Người lính từ đảo xa Thổ Châu
(Baonghean) - Hành trình của người lính về thăm quê vẫn chiếc ba lô giản dị và bộ quân phục đơn sơ. Hôm nay Phan Văn Minh - người sỹ quan từ biển đảo Thổ Chẩu, (huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang) được nghỉ phép về thăm gia đình, quê hương anh vui mừng phấn khởi vô cùng. Anh kể cho tôi nghe biết bao điều thú vị trên biển đảo Tổ quốc làm tôi thấy say mê.
Sinh ra từ một gia đình làm nghề nông tại huyện miền núi Tân Kỳ nhưng lập gia đình ở huyện miền núi Con Cuông nên cuộc sống của gia đình anh còn nhiều vất vả. Gần 20 năm quân ngũ, công tác xa nhà, gia đình anh phải chịu nhiều thiệt thòi bởi thiếu người trụ cột trong gia đình.
Năm 2009, anh nhận lệnh luân chuyển công tác theo Chỉ thị 14 của Bộ tư lệnh bộ đội Biên phòng, cấp trên giao nhiệm vụ phụ trách vận động quần chúng thuộc đồn biên phòng 770 tại đảo Thổ Châu (huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang) cách đất liền hơn 200km.
Anh kể, xã đảo Thổ Châu rất đẹp, đã từng là người lính biên phòng nơi vùng biên giới quen với màu xanh của rừng núi, nay được về công tác nơi biển đảo này, ban đầu còn nhiều sự bỡ ngỡ chưa am hiểu về cuộc sống tập quán của bà con nơi đây, nhưng rồi anh bị cuốn hút, ngỡ ngàng trước màu xanh của biển cả, của cồn cào tiếng sóng, của tình người thân thiết nơi đây, nên anh cũng nhanh chóng hoà nhập. Bởi vậy, sự nhớ nhung người thân nơi quê nhà cũng với đi bớt phần nào.
Xã đảo Thổ Châu có gần 500 hộ với gần 2.000 nhân khẩu, hai dân tộc Kinh và Khơ Me cùng chung sống. Thổ Châu giờ đã trở thành một xã đảo đông đúc, sầm uất, người dân nơi đây sống bằng nghề đánh bắt hải sản.
Đồn biên phòng đứng chân trên đảo có nhiệm vụ bảo vệ toàn vẹn chủ quyền biển, đảo thân yêu, thường xuyên phối hợp với dân quân tự vệ xã tuần tra trên đảo, canh gác hải phận biển đảo và theo dõi sự thông thương hàng hóa, chủ yếu tàu của các nước bạn, đồng thời canh giữ không cho tàu lạ xâm lấn hải phận Việt Nam. Cán bộ chiến sỹ Đồn thường xuyên tham gia công tác địa phương như công tác dân vận, giúp dân làm nhà, xây dựng đường giao thông, phòng chống lụt bão, cứu hộ, cứu nạn trên biển… nên được chính quyền và nhân dân trên đảo tin yêu. Là những người lính xa gia đình nên các anh rất gắn bó yêu thương nhau, những người lính rất trẻ đã tình nguyện ra canh gác nơi đảo xa để giữ bình yên cho tổ quốc đến từ nhiều tỉnh: Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Ninh Bình, Nam Định. Thái Bình, Hà Nam, Kiên Giang…
Là cán bộ vận động quần chúng, anh Minh đã có rất nhiều thời gian tiếp xúc với bà con nơi biển đảo này. Anh kể: đợt vừa rồi anh còn tham gia vận động nhân dân thực hiện cuộc vận động quyên góp quỹ vì người nghèo, vận động, tuyên truyền bà con thực hiện tốt công tác bầu cử quốc hội khóa 13 và hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016. Bà con luôn tin tưởng vào đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nên tất cả các phong trào, các cuộc vận động đều được bà con hưởng ứng nhiệt tình, đặc biệt thực hiện tốt công tác giữ gìn, bảo vệ biển đảo quê hương của Tổ quốc. Tình hình văn hóa, xã hôi, giáo dục y tế được quan tâm, an ninh chính trị - trật tự, an toàn xã hội được giữ vững. Đời sống văn hóa, tinh thần của bà con được cấp ủy đảng quan tâm, xã đã thành lập 1 câu lạc bộ đàn ca tài tử để giữ gìn và phát huy các làn điệu dân ca, quân và dân trên xã đảo còn được các đoàn về giao lưu, thăm hỏi, tặng quà động viên như 13 tỉnh của đồng bằng sông Cửu Long, Đoàn ca múa nhạc tỉnh Kiên Giang…
Có hậu phương vững chắc, các anh luôn xác định giữ gìn biển đảo nơi địa đầu thiêng liêng của tổ quốc, là nhiệm vụ vô cùng quan trọng mà đảng và nhân dân tin tưởng giao phó. Các anh luôn chắc tay súng, quyết tâm gữi gìn từng tấc đất, vùng trời, biển đảo của Tổ quốc thân yêu. Đó là những tâm sự chân thành xen lẫn niềm tự hào của anh Phan Văn Minh- người lính đảo vừa mới trở về hậu tuyến thăm gia đình, quê hương, khi nói về nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc./.
Tường Vi