Người Mông "cõng chữ" về bản
Chuyện khổ học thành tài của Và Bá Tủa...
Người Mông cõng con chữ về bản,
Con chữ cõng người Mông thoát nghèo.
(Điệu Lù tổ)
Chuyện khổ học thành tài của Và Bá Tủa...
(Baonghean.vn) - Một ngày đầu Đông năm 2010, trời chớm lạnh, được sự dẫn đường của bác sỹ Và Bá Tủa - một người Mông tiêu biểu về khổ học và thành đạt ở bản Huồi Cọ, xã Nhôn Mai, tôi vượt hơn 50 km đường dốc từ trung tâm xã Nhôn Mai đi qua bản Có Hả, Na Lợt, Xói Voi... để trở lại thăm bà con dân tộc Mông nơi đây sau bao năm xa cách.
Chỉ có trái tim và lòng nhiệt huyết mới có thể giúp ai đó lần đầu đến Huồi Cỏ vượt qua những cái dốc dựng đứng đến tức thở. Vậy mà ngày ngày người Mông ở Huồi Cọ vẫn miệt mài lên xuống trên con đường này để tìm đến cái chữ, để mua muối và hàng hóa phục vụ cuộc sống của họ. Bản Huồi Cọ hiện ra trước mặt tôi như tổ chim nằm cheo leo dựa vào vách núi của ngọn núi Phá Đánh cao vọi.
Tranh thủ ngày nghỉ học sinh dân tộc Mông đi lấy củi
Cách đây hơn 20 năm, khi còn đói kém, người Mông bản Huồi Cọ chỉ nghĩ đến việc làm sao cho no cái bụng, áo được lành, chứ chưa ai dám nghĩ đến chuyện học hành và cho con cái đến trường học. Trẻ em khi đã cầm chắc con dao quăng, cầm chắc cái cuốc là phải lên nương, lên rẫy làm việc, cốt là để làm ra nhiều hạt lúa, bắp ngô cho ấm bụng những tháng năm đói mòn đói mỏi. Vì vậy, con em nơi đây chỉ biết lên nương, lên rẫy, lội suối tốt, săn bắn giỏi chứ đọc chữ, viết chữ thì chịu. Trong nhiều năm dài, tỷ lệ trẻ em không biết đọc, biết viết chiếm đa số. Không biết chữ tất việc tiếp thu những cái mới và đặc biệt là những chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước khó lòng đến được với người dân của bản Mông.
Năm 1986, bác sỹ Và Bá Tủa - khi đang học dở lớp 7 đã phải bỏ học vì phải theo cha, mẹ trồng cây thuốc phiện mãi tận Piềng Lọng Quàng. Nghe thầy Lô Văn Tắn, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Dân tộc nội trú Tương Dương khuyên bảo, Và Bá Tủa đã đồng ý xuống Thị trấn Hòa Bình để học tiếp cái chữ. Thầy Lô Văn Tắn đưa Và Bá Tủa về nhà mình ở và nuôi ăn học. Tôi được anh Tắn giao nhiệm vụ kèm Tủa học. Tôi học tiếng Mông với Và Bá Tủa, còn em thì học Toán, học Văn với tôi. Hàng ngày tiếp xúc với Và Bá Tủa tôi nhận ra Tủa thông minh và có trí nhớ rất tốt. Sau khi học hết lớp 7, chúng tôi tìm cách chuyển Tủa về học Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh. Sau 5 năm miệt mài học tập, Và Bá Tủa tốt nghiệp lớp 12, rồi được xét đi học Trường Trung cấp Y tế Nghệ An theo chính sách cử tuyển dành cho học sinh các dân tộc thiểu số.
Ra trường không xin được việc làm, Và Bá Tủa xách túi thuốc đi khắp nơi để khám và chữa bệnh cho nhân dân. Dẫu cuộc sống gia đình còn rất nhiều khó khăn nhưng đối với người bệnh nghèo Tủa không lấy tiền. Có chuyện cứu người mà Và Bá Tủa không bao giờ quên. Ấy là chuyện anh Lỳ Chia Dở ở bản Phá Mựt, bị một khối u ở ngay trong họng, hết bệnh viện huyện, lên tỉnh, rồi ra viện Trung ương, người ta trả về kèm theo lời dặn "gia đình lo chuyện hậu sự là vừa". Gia đình tìm đến Và Bá Tủa nhờ cứu chữa.
Sau khi khám cho bệnh nhân, Và Bá Tủa quyết định cắt vứt khối u trong họng bệnh nhân "Em cũng hơi do dự, nhưng em tin khối u đó không khải là u ác, khoa học vẫn có lúc nhầm lẫn mà"- Và Bá Tủa tâm sự. Quyết định táo bạo đó của Và Bá Tủa đã cứu được mạng sống của một con người. Sau 3 tháng lành bệnh, gia đình anh Lỳ Chia Dở đưa 2 bạc nén và một con lợn 7 yến để tạ ơn.
Và Bá Tủa không những không nhận bạc nén và lợn của anh Lỳ Chia Dở mà còn tổ chức một bữa cơm mừng cho bệnh nhân đã thoát khỏi lưỡi hái của tử thần. Sau sự kiện ấy và nhờ chị Kha Thị Hoan- Phó Chủ tịch UBND huyện (vợ của anh Lô Văn Tắn) giúp đỡ, Và Bá Tủa đã được tuyển dụng vào ngành Y tế. Mấy năm sau Và Bá Tủa thi đậu vào Trường Đại học Y Thái Bình hệ chuyên tu. Bây giờ Bác sỹ Và Bá Tủa đã là Trạm trưởng Trạm Y tế xã Nhôn Mai và là một bác sỹ giỏi, hết lòng vì người bệnh- một điển hình tiên tiến trong phong trào "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" ở huyện Tương Dương.
Khuyến học khuyến tài ở bản
Ngày Và Bá Tủa được cử đi học ở "bản Vinh", cả bản Huồi Cọ và dòng họ Và mừng lắm, họ rất tự hào vì bản trên, bản dưới có ai được như thế đâu. Lũ trẻ thì mơ ước bao giờ mình được như anh Tủa. Được thầy cô khuyên "phải đi học đều, học chuyên cần và học thật giỏi thì mới được như anh Và Bá Tủa", thế là ai cũng nghe theo. Từ đó, cả bản Huồi Cọ không còn người bỏ học. Không chỉ dừng lại ở bậc tiểu học, các em học sinh nơi đây tiếp tục vượt khó để học lên cao hơn, hết bậc tiểu học lại học tiếp bậc THCS rồi THPT và vào các trường chuyên nghiệp. Khi lên bậc THCS, hầu hết các em đều đến trường trọ học. Người Huồi Cọ xuống gặp lãnh đạo xã, Ban Giám hiệu nhà trường xin đất, chặt gỗ, kéo tre về dựng nhà ký túc xá cho các em ăn ở để học hành.
Học THPT là để có cơ hội được học chuyên nghiệp và để trở thành cán bộ. Nhưng không phải gia đình nào ở bản Huồi Cọ cũng có điều kiện để cho con đi học. Trường cách xa nhà tới hàng trăm cây số, điều kiện ăn ở và đi lại còn rất nhiều khó khăn. Vả lại, đã đến độ tuổi này thì phải lên núi làm nương giúp gia đình. Vượt lên những khó khăn ấy, cha mẹ các em xuống tận Hòa Bình để thuê nhà cho các em ở trọ và phong trào khuyến học, khuyến tài ở bản Huồi Cọ cũng xuất hiện từ đây. Các em học sinh học giỏi hoặc đi học THPT hay đang học ở các trường chuyên nghiệp đều được dòng họ và dân bản hỗ trợ, tùy theo khả năng từng nhà mà các hộ gia đình đóng góp vào Quỹ khuyến học của bản hay của dòng họ.
Từ phong trào quyên góp hỗ trợ học sinh ăn học đã trở thành phong trào thi đua lao động sản xuất giỏi để làm ra thật nhiều lúa, ngô, nhiều con trâu, con lợn, con gà... để nuôi con em mình ăn học để trở thành người tốt. Từ đó nhà nghèo hết nghèo, bây giờ ở bản Huồi Cọ nhiều hộ gia đình đã có mức sống khá giả. Trưởng bản Và Khua Đớ cho biết: "Cả bản Huồi Cọ có trên 40 cặp trâu, bò khuyến học, khuyến tài, trong đó chỉ tính riêng trâu, bò của dòng họ Và đã có 15 cặp, ấy là chưa kể đến những con lợn, những con gà đen, gà thiến... đấy".
Cả bản Huồi Cọ bây giờ có 35 hộ, hơn 200 nhân khẩu thì đã có 17 em tốt nghiệp các trường trung cấp, cao đẳng, đại học hiện đang công tác ở các lĩnh vực khác nhau ở 2 huyện Tương Dương và Kỳ Sơn. Có em là công an, có em là sĩ quan bộ đội biên phòng, có em công tác trong ngành Giáo dục, Y tế... như Và Bá Tủa, Và Bá Thái, Và Bá Cau, Và Bá Chủ, Già Bá Già hay Và Bá Xáo...
Người dân trong bản vẫn luôn nhắc đến những gương hiếu học vượt khó như Và Bá Tỉnh hiện đang học Đại học Vinh, Và Bá Cở - Đại học Nông nghiệp I, rồi bác sỹ Và Bá Tủa hay thầy giáo Và Bá Xáo, Già Bá Già... đã trở thành thầy giáo của bản. Các em đang vươn lên để học, để thực hiện ước mơ của mình. Rồi đây ước mơ ấy sẽ được hiện thực hóa ngay tại bản của mình, phấn đấu nâng cao chất lượng cuộc sống nơi đây, làm cho bản Huồi Cọ của các em thêm giàu đẹp...
Chia tay bản Huồi Cọ khi mặt trời đang nhô lên khỏi dãy núi Phá Đánh cao vời vợi. Ngoảnh mặt lại, chúng tôi nhận thấy những triền núi hình trang sách mở đang tràn ngập ánh nắng ban mai. Nhịp sống và điệu khèn Mông phía xa xa như đang ca vang bài ca về sự học nơi đây: "Người Mông cõng con chữ về bản/Con chữ cõng người Mông thoát nghèo".
Vi Hợi