca ngợi thầy giảng hấp dẫn, dễ hiểu, trình bày bảng rất đẹp.
Đầu năm học 1959-1960, Bộ có chủ trương thành lập phân hiệu ĐHSP Vinh với 2 khoa Văn-Tiếng Việt và Toán, cử thầy Hào phụ trách. Từ 2 khoa ban đầu, dần dần có đầy đủ các khoa, thành một trường đại học lớn trên quê hương xứ Nghệ. 15 năm làm hiệu trưởng Trường ĐHSP Vinh là thời gian vất vả nhất trong cuộc đời nhà giáo của thầy. 5 năm đầu vất vả vì phải xây dựng cơ ngơi, nền nếp cho một trường ĐHSP hoàn toàn mới; 7 năm tiếp theo phải đưa trường sơ tán nhiều vùng ở Nghệ An, ra huyện Hà Trung, lại lên huyện Thạch Thành, miền núi Thanh Hoá. Trở về Quỳnh Lưu, ngồi chưa ấm chỗ lại phải sơ tán về nhiều xã ở Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Yên Thành. Tôi còn nhớ, hồi công tác ở phòng Giáo vụ (nay là phòng Đào tạo) của trường sơ tán tại Diễn Lâm, cùng tổ Công đoàn với thầy, hàng tháng sinh hoạt tổđều vào ban đêm, thầy đề nghị tổ chức sinh hoạt ở nhà sơ tán của thầy để thầy cũng được dự sinh hoạt tổ, vì lúc bấy giờ tuổi thầy đã cao. 3 năm cuối, thầy phải vất vả xây dựng lại trường từđống gạch vụn hoang tàn ở Vinh...
GS Lê Văn Thiêm và GS Nguyễn Thúc Hào được Nhà nước ta công nhận học hàm Giáo sư Toán đại học đầu tiên, được bầu làm Chủ tịch và Phó Chủ tịch Hội Toán học Việt Nam. Giáo sư còn tham gia các hoạt động xã hội khác nhưĐại biểu Quốc hội các khoá II,III, IV; Phó Chủ tịch MTTQ tỉnh Nghệ An, Uỷ viên BCH Trung ương Hội Hữu nghị Việt Pháp...
Về hưu từ năm 1976, thầy vẫn tận tuỵ với nghề, tích cực soạn 5 cuốn sách và dịch 14 cuốn sách và tài liệu Toán có giá trị từ 3 thứ tiếng Nga, Anh, Pháp; 2 lần sang giảng dạy hình học cao cấp ở Trường ĐHSP Phnom-Pênh (Căm-Pu-Chia); tham gia chuyên đề bồi dưỡng cán bộ trẻở các trường ĐHSP Huế và Vinh; làm Chủ tịch Hội đồng sơ duyệt sách Toán cải cách ở bậc phổ thông. Giáo sưđã từ giã cõi đời ngày 10/6/2009 (18/5 - Kỷ Sửu), ở tuổi 98, để lại niềm thương tiếc vô hạn cho bao nhiêu thế hệ giáo viên và học sinh trong cả nước. Thiết tưởng, Thành phố Vinh nên có một con đường mang tên Nguyễn Thúc Hào, xứng đáng với công lao của giáo sưđối với sự nghiệp giáo dục cả nước, đặc biệt là với quê hương Nghệ An!
Nhà giáo Hoàng Kỳ