Người trở về từ “tọa độ lửa” năm ấy: Bài 2: “Một mình một mâm ...”

12/07/2013 22:27

Ở xóm 6, xã Long Sơn (Anh Sơn) có một ngôi nhà nhỏ nép mình dưới triền đồi, trông xa ngỡ như chiếc lán canh nương. Chủ nhân ngôi nhà là bà Trần Thị Hường xấp xỉ tuổi 70, sống đơn độc. Người phụ nữ ấy là một cựu TNXP từng vào sinh ra tử ở chiến trường Khe Sanh và Đường 9 - Nam Lào những năm tháng khốc liệt của cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước...

>> Bài 1: Lời cầu nguyện cho mình và đồng đội

(Baonghean) - Ở xóm 6, xã Long Sơn (Anh Sơn) có một ngôi nhà nhỏ nép mình dưới triền đồi, trông xa ngỡ như chiếc lán canh nương. Chủ nhân ngôi nhà là bà Trần Thị Hường xấp xỉ tuổi 70, sống đơn độc. Người phụ nữ ấy là một cựu TNXP từng vào sinh ra tử ở chiến trường Khe Sanh và Đường 9 - Nam Lào những năm tháng khốc liệt của cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước...



Bà Trần Thị Hường

Men theo con đường chạy vòng vèo giữa những đồi chè ngút ngàn, chúng tôi tìm đến căn nhà nhỏ của cựu TNXP Trần Thị Hường. Cổng nhà thưng chặt bằng tấm phên nứa và mấy ngọn tre khô, hàng xóm cho hay bà vừa ra chợ. Chúng tôi lại tìm ra chợ quê nhỏ bé và không khó để nhận ra bà với chiếc nón mê cũ kỹ, bộ quần áo sờn mép và mấy bó chè phía trước. Khi biết chúng tôi muốn chuyện trò về hoàn cảnh, bà Hường vội bán rẻ mấy bó chè rồi lên xe cùng về với khách.

Tấm phên và mấy nọn tre chắn cổng được gỡ ra, chúng tôi bước theo chủ nhân vào nhà. Khu vườn ken dày cỏ dại, quanh nhà là mấy bụi chuối, mấy luống chè héo úa trong tiết nắng giữa hạ, rồi mấy cây sắn gầy teo. Có cảm giác khu vườn ấy đã hàng năm không được bàn tay con người chăm sóc. Dường như đoán được phần nào suy nghĩ của khách, bà Hường nói như thanh minh: “Hai năm nay đau ốm liên miên, cột sống lưng bị thoái hóa, chân bị thấp khớp nặng, nên không cuốc dọn được, vườn nhà như vườn hoang”.

Cánh cửa gỗ mở ra, căn nhà hơn 10m2 của bà Hường chỉ có 1 chiếc giường và 1 bộ bàn ghế cũ kỹ. Chiếc giường đặt trong góc dùng để nằm nghỉ. Đầu giường lỉnh kỉnh mấy gói thuốc tân dược và mấy lọ dầu nóng dùng để xoa bóp tay chân. Còn bàn ghế phía ngoài dùng để đặt mấy ổ gà đang ấp. Chưa kịp nói ra thắc mắc của mình, chủ nhân đã vội giải thích: “Tôi nuôi mấy con gà mái đẻ nhưng không có tiền làm chuồng nên phải nhốt trong nhà cho tiện, đề phòng bị mất cắp hoặc chồn cáo về bắt. Không mấy khi có khách, bàn ghế ít phải dùng đến nên tôi dùng để đặt mấy ổ gà”.

Trời đã về chiều nhưng trong căn nhà ấy vẫn hầm hập nóng, chủ và khách buộc phải ra ngoài hiên vừa hóng gió, vừa trò chuyện. Lúc này, chúng tôi mới có dịp quan sát kỹ khuôn mặt của nữ cựu TNXP từng dạn dày với đạn bom, khói lửa. Nước da tái mét, xuất hiện nhiều nếp nhăn so với độ tuổi, ánh mắt đượm buồn và mái tóc đã bắt đầu nhuốm lên màu sương khói. Nhưng khi kể về những năm tháng của tuổi trẻ, những nếp nhăn ấy như ít đi, ánh mắt chợt bừng sáng và nụ cười đã xua đi phần nào những dấu hiệu của tuổi già cũng như sự khổ cực của cuộc sống. Đã gần nửa thế kỷ trôi qua, ký ức về những ngày tháng thanh xuân gần như vẫn còn nguyên vẹn...

Bà Hường (sinh 1946) là chị cả trong một gia đình có 6 chị em (5 người em trai, 1 người là liệt sỹ). Học hết lớp 7/10, cô gái trẻ Trần Thị Hường ở nhà đỡ đần bố mẹ việc ruộng nương để nuôi các em đang độ tuổi ăn, tuổi lớn. Tích cực tham gia sinh hoạt đoàn thể, cô gái đội tuổi 19, đôi mươi ấy thường xuyên có mặt tại các công trường thủy lợi của quê hương như đập Cầu Cang, khe Chung...

Những năm tháng ấy đầy khó khăn, vất vả nhưng tuổi trẻ vẫn tràn đầy niềm tin và dạt dào sức sống. Hường được bạn bè quý mến và được nhiều người con trai để ý. Nhưng nghĩ đến bố mẹ đang vất vả, đàn em đang nhỏ dại nên người con gái ấy quyết định tạm gác lại chuyện riêng tư. Rồi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước bước vào giai đoạn gay go, ác liệt, nữ thanh niên Trần Thị Hường tình nguyện gia nhập TNXP. Đầu 1969, bà cùng đơn vị (205- P31) hành quân vào vùng “đất lửa” Quảng Trị và phục vụ tại mặt trận Đường 9-Khe Sanh, có lúc hành quân sang tận Nam Lào.

Nhiệm vụ của đơn vị là mở đường, tải lương, tải đạn và cứu thương. Những năm tháng ấy lửa đạn ngút trời, sự sống và cái chết chỉ cách nhau gang tấc. Hàng ngày, thậm chí hàng giờ phải đối mặt với cảnh bom rơi, pháo dập. Không ít lần, bà Hương đã chứng kiến sự hy sinh của các đồng chí, đồng đội. Bản thân bà cũng từng bị 2 mảnh bom bi găm vào đầu. Có lần, một chiến sỹ bộ đội bị mảnh bom găm vào bụng, máu chảy đầm đìa, bà Hường cùng đồng đội sơ cứu xong rồi quyết định đưa về tuyến sau để chữa trị. Nhưng vết thương quá nặng, máu ra quá nhiều nên đã trút hơi thở cuối cùng. Nằm trên cáng, người chiến sỹ ấy nắm chặt tay bà, và khi đã hy sinh bàn tay ấy vẫn nắm chặt...

Rồi lần khác ở mặt trận Nam Lào, ban đêm đại đội TNXP của và Hường và một đại đội bạn ban đêm cùng vào trú chân trong một hang đá. Một tốp máy bay Mỹ đến cắt một loạt bom ngay trước cửa hang. Nghe tiếng bom dội, tất cả bật dậy để nắm bắt tình hình thương vong. Đêm đó, mảnh bom phía ngoài cửa bay vào hang làm đại đội bạn nằm phía ngoài bị thương vong hơn một nửa quân số. Chứng kiến cảnh đồng đội hy sinh và bị thương, máu chảy ướt đẫm áo quần, có những người dù không bị trúng bom cũng ngất xỉu.

Bom đạn và khói lửa chưa phải là thử thách cuối cùng đối với nữ TNXP Trần Thị Hường và đồng đội. Một thử thách không kém phần khắc nghiệt là cái đói. Chiến trường ác liệt, không phải lúc nào việc vận chuyển lương thực cũng thông suốt. Có những thời điểm phải chờ đến hàng tuần đơn vị mới được nhận gạo. Điều đó đồng nghĩa với việc đơn vị phải ăn rau, măng rừng và củ chuối hàng tuần. Những thứ ấy ăn vào đắng chát, mắc ngang cuống họng nhưng ai cũng phải cố nuốt để có sức cầm cự, vì cuộc chiến đấu ngày càng ác liệt, mặt trận không một phút giây ngừng nghỉ. Ai ấy mặt mày xanh xao, tay chân gầy đét nhưng vẫn gắng sức để phục vụ chiến trường. Rồi những trận sốt rét triền miên làm cho rạc người, đi đứng không còn vững, tóc rụng sắp hết. Có những người đối mặt với đạn bom không chết nhưng lại chết vì sốt rét rừng.

Cuối 1972, sau gần 4 năm phục vụ tuyến lửa, nữ TNXP Trần Thị Hường chính thức được xuất ngũ, trở về quê hương. Lúc lên đường chưa nói lời hẹn ước với ai, ngày từ chiến trường trở về đã bước qua tuổi 26, tuổi ấy ở vùng quê bán sơn địa này đã bị xem là “ế”. Thời gian vùn vụt trôi, để chiều lòng bố mẹ, hơn 2 năm sau bà nhận lời làm vợ một người đàn ông cách nhà chừng 10 km. Do không có nhiều thời gian để tìm hiểu kỹ càng, nên khi bước chân về nhà chồng chưa lâu, bà Hường đã gặp ngay nỗi thất vọng. Bởi lẽ, chồng bà là người cục cằn, vũ phu. Thường xuyên phải hứng chịu những trận đòn vô cớ, lúc đầu bà cố gắng chịu đựng để mong thời gian có thể “thuần hóa” được người bạn đời của mình, để xây dựng và giữ gìn một mái ấm. Nhưng sự chịu đựng nào cũng có giới hạn, sau hơn 2 năm chung sống, dù đã có 1 con trai nhỏ bà vẫn quyết định rũ bỏ tất cả. Bà lại trở về quê, xin bố mẹ mảnh vườn nhỏ để dựng ngôi nhà làm chỗ che mưa, tránh nắng.



Bà Hường chăm ổ gà nuôi trong nhà mình.

Cũng từ ngày ấy, bà Hường sống một mình, lặng lẽ và cô độc. Không có đồng lương, không có ruộng đất để cày cấy, bà đành sống nhờ vào mấy luống chè và bụi chuối quanh vườn. Người dân xã Long Sơn đã quen với hình ảnh bà bước cao bước thấp ôm mấy bó chè ra chợ bán. Bà con thương tình, ai cũng chọn mua chè của bà, để bà có tiền mua cân gạo, bó rau trang trải cuộc sống hàng ngày. Cũng có lúc bà lên rừng kiếm củi về bán. Hoặc ai thuê làm việc đồng áng, sản xuất như làm cỏ, gặt lúa, bẻ ngô, hái chè bà đều nhận lời.

Sống một mình thường hay nghĩ ngợi, đặc biệt những đêm mưa to gió lớn, nỗi hiu quạnh và tủi thân cùng vây bủa, giam hãm tâm hồn người nữ TNXP một thời. Những lúc như thế, niềm khát khao hạnh phúc, khát khao một vòng tay ôm ấp, chở che tưởng chừng đã lụi tàn nay lại thức dậy, hồi sinh. Để vơi đi phần nào, bà tích cực tham gia sinh hoạt đoàn thể (Hội Nông dân, Phụ nữ, Cựu TNXP). Ở đó, bà có thể nở nụ cười. Và ở đó, bà nhận được sự sẻ chia, đồng cảm, giúp bà có thêm sức mạnh để đứng vững giữa cuộc đời. Thỉnh thoảng, cũng có những người đàn ông tìm đến dạm hỏi. Một lần đổ vỡ đã làm bà mất hẳn niềm tin và quyết định cam chịu sự sắp đặt của số phận...

Qua trò chuyện, chúng tôi được biết bà Hường từng làm hồ sơ gửi các ban ngành liên quan đề nghị được hưởng chế độ theo Quyết định số 40/2011/QĐ-TTg (quy định về chế độ đối với TNXP đã hoàn thành nhiệm vụ trong kháng chiến). Theo quy định, bà thuộc diện trợ cấp hàng tháng với mức 360.000 đồng. Nhưng thời điểm ấy, đơn vị TNXP của bà chưa xác định rõ phiên hiệu nên việc xác minh hồ sơ gặp khó khăn, vướng mắc. Cách đây hơn 1 năm, đơn vị của bà được xác định phiên hiệu và bà đã hoàn tất đầy đủ hồ sơ, gửi đến các ban ngành liên quan từ tháng 10/2012, nhưng đến nay bà vẫn chưa được hưởng chế độ theo quy định.

Ra về, ngoái lại căn nhà nhỏ, bóng bà Hường xiêu xiêu dưới ánh nắng chiều. Nhìn người phụ nữ vóc dáng nhỏ bé, già nua ấy, chợt nhớ những câu thơ trong trường ca “Đường tới thành phố” của nhà thơ Hữu Thỉnh: “Một mình một mâm cơm/Ngồi bên nào cũng lệch/ Chị chôn tuổi thanh xuân trong má lúm đồng tiền...”!


Bài, ảnh: CÔNG KIÊN

Người trở về từ “tọa độ lửa” năm ấy: Bài 2: “Một mình một mâm ...”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO