Người thổi hồn vào đá núi
(Baonghean) - Tôi khá ngạc nhiên khi gặp mặt ông chủ cơ sở điêu khắc đá mang tên Phong Ba, xã Châu Quang (Quỳ Hợp). Đó là một chàng trai trẻ người Thái, năm nay mới 28 tuổi. Ngạc nhiên hơn là đằng sau gương mặt phủ đầy bụi đá kia cháy sáng một ánh nhìn, một khát vọng vươn lên...
Người trai bản Đồn Mộng ấy có tên là Quán Vi Ba. Khi tôi tìm gặp, Ba đang say sưa hoàn thiện đôi lân đá. Khắp người phủ một màu trắng của bụi đá, bắt tay tôi, Ba ái ngại: "Em đang làm, chị thông cảm”. Người vợ trẻ từ trong nhà đi ra chào khách, trên tay cốc chè xanh thơm ngọt. Đó là cô gái người Thổ Trương Thị Tứ (24 tuổi). Đôi trẻ vừa kết hôn năm trước. Tứ phân trần với tôi: “Mỗi khi anh ấy làm việc là như quên hết mọi việc khác chị à,. Nhiều bận, em chờ cơm đến nguội ngơ nguội ngắt”.
Quán Vi Ba đang hoàn thiện tác phẩm. |
Ba là con trai út trong gia đình có 3 chị em ở bản Đồn Mộng, xã Châu Quang (Quỳ Hợp). Cũng như bao gia đình khác trong bản suốt ngày quần quật với ruộng nương rồi lại vào khe suối tìm tôm tìm cá, lên rừng tìm bắp chuối, bố mẹ Ba phải nhịn ăn, nhịn mặc để cho các con được đến trường. Khác một điều, cậu bé Ba, dù vất vả là thế nhưng luôn có niềm vui riêng mình. Niềm vui ấy đến từ một nỗi đam mê “chẳng giống ai trong nhà”. Mỗi lần theo bố mẹ đi rẫy bao giờ Ba cũng chọn một vạt đồi ít cây cối, ít cỏ dại, lấy dao dọn cho sạch cỏ, vẽ lên đó những gì đến trong tưởng tượng của mình. Khi thì một ngôi nhà sàn, khi nương lúa, khi con nai, con sóc... Ông Tuấn (bố của Ba) thỉnh thoảng nhìn về phía con thắc mắc chẳng biết nó đang làm gì trên đó. Có lần ông đến thấy con đang vẽ chú hổ, ông gật đầu, mỉm cười rồi lặng lẽ nhìn con vẽ. Biết con mê vẽ, có hôm đi rừng về, ông mang cho con thân cây người ta bỏ đi để con tạc tranh. Ông còn động viên: "Con vẽ đẹp lắm, biết mô sau này trở thành họa sỹ cũng nên". Ông gắng làm lụng để con được học hành. Còn Ba, niềm đam mê càng ngày càng lớn. Cậu bé không bỏ qua bất cứ cơ hội nào để được vẽ tranh, tạc tượng. Đi nương, rẫy, thấy thân cây, tấm gỗ lại lượm về tạc bức tranh. Có lần lo vẽ tranh trên đồi, mặt trời khuất núi không hay biết. Đêm, cả nhà ngủ, một mình ngồi đục đẽo, có hôm thâu đêm suốt sáng. Hết tạc trên gỗ, lại vẽ tranh lên giấy, là những bìa cát tông người ta bỏ đi. Trên những tấm bìa xám đó, dưới bàn tay Ba đã hiện lên những đồng lúa chín, cọn nước vùng cao, đàn cò… Bút màu không có, Ba tự chế màu đỏ lấy gạch đỏ, màu xanh lấy lá rừng, màu đen dùng than... Ngày ấy, ngôi nhà sàn của gia đình Ba treo rất nhiều bức tranh của cậu trai út.
Một lần theo mẹ đi chợ huyện, thấy người ta tạc tranh đá, Ba mải miết nhìn, khâm phục: "Sao tài thật". Sau lần đó, Ba mơ ước cháy bỏng mình sẽ một ngày tự tay làm tượng, làm tranh đá, và Ba định hình mình sẽ trở thành sinh viên khoa Họa, Trường Đại học Mỹ thuật.
Năm 2004, khi cầm giấy báo của Trường Đại học Mỹ thuật trên tay Ba vui mừng, hạnh phúc trào nước mắt, hồi hộp đợi bố mẹ đi rừng về để khoe. Ba nhớ như in chiều mùa hạ năm ấy, tiếng mẹ gọi ngoài cổng tre: "Ba ơi” nhưng trong tiếng gọi có điều chi khác lạ. Ba chạy ra, thấy bố đang gục đầu vào tay mẹ, mặt mày tái mét. Lần đó, bố ốm nặng. Nhà nghèo, không có đủ tiền đưa bố đi khám, Ba không dám khoe niềm vui của mình, đành lặng lẽ cất tấm giấy báo vào sâu trong rương. Chắc chắn rằng, nếu biết được tin con đậu đại học, ông Tuấn sẽ không để cho con từ bỏ ước mơ. Thế nhưng Ba thì không nỡ, hơn nữa, Ba muốn được giúp gia đình qua cơn bĩ cực lúc đó. Bố ốm kéo dài năm này qua năm khác, Ba nhận công việc làm quặng để hỗ trợ mẹ thuốc thang cho bố. 19 tuổi Ba đã trở thành một lao động chính trong gia đình.
Khi bố khỏe hẳn, Ba nhận ra rằng bấy lâu mình đã vì miếng cơm manh áo mà quên đi công việc này đầy nguy hại đến môi trường. Tự nhủ mình không thể tiếp tục công việc này được, năm 2006, Ba vay tiền đi học nghề điêu khắc đá ở Trường Trung cấp nghề tiểu thủ công nghiệp Nghệ An. Tuy không được học đúng ngôi trường ước mơ, nhưng ở đây Ba cũng học hỏi được nhiều kinh nghiệm để tạo ra sản phẩm tượng đá, tranh đá. Ba có cho mình những kiến thức nhất định về điêu khắc và càng hiểu hơn một điều đã yêu hội họa, chọn hội họa thì phải giàu trí tượng tượng và lòng đam mê. Từ thực hành trên giấy, bùn đất đến đá, chàng trai người Thái Quán Vi Ba được thầy giáo và bạn bè quý nể qua từng tác phẩm. Và khát khao lớn dần trong Ba, ấy là được lập nghiệp trên chính quê mình - vùng quê của đá trắng. Ba đã mơ về những tảng đá vô tri được thức dậy dưới đôi bàn tay mình…
Mùa đông năm 2008, sau khi ra trường, Ba chưa về ngay quê mà trở ra mảnh đất Đông Sơn (Thanh Hóa) xin làm thợ cho một chủ doanh nghiệp chế tác đá lớn, vừa trải nghiệm nghề vừa góp tiền sau này về quê lập nghiệp. Ở đây, Ba làm quen với nhiều dòng đá khác nhau, biết được đá nào phù hợp với từng sản phẩm nào, đá nào chất lượng, đặc biệt được làm việc với những người có tay nghề giỏi . Ba đã xem một người như người thầy lớn của cuộc đời mình và kể lại kỷ niệm đáng nhớ: Một đêm đông rét mướt, Ba đang miệt mài khắc mặt sư tử, một cái vỗ vai nhẹ và giọng nói ấm vang lên bên cạnh: "Phải bắt đầu từ đôi mắt con ạ, thì sẽ đẹp hơn rất nhiều". Ba quay lại nhìn người đàn ông có bộ râu màu cước, ấy là ông Vương đã ngoài 70, là bố đẻ của chủ doanh nghiệp mà Ba đang theo làm. Ông còn động viên: "Con có đam mê và biết đi đến tận cùng đam mê, ắt sẽ thành công. Một bức tượng đẹp là bức tượng mà người tạc nó biết thổi hồn trong đó”.
Năm 2010 nghe tin bố ốm nặng, Ba trở về quê, kịp chăm sóc bố mấy tuần thì ông mất. Phải tạo dựng một cơ sở chế tác đá ngay tại quê hương, đó cũng là mong mỏi của bố. Nhưng làm sao đủ vốn, phải bắt đầu từ đâu, khi mà tất cả chỉ trông cậy vào vài chục triệu đồng gom góp những ngày đi làm đá ở xứ Thanh. Lẽ nào cứ mãi đi làm thuê cho các cơ sở? Khi Ba đang rơi trong hoàn cảnh khó khăn nhất thì nhận được điện thoại: "Là thầy đây", "Thầy Vương.." . Ba được gia đình ông Vương cho vay 10 triệu đồng, cùng với những lời khuyên chân thành cho bước đầu khởi nghiệp riêng. Ba mừng trào nước mắt. Ba bắt tay tạc tượng đá bằng tất cả sự háo hức, tình yêu và đam mê.
Bao nhiêu khó khăn ban đầu ập đến: không có khách đặt hàng, cũng không có nhiều vốn để tạo sản phẩm, khi có một số sản phẩm rồi thì cũng không có khách đến xem bởi mặt hàng còn đơn điệu… Lòng Ba nặng trĩu. Đã nhiều lần, trong căn nhà trống trải Ba nhớ đến bố, ao ước rằng giá mà ông còn sống, có ông ở bên để chia sẻ, động viên. Mẹ bây giờ vào ở với anh trai tận giữa bản xa, ngoài này một mình Ba với hun hút gió núi… Nhưng dặn lòng, không được phép buồn, nản. Vạn sự khởi đầu nan mà. Nghĩ thế, Ba lại lặn lội đi khắp nơi trong huyện tìm mua đá. Xe máy không có, đi bằng xe đạp, nhiều hôm lốp xe thủng dọc đường, lụi cụi đẩy xe đá về trong sương đêm. Ngày qua ngày, tháng qua tháng... Ba hì hục bên những tảng đá tới thâu đêm...
Từ các mẫu đơn giản như ông thần tài, hổ, mã đao, lọ hoa, Ba bắt tay vào các sản phẩm có giá trị lớn hơn như: ghế đá, sư tử, lân, tượng Phật, bộ 12 con giáp, tranh đá... Dần dần, người ta đã biết tới tranh, tượng và tay nghề của chàng thanh niên trẻ. Gần 4 năm bắt tay tạo dựng, tuy cơ sở của Ba “sinh sau đẻ muộn” so với nhiều cơ sở chế tác đá vùng này, nhưng khá phong phú, đa dạng các mặt hàng. Hiện tại cơ sở Phong Ba có trên dưới 50 mặt hàng, và còn làm theo yêu cầu của khách hàng. Sản phẩm của Ba làm ra bán rất nhanh. Ba nhận được khá nhiều đơn đặt hàng và cũng có nhiều khách quen đến đặt hàng dùng trong nhà. Ba kể: "Các gia đình thường đặt cặp lân trước cổng, đá tảng, đá kê nhà, bàn ghế đá, bình hoa, ông thần tài... Khách đặt để bán lại cũng có, chủ yếu khách trong vùng, khách từ Nghĩa Đàn, Vinh và Thanh Hóa...”.
Hiện cơ sở điêu khắc đá Phong Ba tạo việc làm cho 4 lao động thường xuyên, thu nhập 1 lao động từ 5-7 triệu đồng/ tháng. "Một năm em có nguồn thu bao nhiêu?" - Tôi hỏi. Ba cười: “Em không tính được, có lẽ trên dưới 100 triệu đồng chị ạ". "Sản phẩm nào đắt nhất?". "Sản phẩm đắt ngoài đẹp còn phải kể đến chất lượng đá. Ví như đôi sư tử cao 1,3m khoảng 18 triệu đồng, em làm trrong 15 ngày, có thêm 1 thợ phụ. Có những sản phẩm chỉ 2, 3 triệu đồng như ông thần tài, hổ... Làm nghề ni không nhọc nhưng bụi bặm lắm chị ạ".
Rồi Ba tâm sự thêm: “Cái nghề điêu khắc đá không chỉ được em chọn làm con đường lập nghiệp, mưu sinh, mà còn là để theo đuổi giấc mơ ngày nhỏ. Mỗi lần làm ra một sản phẩm, niềm vui đến với mình đâu phải chỉ là kinh tế, mà nó còn là máu thịt, là một góc tâm hồn, suy nghĩ… của mình gửi vào đó. Làm nghề, cũng là để yêu hơn thiên nhiên, yêu cuộc sống và yêu cả quê mình nữa. Chính quê hương đã cho em biết ước mơ và tạo dựng ước mơ”. Có được những thành công bước đầu, được xem là một người trẻ trên quê hương Quỳ Hợp dám nghĩ, dám làm, nhưng Quán Vi Ba thấy những gì mình đã làm được còn rất nhỏ nhoi. Ba nghĩ, con đường phía trước của mình còn rất nhiều gian khó, nhưng khó thế nào thì Ba cũng phải vượt qua. Vì đam mê, vì tâm huyết, vì người bố đã mất, vì tấm lòng thầy Vương, vì “mình là người trẻ tuổi, chọn quê mình lập nghiệp thì phải làm cho ra trò, đừng có thấy khó mà nản”…
Thu Hương