Người kỹ sư tận tụy với công việc

09/11/2013 17:51

(Baonghean) - Được đào tạo bài bản ngành hoá in, anh Bùi Văn Nhung là một trong những người Gắn bó với Nhà in báo Nghệ An từ những ngày đầu mới thành lập. Hơn 30 năm công tác, đứng mũi chịu sào về kỹ thuật trong nhà in báo Nghệ An, anh vẫn cần mẫn, tận tụy với công việc của mình…

Năm 1984 tốt nghiệp Đại học Bách khoa, chàng kỹ sư mang áo lính Bùi Văn Nhung về nhận công tác tại xưởng In Báo Nghệ Tĩnh. Khỏi phải nói hết những ngày đầu gian khó, cực khổ khi nhà xưởng chỉ là một ngôi nhà lợp ngói xung quanh là bãi cỏ hoang, trên cơ sở mặt bằng của Xí nghiệp bánh kẹo. Lúc bấy giờ anh được giao giữ cương vị tổ trưởng tổ in. Nói là tổ trưởng nhưng không có việc gì anh không nhúng tay vào, từ bổ củi nhen lò, đốt chì, đến trực tiếp vỗ phông giấy để cho ra bản bông…

Trong hoàn cảnh khó khăn, để cho ra đời được trang báo phải mất rất nhiều công đoạn, ban đầu là sắp chữ chì vỗ phông trên bản chữ đã được sắp (dùng giấy dán nhẹ lên bản chữ bằng chì đã được sắp) rồi đúc chì bản, lại vỗ phông lên bản chì đó để in thành trang báo. Từng khối chì nặng là một trang báo, tiếp tục soát lỗi trên phông giấy gió, sai lỗi nào lại tiếp tục rút chữ trên bản kẽm thay thế chữ mới, và lặp lại công đoạn ban đầu. Có khi làm cả ngày trời chỉ được một trang báo. Nếu có ai vô tình đi qua đụng vào bản sắp chữ thì đội quân sắp chữ chỉ có nước dở khóc, dở cười, cả buổi trời máy mò với bộ chữ thế là “công toi”.

Anh Bùi Văn Nhung kiểm tra chất lượng in.
Anh Bùi Văn Nhung kiểm tra chất lượng in.

Để đúc được chì bản thì phải cho chì nóng chảy ở nhiệt độ 500 độ C, những ngày nam nắng gió Lào đứng bên lò đốt chì, mồ hôi vã ra như tắm, mùi chì ám khắp cơ thể. Những khối chì nặng đến hàng trăm kg chỉ có mấy anh thanh niên, trong đó có anh, khuân ra khuân vào từ chỗ nấu đến chỗ sắp bản kẽm. Khi công nghệ in phát triển, Nhà In nhập về những máy móc mới, không còn công đoạn phải đúc chì bản, anh lại được cử sang làm tổ sản xuất giấy dó. Công nghệ làm giấy dó được sản xuất từ những loại giấy thừa của các loại ấn phẩm đã in, để cho ra loại giấy mới có độ trắng cao, xuất ra thị trường.

“Đứng” máy in đã khó, đã vất vả, việc cán giấy còn khó khăn và gian khổ hơn khi suốt ngày anh phải dầm mình trong nước, vì giấy cũ ngâm nước thì mới tán được thành bột, rồi mới sản xuất được thành giấy. Anh cười vui: “Có dạo đi làm tôi chỉ mặc độc quần đùi và áo may ô vì mặc quần áo dài làm gì, rồi cũng ướt như chuột ”. Khi được hỏi vì sao anh lại đảm nhận trách nhiệm này trong khi đây không phải là chuyên môn của anh, anh nói rất chân thành: “Vì muốn cán giấy cũng cần phải có người không ngại khổ, không ngại khó!”

Những năm tháng gian khổ ấy rồi cũng qua khi công nghệ ngày càng phát triển. Từ máy pidan, phải qua rất nhiều công đoạn mới in được một trang báo thì nay ở Nhà in Báo Nghệ An đã có máy in cod hiện đại nhập về từ Đức, trong vòng 3 tiếng đã cho ra đời hàng chục nghìn tờ báo. Ngày trước phải mất cả ngày mới cho ra được vài chục tờ với nhiều công đoạn thủ công thì nay chỉ bỏ giấy ấn nút đầu kia đã có thể chuyển báo ra xe.

Thế nhưng dù công nghệ có phát triển đến đâu cũng đều cần đến bàn tay và khối óc của con người và Bùi Văn Nhung - Kỹ sư duy nhất gắn bó thủy chung với Nhà in Báo Nghệ An ngay từ những ngày đầu thành lập, luôn là người gương mẫu đi đầu tham gia hầu hết các công đoạn trong nhà in. Đến nay anh vẫn là người đứng mũi chịu sào về kỹ thuật trong Nhà in Báo Nghệ An với chức danh Trưởng phòng Kế hoạch - Kỹ thuật.

30 năm buồn, vui, sướng, khổ với nghề in ấn, gần đến ngày được về hưu, người kỹ sư già ấy lại tất bật lo toan cho ngày kỷ niệm thành lập Nhà in Báo. Cầm trên tay xấp giấy mời, anh hoan hỷ: “Bây giờ tôi đang tìm nhà của anh em công nhân đã chuyển công tác và các bác về hưu để gửi giấy mời đây. Thành công của Nhà in hôm nay đều có đóng góp của từng cá nhân, nhất là những người đã đặt nền móng đầu tiên cho sự ra đời và phát triển của xưởng in Báo Nghệ Tĩnh!”.

Bài, ảnh: Thanh Nga

Mới nhất
x
Người kỹ sư tận tụy với công việc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO