Người mẹ của những "vần thơ da cam"

01/08/2013 16:00

(Baonghean) - “Thương những ai nằm trong trận tuyến
Đã ngấm rồi chất độc da cam
Cơ thể đớn đau, thân xác bàng hoàng
Sinh con cái trăm đường cực khổ
Đàn con tôi - đó là chứng cớ
Về nỗi đau muôn thuở không phai”.

Vượt qua cuộc chiến

Nhìn qua làn mưa dày đặc trước sân, khuôn mặt bà Phan Thị Liên cũng nhạt nhòa vì những dòng nước mắt. Có cảm giác như nỗi đau bị dồn nén đã hàng chục năm, nay đọng thành từng giọt rồi chảy tràn qua khóe mắt. Chờ lúc bà qua cơn xúc động, chúng tôi mới thăm hỏi chuyện gia đình. Lau khô nước mắt, bà Liên chia sẻ: “Số phận đã gắn vào cuộc đời tôi 2 chữ bất hạnh. Có những lúc tuyệt vọng, kiệt sức, tưởng chừng như không thể gượng dậy nổi 6 lần sinh nở, chỉ nuôi được 4. Trong số 4 đứa con, đứa bị thiểu năng trí tuệ, 2 đứa đau yếu thường xuyên. Thương các con là giọt máu mình rứt ruột đẻ ra, nên phải gắng gượng để chăm sóc, nuôi nấng...”.

Bà Phan Thị Liên sinh năm 1948 ở xã Tường Sơn. Năm 17 tuổi, học xong cấp 2, người con gái xứ Dừa ấy quyết định gác lại chuyện học hành, tham gia lao động sản xuất. Rồi giặc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc, Bộ Quốc phòng quyết định xây dựng Sân bay dã chiến Dừa để phối hợp chặn đánh máy bay địch xâm phạm vùng trời. Thời kỳ này, đoàn viên Phan Thị Liên hăng hái cùng mọi người tham gia đào công sự, hầm pháo, làm trận địa để bảo vệ sân bay. Khi bọn “Con ma”, “Thần sấm” hay B-52 Mỹ đến ném bom, Phan Thị Liên xung phong vào đội trực chiến, nhiệm vụ chính là đánh kẻng báo động phòng không và tham gia cứu chữa những người bị thương.

Thời gian này, Phan Thị Liên đã đem lòng yêu thương người thanh niên cùng làng có tên là Bùi Công Mỹ (sinh năm 1941). Hai gia đình ở gần nhau nên biết nhau từ nhỏ, lại được 2 bên họ hàng và bè bạn vun vén, tác thành nên tình cảm của đôi trẻ ngày càng sâu sắc, bền chặt. Đất nước lâm nguy, cũng như bao chàng trai thời chiến, Bùi Công Mỹ sớm cầm súng lên đường chiến đấu. Đơn vị của Mỹ lúc đầu thực hiện nhiệm vụ tiễu phỉ ở nước bạn Lào, sau đó về nước chiến đấu ở vùng núi rừng Quảng Trị và mặt trận Tây Nguyên.

Tiễn người yêu ra chiến trường cùng lời hẹn ước chờ ngày chiến thắng trở về sẽ tổ chức đám cưới, Phan Thị Liên ở lại hậu phương tất bật với ruộng đồng và tham gia trực chiến. Giữa cảnh đạn bom ác liệt, họ vẫn giữ liên lạc với nhau qua thư, có những lá thư phải chờ đến hàng năm mới nhận được. Hàng đêm, sau giờ trực chiến, Phan Thị Liên thường dành một ít thời gian để viết thư cho người yêu và ghi nhật ký để gửi gắm tâm tư, nỗi niềm.

Người con gái ấy đã nhận được tổng số 105 bức thư của người yêu gửi về từ chiến trường và cô cũng ghi kín cả 2 cuốn sổ nhật ký. Nhưng điều đáng tiếc là trận lũ lịch sử năm 1978 đã cuốn trôi nhà cửa, 105 lá thư và 2 cuốn nhật ký cũng bị nước cuốn trôi. Đã gần 40 năm qua, nhưng có những bức thư đến bây giờ bà vẫn thuộc như in. Đây là lời tâm sự của người lính Bùi Công Mỹ gửi về từ chiến trường: “Em ạ! Ở nhà đảm nhiệm toàn bộ công việc, dẫu có phai hương sắc, vẻ mặt, anh vẫn quý và rất quý nó. Vì trong gian nan thử thách, con người sẽ trở thành gang thép. Cũng như anh trong chiến đấu có vào sinh ra tử mới trở thành người lính giỏi, thiện chiến, bất cứ tình huống nào cũng đảm bảo chiến đấu đến thắng lợi cuối cùng”.

Năm 1973, Bùi Công Mỹ hoàn thành nghĩa vụ với Tổ quốc và trở về với gia đình, quê hương. Lúc này, ở miền Bắc cũng không còn cảnh bom rơi, đạn nổ, Phan Thị Liên cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và rất đỗi tự hào khi được bạn bè ví là “đóa hoa rừng trong cuộc chiến”. Đúng như lời hẹn ước ngày lên đường, đám cưới của họ được tổ chức trong niềm vui sướng, hân hoan của hai bên gia đình và bạn bè, người thân. Niềm vui sướng, hạnh phúc càng được nhân lên khi tình yêu của hai người đơm hoa, kết trái. Bà Liên mang thai và sang đầu năm 1974 sinh hạ con gái đầu lòng.

Những "vần thơ da cam"

Niềm hạnh phúc của vợ chồng ông Mỹ, bà Liên chợt nguội lạnh khi đứa con đầu sinh ra thân hình dị dạng, trí não không bình thường. Và rồi, gần 3 năm sau, người con ấy từ giã cuộc đời. Để rồi, hơn 30 năm sau, hình ảnh đứa con đầu tật nguyền, dị dạng vẫn đi về và ám ảnh tâm trí của người mẹ. Bà viết mấy vần thơ mộc mạc gửi đứa con đã khuất: “Gần 3 năm sao con chẳng nói?/Mẹ gọi con, con chẳng thèm nhìn/Mẹ đau lòng và khóc trong đêm/Sao con mình như vậy?”.



Bà Liên với những bài thơ mang “Nỗi đau da cam”

Đau khổ, bất hạnh nhưng vẫn phải sống, để tiếp tục chờ đợi và hy vọng. Và 5 năm sau, bà Liên mang thai đứa con thứ 2. Lúc này, niềm vui sướng, đã đan xen sự lo âu, thấp thỏm. Đứa con trai thứ 2 sinh ra, thân hình vẫn dị dạng, trí não không bình thường. Và 3 năm sau nữa, đứa con gái thứ 3 vẫn giống như anh trai của mình. Giờ đây, cả 2 người con ấy đều đã trên tuổi 30, suốt ngày lang thang ngoài đường, không thể giúp bố mẹ bất cứ việc gì, dù nhỏ nhặt như rửa bát, quét nhà.

Từ việc ăn uống đến vệ sinh cá nhân, đều phải nhờ đến tay bố mẹ. Bùi Thị Thủy (con gái thứ 3) suốt ngày sang trường học đứng xem lớp học qua cửa sổ. Cuối buổi học, Thủy nhặt những tờ giấy loại vứt giữa sân trường đem về nhà học viết. Lâu dần rồi quen, cái tay Thủy viết được chữ, nhưng cái đầu không đọc được. Còn Bùi Công Sơn (con trai thứ 2) chỉ biết đi chơi lang thang từ nhà này đến nhà khác, đến bữa ăn mọi người phải tất tả đi tìm và gọi về. Trước hoàn cảnh ấy, bà Liên lại bày tỏ nỗi lòng của người mẹ qua những vần thơ đầy xót xa…

Qua 3 lần sinh nở, cả 3 đứa con đều dị dạng do nhiễm chất độc da cam từ người bố. Nhưng bà Phan Thị Liên vẫn khát khao có được đứa con bình thường, khỏe mạnh. Nỗi khát khao, mong chờ đi vào cả những giấc mơ hàng đêm để rồi khi tỉnh dậy lại thao thức, tủi buồn, để những dòng nước mắt ướt đẫm cả chiếc gối. Bà tự ví mình là “Bông hoa rừng sinh quả lép”. Nhưng đã sống, có nghĩa là không thôi hy vọng. 3 đứa con Bùi Thị Hương, Bùi Thị Lợi và Bùi Công Lực lần lượt chào đời.

Ông Mỹ, bà Liên nghĩ rằng những khổ đau, bất hạnh của mình đã được bù đắp khi 3 người con này sinh ra bình thường, thân hình không dị dạng. Nhưng so với bạn bè cùng trang lứa, những đứa con của ông bà vẫn kém hơn về mặt thể lực, thường xuyên đau yếu, việc nuôi nấng hết sức khó khăn, vất vả. Hiện tại, Hương và Lợi đã có gia đình riêng và đã sinh con. Có điều, lúc sinh con, Hương phải phẫu thuật và giờ đây có khả năng đã bị vô sinh. Đứa con sinh ra bị thiếu cân, ốm đau quặt quẹo, trí não phát triển chậm. Lợi cũng sinh con thiếu cân, người mẹ luôn đau yếu và thường xuyên phải nằm viện.

Có lẽ, vợ chồng bà Liên đặt tên Lực cho con trai út của mình là để gửi gắm niềm hy vọng về một thân hình khỏe mạnh bình thường, làm điểm tựa cho ông bà lúc chiều tà, xế bóng. Nhưng khi Lực vừa lên 3, một cơn đau bụng đột ngột đã cướp đi sinh mạng. Có lẽ, nỗi đau và bất hạnh của người bố, người mẹ đã đi đến tận cùng giới hạn. Lúc ấy, cả ông Mỹ và bà Liên đều ngất xỉu trước bệnh viện, bởi niềm hy vọng đã lụi tàn. Để rồi, khi đã hơn 20 năm trôi qua, nỗi đau ấy vẫn không thể nguôi ngoai, hình bóng đứa con trai bé bỏng, đáng thương ấy vẫn chập chờn trong giấc mơ của người mẹ.

Đến trưa, những cơn mưa vẫn không dứt. Sơn và Thủy, hai đứa con dại khờ của bà Liên áo quần ướt sũng, đầu trần chân đất đội mưa chạy về nhà. Người mẹ vội đứng dậy tìm quần áo rồi lau rửa, thay đồ cho các con. Đây là công việc thường ngày, có lẽ hôm ấy có khách nên bà chợt òa khóc. Nước mắt lại chảy tràn trên khuôn mặt kèm theo những tiếng nấc nghẹn ngào, đau xót. Thay đồ cho các con xong, bà lặng lẽ lục tìm những bài thơ mình viết những lúc cảm thấy đau đớn, bất hạnh đến tận cùng. Trong số những bài thơ ấy, có bài “Lên án chất độc da cam” được viết với tất cả sự trải nghiệm đau đớn, bất hạnh của bản thân và gia đình mình: “Thương những ai nằm trong trận tuyến/Đã ngấm rồi chất độc da cam/Cơ thể đớn đau, thân xác bàng hoàng/Sinh con cái trăm đường cực khổ/Đàn con tôi- đó là chứng cớ/Về nỗi đau muôn thuở không phai”.

Tiếng súng ngừng nổ, không có nghĩa chiến tranh đã hoàn toàn chấm dứt. Chiến tranh đang lẩn khuất trong cơ thể những người lính và tiếp tục để lại di chứng, nỗi đau và bất hạnh cho gia đình họ. Và nỗi đau, bất hạnh của gia đình bà Liên là một minh chứng hùng hồn!


Công Kiên

Mới nhất
x
Người mẹ của những "vần thơ da cam"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO