Nguy cơ mất an toàn tại bến khách trên sông
(Baonghean) - Mùa mưa bão đến, cũng là thời điểm "nóng" đối với công tác chấn chỉnh, lập lại trật tự trên các tuyến giao thông đường thủy nội địa. Tuy nhiên, công tác an toàn tại các bến khách trên sông xem ra vẫn là một bài toán khó.
Nghệ An hiện có 14 con sông lớn, nhỏ với tổng chiều dài trên 1.000km. Các tuyến chính như sông Lam, sông Con có độ dốc lớn, mùa mưa bão, nước thường chảy xiết, tạo ra nhiều dòng xoáy nguy hiểm. Do nhiều cầu treo và cầu cứng bắc qua sông được xây dựng tại Anh Sơn, Đô Lương, Tương Dương, nên toàn tỉnh hiện chỉ còn 36 bến đò, giảm 10 bến so với năm 2012. Có 3 bến đò dọc là bến thượng lưu thủy điện Bản Vẽ (Tương Dương), bến Phà Lài xã Môn Sơn (Con Cuông), bến thủy điện Hủa Na (Quế Phong).
Theo thống kê từ Ban ATGT tỉnh, hiện nay 28/36 bến khách ngang sông trên địa bàn tỉnh ta đủ điều kiện hoạt động, 36/39 phương tiện đảm bảo hoạt động theo quy định của pháp luật, 53/55 người điều khiển phương tiện trên các bến khách ngang sông có chứng chỉ chuyên môn (CCCM). Bên cạnh đó, 94/95 phương tiện chở khách dọc sông được kiểm định an toàn kỹ thuật, 100% người lái đò (94 người) trên các bến đò dọc có CCCM. Sau 3 năm thực hiện cuộc vận động "Văn hóa giao thông với bình yên sông nước" do tỉnh phát động, các đơn vị, địa phương đã tiến hành xây dựng 15 mô hình điểm. Trong đó, có 9 mô hình bến đò kiểu mẫu, bến đò an toàn tự quản như bến Cung, bến đò Nguộc ở Thanh Chương, bến đò Nam Thượng - Nam Đàn, bến Sẻ - Nghĩa Đàn, bến Cam Lâm - Con Cuông, bến đò Trung - Đô Lương..
Tuy nhiên, theo đánh giá của cán bộ Thanh tra GTVT- Sở Giao thông Vận tải thì, công tác quản lý, đảm bảo an toàn tại các bến khách ngang và dọc sông còn nhiều bất cập. Đầu năm 2013, qua các cuộc thanh, kiểm tra, đoàn liên ngành đã ra quyết định xử phạt 70 trường hợp vi phạm hành chính về ATGT đường thủy nội địa, với số tiền phạt trên 93 triệu đồng; đình chỉ 9 bến đò, 5 phương tiện chở khách vi phạm đăng ký, đăng kiểm và xuống cấp, 2 cầu phao tạm bằng tre nứa hoạt động tự phát qua sông Hoàng Mai - Thị xã Hoàng Mai.
Đặc biệt, tại chiến dịch truy quét khai thác cát sỏi trên sông Con ở Tân Kỳ, đã thu giữ và xử lý hàng chục tàu, thuyền khai thác cát sỏi trái phép. Tại các bến đò dọc lòng hồ ở Quế Phong, Tương Dương, công tác quản lý chuyên chở khách du lịch bước đầu được quan tâm. Tuy nhiên, do hoạt động tàu thuyền tại các bến này thường ở cự ly xa, lòng hồ rộng, nước sâu, nguy cơ tai nạn giao thông thủy rất khó lường. Đáng chú ý, phần lớn các địa phương không quản lý bến mà phó mặc hoạt động chở khách ngang sông cho chủ đò theo phương thức "tự thu, tự chi".
Ý thức của người điều khiển phương tiện đò ngang, sẽ có thể dự báo được về an toàn tại các bến khách. Bến đò Lĩnh - Lạng (Lĩnh Sơn - Anh Sơn) là bến có số lượng người và học sinh qua lại khá đông (gần 300 người/ngày). Theo quy định, chiếc thuyền chở khách bằng thép (công suất 15CV) của vợ chồng chủ đò Nguyễn Văn Tùng được chở số lượng 14 người/chuyến.
Tuy nhiên, nhiều lúc đò này đã chở tới 40 - 50 người/chuyến. Chủ yếu tập trung vào các thời điểm sáng sớm, tan chợ, đi học, tan trường. Chủ đò, phân trần "học sinh cấp 2, có em ở xa bến 4 - 5 km, đường sá gồ ghề, phải đi bộ. Có cháu ngủ dậy muộn, sợ chậm giờ học nên cứ đổ xô lên thuyền. Đi nhiều chuyến vừa không kịp giờ học của các em, vừa lãng phí dầu máy". Còn tại bến Huống- xóm 8 Thanh Giang (Thanh Chương) - được xem là mô hình bến đò tự quản an toàn, song người lái đò vẫn "hành nghề" vào ban đêm. Theo ông Nguyễn Minh- chủ đò (hợp đồng chở khách cho xã Thanh Yên trên bến Huống) thì, do nhu cầu người dân qua lại trên bến đông. Ban đêm là cơ hội “bù” lại những ngày mưa lạnh, hạn hán, phải bò cày (chèo vòng vèo theo luồng nước sâu) hàng kilômét "không công" trên sông...
Sự chủ quan của người điều khiển và người tham gia giao thông còn thể hiện trong việc "bỏ lơ" không mặc áo phao cứu sinh. Bến đò Huống - (Thanh Giang) phục vụ người dân và giáo viên 6 xã vùng Bích Hào, Thị trấn Nam Đàn, nhưng ông Minh - chủ đò, cho biết "thuyền được trang cấp đầy đủ áo phao, mà không ai mặc, nên cất đi cho gọn". Tại các bến đò Tào - Lĩnh (Anh Sơn), Bãi Đá (Nghĩa Thái-Tân Kỳ)..., chúng tôi đều chứng kiến hình ảnh tương tự. Ở các bến đò chèo tay, tình hình cũng không cải thiện hơn, như Bình Sơn (Anh Sơn), áo phao cứu sinh bị bỏ mặc, cũ kỹ, hư hại.
Cơ sở vật chất tại các bến đò ngang cũng rất đáng báo động. Hầu hết đều trong tình trạng có nguy cơ sụt lún, xuống cấp nghiêm trọng. Bến đò Lạng- Lĩnh (Anh Sơn) được triển khai nâng cấp theo nguồn kinh phí của tỉnh (8 bến trong huyện, mỗi bến gần 300 triệu đồng để làm đường lên xuống động đò bằng xi măng). Tuy nhiên, đến nay, phần đường tại điểm bến Lạng Sơn hoàn toàn bị "xóa sổ". Người dân Lạng Sơn và học sinh đi học rất khó khăn.
Mùa mưa, đường ra bến lầy trơn, bùn sục. Còn đường lên xuống động đò ở điểm bến xóm 2- Lĩnh Sơn thì bị người dân đào đắp, lấn đường, gây trở ngại cho khách xuống bến. Đường lên xuống bằng xi măng tại điểm bến Lĩnh Sơn thường bị vùi lấp, vì vậy nhà đò phải liên tục thay đổi điểm ghé đò. Bến đò ở đây luôn chỉ là một bãi cát. Trong cả 8 bến đò ở Anh Sơn, các nhà chờ đều kém chất lượng, không được đưa vào hoạt động, các bảng nội quy niêm yết giá hư hỏng. Tại bến Bãi Đá (Nghĩa Thái) đường lên xuống bến đò đã bị bào mòn, hư hại, bờ kè bị sói lở...
Khai thác cát trên Sông Lam ảnh hưởng đến ATGT của bến đò. (Ảnh chụp tại Bến đò Lĩnh -Tào huyện Anh Sơn).
Ngoài ra, trên 355 phương tiện khai thác, vận chuyển, 87 bến bãi tập kết, kinh doanh cát sỏi (chủ yếu ở các huyện chạy dọc sông Lam và sông Con), làm ảnh hưởng đến hoạt động bến khách rất lớn.
Theo ông Nguyễn Viết Hùng - Phó Chánh thanh tra Sở GTVT thì: Công tác quản lý bến đò và hoạt động các bến khách, phải được gắn liền với trách nhiệm của UBND cấp huyện, xã. Thực tế kiểm tra tại nhiều cơ sở bến cho thấy, việc chấp hành các quy định ATGT đường thủy chỉ mang tính tạm thời. Nhiều huyện có ban hành chủ trương về quản lý bằng văn bản, nhưng không tổ chức kiểm tra việc thực hiện, nên hiệu quả không cao. Đa số cấp xã, phường, thị trấn không ban hành chủ trương chỉ đạo bằng văn bản. Có cơ sở cũng ban hành, nhưng mang tính hình thức, không chỉ đạo thực hiện hay kiểm tra, nhắc nhở việc chấp hành văn bản.
Ông Bùi Đình Cảnh - Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Thái (Tân Kỳ), thừa nhận: "Xã có trách nhiệm đôn đốc, nhắc nhở chủ đò đảm bảo an toàn tính mạng cho khách qua sông. Tuy nhiên, không thể kiểm soát hết mọi hoạt động của nhà đò, lại càng không có quyền ngừng hoạt động của bến khách trên địa bàn ". Công tác hỗ trợ thủ tục đăng kiểm, đăng ký phương tiện, cũng như việc hướng dẫn thực hiện mua Bảo hiểm tai nạn đường sông cho tàu và người lái đò hầu hết chưa được thực hiện.
Để đảm bảo ATGT đường thủy nội địa, nhất là an toàn tại các bến đò khách mùa mưa bão, UBND tỉnh đã ban hành các quyết định 1030/QĐ- UBND, Công văn số 3285/UBND- NC về việc tăng cường công tác đảm bảo trật tự ATGT đường thủy mùa du lịch và mùa mưa bão 2013. Theo đó, UBND các huyện cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nhận thức đến tận các chủ đò, các hộ dân cư, thôn, bản, nhất là đối tượng học sinh về cuộc vận động "văn hóa giao thông với bình yên sông nước". Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về trật tự ATGT thủy, đầu tư, nâng cấp kịp thời các bến đò, xóa bến không đủ điều kiện; đình chỉ ngay các hoạt động của phương tiện đò dọc, đò ngang khi có lũ. UBND các huyện, thành, thị, tổ chức ký cam kết chấp hành nghiêm quy định về lái đò và khai thác trên sông. Thành lập các đội tự quản để kiểm tra giám sát, đôn đốc, nhắc nhở việc mặc áo phao cứu sinh. Tỉnh đã cấp trên 800 chiếc phao cứu sinh cho các địa phương có nhu cầu và có nhiều bến đò hoạt động. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là các cơ sở sẽ có thái độ sử dụng số lượng áo phao này như thế nào?
Lương Mai