Người thương binh quê lúa và thương hiệu gạo xứ Nghệ
(Baonghean) - Đam mê với ruộng đồng, người nông dân ấy đã viết nên "kỳ tích" khi tạo được giống lúa thuần bằng thương hiệu gạo AC5 nổi tiếng, từng được trao giải "cúp vàng nông nghiệp năm 2009". Nay ông lại nghiên cứu và lai tạo thành công giống lúa thảo dược VH1 khiến các chuyên gia của Nhật Bản cũng phải tìm sang để học hỏi. Ông là Phan Văn Hoà-xã Vĩnh Thành-Yên Thành.
Từ giống lúa AC5...
Ông Hoà tham gia quân ngũ năm 1974 tại chiến trường Căm Pu Chia, là bệnh binh 2/3 (bị nhiễm chất độc màu da cam). Năm 1984 xuất ngũ trở về địa phương chăm lo ruộng đồng nhưng quanh năm vẫn nghèo đói. Ông đã mạnh dạn làm thủ tục xin UBND xã cho cải tạo cánh đồng Hói Sác để trồng lúa. Theo giới thiệu của cán bộ Nhà máy cơ khí nông nghiệp I, ông đã lặn lội sang Quảng Tây-Trung Quốc để mua máy cày, nhờ những con "trâu sắt" ấy mà làm kịp thời vụ, cánh đồng Hói Sắc năm nào cũng bội thu.
Thu nhập từ lúa cá khoảng trên 100 triệu đồng/năm nhưng ông Hoà vẫn trăn trở bởi giống lúa lai vừa đắt đỏ dân làng lại không chủ động được khâu giống có khi mua phải giống kém chất lượng.Trong khi giống lúa thuần vừa rẻ, vừa chất lượng tại sao mình lại không làm. Trong năm 2001 ông đã thành lập Công ty TNHH Vĩnh Hoà, thật may mắn là ông đã gặp được Giáo sư Vũ Tuyên Hoàng-Chủ tịch liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam. Giáo sư đã giới thiệu với Viện cây lương thực và cây thực phẩm cho ông Hoà 5 giống lúa về khảo nghiệm. Ông đã đưa ngay về quê ấp ủ ngày đêm khảo nghiệm, trong 5 giống lúa thì giống AC5 cho năng suất cao nhất, đặc biệt là chất lượng gạo thơm ngon, dư lượng chì và thuốc trừ sâu trong sản phẩm gạo AC5 thấp hơn rất nhiều so với cho phép. Ông Hoà vui vẻ: "Ban đầu loại giống AC5 chỉ gieo cấy vài chục ha ở Yên Thành, được mùa, năng suất cao, tiếng lành đồn xa. Trong năm 2009 toàn tỉnh mới chỉ có 4000 ha gieo cấy giống AC5 thì nay nhiều nơi cấy đồng loạt. Như vụ đông xuân năm nay Hưng Nguyên gieo cấy 7.800 ha, Đô Lương 6000 ha, Diễn Châu 5.200 ha, Yên Thành 7000 ha, Quỳnh Lưu 5.500 ha... Năng suất bình quân của giống lúa này đạt trên 7,5 tấn/ha/vụ, có nơi đạt 10 tấn/ha/vụ. Giá trị kinh tế rất cao, giá giống lúa lai hiện tại từ 5.500 đồng -6.000 đồng/kg, thì giá lúa AC5 đạt 9.500 đồng/kg. Chị Nguyễn Thị Ngà ở Nam Thành-Yên Thành gia đình làm 2 sào giống AC 5, được mùa, được giá nên sang vụ tới có khi sẽ trồng cả 6 sào lúa giống AC5. Tại hội chợ Techmart - ASEAN+3 Công ty Vĩnh Hoà đã mua bản quyền giống lúa AC5 của Viện cây lương thực và cây thực phẩm. Hàng năm Công ty cung ứng từ 300-400 tấn giống AC 5 cho địa bàn tỉnh và các tỉnh lân cận như Nam Định, Quy Nhơn, Hà Tĩnh, Thanh Hoá...
Ông Phan Văn Hoà bên mô hình khảo nghiệm giống lúa VH1
Đến nghiên cứu giống lúa thảo dược VH1
Sau thành công từ giống AC5, năm 2007, ông Hoà vẫn không ngơi nghỉ, tiếp tục nghiên cứu các bộ giống lúa thuần chất lượng cao. Trong năm 2010 ông bất ngờ công bố giống lúa VH1 mà ông tự nghiên cứu lai tạo thành công.
Ưu điểm của giống này là chịu thâm canh, kháng một số loại sâu bệnh, cứng cây, đẻ nhánh khoẻ, tỷ lệ hạt chắc trên bông cao. Hạt gạo màu hồng thơm ngon hơn so với các giống lúa khác, hàm lượng sắt lớn, có tác dụng chống ô xi hoá, bổ máu, chữa bệnh tiểu đường...Mới đây nghe tin có giống lúa "lạ" các chuyên gia ngành nông nghiệp của Nhật Bản đã cất công lặn lội tìm đến Công ty TNHH Vĩnh Hoà. Họ đã ra tận ruộng lúa chụp ảnh, xin vào phòng nghiên cứu của ông Hoà để xem và họ vô cùng ngạc nhiên khi biết ông Hoà bằng con đường tự học, đã nghiên cứu ra giống lúa "sạch" rất lạ này. Vợ ông bà Loan tâm sự: Đã biết bao nhiêu lần ông Hoà thức thâu đêm miệt mài trong phòng làm việc "nâng niu" hạt giống nghiên cứu, rồi ban ngày lại lội xuống cánh đồng thử nghiệm.
Ông Hoà đưa tôi vào phòng nghiên cứu và chọn tạo giống lúa mới chất lượng cao, rồi "bật mí" tất cả đều do Viện KHNN Việt Nam chuyển giao, tài trợ các thiết bị máy móc, nghiên cứu trị giá trên 1 tỷ đồng. Để làm chủ được các thiết bị này tôi đã phải khăn gói ra Hà Nội theo học như một "sinh viên" thực thụ. Hiện nay giống VH1 có bản quyền riêng của Công ty TNHH Vĩnh Hoà, được tổ chức UPOV đồng ý bảo hộ. Vụ đông xuân năm 2011 giống VH1 đã được gieo cấy mô hình trên 200 ha ở Nghệ An và các tỉnh Thái Bình, Ninh Bình.
Lại nói về AC5 - giống lúa đã mang về cho ông cúp vàng nông nghiệp năm 2009, Hàng năm Công ty TNHH Vĩnh Hoà đều thu mua lúa AC5 cho bà con nông dân trên địa bàn toàn tỉnh, riêng trong năm 2011 Công ty đã xuất bán được trên 1.700 tấn gạo mang thương hiệu "gạo xứ Nghệ". Ông Hoà đầu tư hàng tỷ đồng mua sắm các loại máy xát gạo, đánh bóng gạo, dây chuyền đóng bao gạo tự động đạt tiêu chuẩn Mỹ. Trong năm 2012 ông đang tiếp tục đầu tư trên 3 tỷ đồng xây dựng các kho chứa rộng trên 3.500 m2, đủ chứa trên 3000 tấn gạo.
Ông Hoà hy vọng giống lúa "sạch" chất lượng cao này vụ sau sẽ được nhân ra diện rộng trong tỉnh Nghệ An và nhiều tỉnh khác. Tôi thầm chúc cho giống lúa VH1 của ông sẽ tiếp tục thành công, ghi tên vào "bản đồ" nông nghiệp thế giới.
Văn Trường