Người trồng sắn tự làm khó mình
(Baonghean.vn) Hàng trăm xe ô tô chở đầy ắp sắn xếp thành hàng dài trước cổng Nhà máy Tinh bột sắn Intimex Thanh Chương chờ đến lượt vào cổng nhập sắn. Tình trạng này xảy ra cả tuần nay.
Sáng 21/12, trước cổng Nhà máy Tinh bột sắn Intimex Thanh Chương rất nhiều xe ô tô chở đầy ắp sắn nối đuôi nhau dài hàng trăm mét nằm chờ đến lượt vào nhập sắn. Trong mỗi ca bin, tài xế và phụ xe mệt mỏi hết nằm lại ngồi. Anh Nguyễn Đức Bình nói: "Xe của tôi chuyên mua sắn ở huyện Tân Kỳ, đường sá xa xôi, khó đi, đến đây lại phải nằm chờ từ trưa hôm qua đến giờ mà vẫn chưa đến lượt, nóng ruột lắm. Nhưng mặc dù phải chờ lâu chúng tôi ai cũng yên tâm, vì nhà máy cam kết không để bất cứ xe nào phải chờ quá 24 giờ. Tình trạng này xảy ra cách đây hơn một tuần, nhưng chưa thấy ai phải chờ qua ngày thứ hai".
Nhà máy Tinh bột sắn Intimex Thanh Chương hoạt động hết công suất vẫn không kịp thu mua sắn cho nông dân.
Tuy nhiên, điều chúng tôi nhận thấy là mặc dù số lượng xe ô tô quá nhiều, phải chờ đợi lâu, nhưng không có bất kỳ hiện tượng chen lấn lộn xộn, hoặc mất an ninh trật tự, mà xe nào đến trước nhập trước, theo thứ tự đã đăng ký. Chủ xe Khăm Toàn, giãi bày: "Xe tôi đến đây từ 1 giờ sáng, nhưng đến 10h trưa vẫn còn 60 xe nữa mới đến lượt mình. Biết là chờ lâu nóng ruột, ăn uống tạm bợ, tốn kém, nhưng phải chấp nhận, vì biết nhà máy thu mua rất tích cực mà không kịp". Trên các ngả đường từ Đô Lương về Thanh Chương, chúng tôi thấy rất nhiều xe tải chở đầy sắn đổ về nhà máy. Tìm hiểu nguyên nhân vì sao bà con thu hoạch sắn ồ ạt, một số lái xe cho biết là do tâm lý người trồng sắn sợ giảm giá và chuẩn bị tiền để mua sắm Tết.
Phía trong Nhà máy Tinh bộ sắn Intimex Thanh Chương, không khí lao động sản xuất rất nhộn nhịp, khẩn trương. Tại bãi tập kết sắn không còn chỗ trống. Sắn được chất thành đống cao, tràn cả lối đi. Giám đốc Nhà máy - ông Trần Quốc Hoàn, cho biết: Nhà máy bắt đầu thu mua sắn cho bà con nông dân từ ngày 20/8. Giá thu mua từ đầu vụ là 1.350 đồng/kg, sau một thời gian giảm xuống 1.250 đồng/kg và mới đây giảm xuống còn 1.200 đồng/kg. Nghĩa là sau 3 tháng hoạt động, nhà máy đã có 2 lần giảm giá. So với năm ngoái thì năm nay giá sắn thấp hơn nhiều.
Chúng tôi đặt câu hỏi, có lẽ vì tâm lý của người trồng sắn sợ sẽ tiếp tục giảm giá nên thu hoạch ồ ạt? Ông Hoàn khẳng định: Trước những thông tin không chính thức về giá thu mua sắn sắp tới nên bà con dồn sức thu hoạch sắn. Nhà máy cam kết từ nay đến Tết Nguyên đán không giảm giá mua sắn. Còn sau đó, nhà máy không những duy trì giá thu mua như hiện nay mà còn có thể tăng ít. Ngay từ đầu vụ, nhà máy đã chuẩn bị lượng tiền đủ để mua sắn đến đâu trả tiền đến đó. Thậm chí những hộ trồng sắn nhiều, nếu cần tiền nhà máy sΩn sàng cho ứng trước. Việc này, nhà máy đã phối hợp với các địa phương tuyên truyền để bà con áp dụng, nhằm tránh hiện tượng thu hoạch sắn một cách ồ ạt như hiện nay.
Những ngày qua nhà máy hoạt động hết công suất, bố trí vận hành liên tục 24/24 giờ trong ngày, mỗi ngày tiêu thụ 800 tấn sắn củ. Rất may là thời gian qua điện lưới ổn định nên nhà máy hoạt động liên tục, lượng tiêu thụ sắn lớn, nếu không thì việc thu mua sắn cho bà con còn khó khăn hơn. Ông Hoàn cho biết thêm: Từ đầu vụ, nhà máy đã khuyến cáo nông dân thu hoạch theo kế hoạch nhưng bà con không chịu thực hiện, nhà máy không đủ nguyên liệu để vận hành. Khi giá sắn giảm thì bà con lại thu hoạch ồ ạt dẫn đến nhà máy thu mua không kịp.
Trước thực trạng đó, lãnh đạo nhà máy tiếp tục phối hợp với các địa phương vừa tuyên truyền, vừa huy động lực lượng cán bộ, nhân viên làm công tác tư tưởng cho lái xe. Xe nào đến trước nhập trước, theo thứ tự đăng ký tại cổng bảo vệ. Cố gắng không để xe nào phải nằm chờ quá 24 tiếng đồng hồ.
Theo ông Hoàn, để giảm áp lực cho nhà máy, người trồng sắn phải hợp tác với nhà máy để có kế hoạch thu hoạch sắn và thu mua hợp lý. Vụ sản xuất của nhà máy còn 5 tháng nữa, do vậy người trồng sắn cần phải bình tĩnh để có kế hoạch thu hoạch sắn phù hợp.
Việc tồn đọng sắn trước cổng nhà máy hình như năm nào cũng xảy ra, qua đó cho thấy, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà máy với chính quyền địa phương và người trồng sắn là rất cần thiết để giảm áp lực cho cả đôi bên.
Xuân Hoàng