Nguy cơ hỏng môi, ngộ độc chì từ son môi kém chất lượng
Môi khô và bong tróc, đau rát, chị Hòa dùng nhiều biện pháp khắc phục như thoa mật ong, nha đam mà không khỏi. Bác sĩ cho biết chị bị kích ứng với son môi.
Chị Hoa, 29 tuổi, quê ở Đà Nẵng, có thói quen sử dụng son môi mỗi khi ra khỏi nhà. Hàng ngày, chị thoa từ 3 đến 4 lần son môi, cứ sau mỗi bữa ăn son trôi đi, chị lại thoa một lớp mới. Khi mua son, chị chỉ quan trọng màu sắc yêu thích không quan tâm sản phẩm của hãng nào, bán ở đâu. "Không có nhiều tiền nên tôi mua son khoảng 80 nghìn đồng ở chợ gần nhà. Thực sự tôi không biết chất lượng son như thế nào", bà mẹ trẻ cho biết.
Sau khi được bác sĩ thăm khám, kê toa thuốc uống và bôi, đồng thời ngưng sử dụng son, tình trạng của chị Hoa đã cải thiện. Đến nay làn da môi đã mềm mại và không còn vết nứt nẻ. Các bác sĩ cho rằng chị Hoa bị kích ứng với chì có trong son môi rẻ tiền, không rõ nguồn gốc.
Môi của bệnh nhân bị kích ứng cho sử dụng son kém chất lượng. Ảnh: TH |
Bác sĩ chuyên khoa II Lê Kim Lộc, Bệnh viện Đa khoa Tâm Trí Đà Nẵng cho biết thời gian qua nơi đây tiếp nhận và điều trị nhiều bệnh nhân gặp các vấn đề viêm da, mẩn ngứa, kích ứng có liên quan đến thói quen sử dụng mỹ phẩm, đặc biệt là son môi. Nguy cơ nhiễm độc hóa chất, nhất là nhiễm độc chì, từ son môi rất cao. Hóa chất độc hại có trong son môi, kể cả son dưỡng, đặc biệt là hàng nhái, kém chất lượng, là nguyên nhân dẫn đến tình trạng viêm da, mẩn ngứa, dị ứng, kích ứng… ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng.
Tình trạng sâu răng ở những người sử dụng các loại son dưỡng môi có chứa dầu cứng (một chất làm phế tích men răng) ngày càng gia tăng. Trong son dưỡng kém chất lượng, hàm lượng chất này thường cao hơn gấp nhiều lần. "Sử dụng thường xuyên với hàm lượng lớn, chất paraffin có trong son sẽ dính vào bề mặt răng, gắn kết và tạo điều kiện cho vi khuẩn truyền nhiễm phát triển, tạo nên các vết nứt nhỏ trong men răng dẫn đến sâu răng", bác sĩ giải thích.
Không phải tất cả son môi đều chứa chì, song nhiều nghiên cứu gần đây đã chỉ ra kim loại độc hại này có mặt trong son môi nhiều hơn mức mọi người thường nghĩ, làm tăng độ bám dính. Son càng nhiều chì thì càng bám dính lâu. Theo bác sĩ Lộc, kim loại chì sử dụng trong son môi dù với một lượng rất nhỏ sẽ dễ dàng đi vào cơ thể khi được nuốt vào hay hấp thu qua da môi. Ít người biết trong thành phần của nhiều loại son có chứa chì - kim loại độc có thể gây ngộ độc và cả những rối loạn về ngôn ngữ, hành vi và trí tuệ. Nhiều nghiên cứu cho thấy chì là một chất độc thần kinh và có thể nguy hiểm ngay cả với liều lượng rất nhỏ.
Các chuyên gia da liễu khuyến cáo, chì không phải là kim loại độc hại duy nhất mà nhiều người đang tự tay thoa lên môi của mình mà còn rất nhiều độc chất khác trong son môi. Một nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học Đại học California thử nghiệm 8 loại son môi và 24 loại kem làm bóng môi. Kết quả phát hiện 9 kim loại độc hại, bao gồm crôm, cadimi, nhôm, mănggan và chì.
Các nhà sản xuất son môi cho rằng hàm lượng chỉ trong son là rất nhỏ nên không nguy hại, nhưng thực ra họ đang phớt lờ thực tế là những người sử dụng son môi thường xuyên sẽ tích lũy độc chất trong một thời gian dài. Nếu chỉ sử dụng son môi một lần trong ngày thì không có gì nguy hại, và tin tốt lành là không phải loại son môi nào cũng chứa chì. Tuy nhiên, nếu dùng son môi từ 2 đến 14 lần mỗi ngày tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe. Ước tính, trung bình mỗi ngày phụ nữ thoa son đã nuốt vào 84 mg son.
Muốn nhận biết son có chì nhiều hay ít, khi mua có thể thoa lớp son mỏng lên tay, dùng nhẫn vàng chà nhẹ lên lớp son. Nếu son có độ chì lớn, màu son trên tay sẽ chuyển sang màu xám. Độ xám càng đậm chứng tỏ son càng nhiều chì./.
Theo VnExpress
TIN LIÊN QUAN |
---|