Rạng sáng 23/3 (tức 14 tháng 2 âm lịch), khu vực các huyện Quỳ Châu, Quế Phong có mưa giông, kèm với đó là những tràng sấm như đánh thức giấc ngủ trời đất. Người Thái thường ngóng đợi thời khắc này vì theo quan niệm cổ xưa thì đây mới là lúc một năm mới thực sự bắt đầu. Đã thành tục lệ, vào buổi sáng sau khi có tiếng sấm đầu năm, các thầy mo thuộc ngành “mo môn” (người Thái có nhiều loại thầy mo khác nhau) tổ chức lễ gọi là “uống rượu tiếng sấm). Lễ được tổ chức tại nhà thầy mo và thường có bà con lối xóm và những người được thầy mo chữa bệnh, từng đến “xin con” (tương tự tục cầu tự của người Việt) đến cùng dự. Những người này được gọi là “con nuôi” của thầy mo. Ảnh: Hữu Vi Không gian buổi lễ diễn ra quanh những ché rượu cần được đặt ở gian ngoài nơi có bàn thờ gian tiên. Trước khi uống rượu thầy mo làm lễ rửa kiếm bằng rượu, trang trí cho ché rượu. Những bông hoa thường được trang trí trên ché rượu không chỉ để buổi lễ thêm phần tươi vui long trọng. Điều này còn thể hiện niềm mong ước cây cối tốt tươi, mùa màng bội thu, cuộc sống con người thuận lợi. Ảnh: Hữu Vi Rượu cần thường xuất hiện trong hầu hết các nghi lễ tâm linh của người Thái phía Tây Bắc Nghệ An. Trong lễ mừng tiếng sấm, rượu để dâng lên thần linh, người đã truyền thụ nghề cho thầy mo và các thế hệ trước đó. Ảnh: Hữu Vi Thầy mo Lang Văn Diệp (76 tuổi), người chủ của buổi lễ ở bản Hoa Tiến 1, xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu - đã hành nghề mo 30 năm nay, cho hay: “Cứ có tiếng sấm đầu năm là tôi phải làm lễ này, chưa bỏ sót năm nào.” Ảnh: Hữu Vi Đây cũng là dịp thầy mo làm lễ thay mới dây đeo cổ hoặc chỉ buộc cổ tay cho các con nuôi. Trước khi buộc chỉ mới cho người được làm lễ, thầy mo thường có một số động tác gọi là làm phép trừ tà. Nghi lễ thay mới dây đeo cổ hoặc chỉ buộc cổ tay khép lại sau khi người nhận lễ được thầy mo cho uống chén rượu vào tưới một phần lên mái tóc. Ảnh: Hữu Vi
Clip Hữu Vi
POWERED BY
ONE CMS - A PRODUCT OF
NEKO