Người lao động và hành trình 'Nam tiến' sau Tết
(Baonghean) - Sau mấy ngày về quê ăn Tết, vui Xuân cùng gia đình, những người lao động ở các vùng nông thôn trong tỉnh lại tất bật "lên đường" vào Nam mưu sinh. Và cũng như mọi năm, những chuyến xe khách nhộn nhịp đầu năm lại đưa họ rời quê, chở theo bao hy vọng trong năm mới.
Sau Tết, người lao động nông thôn ở nhiều vùng quê lại đổ dồn về các thành phố lớn để tiếp tục chặng đường mưu sinh thường nhật. Làng quê lại vắng vẻ sau Tết. Dọc theo Quốc lộ 1, bến xe, điểm đón khách hay trung tâm xã, những ngày sau Tết, có rất nhiều hành khách xách hành lý, tụ tập đứng chờ xe để rời quê, tiếp tục đến các vùng miền lao động.
Ôm khệ nệ mấy túi xách nào đồ dùng, nào lương thực, đứng trên Quốc lộ 1 đoạn qua thị trấn Quán Hành (Nghi Lộc) để đón xe vào Nam, chị Nguyễn Thị Thúy quê ở xã Nghi Lâm bày tỏ: “Gia đình khó khăn, lại đang phải nuôi hai con nhỏ, làm ruộng thì chẳng đáng là bao nên vợ chồng phải gửi con cho ông bà, đi làm ăn xa để kiếm tiền nuôi con, xây dựng cuộc sống”.
Lao động trên địa bàn huyện Yên Thành đón khách vào Nam làm việc sau những ngày về quê ăn Tết. Ảnh: Xuân Hoàng |
Trước Tết, vợ chồng chị Thúy rời TP. Hồ Chí Minh bằng xe khách để về quê và cũng bằng phương tiện này vợ chồng chị quay lại thành phố để tiếp tục công việc, làm công nhân cho 1 công ty sản xuất giày dép. Mỗi lần về quê ăn Tết, rồi lại “lên đường” đi làm, chi phí vé xe hết 3,5 triệu đồng/người, như vậy “mất toi” một tháng lương.
Chị Thúy tâm sự: “Đi thì nhớ con, nhớ nhà, nhưng ở quê thì làm quanh năm quần quật với mấy sào ruộng, chăn nuôi lợn, gà… mà không có dư. Mỗi dịp ra Tết, vợ chồng lại tất bật khăn gói ra đi, cảnh con cái xa cha mẹ, cũng tội”. Bởi vậy, chị Thúy ước giá như ở quê có việc làm ổn định, lương tháng 3 - 4 triệu đồng thì tốt, ngày đi làm, tối về quây quần cả gia đình, nuôi nấng, chăm sóc cho con…
Còn anh Nguyễn Trọng Dương, sinh năm 1991, quê ở xã Xuân Tường (Thanh Chương) làm công nhân cho Công ty Thép Hòa Phát ở Bình Dương gần 1 năm trước. Thu nhập 6 - 7 triệu đồng/tháng, trừ mọi chi phí, mỗi tháng dành dụm được 2 triệu đồng.
Tết này, anh được thưởng 1 tháng lương cùng với số tiền dành dụm được khoảng 20 triệu đồng, về nhà mua sắm một số đồ dùng trong gia đình. Với anh may mắn là được công ty tạo điều kiện cho xe đưa đón công nhân về quê ăn Tết nên không mất tiền tàu xe.
Hành khách đón xe trở lại công việc sau Tết. Ảnh: Việt Phương |
Có một điều mà bất kỳ ai cũng dễ dàng nhận thấy, trong dòng người đón xe, tàu vào Nam, hầu như trên khuôn mặt ai cũng đượm buồn. Lại một năm nữa họ đằng đẵng mưu sinh nơi đất khách quê người với niềm hy vọng xen lẫn lo toan… Nhiều người phải bỏ lại sau lưng bố mẹ già, con nhỏ. Nhưng họ vẫn đi với mong muốn cuộc sống của bản thân và gia đình sẽ vơi bớt khó khăn.
Trong vô số lý do được những người ly hương đưa ra, phần lớn là vì gia đình khó khăn trong sản xuất, việc làm không ổn định và thu nhập bấp bênh. Họ xa quê tìm kiếm việc làm đã khiến nhiều địa phương vắng lặng sau Tết, có nơi chỉ còn người già và trẻ con ở quê.
Khi đề cập đến cuộc mưu sinh xa quê, hầu như ai cũng tâm tư: “Giá mà ở quê có việc làm ổn định, không ai phải “tha phương” nữa thì hay biết mấy…". Chưa có con số thống kê chính xác, nhưng hàng năm ở Nghệ An có hàng chục nghìn lao động trẻ vào Nam, ra Bắc mưu sinh.
Ly hương để tìm kiếm việc làm, tăng thu nhập cho bản thân, gia đình là xu hướng chung đối với giới trẻ hiện nay, trong đó không ít người đã có bằng tốt nghiệp đại học. Đón Tết trọn niềm vui bên gia đình, nhưng mỗi người luôn bận lòng vì gánh mưu sinh sau Tết.
Những năm qua, với sự nỗ lực của các địa phương trong thu hút đầu tư, nhiều doanh nghiệp vào Nghệ An xây dựng nhà máy, xí nghiệp sản xuất công nghiệp có hiệu quả, thu hút hàng nghìn lao động có tay nghề tại địa phương. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, nhiều lao động trẻ vẫn “Nam tiến” để tìm kiếm việc làm. Vì vậy, đoàn tụ, vui vẻ trong những ngày Tết, rồi lại chia tay lên đường để tiếp tục cuộc sống mưu sinh trở thành vòng quay của lao động ở nhiều vùng quê.
Xuân Hoàng
TIN LIÊN QUAN |
---|