Người trẻ giữ hồn tết Việt

14/02/2015 13:09

(Baonghean) - “Hóa thân” thành những ông đồ cho chữ ngày xuân, tổ chức các lớp học gói bánh chưng hay tìm hiểu và phục dựng lại các trò chơi dân gian ngày Tết… những việc làm giản dị ấy của các bạn trẻ đã làm thay đổi quan niệm: Tết cổ truyền ở thời hiện đại dường như chỉ dành riêng cho… người già.

Cùng với sự phát triển của đời sống xã hội hiện đại, nhiều giá trị truyền thống đang dần có nguy cơ phai nhạt. Nếu như trước đây, những ngày cận Tết, nhà nhà, người người háo hức “đụng lợn”, gói bánh chưng, các bà, các mẹ tất bật chợ Tết rồi loay hoay bếp núc làm các món đặc trưng của ngày Tết, thì nay, hầu hết mọi thứ đều có sẵn ở các cửa hàng, siêu thị, và người dân chỉ việc tới chọn mua. Thói quen nấu món ăn ngày Tết xao nhãng dần, và giới trẻ ngày nay phần lớn chỉ biết đến cái Tết xưa qua phim ảnh, sách báo, vì thế, dẫn đến tâm lý thờ ơ với Tết cổ truyền của dân tộc. Nhưng vẫn còn đó một số người trẻ đang tìm mọi cách để “níu” lại những giá trị văn hóa truyền thống quý giá ấy.

Ông đồ trẻ Nguyễn Đình Sinh cho chữ ngày Xuân.
Ông đồ trẻ Nguyễn Đình Sinh cho chữ ngày Xuân.

Tết Ất Mùi là cái Tết thứ hai, Vũ Thùy Trang (SN 1989) cùng nhóm bạn 5 người tổ chức các buổi tập gói bánh chưng. “Bánh chưng được xem là “linh hồn” Tết Việt, nhưng bây giờ hầu hết mọi người đều tìm mua bánh sẵn được bày bán rất nhiều. Mình rất nhớ không khí gói bánh rộn ràng ở các miền quê ngày còn bé, mình vận động các bạn tổ chức các buổi tập gói bánh chưng để có không khí Tết, cũng là để các kỹ thuật gói và nấu bánh không bị quên lãng”- Vũ Thùy Trang tâm sự.

Những ngày này, căn nhà nhỏ ấm cúng của gia đình Trang ở phường Bến Thủy (TP. Vinh) như chật chội hơn bởi phần lớn không gian đều được dành cho các nguyên liệu gói bánh chưng. Nào lá dong, ống giang, đậu xanh và nếp trắng… Trong bếp, 2 bạn gái xinh xắn đang thoăn thoắt thái thịt, bóc hành; ngoài hiên nhà, mấy bạn nam vừa cười nói vui vẻ, vừa hướng dẫn nhau cách chẻ giang sao cho lạt mềm và không bị tước sợi. Buổi gói bánh chưng còn được công nghệ hóa bằng chiếc máy tính bảng đặt ngay phía trước và trực tuyến sang nước ngoài cho các bạn du học sinh xem. Đặng Hoài Nam (SN 1989) - hiện là nhân viên ngân hàng, bàn tay quen gõ máy tính nay cũng thành thục lắm với những ống giang, cách buộc lạt, xếp lá… Nam chia sẻ: “Ban đầu khi Trang gọi hỏi có biết gói bánh chưng không, mình còn cười đùa bảo cần gì phải biết, ra chợ là có hết. Nhưng sau này thì hối hận vì đã trả lời như thế, mua sẵn có cái tiện lợi của nó, nhưng không thể đánh đổi được không khí làm việc vui vẻ, rộn ràng như thế này”.

Nhóm bạn 5 người của Vũ Thùy Trang, người là nhân viên ngân hàng, người là giáo viên tiểu học, có người lại tham gia kinh doanh thời trang, bận rộn nhưng đều đồng tâm dành thời gian cho hoạt động chung này. Các bạn tâm sự, đã từng có cơ hội được đi nước ngoài du lịch hoặc học tập, đều thấy ở các nước, văn hóa ngày lễ Tết rất đậm đà. Trong khi đó, ở đất nước mình, sự thờ ơ với các giá trị truyền thống trong giới trẻ đang là điều đáng báo động. Thế nên, “mong muốn trong tương lai của bọn mình là nhân rộng các lớp học gói bánh chưng như thế này, và sau đó nữa là các lớp học làm món ăn ngày Tết như muối dưa hành, làm mứt Tết… “Chiến dịch” truyền thông cho các lớp học dự định sẽ dựa vào mạng xã hội - kênh thông tin liên lạc được nhiều bạn trẻ sử dụng hiện nay. Tết Việt mình đẹp và thiêng liêng như thế, không thể để nhạt phai đi được!”- Vũ Thùy Trang đại diện cho nhóm bạn của mình chia sẻ những mục tiêu trước mắt.

Mong mỏi tái hiện lại không khí Tết xưa ấm áp và thiêng liêng, mỗi bạn trẻ chọn cho mình một cách làm riêng. Với bạn Nguyễn Đình Sinh (SN 1985), thời điểm này, bên cạnh những chăm lo cho cái Tết sum vầy ở quê nhà Thanh Khai (Thanh Chương) cùng gia đình, Sinh còn dành thời gian để chuẩn bị cho dự án nhỏ của mình dịp Tết Ất Mùi sắp tới, đó là “hóa thân” thành ông đồ xứ Nghệ, cho chữ ngày Xuân. Đến nay, Nguyễn Đình Sinh đã có thâm niên 4 cái Tết làm “ông đồ”. “Mấy năm gần đây, thường thì ngày 30 và mồng Một Tết, mình về quê để hương khói tổ tiên và vui Tết cùng gia đình. Sáng mồng Hai, mình bắt đầu hành trình “giấy bút” tại các điểm sinh hoạt văn hóa cộng đồng, các điểm thờ cúng tâm linh như đền Củi, đền ông Hoàng Mười, đền thờ Hoàng đế Quang Trung… hoặc tại Công viên Trung tâm TP. Vinh, Quảng trường Hồ Chí Minh…” - Nguyễn Đình Sinh tâm sự về lịch trình hoạt động của mình.

“Ông đồ” trẻ bồi hồi nhớ về cơ duyên với nghiệp giấy đỏ, mực tàu của mình: “Năm 2008, bấy giờ, mình đang là sinh viên năm thứ nhất Trường CĐSP Nghệ An. Một hôm, cùng bạn bè đi chơi qua đường Hồ Tùng Mậu, bắt gặp hình ảnh một người trung niên đang viết và bán tranh thư pháp. Lúc đó mình chưa hề biết thư pháp là gì, nhưng vừa nhìn thấy thì đã cảm giác rất thích thú, say mê. Nhiều năm sau đó là hành trình tự học hỏi, rèn luyện không ngừng để tiếp cận và nắm vững nghệ thuật thư pháp”.

Với Nguyễn Đình Sinh, cơ duyên đến với nghệ thuật thư pháp chữ Việt ngoài ý nghĩa tìm thấy niềm đam mê đeo đuổi thực sự của cuộc đời mình, còn khơi dậy ý thức giữ gìn, bảo tồn vốn cổ truyền của ông cha, nhất là những giá trị văn hóa ngày Tết, ngày Xuân đang có nguy cơ phai nhạt. “Ước mơ của mình là góp phần tái hiện lại hình ảnh ông đồ xứ Nghệ - một hình ảnh đẹp và có ý nghĩa khẳng định truyền thống hiếu học của chúng ta. Đặc biệt, nhiều năm rồi ở Nghệ An vắng bóng những ông đồ cho chữ ngày Xuân, và người dân cũng dường như quên lãng đi thói quen xin chữ về treo lấy may, lấy khước trong nhà. Mình muốn khơi dậy nét đẹp văn hóa truyền thống đó”- Nguyễn Đình Sinh tâm sự chân thành. Tranh thư pháp chữ Việt của Sinh thường nghệ thuật hóa những lời răn dạy đạo lý của các đức thánh hiền, tiên tổ về lẽ nhân sinh ở đời, được đông đảo người dân tìm đến xin chữ mỗi dịp Tết đến, Xuân về.

Cũng như Vũ Thùy Trang và Nguyễn Đình Sinh, bạn trẻ Đặng Khắc Bằng (SN 1990), quê ở Diễn Lợi (Diễn Châu) yêu hương vị Tết cổ truyền qua những lời kể của bà, của mẹ, và mãi lưu giữ trong ký ức hình ảnh món quà ông nội dành tặng cho cậu ngày nhỏ mỗi dịp Tết đến. “Ông thường mừng tuổi mình bằng tò he. Ông bảo ngày trước, các chợ quê vào phiên Tết nhiều lắm, những con tò he hình Tôn Ngộ Không, hình 12 con giáp… đi cả vào giấc mơ mình thuở nhỏ. Lớn lên, muốn gặp lại những “người bạn cũ” mà không thể nào tìm được.”- Bằng tâm sự. Mãi đến năm thứ 2 đại học, khi đi về quê một người bạn ở làng Xuân La (Phú Xuyên, Hà Nội), Bằng gặp lại hình ảnh tò he thân thuộc ấy.

Và như một niềm say mê không thể khác, Đặng Khắc Bằng tranh thủ mọi thời gian rảnh rỗi, đánh đường sang làng Xuân La theo học nghề nặn tò he. “Mình nặn vì mê say, vì ký ức tuổi thơ, vì muốn giữ lại một nét đẹp ngày xưa. Mấy năm trước, mình bày hẳn bàn nặn tò he ra đầu ngõ để thu hút trẻ em tìm đến xem, gửi vào chúng những hình ảnh giản dị, bình yên của cái Tết cổ truyền, chứ trẻ em bây giờ toàn chú mục vào trò chơi điện tử, vào mạng internet…” - Đặng Khắc Bằng chia sẻ. Thời điểm này, Bằng đang làm việc ở Hà Nội, phải đến ngày giáp Tết mới kết thúc công việc kế toán tại một công ty xây dựng, nhưng bạn trẻ vẫn khẳng định, khi trở về quê sẽ mang theo cả bàn tò he về, như mang theo cả hương xuân cổ truyền về với những đứa trẻ thời hiện đại. Những bạn trẻ như Trang, Sinh, Bằng… mang đến niềm tin về một thế hệ trẻ có tri thức và nhận thức, biết chắt lọc, trân quý và hài hòa những giá trị truyền thống đẹp đẽ của dân tộc…

Phước Anh

Mới nhất

x
Người trẻ giữ hồn tết Việt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO