Người mẹ khiếm thị tìm 'ánh sáng' từ nội lực
(Baonghean.vn) - Một vụ tai nạn năm 29 tuổi đã cướp đi đôi mắt của Phạm Thị Thu Nga (phường Đội Cung, TP. Vinh). Vượt lên những mất mát, thiệt thòi, chị Nga đã tìm thấy “ánh sáng” từ sự chăm chỉ, ham học hỏi và thái độ sống tích cực của mình.
Điều khó chấp nhận nhất
Dù đã 15 năm trôi qua kể từ ngày xảy ra vụ tai nạn, nhưng chị Phạm Thị Thu Nga vẫn chưa thể nào vượt qua được nỗi buồn vĩnh viễn mất đi đôi mắt. Kể về câu chuyện xưa, giọng chị nghẹn lại, đôi môi run run và những giọt nước mắt chảy thành dòng dưới gọng kính đen.
“Hôm đó là một ngày mưa tầm tã. Khi đang lái xe máy trên đường, tôi đưa một tay lên vuốt những giọt nước mưa tạt trên mặt mình. Khi vừa buông tay xuống, ngay phía trước tôi đã là đuôi của một chiếc xe bồn. Tôi đâm vào khung chiếc xe khi nó đang dựng bên đường và không bật đèn. Chiếc mũ bảo hiểm không đủ cứng, toàn bộ xương mặt tôi sụp xuống, vỡ vụn, đôi mắt không còn nhìn thấy gì…” – chị Nga kể. Chị tức tốc được chuyển xuống bệnh viện tỉnh, rồi ra Hà Nội, di chuyển qua mấy viện lớn, nhưng không một bác sĩ nào có thể cứu vãn cho đôi mắt của chị. Chức năng ngửi của mũi cũng mất hoàn toàn.
Sau nhiều tháng điều trị ở viện, chị Nga trở về nhà trong sự hụt hẫng của bản thân. Thương chị, mọi người chăm sóc chị hết mực. Sợ chị buồn, bạn bè thường xuyên đến thăm và rủ đi chơi. “Lúc đó, một phần vì sâu thẳm bên trong tôi cũng chưa tin rằng mình sẽ mù vĩnh viễn. Tôi vẫn nuôi hy vọng một ngày nào đó khi ngủ dậy, mình sẽ nhìn thấy ánh sáng, dù mờ mờ thôi cũng được. Tôi nhận thức rõ ràng rằng, mình mà đau khổ thì những người yêu thương mình còn đau khổ hơn, họ có tội tình gì đâu. Và tôi còn có con nhỏ, một đứa 5 tuổi, 1 đứa 10 tháng. Các con tôi cần mẹ và tôi phải sống, phải vững vàng vì các con. Nghĩ vậy, tôi kìm nén tất cả những cảm xúc tiêu cực, tỏ ra ổn, vẫn tỏ ra mạnh mẽ, bản lĩnh. Chỉ khi chắc chắn không có ai xung quanh, tôi mới cho phép mình khóc…”.
Mặc dù chưa thể chấp nhận sự thật phũ phàng về đôi mắt nhưng với sự thông minh, nhanh nhẹn của mình, chị Nga nhanh chóng thích nghi được với thế giới không ánh sáng. Chị vận dụng tối đa sự tưởng tượng và xúc giác để lần mò những bước đầu tiên, tập làm những công việc đầu tiên. Có lúc chị va vấp, có lúc ngã đau, có lúc đổ bể, có lúc hỏng việc, nhưng những khó khăn vụn vặt đó không thể làm khó chị.
Tôi may mắn được gia đình bên nội, bên ngoại và chồng chăm sóc hết mực. Nếu tôi không chủ động đòi, có khi mọi người cũng sẽ không bao giờ để tôi làm. Nhưng bản thân tôi muốn tự mình làm tất cả, trước hết là để cơ thể được vận động, sau là để bản thân có thể chủ động trong cuộc sống. Tôi không muốn là gánh nặng của bất kỳ ai.
Cách đây 6 năm, khi phát hiện ra mình có thêm em bé thứ 3, chị quyết định giữ con lại và chỉ nhờ người thân chăm trong tháng đầu tiên. Kể từ tháng thứ 2, người mẹ mù hoàn toàn tự mình chăm con từ a đến z. Nhiều người hoài nghi, nhiều người lo lắng, nhưng chị đã làm được.
Khi kỹ năng tự chăm sóc bản thân và gia đình tốt hơn, chị Nga chủ động tìm đến cộng đồng những người khiếm thị để thêm bạn, thêm sự đồng cảm, chia sẻ. Chị và những người bạn cùng cảnh ngộ trong Hội Người mù tỉnh từng hỏi nhau: Nếu bây giờ mắt sáng lại, việc đầu tiên muốn làm là gì? Chị nói với bạn, chị sẽ đạp xe đi một vòng thành phố Vinh, để xem Vinh đã thay đổi như thế nào. Nói là vậy, nhưng kỳ thực, trong đầu chị đâu chỉ có mỗi điều đó. Chị muốn ngắm nhìn 3 cô con gái của mình xinh đẹp như thế nào, muốn xem bố mẹ mình đã già ra sao, muốn soi những thay đổi của chính mình trong gương sau chừng ấy năm…
Trầm tư cúi xuống một chút, chị lại nghẹn ngào: “Trong tất cả những điều khó vượt qua, việc chấp nhận mình mãi mãi không thể nhìn thấy, có lẽ là điều khó để vượt qua nhất. Nếu như khiếm thị bẩm sinh, có lẽ người ta dễ dàng chấp nhận hơn. Còn với những người đã từng nhìn thấy như tôi thường sẽ bị tiếc nuối và day dứt”.
Không ngừng học tập và biết ơn
Với những nền tảng văn hoá sẵn có và thói quen tích luỹ kiến thức, trau dồi bản thân, chị Nga đã tìm thấy những giá trị tuyệt vời trong cuộc sống của mình.
Nhiều năm sau vụ tai nạn, không chỉ làm việc nhà, chị Nga còn gắn bó với công việc đóng gói hàng tại xưởng làm hương của gia đình. Công việc tuy phù hợp với kỹ năng sẵn có của bản thân nhưng lại không thật sự phù hợp với tính cách của chị.
“Ngồi một chỗ và chỉ làm công việc của đôi tay khiến tôi cảm thấy tù túng. Tôi duy trì thói quen nghe ti vi để cập nhật những thông tin thời sự và những kiến thức về sức khoẻ, nghe podcast và sách nói để rèn luyện tư duy, làm giàu vốn sống. Những điều này khiến cuộc sống của tôi phong phú và ý nghĩa hơn” – chị Nga thổ lộ.
Nhiều năm duy trì thói quen này, tính đến bây giờ, chị Nga không thể thống kê được số sách nói mà mình đã từng nghe. Chị tiếp nhận kiến thức đủ thể loại, từ văn học nước ngoài đến văn học Việt Nam, từ sách kinh tế đến sách nuôi dạy con, từ sách tâm lý đến kỹ năng sống…
Không chỉ đọc sách, từ các chương trình podcast, radio, chị Nga biết thêm những khoá học về phát triển bản thân và nuôi dạy con cái. Chị nói: “Dù cuộc sống chật vật, khó khăn nhưng tôi sẵn sàng bỏ tiền cho một khoá học trực tuyến mà mình thích, chỉ cần cảm thấy giá trị khoá học đó là xứng đáng. Học tập khiến tôi tốt hơn mỗi ngày, kiểm soát cảm xúc tốt hơn, nhìn nhận vấn đề thấu đáo hơn. Khi bản thân hiểu biết hơn thì những người xung quanh mình, đầu tiên là chồng và con, cũng sẽ được hạnh phúc hơn”. Chính quá trình tích luỹ âm thầm này đã khiến chị có thêm động lực để “làm một điều gì đó” ý nghĩa hơn cho mình.
Từ giới thiệu của bạn bè, chị Nga đi học nghề ở một cơ sở massage, bấm huyệt của người mù. Được đánh giá là học nhanh, chị Nga sớm thạo nghề. Không dừng lại ở những gì được dạy, chị còn bỏ tiền để trải nghiệm dịch vụ của tất cả những người giỏi nghề để có thêm kinh nghiệm.
“Ban đầu, gia đình và bạn bè tôi khá ái ngại khi tôi làm công việc này. Vì trước đây chưa từng trải nghiệm dịch vụ nên một số người có những định kiến với nghề massage và đánh đồng công việc của tôi với những hình thức massage không lành mạnh khác. Nhưng sau này, khi trực tiếp chứng kiến, tham gia, mọi người mới hiểu và quay sang ủng hộ. Tôi thích công việc này vì nó liên quan đến sức khoẻ - đúng lĩnh vực mà tôi quan tâm, được quen biết, trò chuyện với nhiều người, và giúp tôi có mục tiêu để phấn đấu, rèn luyện” – chị trải lòng.
Tuy nhiên, công việc tại cơ sở massage của người mù cũng có rất nhiều hạn chế. Đặc thù của công việc này là khách đến sau giờ làm việc, có những ngày khách đông, công việc kéo qua 12 giờ đêm. Không đành lòng chứng kiến chồng, con đưa đón mình dang dở giấc ngủ để đưa đón mình, nhất là trong những ngày mưa gió, rét mướt, chị Nga quyết định tự mình mở dịch vụ và phục vụ tận nhà. Lại một lần nữa, mọi người không tin chị có thể làm được, nhưng chị đã làm được. Với sự trợ giúp của công nghệ, chị đặt xe, nhờ tài xế hoặc chủ nhà dẫn vào. Với sự thông minh, tận tuỵ, vốn hiểu biết rộng và kiến thức về y học từng tích luỹ, số lượng khách hàng tìm đến chị ngày một nhiều.
Tôi đã từng oán trách số phận và không biết trân trọng những gì mình đang có. Cũng đã từng vì lo lắng, ngần ngại nên đã bỏ phí rất nhiều thời gian. Nhưng bây giờ thì không vậy nữa, mỗi sáng mai tỉnh giấc, tôi luôn cảm thấy biết ơn cuộc sống, biết ơn gia đình. Tôi làm những gì trái tim mách bảo với sự tự tin cao nhất. Và tôi cũng tin rằng, thái độ sống này sẽ giúp tôi tìm thấy những “ánh sáng” mới của mình.