Người mở đường thoát nghèo trên Huồi Mạ Lang

16/10/2013 17:18

(Baonghean) - Dưới mù sương chân núi Buộc Len ở xã vùng sâu Mỹ Lý (Kỳ Sơn), một cựu chiến binh người Thái đã tạo dựng nên một trang trại mà không có quyết tâm vượt nghèo, sự ham học hỏi và niềm say mê lao động thì không thể thành công...

Vượt qua khu vườn xanh tốt rõ sự chăm chút tay người trồng, bất thần vang lên tiếng gọi từ bên kia mặt ao lao xao cá đớp động: “Cứa hờ! Cứa hờ...”. Và lộp cộp tiếng vó từ bìa núi về phía một người đàn ông đang giơ tay vỗ về đàn bò vàng mẫm. Chủ tịch Hội Nông dân xã Mỹ Lý bảo: “Chủ trại đang gọi bò về cho ăn muối đấy!”.

Cùng ngồi bệt trên sạp nhà sàn bên vựa ngô vàng chóe vừa thu hoạch, chủ trại - CCB Lô Mạnh Hùng cười sảng khoái kể: “Từ xem ti vi, sách báo, thấy người ở bản này mường nọ khắp nước có đất đai, điều kiện như mình mà nó làm giàu được, nên cái “máu” của người lính nó cứ trỗi lên. Thế là tôi bỏ công lội hết khắp các khe suối, nhiều ngày mới chọn được vùng Huồi Mạ Lang này để quyết làm cho được cái trang trại”.

Mô hình chăn nuôi của CCB Lô Mạnh Hùng.
Mô hình chăn nuôi của CCB Lô Mạnh Hùng.

Đầu tiên, ông Hùng làm cái chuyện “động núi”: bỏ ra 20 triệu đồng thời giá 2005 để thuê máy ủi về mở 1,5 km đường lên Huồi Mạ Lang ở độ cao 800 mét so mặt biển. Đường lên tới nơi rồi, để con cái đang tuổi học hành ở ngoài bản, vợ chồng ông ròng rã 3 tháng trời tay cuốc đào được 1 héc-ta ruộng, phát cái mặt bằng dựng lán ở. Sau đó, ông tiếp tục vay mượn thuê chở cát, xi măng lên xây chuồng trại chăn nuôi, đào ao thả cá.... Ông Hùng chỉ tay ra cây khế ngọt lúc lỉu quả đầu nhà, bảo: “Tôi thuê nhân công từ tận Hà Tĩnh sang, đào hai cái ao hết 16 triệu đồng tiền công. Cảm được cái chí của tôi, các người thợ họ đem giống khế từ Hà Tĩnh lên trồng kỷ niệm đấy!”. Ấy là một trong những niềm vui nho nhỏ để vợ chồng ông Hùng trụ lại rừng vắng, hoàn thành cái chí nguyện của mình, chứ còn bà con dân bản lúc đó thì cứ nghi ngại bàn lùi mãi...

8 năm bỏ bản lên rừng (từ 2005), nay đã rõ ra được cái mô hình trang trại mà lần hồi giúp gia đình ông Hùng vượt qua túng thiếu, dần cho tích lũy; nhưng cũng nhiều phen thất bại mà người không có ý chí, không chịu khó tìm tòi học hỏi thì cái nản nó đè bẹp thành quả từ mồ hôi và tiền của bao năm đổ vào. Ấy là cá được mấy mùa đầu thả một yến thu về mấy tạ, bán nhanh lại được giá, nhưng sau đó mấy vụ cứ thả là chết trắng cả góc ao. Ông Hùng đã lặn lội đi tìm nguyên nhân, tham khảo hết khuyến nông, thú ý xã, huyện, lại ra các mô hình trang trại khắp các vùng. Đi rồi về nuôi thử hết giống này giống khác; chưa được, không để phí ao ông thả rô phi, rồi lại đi tìm hiểu tiếp... “Bây giờ, tôi đã tìm ra giống cá chép đen có thể phù hợp, sắp tới sẽ thau lại ao để thả”, ông Hùng cho biết.

Nhưng, “đau” nhất là vào năm 2012, ông nuôi đến 20 con lợn, đang đẹp chằn chặn sắp xuất bán dịp Tết thì lần lượt lăn ra chết, báo ra tận thú y huyện nhưng đều bó tay. Vợ chồng ông buồn mất cả tháng, nhưng rồi vẫn không nản, ông đi tìm hiểu thêm về kỹ thuật chăm sóc, tiêm phòng dịch bệnh, và lại mua lợn giống về nuôi tiếp, bây giờ trong chuồng vẫn có 4 con. – Còn trâu bò thì sao? “Trâu bò thì nuôi tốt. Ban đầu là tôi bỏ ra 45 triệu đồng mua 6 con bò, 32 triệu đồng mua 2 con trâu từ dưới Diễn Châu lên. Tiền ấy là vay cả đấy, nhưng tôi tính chắc ăn nên mạnh dạn đầu tư. Vấn đề là không để trâu bò phá hoại hoa màu, cây cối mình trồng cũng như nương rẫy của bà con xung quanh. Lấy nhà ở và ao cá làm tâm, tôi tạo 2 vòng vành đai, vòng thứ nhất khoanh thả trâu bò, vòng thứ hai trồng ngô, rau quả, trồng cây thầu dầu là hàng rào, rồi tiến hành trồng thêm cỏ voi. Bây giờ thì tôi đã bỏ ra 16 triệu đồng mua dây thép gai rào quanh trang trại, trâu bò không đi đâu được nữa. Nuôi trâu bò, nó sinh sản mỗi năm bán 1 - 2 con, tôi cũng có thu 25 - 50 triệu đồng rồi!”.

Ông Hùng chăm sóc nhím.
Ông Hùng chăm sóc nhím.

Chủ tịch Hội Nông dân xã ngắt lời ông Hùng, khoe: “Trang trại ông ấy còn nuôi dê, nhím nữa đấy!”. Ô, thì ra vào năm 2010, ông Hùng còn tự đi tìm hiểu, về tự tay trộn hồ đặt gạch xây chuồng nuôi 16 con nhím. Ẩn khuất sau rặng cây ăn quả bên bờ ao là một chuồng nhím xinh xắn được xây cất rất “chuẩn”, đàn nhím được chăm sóc vệ sinh chuồng sạch sẽ, mới rồi đã bán 8 con thu 20 triệu đồng. Xuôi xuống phía dưới là chuồng gà với gần 200 con gà đen, theo tính toán của ông Hùng, bán hết sẽ cho thu hơn 30 triệu đồng. “Tôi đang nuôi 8 con dê, phát triển tốt lắm. Tôi sẽ nhân đàn nuôi dê là chủ lực. Nuôi dê bây giờ chắc thắng nhất!”, ông Hùng khẳng định. Ông cũng cho biết thêm, đang ươm 500 cây lất hoa và gỗ sưa để vụ xuân tới trồng. Còn vườn mấy trăm gốc trồng trước đó, cũng sắp cho thu hoạch, ông sẽ lấy tiền đó để kiến thiết thêm chuồng trại phát triển chăn nuôi...

Đã thành công mô hình trang trại với mức lãi hàng năm khoảng 50 triệu đồng, chưa nhiều, nhưng niềm vui của CCB Lô Mạnh Hùng là nhờ từ con đường mở lên Huồi Mạ Lang của ông, hàng chục hộ dân khác theo lên bám hai bên đường này làm kinh tế gia trại, thoát được đói nghèo. Niềm vui lớn thứ hai là, từ lối sống gương mẫu, ý chí lao động lằm ăn của ông bà, các con đều học hành, đi ra lao động chăm chỉ, có nền nếp nhất xã vùng sâu Mỹ Lý này. Đó là điều tôi được ông Chủ tịch Hội Nông dân xã khẳng định.

Đình Sâm

Mới nhất
x
Người mở đường thoát nghèo trên Huồi Mạ Lang
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO