Người lính già và "đường 4 rực lửa"

28/04/2014 22:59

(Baonghean) - Hôm 12/4, vừa bay vào Huế, người lính già Đặng Văn Việt đã nhờ Ban Liên lạc Trường Thanh niên tiền tuyến Huế mời bạn bè đến gặp gỡ. Tôi cũng được mời nhờ quen thân với anh Phan Tân Hội, con cụ Phan Anh, Hiệu trưởng Trường Thanh niên tiền tuyến thời ấy. Lần đầu tiên tôi được bắt tay, trò chuyện với người lính lừng danh thời chống Pháp, trò chuyện với nhân vật lịch sử bằng xương, bằng thịt.

Ông Đặng Văn Việt (thứ 3, phải sang) cùng Hội Đồng hương Diễn Thọ, Nho Lâm ngày 14/3/2010. Ảnh: Internet
Ông Đặng Văn Việt (thứ 3, phải sang) cùng Hội Đồng hương Diễn Thọ, Nho Lâm ngày 14/3/2010. Ảnh: Internet

Từ Hà Nội vào ông mang theo 3 thùng sách để tặng bạn bè. Ông bảo ông được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế mời dự Lễ khai mạc Festival Huế 2014. Được vào Huế dự Festival ông coi như “về nhà”. Vì mình là “người Huế gốc Nghệ”. Về Huế, mình được ngắm lại Cột cờ Phu Văn Lâu, nơi mình đã ra lệnh cho lính triều đình treo là cờ đỏ sao vàng lên 69 năm trước”. Ông sinh năm 1920, ở làng Nho Lâm, xã Diễn Thọ, huyện Diễn Châu, Nghệ An. 3 tuổi ông đã theo gia đình vào Huế ở. Lớn lên học Trường Quốc học Huế. Đậu Tú tài Tây, ra Hà Nội học Y khoa Đông Dương. Đang học năm thứ 3 Y khoa thì Nhật đảo chính Pháp, trường đóng cửa, lại vô Huế theo Việt Minh kháng chiến…

Gia đình ông là danh gia vọng tộc. Ông nội là Đình nguyên Hoàng giáp Đặng Văn Thụy (khoa Giáp Thìn - 1904), từng làm Tế tửu Quốc tử Giám. Bà nội là Cao Thị Bích, con gái của Đông các Đại học sĩ Cao Xuân Dục. Cha ông là Phó bảng Đặng Văn Hướng (khoa Kỷ Mùi 1919), Tham tri Bộ Hình triều đình Nguyễn, Tổng đốc Nghệ An thuộc chính phủ Trần Trọng Kim. Từ năm 1947, theo lời mời của Cụ Hồ, ông Hướng làm Quốc vụ khanh đặc trách công tác ở 3 tỉnh Thanh - Nghệ - Tĩnh trong Chính phủ Hồ Chí Minh. Ngày 17/8/1945, ông cùng người bạn học Cao Pha được giao nhiệm vụ treo cờ đỏ sao vàng của Việt Minh lên cột cờ Phu Văn Lâu. Hai người cuốn lá cờ to bằng gian nhà trên hai chiếc xe đạp hiên ngang đẩy ra cột cờ Phu Văn Lâu, bắt bọn cận vệ triều đình tháo cờ Tam Tài xuống, kéo cờ đỏ sao vàng lên. Lúc đó, ông không hề hay biết là 120 lính khố vàng đã nằm rạp dọc thành cửa Ngọ Môn, chĩa súng vào 2 người, sẵn sàng nổ súng. May mà ông Lãnh binh Đội cận vệ Hoàng gia xin ý kiến của Hoàng đế. Bảo Đại thét lên “Chớ, chớ! Việt Minh đấy. Các người mà nổ súng thì trẫm là người chết trước đó !”.

Ông là anh lính giải phóng quân “số 1” ở Huế. Số 1 vì lúc đó (8 - 1945) chỉ có một trung đội mà ông là trung đội trưởng. Cuộc đời chinh chiến của ông khét tiếng ở Huế, đường 9, đường 7 ở Lào, đường số 4 , đặc biệt là trận phục kích trên đèo Bông Lau từ năm 1947, tiêu diệt hơn 100 xe giới quân sự Pháp. Năm 1950, ông chỉ huy Trung đoàn 174, phối hợp với Trung đoàn 209, đánh chiếm cứ điểm Đông Khê, mở đầu Chiến dịch Biên giới Thu Đông 1950, sau đó bao vây cô lập Cao Bằng... Cuộc đời binh nghiệp của ông đã từng chỉ huy bộ đội đánh 116 trận thì thắng 100 trận. Ông là trung đoàn trưởng 1 trong 3 trung đoàn chủ lực đầu tiên của Việt Minh. Khi Trung đoàn 174 chủ lực được thành lập, ông được cử làm Trung đoàn trưởng đầu tiên với những trận đánh khét tiếng dọc đường 4 Cao - Bắc - Lạng. Nhân dân vùng Cao - Bắc - Lạng xưng tụng ông là "Đệ tứ lộ Đại vương",”Anh hùng đường 4”. Còn các binh sĩ Pháp gọi ông với nhiều biệt danh khác nhau như "Hùm xám đường số 4" "tiểu tướng Napoléon”, “Đặng Siêu Việt”…

Lừng danh huyền thoại như thế nhưng cuộc đời ông có nhiều “sự lạ”. Điều kỳ lạ thứ nhất, từ năm 1947 ông đã là trung đoàn trưởng, tương đương hàm trung tá. Cho đến năm 1960, tức 13 năm sau, khi chuyển ngành ông vẫn chỉ là trung tá. Câu chuyện này liên quan đến ông bố là cụ Đặng Văn Hướng, khi đang giữ Quốc vụ khanh đặc trách công tác ở 3 tỉnh Thanh - Nghệ - Tĩnh trong Chính phủ Hồ Chí Minh. Năm 1953, bị Đội cải cách ruộng đất quy sai là địa chủ. Cái lý lịch ấy ảnh hưởng đến sự tiến thân của ông. Nhưng ông vẫn không nản chí. Cái lạ kỳ thứ hai là ông “đánh giặc như thần”, được dân phong là “Anh hùng đường số 4”. Nhưng đến nay, ông vẫn không được tuyên dương anh hùng? Đã có đến 7 lá thư gửi đến Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng đề nghị phong anh hùng cho chiến binh Đặng Văn Việt, trong số có thư của Ban Liên lạc Trường Thanh niên tiền tuyến Huế, của Hội Sử học Việt Nam…

Đặc biệt trong thư đề nghị phong anh hùng LLVT cho thủ trướng cũ của mình, Đại tá, Anh hùng La Văn Cầu viết rất tâm huyết: “Đáng ra việc này đã được giải quyết trên 60 năm qua, nhưng vì bị vướng lề lý lịch, nay việc lý lịch đã được xác minh lại (văn bản của Bộ Nội vụ 3/1/2012), việc xem xét khen thưởng cho một vị chỉ huy tài ba là một việc bình thường, hợp với lòng dân. Nếu tôi được phong Anh hùng một lần, thì tôi nghĩ thủ trưởng Việt phải được phong nhiều lần (5-10 lần)”. Trong cacvidit của ông ghi: “Đặng Văn Việt – Người lính già - Anh hùng dân phong”. Những chuyện thăng trầm ấy là chuyện quá khứ một thời.

Năm 1985, nghỉ hưu, ông bắt đầu nghiệp viết sách, dịch sách. Ông bảo: “Trẻ đánh giặc, già kể chuyện”. Ông đọc thông viết thạo cả tiếng Pháp, tiếng Anh và đọc được cả 2 cổ ngữ là chữ Latin và chữ Hy Lạp cổ. Ông mở cái túi lấy tặng anh em cuốn hồi ký: “Những nốt nhạc thăng trầm một cuộc đời”. Cuốn sách dày 600 trang, bìa cứng rất đẹp. Ông cho biết, đây là cuốn sách thứ 15 của ông. Ông viết sách có chất lượng hẳn hoi. 3 cuốn đã được giải thưởng. Do từng là một trong những sỹ quan cao cấp thời kỳ đầu và từng có thời gian gắn bó với chiến trường đường số 4, ông đã viết và dịch nhiều hồi ký liên quan đến con đường lịch sử này.

Đặc biệt, với hồi ký “Đường số 4 rực lửa”, ông được tặng giải Nhất, giải thưởng của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam vào năm 1999. Hồi ký được chính Đại tướng Võ Nguyên Giáp đích thân viết lời tựa, và Đại tướng Hoàng Văn Thái viết lời giới thiệu. Ông dịch một số tác phẩm của mình ra tiếng Pháp hoặc tiếng Anh để giới thiệu đến độc giả quốc tế. Xin kể một vài tên sách của ông: “Một phác thảo lịch sử quân sự”; Chủ biên: Đặng Văn Việt (chưa xuất bản); “Tóm tắt và đối chiếu lịch sử quân sự Việt Nam với lịch sử quân sự thế giới: Từ cổ đại tới hiện đại (NXB Thanh Niên, Hà Nội, 1998); Con đường tử địa (La Route Morte). Tác giả: Charles Henry de Pirey, dịch giả: Đặng Văn Việt; Sự mù quáng của tướng de Gaulle đối với cuộc chiến ở Đông Dương (L’Aveuglement, De Gaulle face à l’Indochine). Tác giả: Pierre Quatreponit, dịch giả: Đặng Văn Việt. Người lính già Đặng Văn Việt - chiến sỹ đường số 4 anh hùng (Hồi ức) (tác giả: Đặng Văn Việt, NXB Trẻ. 2003); Đường số 4 rực lửa (tác giả: Đặng Văn Việt), NXB Giáo dục, 1985. Những trận đánh của tôi, NXB Hà Nội, 2009... Hiếm có một người lính già nào đến tuổi 95 vẫn còn viết sách, xuất bản sách!

Có lần ông nghĩ, không biết đến bao giờ mình mới thoát khỏi cái cõi trần tục này để lên Thiên đường. Nhưng rồi ông lại nghĩ: “Phải rồi, thiên đường là đây, nơi tôi đang sống và làm việc quên tuổi tác, quên bệnh tật, quên những thèm khát phù phiếm, sống vui, sống có ích trong tình bạn, tình người…”. Vâng, cuộc sống đẹp luôn là thiên đường người lính già Đặng Văn Việt!

Ngô Minh

Huế

Mới nhất
x
Người lính già và "đường 4 rực lửa"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO