Người Nghệ An hướng về Cách mạng Tháng Mười Nga
Chỉ tính trong 2 năm 1929-1930, ở Nghệ An đã có nhiều cuộc biểu tình ủng hộ Cách mạng Tháng Mười Nga và thực dân Pháp đã điên cuồng đàn áp những cuộc biểu tình ấy đẫm máu. Nhiều người đã hy sinh, đã bị thương và bị bắt. Trong nhà lao Vinh, các chiến sĩ cộng sản tiếp tục đấu tranh bộc lộ tình cảm, chí hướng của mình theo Lê nin và cách mạng vô sản vĩ đại…
(Baonghean) - Chỉ tính trong 2 năm 1929-1930, ở Nghệ An đã có nhiều cuộc biểu tình ủng hộ Cách mạng Tháng Mười Nga và thực dân Pháp đã điên cuồng đàn áp những cuộc biểu tình ấy đẫm máu. Nhiều người đã hy sinh, đã bị thương và bị bắt. Trong nhà lao Vinh, các chiến sĩ cộng sản tiếp tục đấu tranh bộc lộ tình cảm, chí hướng của mình theo Lê nin và cách mạng vô sản vĩ đại…
Trong cuốn “ Những sự kiện lịch sử Đảng bộ tỉnh Nghệ An” trang 22 có ghi: Tháng 10 năm 1929, kỷ niệm lần thứ 12 - Cách mạng Tháng Mười Nga, Kỳ bộ Trung Kỳ chủ trương rải truyền đơn kêu gọi: “Công nông binh đoàn kết lại theo gương Cách mạng Tháng Mười đánh đổ đế quốc chủ nghĩa, đánh đổ Nam triều phong kiến chế độ, thiết lập chính quyền Xô Viết công nông binh Đông Dương, giao nhà máy cho thợ thuyền, giao ruộng đất cho dân cày, thực hành chuyên chính vô sản và chủ nghĩa cộng sản”. Thực hiện chủ trương đó, nhiều nơi trên địa bàn Nghệ an đã nổ ra cuộc mít tinh, biểu tình do tổ chức thanh niên và Đảng Tân Việt lãnh đạo. Nhưng sau vụ rải truyền đơn phản đối đế quốc và kêu gọi kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười Nga lần thứ 12, bọn mật thám đã bắt được đồng chí Trần Văn Cung, ủy viên Xứ ủy Trung Kỳ, ủy viên Ban chấp hành Trung ương lâm thời Đông Dương cộng sản Đảng. Chúng tra tấn dã man và giam đồng chí vào nhà lao Vinh.( theo cuốn “Nhà lao Vinh“, trang 72)
Lịch sử Đảng bộ tỉnh Nghệ An tập I, trang 73 ghi “Ngày 7/11/1930 tại Yên Thành đã nổ ra cuộc biểu tình kỷ niệm lần thứ 13 Cách mạng Tháng Mười Nga nhằm biểu dương lực lượng quần chúng đòi giảm sưu, giảm thuế, phản đối đế quốc phong kiến, đàn áp công nông Bến Thủy và nông dân Hưng Nguyên. Quần chúng hai vùng trên và dưới huyện tổ chức thành hai đoàn biểu tình, mỗi đoàn khoảng gần 1000 người rầm rộ tiến về huyện lỵ. Đoàn biểu tình vùng dưới huyện đi đến cầu Muống (xóm Tương Lai, Phú Thành hiện nay thì bị bọn binh lính lê dương bắn xả vào đám đông làm 10 người chết và nhiều người bị thương. Đoàn biểu tình vùng trên huyện kéo đến nhà vòng cũng bị lính bắn làm 2 người chết và nhiều người khác bị thương.
Cũng vào sáng ngày 7/11/1930, tại Diễn Châu đã nổ ra cuộc biểu tình lớn của gần 2000 người, từ tổng hoàng trường Lý Trai Vạn Phần tập trung đến những địa điểm nhất định rồi kéo về phủ lỵ đưa yêu sách. Vừa đi, đoàn biểu tình vừa hô vang khẩu hiệu: “Ủng hộ Liên bang Xô Viết, đả đảo đế quốc Pháp Nam triều phong kiến”.
Mặc dầu bị lính đồn Diễn Châu bắn nát nhưng quần chúng vẫn tiến về phía trước. Hoảng sợ trước khí thế biểu tình, thực dân Pháp đã thẳng tay đàn áp làm 30 người chết và hàng trăm người bị thương.
Hai cuộc biểu tình ở Yên Thành và Diễn Châu đúng vào dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười Nga, ngoài ý nghĩa về tinh thần bất khuất dũng cảm của đồng bào, còn mang ý nghĩa thiêng liêng về tinh thần quốc tế vô sản của quần chúng nông dân ở một xứ thuộc địa lạc hậu dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản.
Hoàng Chỉnh