Người làm thay đổi bản Mông
Cho đến bây giờ, người dân bản Nậm Khiên, xã Nậm Càn, huyện Kỳ Sơn vẫn chưa hết vui mừng vì sự thay da đổi thịt trên quê hương mình. Họ càng vui mừng hơn khi sự thay đổi đó có được nhờ chính một người con của bản làng - ông Lầu Giống Thò (60 tuổi), đảng viên gương mẫu, người làm kinh tế giỏi.
(Baonghean) Cho đến bây giờ, người dân bản Nậm Khiên, xã Nậm Càn, huyện Kỳ Sơn vẫn chưa hết vui mừng vì sự thay da đổi thịt trên quê hương mình. Họ càng vui mừng hơn khi sự thay đổi đó có được nhờ chính một người con của bản làng - ông Lầu Giống Thò (60 tuổi), đảng viên gương mẫu, người làm kinh tế giỏi.
Nậm Khiên là bản thuần dân tộc Mông ở xã Nậm Càn, có 142 hộ với 342 nhân khẩu, tập quán sản xuất của bà con nơi đây từ bao đời nay vẫn theo thói quen là tự cung - tự cấp. Với tư cách là một đảng viên, một người cao tuổi trong bản, thấy người dân vất vả lam lũ quanh năm mà vẫn thiếu ăn, ông Lầu Giống Thò không thể yên lòng.
Ông Thò cho biết: Bản Nậm Khiên nơi ông sinh sống trước đây nghèo lắm, cuộc sống của bà con gặp rất nhiều khó khăn, đã có thời kỳ nhiều gia đình sẵn sàng bỏ bản để đi tìm nơi khác sinh sống. Nhưng với bản tính ham làm không cam chịu đói nghèo, riêng ông đã cùng gia đình quyết tâm ở lại làm ăn phát triển kinh tế, xây dựng quê hương.
Khi đất nước mở cửa, bước vào công cuộc đổi mới, đã có nhiều hơn những sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước đến với Nậm Khiên. Nhiều chương trình phát triển kinh tế - xã hội được đầu tư, cùng với sự giúp đỡ của các chiến sỹ Đồn Biên phòng Nậm Càn (BĐBP Nghệ An) về "cắm bản", ông Lầu Giống Thò đã tiên phong trong việc tiếp thu những tiến bộ trong hoạt động sản xuất, canh tác. Sớm vận dụng tốt chủ trương phát triển kinh tế vùng cao do chi bộ bản đề ra, gia đình ông đã mạnh dạn từ bỏ lối sản xuất cũ, tận dụng những khoảng đất trống xung quanh nhà để trồng cỏ voi chăn nuôi trâu, bò; chọn những mảnh đất thấp trũng để đào ao thả cá… Ngoài ra, ông còn bàn với vợ con phát triển chăn nuôi gia súc gia cầm như: gà, vịt, ngan... mỗi năm đem lại thu nhập hàng chục triệu đồng.
Chính cách làm tiên phong đó mà gia đình ông Lầu Giống Thò đã trở thành một điều hành làm kinh tế giỏi của người Mông ở Nậm Khiên. Điều quan trọng hơn, với những hiệu quả kinh tế mà gia đình ông có được, dân bản đi từ chỗ nghi ngờ, cảm phục cho đến làm theo. Nếu như trước đây, người Mông chỉ sản xuất kinh tế trong khu vực rẫy trên núi cao tự cung - tự cấp thì từ giữa năm 2005 lại nay, phong trào phát triển kinh tế để làm giàu đã bắt đầu được quan tâm, học theo và nhân ra diện rộng. Việc sản xuất ngay tại vườn nhà đã được chú trọng. Trâu bò bắt đầu được chăm sóc theo kiểu nuôi nhốt. Vườn rau trồng ngay tại khu vực sinh sống đã được hình thành.
Chính vì thế, đến nay, toàn bản Nậm Khiên đã có đến 500 con trâu bò, gần 100 ha cỏ voi, 10 ha ao cá và hơn 1.000 con gia cầm các loại. Đời sống kinh tế được nâng lên, bộ mặt văn hóa, xã hội của người dân cũng như bản làng đã từng bước thay đổi. Trẻ em trong độ tuổi đã được đến trường, toàn dân hào hứng tham gia các phong trào thi đua sản xuất, xây dựng đời sống văn hóa mới. Có được điều đó một phần cũng nhờ công lao đi đầu của đảng viên Lầu Giống Thò.
Đặng Nguyễn