Nguy cơ từ súng tự chế

14/10/2014 16:16

(Baonghean) - Những năm gần đây, trên địa bàn Nghệ An xảy ra những vụ án mạng, tai nạn thương tâm do súng, vật liệu nổ gây ra. Đầu năm 2014 đến nay, từ nỗ lực kiểm soát, ngăn chặn của các cấp, các ngành chức năng, số vụ việc liên quan đến sử dụng vũ khí, vật liệu nổ trái phép giảm nhiều so với các năm trước. Nhưng nguy cơ do súng đạn tự chế gây ra vẫn còn tiềm ẩn…

Những năm qua, ở các địa phương vùng miền Tây Nghệ An xảy ra không ít vụ án mạng vì súng kíp tự chế. Điển hình vào khoảng 23h ngày 24/6/2014, Lô Thanh Ba, 22 tuổi, con trai thứ của ông Lô Văn Quang ở xã Tam Quang (Tương Dương) về nhà trong tình trang say khướt. Thấy con trai định lấy xe máy đi chơi tiếp, người cha quyết giữ lại và hai cha con xảy ra xô xát. Nghe tiếng em trai hỗn xược với cha, anh Lô Văn Tý - con trai cả của ông Quang vội sang can ngăn. Thấy anh cả nặng lời, tức khí, Lô Thanh Ba vào bếp xách ra khẩu súng kíp, chĩa vào ngực anh trai, bóp cò. Và, kết cục đau lòng xảy ra: người anh chết tức tưởi, người em vào tù, còn người cha do quá đau đớn mà lâm bệnh. Một mái nhà đang yên ấm bỗng tan nát bởi khẩu súng tự chế mà ta quen gọi là súng kíp. Trước tòa, sau khi thành khẩn nhận tội, Lô Thanh Ba cho rằng, một trong những nguyên nhân gây ra “nông nỗi” là trong nhà "sẵn có súng".

Còn đối với phạm nhân Moong Phò Mênh đang chịu án phạt tù ở trại giam số 6 luôn day dứt về lầm lỗi của mình. Hôm đó, Phò Mênh rủ Lương Bá Chôồng, người cùng bản ở xã Keng Đu (Kỳ Sơn) vào rừng kiếm "mồi nhậu". Chôồng xung phong làm giả tiếng kêu gà rừng để dụ mồi cho Phò Mênh bắn. Thật không may, sau loạt đạn ria của Mênh, Chồông đã tử vong. Ở vùng cao Tương Dương, cách đây ít năm đã xảy ra trường hợp trẻ em đưa súng kíp ra nghịch. Bất ngờ súng nổ làm chết một cháu bé. Đó là chưa kể những hiểm họa luôn rập rình đối với những người cưa bom đạn để lấy thuốc nổ.

Đối với đồng bào miền núi súng kíp như một vật thể hiện "bản lĩnh" đàn ông. Một thứ "công cụ sản xuất” có từ lâu đời và trở thành một tập quán của họ. Nhiều năm nay, theo yêu cầu của chính quyền, phần lớn bà con đã giao nộp loại súng này cùng với các loại vũ khí, chất nổ đang lưu giữ, sử dụng trái phép khác. Tuy nhiên, cũng có không ít người hoặc không giao nộp, hoặc lén lút sản xuất, mua sắm để "vào rừng kiếm cái ăn". Theo ông Vừa Bùa Lỳ trú xã Tây Sơn (Kỳ Sơn) thì làm súng kíp khá đơn giản, chỉ cần xuống chợ Mường Xén mua ống thép về hàn, dùng khoan máy là khoan có được nòng súng như ý.

Còn ở vùng xuôi, việc tàng trữ, sử dụng súng trái phép lại phần lớn nằm ở giới tội phạm, giang hồ với đủ loại súng săm lét, súng ngắn quân dụng, súng cưa nòng, súng tự chế... Thực tế tại Thành phố Vinh đã xảy ra những vụ án mạng nghiêm trọng do súng đạn.

Không chỉ dùng súng, mà nguy hiểm hơn, một số đối tượng còn mở xưởng chế tạo súng để thu lợi bất chính. Trưa ngày 29/9/2014, qua công tác xử lý vi phạm, tổ cảnh sát giao thông Công an huyện Nam Đàn phát hiện một thanh niên mang trái phép 1 khẩu súng col tự chế cùng 3 viên đạn trong người. Tại cơ quan công an, Nguyễn Văn Chương (1978) - tên người vi phạm (trú ở xóm Đồng Thượng, xã Đồng Văn, huyện Thanh Chương) khai anh ta mua súng của Trần Đình Ngọc (trú cùng xóm) với giá hơn 3 triệu đồng để "phòng thân". Hơn một giờ sau, đối tượng Trần Đình Ngọc (SN 1969) bị cơ quan công an bắt giữ với tang vật là 2 khẩu súng col quay nòng ngắn, 260 viên đạn thể thao, 1 khẩu súng hơi, 1 bộ bản vẽ các chi tiết súng, hàng chục bộ phận súng chưa kịp lắp ráp cùng nhiều dụng cụ, vật liệu liên quan khác. Ngọc thừa nhận anh ta dựng lều bên ao cá vườn nhà để làm súng tự chế.

Đối tượng Trần Đình Ngọc và các tang vật liên quan đến chế tạo súng col quay.
Đối tượng Trần Đình Ngọc và các tang vật liên quan đến chế tạo súng col quay.

Cách đây 2 năm, tại nhà ông Lương Văn Trường ở bản Huồi Mác, xã Lạng Khê (Con Cuông), cơ quan công an đã bắt quả tang một số đối tượng đang "chế tạo" súng, thu giữ 3 khẩu ngắn chưa hoàn chỉnh, 1 máy khoan điện, 1 máy mài điện, 4 nóng súng, 17 mũi khoan các loại cùng một số tang vật liên quan khác.

Theo số liệu của cơ quan chức năng, chỉ riêng từ đầu năm 2014 đến nay, toàn tỉnh đã vận động, kiểm tra, thu hồi 117 khẩu súng quân dụng, 193 khẩu súng thể thao, 3.317 khẩu súng kíp, 116 quả lựu đạn, 339 đầu đạn pháo, hơn 29.000 viên đạn. Trong đó riêng huyện Kỳ Sơn thu giữ gần 9.000 khẩu súng tự chế, 8 quả lựu đạn.

Nghị định 25/2012/NĐ-CP ngày 5/4/2012 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh 16/2011 ngày 30/6/2011 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ cũng như Thông tư 30/2012 ngày 29/5/2012 của Bộ Công an đã có những quy định cụ thể, chi tiết về xử lý những hành vi sản xuất, mua bán, tàng trữ, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ trái phép đang được các cấp chính quyền và các ngành liên quan triển khai thực hiện. Tuy nhiên, trên thực tế, việc thu hồi, quản lý vũ khí và vật liệu nổ gặp không ít khó khăn: thói quen dùng súng kíp vốn là một tập tục lâu đời của người dân vùng cao, rất khó thay đổi; một số người dân còn lén lút tàng trữ, sử dụng các loại súng tự chế trái phép. Cùng với đó, thời gian qua, một số địa bàn trong tỉnh nổi lên tình trạng tội phạm có sử dụng vũ khí “nóng” để chống trả lực lượng chức năng.

Do đó, ngoài việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho đồng bào về những ẩn họa của súng tự chế, rất cần sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền để siết chặt quản lý; đồng thời tăng cường vai trò gương mẫu, tiên phong đi đầu của các già làng, người có uy tín trong việc giao nộp vũ khí…

Việt Long

Mới nhất
x
Nguy cơ từ súng tự chế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO