Người tâm huyết với văn hoá đọc
(Baonghean) - Mọi người vẫn trìu mến gọi ông Nguyễn Văn Tinh (Xóm 6, Quỳnh Thạch, Quỳnh Lưu) là “Ông giáo làng”. Bởi ngày xưa, ông từng là thầy giáo giảng dạy ở các trường Tiểu học Quỳnh Thạch, Quỳnh Văn, Quỳnh Xuân, Quỳnh Tân. Và là hiệu trưởng cuả trường tiểu học Quỳnh Thạch trong những năm học 1971-1974.
Mặc dù đã ở tuổi “xưa nay hiếm” nhưng lúc nào bên người ông vẫn luôn có quyển sách và cây bút để ông thực hiện phương châm của mình “đọc nhiều - ghi nhiều - nhớ nhiều”. Có thể nói ông đọc mọi nơi, ghi chép những gì cần thiết và khắc sâu vào đầu những gì mình đã được đọc. Theo ông, muốn truyền bá văn hoá đọc cho con cháu thì không nhất thiết phải là những đề án gì to tát mà mình phải “đầu tàu gương mẫu”, làm gương cho con cháu noi theo.
Ông Nguyễn Văn Tinh và những gói sách báo được bảo quản cẩn thận.
Năm 1974, sau khi nghỉ hưu ông vẫn không ngừng làm giàu cho vốn kiến thức của mình. Ông bắt đầu sưu tầm thêm nhiều sách báo ở nhiều lĩnh vực khác nhau để nghiên cứu. Ông tự mua sách về và tự học chữ Hán. Hiện tại ông đã có thể đọc và viết thành thạo những văn tự viết bằng chữ Hán. Ông đặt mua thường xuyên một số loại báo và tạp chí.
Qủa thật, nhìn vào tủ sách của ông, nhìn cách ông nâng niu, bảo quản từng quyển sách, tờ báo mới hiểu ông yêu sách báo như thế nào. Khi mua về, việc đầu tiên là ông lấy giấy báo bọc bìa lại, đóng lại gáy, đánh số trang cẩn thận. Ông nói “Bảo quản sách tốt thể hiện thái độ đọc sách của mình, ngoài ra còn có thể cho nhiều người khác mượn mà không sợ bị hư hỏng”. Đối với báo, tạp chí, sau khi mua về, ông ghi số kỳ vào một quyển sách khác với mục đích khi có ai đó đến mượn sách hoặc có vấn đề gì cần trao đổi thì ông dễ dàng tra cứu lại tài liệu. Tủ sách của ông tuy chưa thật nhiều về số lượng nhưng có rất nhiều tài liệu qúy cần cho việc học tập và nghiên cứu. Những người tìm đến ông mượn sách chủ yếu là học sinh sinh viên, những người bạn hưu trí ..
Ông nói: Bây giờ, phương tiện kỹ thuật phát triển, nhiều người thờ ơ với sách báo. Với mong muốn giúp cho mọi người cùng tiếp cận được với tri thức, ông hoan nghênh những người đến mượn sách. Ông cũng chia sẻ thêm một số kinh nghiệm khi đọc sách đó là: Khi đọc thì nên tập trung, nhớ ghi chép lại những thông tin cần thiết. Đánh dấu lại những nơi chưa hiểu để tìm hiểu sau. Tìm thêm những tài liệu liên quan để làm sáng tỏ vấn đề. Như vậy mới hiểu kỹ và nhớ được lâu. Với ông, sách báo là một kho tư liệu quý về đất và người Xứ Nghệ, giúp ông hiểu và thêm yêu quê hương mình.
Nguyễn Thị Quỳnh