Người truyền "lửa" cho thanh niên lập nghiệp

08/07/2014 18:40

(Baonghean) - Những năm gần đây, phong trào “Thanh niên xung kích, tình nguyện phát triển kinh tế, góp phần giảm nghèo” và vươn lên làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương ngày càng được đoàn viên thanh niên hưởng ứng mạnh mẽ. Qua đó đã xuất hiện nhiều cá nhân điển hình, nhiều mô hình đem lại hiệu quả kinh tế cao. Tiêu biểu là mô hình trang trại VACR của anh Đặng Văn Tiến - Bí thư đoàn xã Nam Kim (Nam Đàn).

Trang trại tổng hợp của anh Đặng Văn Tiến ở xã Nam Kim (Nam Đàn) cho lãi ròng trên 150 triệu đồng/năm.
Trang trại tổng hợp của anh Đặng Văn Tiến ở xã Nam Kim (Nam Đàn) cho lãi ròng trên 150 triệu đồng/năm.

Sinh ra trong một gia đình thuần nông, điều kiện kinh tế khó khăn, Đặng Văn Tiến (sinh năm 1980) ở xóm Eo Vòng - xã Nam Kim đã sớm nuôi dưỡng ý chí, khát vọng vươn lên làm giàu. Tốt nghiệp THPT, Tiến tiếp tục theo học nghề lái máy xúc, máy ủi tại Trường Trung cấp giao thông vận tải miền Trung, anh đã không ngần ngại sang nước Lào rồi vào Nam làm đủ thứ nghề. Thế nhưng, hơn 3 năm xa nhà chẳng tích cóp được bao nhiêu, sự nghiệp lâu dài thì không xây dựng được. Sau nhiều đêm suy nghĩ, Tiến đi đến quyết định xin nghỉ việc ở công trình, xách ba lô về quê khởi nghiệp.

Nhận thấy việc phát triển kinh tế tổng hợp đang được cấp ủy, chính quyền và các tổ chức, đoàn thể chú trọng, quan tâm, đầu năm 2006, anh đã mạnh dạn lên UBND xã làm thủ tục thuê 3 ha đất vùng rú Đồng Lở, vay mượn từ ngân hàng, người thân và bỏ nhiều công sức cải tạo đất đồi để lập trang trại theo mô hình VACR. Đồng thời nhận thầu 20 ha mặt nước đập hồ Thanh để nuôi cá. Với nguồn vốn đầu tư ban đầu 300 triệu đồng, trang trại được chia thành các phân khu riêng biệt nuôi 30 con lợn nái sinh sản, 500 con vịt, 400 con gà đẻ; trồng chanh, bạch đàn trên diện tích 1,5 ha theo chu trình khép kín để vừa đảm bảo tính bền vững vừa khai thác hết thế mạnh của vùng đất đồi. Ngoài ra Tiến còn đầu tư chăn nuôi 3 con bò sinh sản theo hình thức bán thâm canh, tức là vừa chăn thả vừa nuôi nhốt…

Ngày đầu lập trang trại không tránh khỏi những khó khăn, bỡ ngỡ, nhưng với lòng quyết tâm làm sao để “mỗi tấc đất hóa tấc vàng” Tiến đã kiên trì học hỏi từ những người có kinh nghiệm, tìm tòi thêm qua các tài liệu hướng dẫn kỹ thuật để trau dồi “vốn” kiến thức cho mình. Chỉ một thời gian ngắn, từ những công việc hàng ngày như cho lợn, gà ăn, nhặt trứng, thu gom chất thải, vệ sinh chuồng trại, xuất bán sản phẩm; đến chủ động tiêm vắc-xin phòng dịch, phun thuốc khử trùng tiêu độc quanh chuồng trại, xay trộn chế biến thức ăn…, Tiến đều làm thuần thục. Sau gần 3 năm lăn lộn công sức của Tiến đã được đền đáp, trừ chi phí cho thu nhập trung bình khoảng 150 triệu đồng/năm, Tiến trở thành triệu phú trẻ trên vùng đất bán sơn địa xã Nam Kim.

Nguồn thu nhập trên nếu so với các trang trại khác chưa phải lớn, nhưng với tuổi trẻ của Nguyễn Văn Tiến thì đáng khâm phục bởi bằng ý chí sắt đá đã vươn lên làm giàu được trên mảnh đất sỏi đá. Từ những thành tích đó, Đặng Văn Tiến được bình chọn là 1 trong 3 đoàn viên thanh niên tiêu biểu của Nghệ An nhận Giải thưởng Lương Định Của lần thứ IV năm 2009 tại Bà Rịa - Vũng Tàu. Chia sẻ về niềm vui này, anh Đặng Văn Tiến cho hay: “Giải thưởng Lương Định Của đến với tôi thật bất ngờ. Qua chuyến đi năm đó, tôi đã được gặp gỡ các bạn đoàn viên, thanh niên xuất sắc ở cả nước, có dịp học hỏi thêm những cách phát triển kinh tế hay, những cách làm mới để về ứng dụng trên quê hương mình”…

Trở về sau lễ nhận giải, Tiến càng có thêm sự tự tin phát triển sự nghiệp với nhiều mô hình thử nghiệm mới như nuôi ba ba, giun quế, lợn đen... Khi hỏi về kinh nghiệm làm giàu, Tiến cười vui vẻ: “Khi quyết định về quê lập nghiệp tôi đã xác định tư tưởng sẽ quyết tâm đến cùng không vì khó khăn ban đầu mà lùi bước. Có thành ắt sẽ có bại, nhưng đã là thanh niên phải xác định dấn thân mới mong thành công. Như năm 2011 tôi đã bỏ ra 500 triệu đồng đầu tư nuôi giun quế, nhưng do nóng vội, chưa tìm hiểu kỹ đối tác làm ăn nên đã thất bại nặng nề. Hay trận lụt năm 2012 làm nước hồ Thanh dâng cao, hàng tấn cá đã đến kỳ thu hoạch bị trôi theo dòng nước lũ. Và việc đa dạng hóa cây, con cũng rất quan trọng, vì thực tế nếu chỉ một loại cây, con nào đó bất ngờ xảy ra dịch bệnh hoặc thay đổi về thị trường thì người chăn nuôi rất khó xoay xở”.

Trên cương vị là Bí thư Chi đoàn xóm Eo Vòng, tiếp đến năm 2011 là Bí thư Đoàn xã, gương thanh niên điển hình Đặng Văn Tiến đã tạo động lực cho nhiều thanh niên trong xã quyết tâm trở về quê hương lập nghiệp. Không chỉ đầu tư phát triển kinh tế, thời gian này anh còn tham gia lớp đại học tại chức ngành Kinh tế - Luật tại Trường Đại học Vinh. Anh tâm niệm: Thanh niên ngoài sức lao động thì cần nhất vẫn là tri thức và chí hướng phấn đấu, vươn lên làm giàu cho chính mình, giúp ích cho xã hội… Giờ đây trang trại của anh Tiến là điểm đến của nhiều thanh niên trong vùng tham quan, học hỏi, và được anh tận tình hướng dẫn kỹ thuật, kinh nghiệm làm ăn. Về Nam Kim sẽ bắt gặp nhiều mô hình trang trại VAC cho thu nhập trên 50 triệu đồng/năm, như trang trại của đoàn viên Đặng Thanh Bắc (ở xóm Tam Giác), đoàn viên Trịnh Văn Quyết, Đặng Thanh Hải (ở xóm Khe Nước)…

Từ Giải thưởng Lương Định Của và những thành công ban đầu, Đặng Văn Tiến đang là tấm gương sáng tiếp “lửa” cho thanh niên nông thôn vươn lên lập thân lập nghiệp, khẳng định sức trẻ, xung kích đi đầu trong xây dựng nông thôn mới.

Ngọc Anh

Mới nhất
x
Người truyền "lửa" cho thanh niên lập nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO