Người vẽ bản đồ Hoàng Sa - Trường Sa

03/09/2013 23:52

(Baonghean) - Trên báo Nghệ An số 9441 ngày 2/6/2013 có bài viết “Thăm đền Quan Lớn Bùng” đề cập tới hiện trạng nơi thờ tự vị võ tướng nổi tiếng thời Lê - Trịnh cũng như nguyện vọng được các cấp chính quyền công nhận đền Quan Lớn Bùng là di tích lịch sử. Trong bài viết này, chúng tôi muốn làm rõ hơn một số vấn đề nhằm giải đáp những thắc mắc liên quan tới võ nghiệp của Đoan Quận Công Bùi Thế Đạt cũng như tấm bản đồ “Bãi cát vàng” trong bộ “Giáp Ngọ niên bình Nam đồ” của ông.

“Bãi cát vàng” trong bộ “Giáp Ngọ niên bình Nam đồ”.

“Giáp Ngọ niên bình Nam đồ” là phần thứ 3 trong tập Hồng Đức bản đồ - Bộ bản đồ cổ tập hợp những tư liệu khác nhau được viết ở những mốc thời gian khác nhau về địa lý nước ta từ thời Lê Sơ đến đời vua Gia Long triều Nguyễn. Nhan đề “Giáp Ngọ niên bình Nam đồ” nghĩa là “Bản đồ đánh dẹp miền Nam năm Giáp Ngọ”. Sau nhan đề là dòng chữ: “Đốc suất Đoan Quận công họa tiến”, nghĩa là: “Quan Đốc suất Đoan Quận công vẽ và dâng lên”.

Dựa vào những thông tin ở nhan đề cùng với những sự kiện có liên quan, đã xác định bộ bản đồ cổ này do Đoan Quận công Bùi Thế Đạt vẽ và dâng lên chúa Trịnh năm Giáp Ngọ niên hiệu Cảnh Hưng thứ 35 (1774). Trong thời điểm lúc bấy giờ ông đang giữ chức Trấn thủ Nghệ An. Vốn là vị tướng mưu lược, nhận thấy chính sự miền Nam có biến động, ông đã bí mật khảo sát và vẽ bộ bản đồ “tình báo” này dâng lên chúa Trịnh nhằm phục vụ cho công cuộc tấn công đánh chiếm chính quyền chúa Nguyễn tại miền Nam.

Nhờ tấm bản đồ chỉ rõ đường đi lối lại tại xứ Đàng Trong cũng như tài cầm quân của 3 vị tướng đầu triều, trong đó có Đoan Quận công mà lần đầu tiên quân Trịnh đánh đổ được chúa Nguyễn, chiếm trọn kinh đô Phú Xuân, điều mà sau gần 150 năm với 7 lần đại chiến Trịnh – Nguyễn phân tranh, chúa Trịnh chưa bao giờ làm được.

Bộ bản đồ gồm tất cả 15 tấm bản đồ vẽ xứ sở Đàng Trong đi từ Quảng Bình vào tới núi Đá Bia thuộc Phú Yên. Vì thuần túy chỉ phục vụ mục đích quân sự nên nó chưa mô tả đầy đủ cửa biển, bờ biển trên vùng biển thuộc lãnh hải nước ta. Tuy nhiên, với những gì mà bộ bản đồ thể hiện cũng cho chúng ta hình dung một cách khái quát về diện mạo khu vực Đàng Trong vào những năm cuối thế kỷ 18. Đặc biệt, trong đó có những chi tiết bằng hình ảnh xác định chính quyền (chúa Nguyễn) và người Việt (xứ Đàng Trong) đã khai thác và làm chủ “Bãi cát vàng”, thể hiện ở chỗ trong bộ bản đồ này “Bãi cát vàng” được vẽ và chú thích ở ngoài khơi phủ Quảng Ngãi. “Bãi cát vàng” được vẽ tượng trưng bằng hình những quả núi hình bầu dục, nằm giữa Cù Lao Chàm và Cù Lao Ré ngoài khơi huyện Bình Sơn.

Bộ bản đồ này chỉ phục vụ mục đích quân sự là chính. Vậy tại sao “Bãi cát vàng” lại được vẽ và chú thích đầy đủ như vậy? Ta biết rằng dưới thời các chúa Nguyễn đã cho thành lập đội Hoàng Sa để khai thác các lợi ích kinh tế, bên cạnh đó đội Hoàng Sa còn có nhiệm vụ sẵn sàng ứng chiến nếu như có sự xâm phạm từ bên ngoài. Qua đây ta thấy rõ được sự quản lý Hoàng Sa – Trường Sa dưới thời chúa Nguyễn đã đạt tới mức độ hoàn thiện cả về hệ thống cũng như quy chế. Chính vì vậy, Đoan Quận công khi vẽ “Giáp Ngọ niên bình Nam đồ” đã không thể bỏ sót một khu vực vô cùng quan trọng như “Bãi cát vàng” được.

Như vậy, “Giáp Ngọ niên bình Nam đồ” là tác phẩm thứ hai xuất hiện danh từ “Bãi cát vàng”, sau “Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư” của Đỗ Bá Công Đạo. Sau gần 250 năm kể từ khi ra đời, tấm bản đồ hiện vẫn còn tồn tại và được lưu giữ, góp phần không nhỏ vào việc khẳng định chủ quyền của nước ta đối với hai quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa thân yêu.


Phần vẽ “Bãi cát vàng” trong “Giáp Ngọ niên bình Nam đồ”.

Sự nghiệp võ tướng của Đoan Quận công

Sự nghiệp võ tướng của Đoan Quận công được các sử gia thời Lê Trịnh ghi chép rất đầy đủ và chi tiết trong nhiều bộ chính sử như Đại Việt sử ký tục biên, Phủ biên tạp lục… Trong sự nghiệp cầm quân, ông hầu như chưa bại trận lần nào, trở thành một trong những trụ cột chính của nhà nước phong kiến lúc bấy giờ. Đến khi ông qua đời, triều Lê - Trịnh không còn tướng giỏi và bước vào con đường suy vong rồi sụp đổ. Với những chiến công lững lẫy đương thời, ông là 1 trong 3 võ tướng được ghi tên vào cờ Thái thường ở Phủ Chúa – một đặc ân rất hiếm có thời Lê Trịnh.

Trong bộ bách khoa toàn thư “Lịch triều hiến chương loại chí”, nhà bác học Phan Huy Chú đã xếp ông vào hàng những bậc hiền tài, danh tướng, danh nho, những người tiết nghĩa của Việt Nam và ca ngợi: “Thế Đạt là con nhà tướng, có mưu lược, hành quân chuyên thận trọng, yêu sĩ tốt, nhiều phen lập đại công. Triều đại bấy giờ coi là bậc tế phụ để nương tựa. Dòng dõi nhà huân thần có địa vị danh vọng cao, ông là bậc danh tướng của châu Hoan thời gần đây”.

Tuy vậy, với việc ông là võ tướng thời nội chiến “nồi da xáo thịt” chứ không phải là vị tướng chống quân xâm lược, nên võ nghiệp của ông có phần bị hạn chế. Tuy nhiên, ta cũng phải nhận thấy rằng, đây chỉ là hạn chế mang tính thời đại. Bởi lúc bấy giờ ông đang là bề tôi triều Lê Trịnh ắt phải trung thành phục vụ triều Lê Trịnh. Hơn nữa, chính những chiến công đánh dẹp khởi nghĩa nông dân của ông góp phần ổn định tình hình chính trị - xã hội đất nước, tạo nên sự vững mạnh của vương triều, khiến cho ngoại bang phải e dè kính nể, không dám động binh xâm lấn. Trường hợp của Đoan Quận công Bùi Thế Đạt rất giống với trường hợp của những võ tướng nổi tiếng của xứ Nghệ trong lịch sử như Phan Công Tích, Thái Bá Du, Nguyễn Cảnh Hoan… và các võ tướng nổi tiếng khác trong lịch sử dân tộc như Hoàng Ngũ Phúc, Nguyễn Nghiễm... Chính vì vậy không thể phủ nhận một võ tướng tài ba như Đoan Quận công Bùi Thế Đạt.



Mộ Đoan Quận công nằm lặng lẽ trong ngõ nhỏ.

Xin đừng quên lãng

Hơn 10 năm sau khi Đoan Quận công Bùi Thế Đạt qua đời, triều Lê - Trịnh mất, triều Nguyễn thành lập, vì vậy tên tuổi của ông cũng chìm vào quên lãng. Ngôi đền thờ ông hiện nay tại quê nhà xóm Trung Yên xã Diễn Ngọc (Diễn Châu) cũng trải qua nhiều thăng trầm lịch sử mà trở nên hoang phế. Nhưng may mắn là vẫn còn lưu giữ được những di sản hiện vật quý báu là các bức tượng cổ thời Lê Trung Hưng duy nhất còn lại trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Nằm không xa đền Quan Lớn Bùng là mộ của Đoan Quận công và phu nhân tại thôn Hữu Bùng, xã Diễn Bích. Đoan Quận công và phu nhân có nhiều người con cũng là những võ tướng, văn nhân nổi danh đương thời, trong đó có người con rể đầu là Ôn Như hầu Nguyễn Gia Thiều – tác giả của tác phẩm “Cung oán ngâm khúc” nổi tiếng. Khu mộ hiện nay được vây quanh bằng tường rào thấp nằm quạnh quẽ trong ngõ nhỏ, xung quanh cây cỏ um tùm. Hai ngôi mộ chỉ có bia mộ nhưng không hề có chi tiết trang trí hay hiện vật bài trí nào khác nên trông rất quạnh quẽ. Hỏi thăm một số người dân địa phương, nhiều người không biết đây là ngôi mộ của ai, còn một số người khác “nghe nói đây là mộ của một ông quan lớn”.

Hiện nay, ngôi đền Quan Lớn Bùng đã được nhân dân tự nguyện phục hồi nhưng chưa được đưa vào danh mục quản lý của chính quyền địa phương. Và thân thế sự nghiệp của Đoan Quận công vẫn chưa được nhiều người biết đến. Nhưng những dấu ấn binh nghiệp của ông vẫn còn được nhắc đến trong nhiều bộ chính sử và tấm bản đồ vẽ Hoàng Sa, Trường Sa của ông vẫn còn lưu giữ lại cho tới tận ngày nay. Chính vì vậy, ngôi đền thờ Quan Lớn Bùng tại quê hương ông hiện nay cần được các cấp chính quyền công nhận là di tích lịch sử cuộc đời và sự nghiệp của ông cần được tìm hiểu, nghiên cứu kỹ để có sự ghi danh xứng tầm.


Trần Tử Quang (Thư viện tỉnh Nghệ An)

Mới nhất
x
Người vẽ bản đồ Hoàng Sa - Trường Sa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO