Người phủi bụi tìm vàng
(Baonghean.vn) - Đã cận kề tuổi 70, nhưng đôi chân cña ông giáo già Thái Huy Bích vẫn cần mẫn lặn lội hết làng này, xóm nọ khắp các huyện Hưng Nguyên, Nghi Lộc ghi chép, sưu tầm di sản Hán Nôm.
Với ông, đó không chỉ là niềm đam mê, là thú vui tuổi già mà hơn hết đó là trách nhiệm trước giá trị di sản mà cha ông để lại... Người ta ví ông như người “phủi bụi tìm vàng”.
Những cuộc kiếm tìm
Sinh năm 1946, sau khi tốt nghiệp THPT, Thái Huy Bích (Khối 13, Thị trấn Hưng Nguyên) khăn gói lên đường nhập ngũ. Mười một năm trong quân ngũ, ông từng tham gia chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị ác liệt, sau giải phóng chuyển về Huế. Tiếp đó, ông được cử đi học Đại học Sư phạm Huế, khoa Toán. Tốt nghiệp ra trường, ông về dạy học ở Hà Tĩnh, sau đó chuyển về dạy Trường cấp 3 Phạm Hồng Thái ở quê nhà, rồi làm Chủ tịch Công đoàn ngành giáo dục huyện, Trưởng phòng Giáo dục và cuối cùng là Phó Chủ tịch UBND huyện cho đến lúc nghỉ hưu.
Ông Thái Huy Bích bên tập bản thảo Hán Nôm
Tuy vậy, ông vẫn tích cực tham gia công tác xã hội, làm chủ tịch Hội cựu giáo chức huyện, tham gia phong trào khuyến học, khuyến tài của địa phương.
Trước thực tế người dân rất trân trọng chữ Hán, thích treo chữ Hán nhưng lại không hiểu nghĩa ông bắt đầu học Hán Nôm. Học qua những người cao tuổi biết chữ Nho, chữ Hán trong làng, trong xã; học qua chương trình trên Đài Tiếng nói Việt Nam; học qua sách Hán Nôm mượn được... Mỗi ngày học một ít và tích lũy dần. “Già rồi, nên việc học cũng không phải là dễ.
Lúc bắt đầu học, không ít người cho ông là “gàn dở”. Nhưng niềm đam mê đã tiếp cho ông động lực. Từ chỗ không biết gì về Hán Nôm, nay ông có thể đọc và dịch được các văn bản bằng chữ Hán.
Năm 2009, UBND huyện Hưng Nguyên giao cho Hội Cựu giáo chức huyện thực hiện Đề án “Sưu tầm di sản Hán Nôm ở Hưng Nguyên”. Ông đứng ra đảm nhận với vai trò là chủ nhiệm đề án và cùng hai ông giáo già trong hội là Phan Văn Trân, Nguyễn Đình Vân lập thành nhóm sưu tầm.
Từ đó, đôi bàn chân ông lặn lội đi hết làng này, xã nọ để ghi chép, sưu tầm. Ròng rã hàng năm trời, ông không nhớ nổi mình và hai ông bạn già đã đi đến bao nhiêu thôn xóm, đến bao nhiêu nhà thờ họ, bao nhiêu gia đình, bao nhiêu đình chùa, miếu mạo. Nghe ở đâu có văn bia, sắc phong, hoành phi, câu đối là ông tìm đến. Có lần, đang ngồi uống trà ở quán quen, hay tin có tấm bia đá bằng chữ Hán vứt chỏng chơ ở góc vườn một nhà hàng, ông cùng bạn vội vàng tìm đến nơi có tấm bia đó, lau chùi cẩn thận rồi tỉ mẩn sao chép lên giấy, sau đó tìm cách dịch nghĩa... Trước đó, tấm bia từng bị đem ra làm bàn giặt nên chữ mòn vẹt, mờ hết, phải công phu lắm mới sao chép, lắp ráp lại và dịch được trọn nghĩa. Sau đó, tấm bia được một dòng họ rước về đặt ở vị trí trang trọng trong nhà thờ họ.
Có nhiều tấm sắc phong, do không được bảo quản, bị mục nát, rách vụn từng mảng, ông cẩn thận ghép lại, sau đó sao sang sổ tay nhiều lần, dò tìm qui luật để dịch. Để dịch thành công một văn bia, một bức hoành phi, bài vị, ông phải sao chép lại nhiều lần vào sổ tay, chụp ảnh, phóng ra kích cỡ lớn, đổ vào máy tính, phóng to cỡ chữ rồi lắp ghép, dịch từng chữ, từng đoạn mới chắp lại thành câu rõ nghĩa. Nhiều chỗ khó, phải tìm người am hiểu hơn mình để hỏi, để tham khảo. Nhóm của ông còn liên hệ với những người dịch Hán Nôm ở Huế, Hà Nội và Viện Hán Nôm để trao đổi việc dịch thuật. Dịch xong, ông nhờ những người trong CLB Hán Nôm tỉnh thẩm định lại. “Làm công việc này đòi hỏi phải có niềm đam mê, phải có cái tâm và đặt trách nhiệm lên hàng đầu. Nếu không kiên trì, rất dễ bỏ cuộc giữa chừng. Bởi ngoài sự công phu, cất công tìm kiếm còn phải bỏ ra không ít chất xám, công sức để dịch ra nghĩa, dịch sao cho sát, cho hay...”.
Không ít lần, nửa đêm canh ba, đang ngon giấc, bỗng giật mình nhớ ra nghĩa của một từ, tìm ra ý của một câu, ông bật dậy, chong đèn ghi ra giấy.
Lần giở những tấm hình chụp lại văn bia, những bản thảo dịch nghĩa với tất cả sự nâng niu, trân trọng, ông kể cho chúng tôi nghe về quá trình sưu tầm... Sắc phong này ông cùng cộng sự tìm được trong đống gỗ mục nát của gia đình nhà nọ; văn bia này ông “khai quật” được ở ao cá nhà kia; tấm bài vị này bị vùi lấp dưới lớp bùn đen đã lâu, trận lụt tháng 10 năm nọ cuốn theo nó và tình cờ tìm thấy được ở gốc tre làng bên... Mỗi văn bia, sắc phong, những bức đại tự... đều gắn với một câu chuyện kiếm tìm, gắn với những bước chân miệt mài không mệt mỏi của những thầy giáo già. Ông chia sẻ: “Với tôi, những tấm gỗ mục, những bia đá mòn vẹt, những tờ giấy rách nát, những chữ Hán, chữ Nôm khắc chi chít kia là báu vật. Mỗi khi tìm được chúng, mừng hơn bắt được vàng. Cầm trên tay những báu vật bị rách nát, mục ải theo thời gian, tôi thấy xót xa, tiếc nuối, thấy mất mát, day dứt. Và, tôi tự quàng vào cho mình một trách nhiệm sưu tầm, gìn giữ và phát huy di sản Hán Nôm...”.
Đến công trình khoa học cấp tỉnh
Sau hai năm lặn lội tìm kiếm, đến nay, ông cùng với cộng sự đã sưu tầm và dịch ra được 211 sắc phong và bằng cấp, 15 văn bia, 100 câu đối, 50 thần vị và bài vị, 20 đại tự. Ngoài ra, còn sưu tầm một lượng lớn gia phả bằng chữ Hán, một số câu đối bằng chữ Nôm.
Trong số sắc phong sưu tầm được, sắc có niên đại cũ nhất là năm Thuận Bình thứ 7 (1555), phong cho Đinh Bạt Tụy chức “Hàn lâm viện hiệu lý”, sắc có niên đại gần nhất là năm Bảo Đại (1940) ban cho giáp Đồng Sét làng Long Đống, tổng Thông Lãng (nay thuộc xã Hưng Tiến).
Di sản Hán Nôm sưu tầm được còn góp phần bổ sung thêm những tư liệu lịch sử mới mà trước đây sử sách bỏ sót, hoặc nhầm lẫn.
Qua nghiên cứu di sản Hán Nôm, dựa vào gia phả dòng họ, đối chiếu các tư liệu lịch sử liên quan, nhóm của ông đưa ra kết luận, quê tổ Vua Quang Trung là làng Thái Xá, xã Thái Lão (nay là xóm 2 và xóm 4A, 4B Hưng Đạo); hay gia phả chi họ Phan làng Yên Nậu, cho biết cụ Phan Bội Châu có tổ 7 đời ở làng Hạ Khê xã Hưng Tây. Nghiên cứu gia phả, câu đối, hoành phi và sắc phong ở nhà thờ họ Lê Văn ở làng Đông cho thấy Cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong là hậu duệ Lê Lợi, dòng dõi nhà Nho....
Qua sắc phong, nhóm cũng xác định được các vị thần thờ ở các đền, chùa trên địa bàn huyện: Đền Ông Hoàng Mười (Hưng Thịnh) thờ thần Lê Khôi; đền Xuân Hòa (Hưng Long) thờ Cao Sơn, Cao Các; Đền Không Lộ (xã Hưng Khánh) thờ Thiền sư Không Lộ...
Đặc biệt, công trình “Di sản Hán Nôm Hưng Nguyên”, có ý nghĩa giáo dục con cháu về đạo làm con, làm quan, làm người được Việt hóa, tác động sâu sắc trong việc giáo dục tư tưởng, phẩm chất, đạo đức cho thế hệ trẻ hôm nay.
Tháng 4/2011, từ Đề án “Sưu tầm di sản Hán Nôm Hưng Nguyên” được đánh giá cao, UBND huyện đã đăng ký đề tài khoa học “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản Hán Nôm ở Hưng Nguyên” và được UBND tỉnh phê duyệt là công trình nghiên cứu cấp tỉnh. Đề tài chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn (7/2011-7/2013) với mục tiêu chính: điều tra, thống kê, hệ thống hóa các di sản Hán Nôm ở Hưng Nguyên; từ đó đề xuất được bộ giải pháp bảo tồn, phát huy di sản Hán Nôm ở Hưng Nguyên. Bàn đến các giải pháp phát huy các giá trị Hán Nôm ở Hưng Nguyên. Công trình hoàn thành với dung lượng khoảng 500 trang sẽ cung cấp cho chúng ta cái nhìn toàn diện về di sản Hán Nôm ở Hưng Nguyên, để từ đó giữ gìn và phát huy các giá trị của nó, góp phần làm đa dạng thêm vốn văn hóa và truyền thống của mảnh đất này.
Ông chia sẻ: “Đây mới chỉ là những kết quả nghiên cứu bước đầu. Mong muốn của tôi là Việt hóa các bài vị, văn bia cũ để mọi người ai cũng biết được ý nghĩa của nó; có thể giải đáp phần lớn mọi thắc mắc của các dòng họ về các bài vị, câu đối, đại tự...” Và, ông tự cho rằng “Công trình đó là công của tập thể, tôi chỉ đóng góp một phần công sức trong đó mà thôi.”
Ông khiêm tốn nên nói thế, chứ tôi hiểu rằng, ông luôn trăn trở và tâm huyết với công trình khoa học này, và bỏ không ít công sức, trí tuệ vào đó. Trước xô bồ của cuộc sống, khi các giá trị truyền thống đang dần bị lãng quên, thì những con người như ông với những việc làm thầm lặng đó, thật đáng trân trọng.!
Thanh Phúc