Nguy cơ cháy nổ tại nhà ở kết hợp kinh doanh dịp cận Tết
Thời gian qua, nhiều vụ cháy lớn tại hộ gia đình là nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản tại nhiều tỉnh, thành. Tình trạng này gióng lên hồi chuông cảnh báo về công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC), nhất là trong dịp cận Tết Nguyên đán, khi các cơ sở sản xuất và nhà ở kinh doanh tích trữ lượng lớn hàng hóa, làm gia tăng nguy cơ cháy nổ.
Tiềm ẩn nguy cơ
Hàng hóa sắp xếp lộn xộn, lấn chiếm lối đi, nhiều cơ sở không có cửa thoát hiểm dự phòng, thiếu hệ thống điện tự ngắt khi có cháy... Đây là thực tế mà chúng tôi đã ghi nhận tại một số hộ kết hợp nhà ở để kinh doanh tại địa bàn thành phố Vinh.
Đơn cử tại phường Bến Thủy, hiện có hơn 500 hộ kinh doanh, trong đó nhiều hộ kết hợp nhà ở để kinh doanh đang tồn tại những vấn đề tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ. Đại diện UBND phường Bến Thủy cho biết, gần đây, đoàn kiểm tra của phường đã tiến hành kiểm tra các hộ kinh doanh kết hợp nhà ở trên địa bàn.
Đoàn đã nhắc nhở và xử phạt hành chính hộ gia đình ông N.L.K, ở khối 10 do kinh doanh giày dép, túi xách nhưng các thành viên trong gia đình và nhân viên cửa hàng không được đào tạo về PCCC, không nắm vững các quy định an toàn. Hàng hóa được bày trí không khoa học, gây cản trở lối thoát hiểm và tăng nguy cơ cháy lan nếu xảy ra sự cố hỏa hoạn.
Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến các vụ cháy lớn với hậu quả nghiêm trọng xảy ra ở một số địa phương trong cả nước thời gian gần đây. Điển hình mới đây nhất vào 4h50 ngày 4/1, một vụ cháy lớn xảy ra tại cổng làng Lim, thị trấn Lim, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Khu vực cháy là ngôi nhà ba tầng, tầng 1 dùng để kinh doanh xe đạp điện, tầng 2 và 3 làm nơi sinh sống. Do chất cháy gồm xe đạp điện, nhựa và thiết bị điện, lượng khói và khí độc sinh ra khiến công tác chữa cháy và cứu nạn gặp nhiều khó khăn. Dù đám cháy được dập tắt sau 20 phút, nhưng nạn nhân – con gái chủ cửa hàng đã tử vong sau khi được đưa đến bệnh viện.
Tại Nghệ An, theo thống kê từ ngày 15/12/2023 đến 14/12/2024, toàn tỉnh xảy ra 66 vụ cháy (trong số đó có 1 vụ tại nhà ở kết hợp kinh doanh hàng tạp hóa tại xã Quỳnh Hưng, huyện Quỳnh Lưu), không gây thiệt hại về người nhưng gây tổn thất tài sản ước tính khoảng 3,6 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm 2023, số vụ cháy giảm 2 vụ (tương đương 2,9%) và thiệt hại tài sản giảm khoảng 22,4 tỷ đồng.
Dù vậy, theo đánh giá của lực lượng chức năng, tình hình cháy nổ trên địa bàn tỉnh vẫn còn tiềm ẩn nhiều phức tạp. Đặc biệt, tại các khu dân cư, nhiều nhà ở được thiết kế theo dạng hình ống, liền kề và san sát nhau, không đảm bảo khoảng cách an toàn PCCC. Phần lớn các công trình này thiếu lối thoát hiểm dự phòng cũng như giải pháp ngăn cháy lan hiệu quả.
Đáng chú ý, do nhu cầu kinh doanh ngày càng gia tăng, việc cải tạo, chuyển đổi nhà ở thành cơ sở kinh doanh đang diễn ra phổ biến. Tuy nhiên, công tác quản lý về PCCC trong lĩnh vực này vẫn còn nhiều bất cập.
Đối với nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, tình trạng chất đầy đồ đạc, hàng hóa gần nguồn điện, nguồn nhiệt, hoặc chất chồng trước lối thoát hiểm càng làm tăng nguy cơ cháy nổ.
Khi xảy ra sự cố, lối thoát hiểm bị chặn, ngọn lửa dễ bùng phát mạnh và lan nhanh, khiến lực lượng chức năng gặp khó khăn trong việc tiếp cận hiện trường để chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
Nâng cao ý thức, kỹ năng xử lý tình huống
Thượng tá Nguyễn Đình Hạnh - Phó trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC và CNCH) Công an tỉnh Nghệ An cho biết, theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 21.843 nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, trong đó có 1.294 cơ sở có nguy cơ cháy nổ cao.
Để đảm bảo công tác phòng cháy, chữa cháy đối với loại hình này, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh đã tổ chức tuyên truyền, tập huấn tại các khu dân cư, nhằm đảm bảo 100% hộ gia đình, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh có ít nhất 1 người được tập huấn về PCCC. Đến nay, đã tổ chức tập huấn kiến thức, kỹ năng cơ bản về PCCC và CNCH cho 916.632 người là đại diện các hộ gia đình, đạt 110% chỉ tiêu.
Bên cạnh đó, Công an tỉnh đã xây dựng và nhân rộng 1.118 Tổ liên gia an toàn PCCC đối với nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, qua đó, giúp người dân kịp thời khống chế và dập tắt các đám cháy ngay từ khi mới phát sinh, hạn chế nguy cơ cháy lan rộng trước khi lực lượng chuyên nghiệp có mặt. Đặc biệt, công tác tổ chức các Hội thi nghiệp vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ “Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy” đã thu hút sự quan tâm của các cấp chính quyền và đông đảo nhân dân, lan tỏa phong trào toàn dân tham gia PCCC và CNCH trên địa bàn tỉnh.
Công an tỉnh cũng phối hợp với Sở Xây dựng tham mưu UBND tỉnh ban hành tài liệu hướng dẫn một số giải pháp cấp thiết để tăng cường điều kiện an toàn PCCC đối với nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ, nhà ở riêng lẻ kết hợp sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, thực hiện 602.350 lượt kiểm tra an toàn PCCC đối với loại hình này, xử lý 239 trường hợp vi phạm với tổng tiền phạt 95,9 triệu đồng.
Tuy nhiên, với số lượng lớn các cơ sở nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, trong đó có đến 1.294 cơ sở có nguy cơ cháy nổ cao, trong giai đoạn cao điểm chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, nếu không triển khai kịp thời các biện pháp PCCC, tình trạng cháy nổ có thể gây thiệt hại nghiêm trọng.
Trước thực tế đó, Công an tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 575/KH-UBND ngày 18/7/2024 triển khai thực hiện Chỉ thị số 19/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác PCCC đối với các loại nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ và nhà ở riêng lẻ kết hợp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Trong đó, giao UBND các huyện, thành phố, thị xã chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn tổ chức rà soát, phân loại các cơ sở và hướng dẫn các giải pháp bảo đảm an toàn PCCC, đặc biệt là đối với các nhà ở cho thuê trọ và nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, yêu cầu người đứng đầu cơ sở, chủ hộ gia đình cam kết thực hiện các giải pháp PCCC theo đúng lộ trình, hoàn thành trước ngày 30/3/2025. Nếu không thực hiện xong, các cơ sở sẽ phải dừng hoạt động cho đến khi hoàn tất các yêu cầu về an toàn PCCC.
Tiếp đó, UBND tỉnh đã ban hành Văn bản số 7293/UBND-CN ngày 26/8/2024 về các giải pháp cấp thiết tăng cường điều kiện an toàn PCCC đối với nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ, và nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh (bao gồm cả nhà cho thuê trọ). Văn bản này hướng dẫn cụ thể về việc trang bị phương tiện PCCC, đảm bảo điều kiện thoát nạn, cách bố trí mặt bằng và sắp xếp vật dụng, hàng hóa sao cho đảm bảo an toàn PCCC cũng như việc lắp đặt và sử dụng hệ thống điện an toàn.
Từ nay đến Tết Nguyên đán, bên cạnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, lực lượng Công an sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương thực hiện đợt cao điểm kiểm tra an toàn PCCC đối với khu dân cư, hộ gia đình, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, đồng thời hướng dẫn cách sử dụng và quản lý nguồn lửa, nguồn nhiệt an toàn; đảm bảo lực lượng và phương tiện sẵn sàng ứng phó với các tình huống có thể xảy ra.
Ngoài sự sát sao của lực lượng chức năng, mỗi người dân cần chủ động tuân thủ các quy định về PCCC, trang bị phương tiện chữa cháy và nắm vững kỹ năng xử lý tình huống khi có sự cố, góp phần bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản cho mình và cộng đồng.Thượng tá Nguyễn Đình Hạnh - Phó trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Công an tỉnh Nghệ An