Người viết văn tế Đền thờ Quang Trung
Tiết trời cuối xuân. Mưa phùn giăng kín thành Vinh. Ghé thăm nhà ông Nguyễn Xuân Tính - một cán bộ quân đội về hưu - dưới chân núi Quyết. Bên ý định tìm hiểu thêm về chiến dịch Điện Biên Phủ mà ông là người trực tiếp tham gia, chợt bị cuốn theo những câu chuyện đầy cuốn hút xung quanh những bài văn tế tại đền thờ vua Quang Trung, mà ông là người trực tiếp soạn thảo.
Cảm nhận ông rõ thêm khi ông tự trào lộng: “Thiên tích thông minh” đa tình, đa tật; “thánh phù công dụng” dở cán, dở quân - trong bài phú “Chân dung tự họa”. Sinh ra trong gia đình nho học ở đất Đông Sơn, sớm thoát ly tham gia hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc. Hòa bình, ông công tác ở các cương vị khác nhau, những tưởng vốn chữ Hán được các bậc thân sinh truyền dạy bấy lâu đã mất hết. Thế nhưng khi về hưu, những nét sổ, ngang, móc, mác…lại hiện về, như thể đó chính là cơ duyên của ông với từng con chữ vậy.
Ông Tính đang xem lại các bài văn tế
Tham gia CLB Hán - Nôm tỉnh Nghệ An từ năm 2005, những hoạt động liên quan đến văn tự cổ (Hán - Nôm) trên địa bàn không khi nào thiếu vắng ông. Chủ trương xây dựng đền thờ Quang Trung (khởi công từ 15/8/2005 đến 7/5/2008) đã thỏa lòng mong ước của người dân địa phương muốn có một nơi tôn nghiêm để tưởng nhớ công lao to lớn của vị anh hùng dân tộc, nơi ôn lại chiến công của đoàn quân năm xưa vượt núi băng rừng, thần tốc tiến ra Bắc đánh tan quân Thanh xâm lược.
Tự hào vì đôi câu đối của mình viết được treo tại thượng điện
Khi đền hoàn thành, ông là một trong 10 người ở địa phương có câu đối được chọn để đặt trên đền (có tất cả 22 đôi câu đối, trong đó có 12 đôi của địa phương được chọn, còn lại của viện Hán - Nôm). Đôi câu đối của ông được đặt ở thượng điện: Dũng tướng siêu quần Long Nhương tướng/ Minh vương kiệt xuất Bắc Bình vương (tạm dịch: Long Nhương tướng tài ba dũng cảm; Bắc Bình vương kiệt xuất hiền tài). Ông cũng là người được chọn để soạn ra 4 bài văn tế: Khai quang giải uế mộc dục tế văn (tế khi làm lễ động thổ); Tiên nhật tế văn yết cáo (tế trước ngày đại lễ); Đại lễ tế văn (tế khi tổ chức đại lễ); Tế tạ văn (sau khi đại lễ kết thúc).
Đền Quang Trung có tất cả 22 đôi câu đối Câu đối được khắc trên tấm bình phong bằng đá
Ông cho biết, viết câu đối hay văn tế theo đúng nguyên tắc là không khó, nhưng để có được đôi câu đối và bài văn tế hùng hồn, ca ngợi được công đức lớn lao, thì không phải là dễ. Điều đó đòi hỏi người viết phải nắm rõ lịch sử, hiểu rõ được những công lao to lớn của Quang Trung - Nguyễn Huệ đối với quê hương, đất nước. Hơn nữa trong khuôn khổ một bài văn tế phải thể hiện được niềm tự hào, lòng tôn kính của lớp hậu thế đối với bậc tiền nhân. Qua đó mà có được một câu đối, một bài văn tế sâu sắc nhất, gói gọn trong một nguyên tắc định sẵn.
Trong thời gian viết câu đối, văn tế, ông đã tra cứu thêm các tài liệu về giai đoạn lịch sử đầy biến động của nước nhà, tìm hiểu thêm về những chiến tích đánh Tây, dẹp Bắc của vị anh hùng áo vải. Để rồi khi hoàn thành, trong đó đã thể hiện được đầy đủ, bản lĩnh, công lao của vị anh hùng, cũng như thể hiện được niềm tự hào của thế hệ hôm nay về những chiến công mà Quang Trung - Nguyễn Huệ đối với đất nước.
Bài, ảnh: Đặng Cường- Nguyễn Tiến