Người trồng quýt ở Nghệ An thấp thỏm vì... được mùa
(Baonghean.vn) - Mặc dù quýt PQ năm nay có năng suất và chất lượng ổn định nhưng thị trường tiêu thụ dự kiến sẽ khó khăn hơn so với năm trước. Bà con trồng quýt và chính quyền các địa phương đang thấp thỏm lo âu.
Năng suất cao
Những năm gần đây, khi cam Vinh trên vùng đất Phủ Quỳ dần bị thoái hóa, giảm năng suất và diện tích thì cây quýt PQ trở thành cây có múi có diện tích lớn nhất trên địa bàn các huyện Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn. Nếu đi thăm các vùng cam Quỳ Hợp nức tiếng lâu đời thời điểm này, không khó để nhận thấy các gốc cam đã bị thay thế bằng những cánh đồng mía, ngô và quýt PQ xanh ngát.
Gia đình anh Võ Văn Trung ở xã Minh Hợp, huyện Quỳ Hợp có 1 ha quýt PQ với trên 400 gốc. Nhờ đầu tư chăm sóc tốt nên quýt năm nay sinh trưởng tốt, sản lượng dự kiến đạt khoảng 25 tấn. Anh Trung cho biết: Vườn quýt của tôi đã cho quả được 3 năm, trong đó, năm nay sản lượng đạt cao nhất. Ra Tết, quýt bắt đầu cho thu hoạch lứa đầu tiên, gia đình hiện cũng đã cắt bán được khoảng 5 tạ trong tuần vừa rồi với giá 7.000 - 8.000 đồng/kg, chủ yếu là bán lẻ ra thị trường.
Quýt PQ trên địa bàn Nghệ An bắt đầu vào thu hoạch chính vụ. Ảnh: Nguyên Châu |
Hiện nay, Quỳ Hợp và Nghĩa Đàn là 2 vùng trọng điểm trồng quýt PQ của tỉnh Nghệ An, với diện tích gần 1.000 ha, trong đó, huyện Quỳ Hợp khoảng 500 ha, tập trung tại các xã Minh Hợp, Văn Lợi… huyện Nghĩa Đàn trên 400 ha, tập trung chủ yếu ở các xã Nghĩa Hồng, Nghĩa Mai, Nghĩa Yên, Nghĩa Thọ... Năng suất bình quân khoảng 20 tấn/ha; một số hộ chăm sóc tốt có thể cho năng suất lên đến 30 - 35 tấn/ha.
Những năm qua, quýt PQ là loại cây chứng minh tính chống chịu với thời tiết khắc nghiệt ở Nghệ An. Đây là loại cây dễ trồng, dễ chăm sóc, ít bị sâu bệnh và nếu có thì cũng dễ diệt trừ; có sản lượng cao và ổn định khá đều qua nhiều năm. So với cam thì đây là loại cây không phải mất nhiều công chăm sóc, bón phân, phun thuốc và số vốn đầu tư ít hơn.
Theo tính toán, 1 ha quýt PQ phải đầu tư khoảng 50 triệu đồng (đã bao gồm tính cả tiền công), cho thu hoạch khoảng 25 - 30 tấn, với giá trung bình từ 5.000 - 7.000 đồng/kg thì đã cho thu về trên 150 triệu đồng. Sau khi trừ hết chi phí cũng có lãi cao hơn nhiều so với các cây trồng khác. Tất nhiên, để đạt được năng suất đó thì phải chăm sóc đúng các kỹ thuật và đầu ra phải ổn định.
Quýt PQ năm nay đạt năng suất khoảng 20 tấn/ha, tuy nhiên, số lượng thương lái đến thu mua không nhiều. Ảnh: Nguyên Châu |
Thị trường tiêu thụ chậm
Mặc dù là cây trồng cho năng suất cao, ít sâu bệnh, tuy nhiên, thực tế đầu ra của quýt PQ rất khó đoán định. Trong năm 2021, hàng ngàn tấn quýt PQ của người dân các huyện Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn không tiêu thụ được, dù giá chỉ 2.000 - 3.000 đồng/kg, buộc phải để rụng đầy vườn và kêu gọi giải cứu từ các tổ chức, đoàn thể. Nhiều hộ đã chặt bỏ vườn quýt vì cho rằng không còn hiệu quả. Đến năm 2022, khi nhu cầu thị trường tăng cao, giá quýt tăng vọt lên 10.000 - 12.000 đồng/kg, những hộ có diện tích lớn có thể thu về hàng trăm triệu đồng, những hộ đã chặt bỏ quýt lại lâm vào cảnh trắng tay.
Xã Minh Hợp hiện là địa phương có diện tích quýt PQ nhiều nhất trên địa bàn huyện Quỳ Hợp. Theo bà Trương Thị Vân - cán bộ nông nghiệp xã Minh Hợp cho biết: Toàn xã hiện có khoảng 230 ha quýt PQ, trong đó, có 200 ha đã cho thu hoạch và 30 ha trồng mới. Năm nay quýt sinh trưởng khá tốt, ít sâu bệnh, năng suất trung bình trên 20 tấn/ha. Mặc dù vậy, sức tiêu thụ của nông sản này chậm so với năm 2022.
Năm trước, vào mùa thu hoạch quýt, thương lái ùn ùn đổ về địa phương để thu mua , lượng quýt tiêu thụ toàn xã hàng chục tấn mỗi ngày. Tuy nhiên, năm nay, số lượng thương lái tìm về rất ít, bà con chủ yếu mang ra bán lẻ ngoài thị trường hoặc liên hệ với các khách hàng quen từ những năm trước.
Đó cũng là tình trạng chung của các vườn quýt PQ trên địa bàn huyện Nghĩa Đàn. Ông Hoàng Văn Phúc - Chủ tịch UBND xã Nghĩa Yên, một trong những địa phương có diện tích quýt PQ lớn nhất trên địa bàn huyện cho biết: Toàn xã hiện có gần 100 ha quýt PQ, trong đó, có khoảng 40 - 50 ha đang cho thu hoạch. Trong năm 2022, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên quýt được rất nhiều người lựa chọn vì có nhiều vitamin C, tăng sức đề kháng, giá cũng tăng gấp 2 - 3 lần so với các năm trước. Tuy nhiên, sau Tết Nguyên đán năm nay, thương lái đến thu mua giảm hẳn. Trong cuộc họp đầu tháng 2 vừa qua, việc hỗ trợ người dân tiêu thụ quýt cũng là một trong những vấn đề được địa phương họp bàn tìm ra giải pháp.
Các đơn vị chung tay giải cứu quýt PQ năm 2021. Ảnh: Nguyên Châu |
Hiện nay, người trồng quýt đang thấp thỏm lo âu. Bên cạnh việc liên hệ với các thương lái hay mang đi bán lẻ, bà con cũng tăng cường quảng bá sản phẩm trên các trang mạng xã hội để tiếp cận với khách hàng. Chính quyền địa phương cũng đang tích cực tìm kiếm, liên kết với các đơn vị để có thể bao tiêu sản lượng quýt lớn cho người dân.
Các cơ quan chức năng cũng khuyến cáo người nông dân không vì những vụ được mùa, được giá mà mở rộng diện tích trồng quýt ồ ạt. Thay vào đó, bà con cần đầu tư, nâng cao chất lượng cây trồng, tăng cường áp dụng khoa học, kỹ thuật để cho ra thị trường những sản phẩm chất lượng, an toàn sẽ được người tiêu dùng đón nhận./.