Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan nói về giải pháp để thu hút nhân tài
Giải pháp bứt phá để thu hút hiền tài là phải thay đổi về chính sách sử dụng nhân lực một cách hợp lý...
Ảnh minh họa |
Trên văn bia đề danh Tiến sĩ khoa Nhâm Tuất (1442) niên hiệu Đại Bảo thứ ba đặt tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám do Tiến sĩ Thân Nhân Trung soạn có đoạn viết: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn. Vì thế các bậc đế vương thánh minh không đời nào không coi việc giáo dục nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí quốc gia làm công việc cần thiết”.
Như vậy, từ xa xưa, ông cha ta đã xác định “nguyên khí của quốc gia” vừa là khát vọng, vừa là sức sống của dân tộc. Đất nước lúc nào cũng có nhiều người hiền tài. Tuy nhiên, từng thời kỳ mà hiền tài đó được khơi ra như thế nào. Khi được quan tâm, trọng dụng thì hiền tài sẽ có nhiều và làm rạng danh non sông, đất nước.
Nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Khoan - một chính trị gia và là nhà ngoại giao có uy tín của Việt Nam rất tâm đắc với những lời răn dạy đối với việc phát hiện và thu hút hiền tài của cha ông ta. Tuy không còn nắm giữ chức vụ nhưng ông vẫn luôn quan tâm đến mọi diễn biến của thời cuộc và vẫn nhiệt tình hiến kế cho đất nước khi trọng dụng, thu hút hiền tài.
Từng có nhiều cuộc đối thoại cởi mở với đội ngũ trí thức và thanh niên, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan cảm thấy ở họ không chỉ có trí tuệ tinh thông mà còn là lòng nhiệt huyết và hoài bão lớn... Trong số hàng vạn thanh niên tiêu biểu đó, có nhiều tài năng trẻ có thể đóng góp trí tuệ, công sức cho sự phát triển của đất nước. Thế nhưng, hiện nay, chính sách sử dụng, đãi ngộ hiền tài của Việt Nam còn nhỏ lẻ, chưa phù hợp nên số lượng người hiền tài mặc có nhiều nhưng nước ta chưa thu hút và phát huy năng lực của họ một cách tối đa để phục vụ Tổ quốc. Vì vậy, nhìn tổng thể, hiện nay, nguồn nhân lực chất lượng cao của Việt Nam còn thua kém so với nhiều nước trong khu vực cũng như trên thế giới.
Vậy giải pháp đột phá nào để Việt Nam giữ chân được hiền tài?
Hiền tài nhiều nhưng nguồn nhân lực của nước ta còn yếu
PV: Thưa nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan, mỗi một đất nước muốn phát triển thì sự đóng góp của nguồn nhân lực chất lượng cao có vai trò hết sức quan trọng. Là người từng kinh qua nhiều biến động của thời cuộc và có những trải nghiệm về sự phát triển của đất nước, ông có thể đánh giá về nguồn nhân lực của nước ta hiện nay như thế nào?
Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan: Đối với cả nhân loại cũng như với mỗi quốc gia muốn phát triển thì phải có nguồn nhân lực chất lượng cao. Ông cha ta thường gọi nguồn nhân lực chất lượng cao là hiền tài. Đó là gồm những người không chỉ có tài năng mà phải có đức độ như “nguyên khí của quốc gia”.
Ngay từ khi nước ta giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chú trọng đến việc tìm kiếm và phát huy người hiền tài. Bác Hồ đã gửi thư tới các địa phương với yêu cầu phải phát hiện cho ra được hiền tài để góp công sức, trí tuệ xây dựng đất nước.
Sau cách mạng Tháng Tám thành công và những năm sau này, trong bộ máy Chính phủ nước ta có rất nhiều nhân sĩ, trí thức như: Phan Kế Toại từng là Khâm sai đại thần, cố Bộ trưởng Giáo dục Nguyễn Văn Huyên, cố Bộ trưởng Y tế Hoàng Tích Trí, cố Bộ trưởng Ngoại giao Hoàng Minh Giám, cố Bộ trưởng Nông-Lâm Nghiêm Xuân Yêm... đã có nhiều hiến kế, công lao xây dựng đất nước. Điều đặc biệt là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sử dụng nhiều nhân sĩ, trí thức tiêu biểu trên trong các cuộc đàm phán với thực dân Pháp…
Nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Khoan |
Hiện nay, Việt Nam đang bước vào giai đoạn mới với mục tiêu biến nước ta từ một nước nghèo nàn lạc hậu thành một nước công nghiệp hóa nên hơn bao giờ hết, chúng ta cần phải có nhiều hiền tài.
Tuy nhiên, hiền tài ở nước ta hiện nay không phải là hiếm nhưng sự đóng góp của họ cho đất nước còn khiêm tốn dẫn đến nhìn tổng thể, chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam còn thua kém so với nhiều quốc gia trong khu vực và thế giới.
Theo Tổng cục Thống kê, năng suất lao động của Việt Nam vẫn chỉ bằng 1/18 của Singapore, 1/6 của Malaysia và 1/3 của Thái Lan, Trung Quốc.
Năng suất lao động được đánh giá dựa vào chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Theo đánh giá chung của Tổ chức Lao động thế giới, những yếu tố này của Việt Nam còn yếu nên nhìn chung năng suất lao động của nước thấp hơn so với nhiều nước trong khu vực.
Ví dụ lĩnh vực Quản lý hành chính ở nước ta luôn cần người tài nhưng hiện nay, tính chuyên nghiệp của bộ máy hành chính còn thấp so với yêu cầu công việc. Một số nhân viên hành chính vẫn còn không biết làm thủ tục hay một cán bộ quản lý hành chính chưa biết ra những quyết định đúng đắn để mang lại lợi ích chung cho tập thể. Đó là chưa kể đến việc nhiều cán bộ, nhân viên còn gây phiền nhiễu cho nhân dân, chưa giải quyết hết được những khúc mắc, kiến nghị của dân một cách thấu đáo.
Trong lĩnh vực khoa học công nghệ có rất nhiều tiến sĩ nhưng chúng ta chưa có được những thành tựu sáng tạo khoa học xuất chúng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội một cách mạnh mẽ.
Nhìn sang một nước có nền kinh tế phát triển trong khu vực Đông Nam Á như Singapore, chúng ta sẽ thấy, bộ máy quản lý hành chính có tính chuyên nghiệp rất cao với những nhân viên có trình độ và phẩm chất đạo đức tốt, luôn lấy trọng tâm công việc phục vụ nhân dân là trên hết.
Một quan chức, một bộ máy hành chính ở Singapore làm việc luôn đặt mình vào tình thế phục vụ người dân chứ không phải quản lý người dân. Ví dụ như một gia đình muốn chuyển nhà thì chỉ cần báo cho chính quyền địa phương biết để lo mọi thủ tục giấy tờ chuyển nhượng nhà đất, dịch vụ điện, nước chứ người dân không phải lo lắng, mất thời gian làm thủ tục. Còn ở Việt Nam, người dân muốn chuyển nhượng nhà ở, thay đổi hệ thống điện nước thì hầu như rơi vào tình trạng phải đi “xin”.
Kinh tế Singapore phát triển mạnh là do nước này luôn chú trọng đến các chính sách khuyến khích hiền tài nên họ không chỉ thu hút nhân tài ở trong nước và nhiều người tài ở các nước cũng muốn đến Singapore sinh sống, làm việc.
Điều ẩn chứa ở thế hệ trẻ là cả một “hoài bão lớn”
PV: Là người đã có nhiều cuộc đối thoại với các tầng lớp trí thức, đặc biệt là thế hệ trẻ, ông nhìn thấy điều gì ẩn chứa đằng sau “sức trẻ” của họ?
Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan: Có thể nói, từ xưa đến nay, bất kể trong thời kỳ nào, sự trường thịnh của đất nước đều do thế hệ trẻ quyết định. Trong các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, thực dân, đế quốc xâm lược, lực lượng thanh niên đã đóng góp rất lớn làm nên chiến thắng. Trong lao động, sản xuất, thế hệ trẻ đều là lực lượng xung kích, góp phần làm nên mọi thành công. Bất kể trong thời kỳ nào, thế hệ trẻ, đặc biệt là thanh niên đều có mong muốn phục vụ, cống hiến cho đất nước.
So với thời của tôi và các bậc cha anh đi trước, thế hệ trẻ, thanh niên ngày nay được đào tạo cơ bản, tiếp cận với những thông tin, công nghệ hiện đại của thế giới hơn. Vì vậy mà họ có trí tuệ, kiến thức và năng lực tương đối tốt. Không chỉ vậy, các bạn trẻ còn rất mạnh dạn, thẳng thắn bày tỏ tâm tư, quan điểm, nguyện vọng, đóng góp ý kiến trước nhiều vấn đề quan trọng của đất nước. Đặc biệt, tôi hoàn toàn khâm phục các bạn trẻ ở lòng nhiệt huyết, hoài bão, khát vọng lớn…
Chúng ta thấy rõ được điều này thông qua những sự kiện, thử thách lớn của đất nước như khi biết “hung tin” Đại tướng Võ Nguyên Giáp mất, hàng vạn thanh niên đã không quản nắng mưa, sẵn sàng xếp hàng nối tiếp từ khu phố nọ đến con phố kia để được vào viếng Đại tướng. Việc làm này cho thấy, họ rất “thần tượng” những vị anh hùng đã có nhiều đóng góp cho đất nước, tôn sùng lòng yêu nước và quả cảm của các “thế hệ vàng” mà Đại tướng Võ Nguyên là một nhân vật tiêu biểu.
Hay như sự kiện Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam đã thổi bùng lên chí khí yêu nước của các tầng lớp nhân dân, trong đó nổi lên là tinh thần yêu nước, quả cảm của thanh niên.
Sử dụng “nguyên khí quốc gia” là quan trọng nhất!
PV: Để thu hút nhân tài cống hiến cho xã hội, Đảng và Nhà nước đã có những chính sách, chế độ đãi ngộ nhằm giữ chân người giỏi ở lại nước hay những người đang sinh sống, làm việc ở nước ngoài trở về đóng góp cho quê hương. Tuy nhiên, số lượng người ở lại hay quay trở về đất nước còn rất khiêm tốn. Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan có ý kiến hay đưa ra giải pháp bứt phá nào về thực trạng này?
Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan: Nói là Đảng, Nhà nước chưa có chính sách gì để thu hút, đãi ngộ người hiền tài là không đúng. Các chính sách, chế độ được đưa ra đều đã có nhưng vẫn còn nhỏ lẻ, chưa đồng bộ và rõ ràng. Nhiều giải pháp được đưa ra như một khẩu hiệu tuyên truyền nhưng thực hiện còn ít và chưa đúng mức.
Nhiều kiều bào và trí thức ở nước ngoài muốn trở về nước sinh sống và làm việc nhưng lại gặp rất nhiều khó khăn về việc mua nhà, làm các thủ tục giấy tờ và thậm chí là bị “đố kỵ” khi đi làm trong các cơ quan, doanh nghiệp.
Vì vậy, đất nước muốn có nhiều hiền tài thì phải biết phát hiện, sử dụng và phát huy năng lực, đãi ngộ họ một cách thỏa đáng.
Trong các công đoạn: phát hiện, sử dụng và đãi ngộ hiền tài thì vấn đề sử dụng là quan trọng nhất. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều nhân tài còn có những tâm tư, nỗi niềm trăn trở là không được sử dụng đúng chỗ, đúng mức và khó xin được việc làm. Họ mong muốn cơ chế sử dụng nguồn nhân lực khách quan và công bằng hơn là đãi ngộ như thế nào.
Theo tôi, giải pháp bứt phá để thu hút hiền tài là chúng ta phải thay đổi mạnh mẽ về chính sách sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao để mỗi hiền tài của đất nước được trọng dụng đúng chỗ. Như vậy, “nguyên khí của quốc gia” mới không bị lãng phí và rơi vào tay nước khác hay kẻ “mạnh” hơn.
Theo VOV