Người phụ nữ ở Nghệ An nhập viện sau khi làm đẹp tại Viện thẩm mỹ quốc tế Berry Clinic
Theo tố cáo của một nữ khách hàng, mặc dù chị không đồng ý sử dụng dịch vụ nhưng các nhân viên ở "Viện thẩm mỹ quốc tế Berry Clinic" vẫn tự ý sửa tai khiến chị sau đó phải nhập viện điều trị.
Khách hàng không đồng ý vẫn làm
Ngày 28/8, chị L.T.T. (38 tuổi, xã Nghi Kim, TP Vinh), được xuất viện sau hơn 1 tuần điều trị tại Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An. “Ít ngày tới, tôi còn phải ra Hà Nội thăm khám tiếp, chứ cũng chưa khỏi hẳn”, chị T. nói.
Chị T. là người tố “Viện thẩm mỹ quốc tế Berry Clinic”, có địa chỉ tại số 6 Mai Hắc Đế (TP Vinh), có nhiều hành vi mờ ám, khiến chị phải nhập viện sau khi vào sử dụng dịch vụ tại đây.
Theo chị T., ngày 15/8, thông qua quảng cáo trên mạng xã hội, chị tìm đến cơ sở thẩm mỹ này để xăm môi. “Khi tôi tới thì các nhân viên lần lượt tiếp cận, thuyết phục tôi sử dụng thêm các dịch vụ khác. Nhưng vì tôi không có nhu cầu, lại không mang nhiều tiền nên từ chối. Sau đó, tôi chỉ đồng ý xăm môi, với giá 4 triệu đồng đóng tiền trước”, chị T. kể. Tuy nhiên, sau khi đã đóng tiền để xăm môi xong, chị T. cũng không được đưa vào để tiến hành thẩm mỹ ngay, mà phải chờ đợi rất lâu.
“Các nhân viên ở đây bảo, hôm nay có bác sĩ ở Bệnh viện 108 trực tiếp làm cho tôi và phải chờ. Cứ khoảng 30 phút, các nhân viên lại thuyết phục một lần nữa để tôi sử dụng thêm dịch vụ khác. Cứ nhân viên này thuyết phục không được, lại đổi nhân viên khác. Đến khi thấy tôi không thay đổi quyết định, thì mới đưa tôi vào phòng để xăm môi. Khi tôi nằm xuống, thì có người phụ nữ mặc áo blouse, tự xưng là bác sĩ Thắm đến nói sẽ là người trực tiếp làm cho tôi”, chị T. kể và cho hay, chị sau đó bị bịt mắt, xung quanh có khoảng 4 nhân viên của cơ sở thẩm mỹ.
“Nằm xuống rồi, những nhân viên này tiếp tục thuyết phục, rỉ tai tôi làm thêm các dịch vụ khác. Người tự xưng bác sĩ Thắm cứ sờ vào tai tôi, bảo tai bị lệch, không phong thủy, nên phải chỉnh lại để có "tai tài lộc". Thậm chí cô ta còn nói tai bị phong thủy xấu, ảnh hưởng đến chồng con, để thuyết phục tôi. Tôi bảo không mang tiền, thì cô ta bảo cho nợ. Lúc này tôi cũng thấy nghi nghi rồi. Với lại, vì không có nhu cầu, nên tôi nhất quyết từ chối, yêu cầu họ tuyệt đối không làm gì thêm”, chị T. kể.
Tuy nhiên, theo T., khi chị đang được bôi thuốc để xăm môi, thì có cảm giác đau nhói ở tai. “Tôi giật mình ngồi dậy hỏi ‘chị làm gì tai em thế”?, thì cô ta nói không làm gì cả. Một lúc sau, thấy buốt rát ở tai, tôi hỏi lại thì thừa nhận đã làm “tai tài lộc” xong rồi. Lúc này, thì các nhân viên mới bảo các dịch vụ đều đã làm xong và chìa ra hóa đơn 30 triệu đồng, trong đó 15 triệu đồng là tiền làm “tai tài lộc”, 15 triệu đồng làm rãnh cười, chưa kể 4 triệu đồng xăm môi tôi đóng từ trước”, chị T. kể và cho hay, trong quá trình chị bị bịt mắt, cũng không có cảm giác bị làm rãnh cười, sau đó cũng không thấy thay đổi gì trên khuôn mặt. Tuy nhiên, vẫn bị tính tiền.
Chị T. và các nhân viên của cơ sở thẩm mỹ sau đó tranh cãi, vì chị T. cho rằng không có thỏa thuận nhưng các nhân viên vẫn làm, nên không đồng ý thanh toán. Tuy nhiên, lúc này nhiều nhân viên vây quanh chị T., quay clip dọa tung lên mạng xã hội tố “khách hàng làm đẹp nhưng không trả tiền”. “Các nhân viên yêu cầu tôi phải gọi người nhà lên thanh toán mới cho về. Tôi thì chỉ có 1 mình nên sau đó đành phải nhượng bộ, ký vào giấy nợ”, chị T. kể.
Sau khi trở về nhà, tối 15/8, lập tức chị T. bị sưng phù, chảy máu tại vị trí bị kim châm ở tai. Chị T. nhắn tin tới người tự xưng là bác sĩ Thắm đã làm cho chị thì người này trả lời “không sao đâu, chỉ cần lau sạch là mai khỏi”. Người này sau đó còn kê đơn thuốc kháng sinh để chị T. uống. Tuy nhiên, những ngày sau đó, càng uống kháng sinh thì tình trạng càng trở nên nghiêm trọng.
Cơ sở thẩm mỹ chối trách nhiệm
Đến ngày 20/8, không thể chịu đựng được nữa, chị T. được người nhà đưa tới Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An. Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán chị bị áp xe vùng tai 2 bên sau thủ thuật thẩm mỹ không rõ loại. Một ngày sau, chị được phẫu thuật rạch dẫn lưu viêm tấy lan tỏa vùng hàm mặt.
Lúc này, chị T. liên hệ với phía cơ sở thẩm mỹ thì liền bị phủi trách nhiệm. “Họ nói không liên quan đến họ. Họ cũng không làm gì xâm lấn cả. Trong khi tôi có bằng chứng đầy đủ”, chị T. nói và cho hay, chị cũng đã tìm hiểu và được biết người tự xưng là “bác sĩ Thắm”, thật ra là một trong những nhân viên ở đây, tên thật là Hiền.
Để làm rõ những nội dung mà chị T. phản ánh, sáng 28/8, phóng viên đã tới cơ sở thẩm mỹ này ở số 6, đường Mai Hắc Đế. Tuy nhiên, tại đây các nhân viên từ chối làm việc với lý do quản lý đi vắng. Các nhân viên này cũng cho biết, “không liên lạc được với quản lý”, đồng thời cũng từ chối cung cấp cho phóng viên số điện thoại của người này để liên hệ làm việc.
Trao đổi về vụ việc này, lãnh đạo Thanh tra Sở Y tế Nghệ An cho biết, cơ sở thẩm mỹ tại số 06 Mai Hắc Đế không được cấp phép phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ, nên chỉ được phép thực hiện các dịch vụ không xâm lấn, không sử dụng thuốc gây tê, không dùng tia và không được kê đơn thuốc.
Trước đó, hồi đầu tháng 7, Báo Nghệ An đã có loạt bài về các cơ sở thẩm mỹ hoạt động bát nháo và những lỗ hổng trong quản lý. Ngày 12/7, một trong những cơ sở thẩm mỹ là "Viện thẩm mỹ Mayo Clinic", có địa chỉ ở đường Nguyễn Phong Sắc bị Thanh tra Sở Y tế phạt hơn 100 triệu đồng và đình chỉ hoạt động 4,5 tháng.
Đến ngày 22/7, Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), đã có văn bản về việc nhiều cơ sở thẩm mỹ mạo danh bệnh viện, mập mờ chuyên môn gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Nội dung văn bản cho hay, Cục đã nhận được thông tin trên phương tiện thông tin đại chúng về việc nhiều cơ sở thẩm mỹ mạo danh bệnh viện, mập mờ chuyên môn.
Theo phản ánh, có nhiều cơ sở thẩm mỹ không đủ điều kiện vẫn đang hoạt động "chui", không ít cơ sở làm đẹp đã mạo danh các bệnh viện lớn lừa dối khách hàng và nhiều người đã là nạn nhân của các cơ sở mạo danh này (đối với các tên gọi của dịch vụ thẩm mỹ như "Thẩm mỹ viện", "Viện thẩm mỹ", "Trung tâm thẩm mỹ"…
Cục Quản lý Khám chữa bệnh yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện một số nội dung, cụ thể:
Khẩn trương kiểm tra, xác minh trên địa phương thuộc Sở Y tế quản lý đối với phản ánh của phương tiện thông tin đại chúng đã nêu trên. Phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan phát hiện, xử lý vi phạm đối với các cơ sở thẩm mỹ mạo danh bệnh viện, mập mờ chuyên môn, không đủ điều kiện vẫn hoạt động "chui", gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội và ngành Y tế, ảnh hưởng đến sức khoẻ người dân.Đồng thời, xử lý theo quy định của pháp luật và Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 15/11/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế. Cùng đó, Cục Quản lý Khám chữa bệnh đề nghị các Sở Y tế các tỉnh, thành phố tiếp tục tăng cường kiểm tra, thanh tra, tuyên truyền giáo dục về pháp luật cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện nghiêm việc khám bệnh, chữa bệnh theo đúng quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh, Nghị định số 96/2023/NĐ-CP ngày 30/12/2023 của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn thực hiện.
Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Nguyên Truyền - Chánh Thanh tra Sở Y tế Nghệ An cho biết, sau khi nhận được văn bản chỉ đạo thì đơn vị đã phối hợp với Công an TP Vinh thành lập đoàn kiểm tra các cơ sở thẩm mỹ trên địa bàn. "Hiện nay vẫn đang trong quá trình kiểm tra. Chúng tôi đang mời một số cơ sở thẩm mỹ lên để giải trình và lập hồ sơ xử lý", ông Truyền nói.
Báo Nghệ An sẽ tiếp tục thông tin về sự việc này.