Nguy cơ thừa nguyên liệu sắn
((Baonghean) - Ngoài vùng quy hoạch trồng sắn phục vụ cho Nhà máy chế biến tinh bột sắn tại Thanh Chương và Yên Thành, ngành nông nghiệp không khuyến khích phát triển loại cây trồng này. Tuy nhiên, tại nhiều địa phương trong tỉnh, bà con vẫn ồ ạt trồng sắn dẫn đến tình trạng dư thừa nguyên liệu, làm giảm giá trị cây sắn và phá vỡ quy hoạch các loại cây trồng khác…
Ông Trần Văn Bàng ở xóm Hoa Vinh Sơn, xã Nghĩa Hội (Nghĩa Đàn) nói: “So với cây mía thì trồng sắn không phải đầu tư nhiều công sức chăm sóc mà năng suất cao và đầu ra ổn định, nên gia đình trồng 10 sào sắn bằng giống mới KM 94, dự kiến năng suất đạt 15 tấn sắn tươi. Do ảnh hưởng của bão số 10, nên hiện nay vẫn chưa có nhiều người lên thu mua vì vậy giá sắn tươi chỉ bán được hơn 1.000 đồng/kg. Mặc dù xã không khuyến khích trồng sắn, nhưng trên một số diện tích đã trồng 2 – 3 vụ mía rồi, người dân trồng sắn nhằm luân canh cây trồng, sau đó tiến hành cải tạo đất”. Xã Nghĩa Hội hiện có hơn 100 ha sắn tập trung tại các xóm Đông Hội 1 – 2, Vinh Quang, Hoa Vinh Sơn… do trồng giống sắn mới nên tổng sản lượng đạt trên 3.000 tấn/năm, sản phẩm phần lớn bán cho tư thương chế biến sắn lát, hoặc làm nguyên liệu chăn nuôi.
Mặc dù không khuyến khích trồng sắn, nhưng ở xã Nghĩa Hội – Nghĩa Đàn, người dân vẫn trồng hơn 100 ha sắn. |
Ông Lê Trung Tâm – Trưởng phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Nghĩa Đàn cho biết: “Mặc dù không quy hoạch trong vùng trồng sắn nguyên liệu của các nhà máy chế biến tinh bột sắn, nhưng cây trồng này đã tồn tại trên vùng đất Nghĩa Đàn từ khá lâu, nên người dân vẫn có thói quen trồng sắn để chế biến thức ăn chăn nuôi, còn lại thì bán sắn tươi cho tư thương. Nhưng thời gian gần đây, do năng suất cây sắn ổn định, người thu mua không hạn chế số lượng và giá cả hợp lý nên diện tích cây sắn ở Nghĩa Đàn phát triển đến 1.700 ha, năng suất bình quân đạt trên 25 tấn/ha.
Cũng như Nghĩa Đàn, huyện Quỳ Hợp không thuộc vùng quy hoạch nguyên liệu sắn, vậy mà cây trồng này vẫn được bà con đưa vào diện tích 2.346 ha. Được biết, nhiều địa phương không quy hoạch vùng nguyên liệu cho Nhà máy chế biến tinh bột sắn, nhưng cũng phát triển ồ ạt diện tích sắn như: Quỳ Châu trồng 1.175 ha, Quế Phong 1.286 ha, Tương Dương 950 ha, Kỳ Sơn 1.800 ha… Chính vì điều này đã làm cho diện tích sắn trên địa bàn tỉnh ta lên đến 19.342 ha, theo thống kê thì năng suất bình quân đạt hơn 22,1 tấn/ha và tổng sản lượng sắn tươi đạt 429.050 tấn.
Để có vùng nguyên liệu sắn ổn định phục vụ Nhà máy chế biến tinh bột sắn ở Thanh Chương và Yên Thành, tỉnh ta đã quy hoạch diện tích trồng tập trung 4.000 ha tại các huyện Thanh Chương, Tân Kỳ, Đô Lương, Yên Thành. Thực hiện chủ trương của Bộ Nông nghiệp & PTNT, tỉnh ta không chủ trương mở rộng quy mô vùng nguyên liệu này. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện, có thời điểm ngay tại vùng quy hoạch, người dân đã phát triển diện tích sắn lên đến 6.000 ha (như huyện Thanh Chương trồng 2.635 ha, Tân Kỳ 2.103 ha, Yên Thành 1.476 ha…). Sự phát triển nhanh về diện tích sắn nguyên liệu, không những gây “áp lực” lớn về khâu tiêu thụ sản phẩm của người dân, mà còn đối với Nhà máy chế biến tinh bột sắn.
Tìm hiểu được biết, Nhà máy chế biến tinh bột sắn Thanh Chương (công suất chế biến 100 tấn sắn tươi/ngày) và Nhà máy chế biến tinh bột sắn Yên Thành (công suất chế biến 100 tấn sắn tươi/ngày), ngoài việc tiêu thụ hết nguồn sắn tươi trong vùng nguyên liệu, vào thời điểm giá bán tinh bột sắn cao, còn tăng công suất hoạt động nhằm tiêu thụ sắn tươi cho các địa phương trong tỉnh.
Tuy nhiên, do người dân ngoài vùng quy hoạch phát triển quá nhanh diện tích cây sắn, nên Nhà máy chế biến tinh bột sắn chỉ thu mua nguyên liệu khi ký kết được hợp đồng lớn xuất khẩu, hoặc giá tinh bột sắn lên cao. Vì vậy, vào mùa thu hoạch người trồng sắn thường bị thiệt thòi do dịch vụ thu mua nguyên liệu (tư thương) ép giá mua về thái lát, sấy khô và bán sang thị trường Trung Quốc theo đường tiểu ngạch.
Trồng sắn gây ảnh hưởng rất lớn đến chất đất, làm cho môi trường đất không bảo đảm (cây sắn hút nhiều nước, thải chất độc xuống đất, làm đất nhanh bị bạc màu). Đã vậy, người dân không thuộc vùng quy hoạch nguyên liệu của Nhà máy chế biến tinh bột sắn, thì khi thu hoạch không bán được giá cao, tiêu thụ chậm, thậm chí tại nhiều địa phương vào vụ thu hoạch, sắn tươi không bán được, chất đống trên nương, đồi. Hay tại các xã vùng sâu, vùng cao đi lại khó khăn, xe vận chuyển không vào được nơi trồng sắn nên phải bán tháo với giá rẻ, gây bức xúc cho người trồng sắn… Vì vậy, để người trồng sắn không bị thiệt thòi, đồng thời không tạo ra “áp lực” cho Nhà máy chế biến tinh bột sắn cũng như không phá vỡ quy hoạch cây trồng, thời gian tới, các cấp, ngành liên quan cần tăng cường công tác tuyên truyền để người dân hiểu và xem xét, điều chỉnh quy hoạch vùng nguyên liệu sắn phù hợp với nhu cầu của địa phương và của các nhà máy. Bên cạnh đó, cần có biện pháp xử lý những trường hợp thực hiện không đúng quy hoạch.
Hoàng Vĩnh