Nguyễn Thanh Phúc đoạt tấm vé đầu tiên tham dự Olympic 2012
Gần 1 tuần kể từ ngày Thanh Phúc gây chấn động làng điền kinh Việt Nam với tấm vé tham dự Thế vận hội, người...
Gần 1 tuần kể từ ngày Thanh Phúc gây chấn động làng điền kinh Việt Nam với tấm vé tham dự Thế vận hội, người dân xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang (TP Đà Nẵng) vẫn không thể ngờ cái con bé mới ngày nào vẫn thường đi chân đất tới trường lại là người lập kỳ tích cho điền kinh nước nhà. Chuyện của Phúc giống hệt như một câu chuyện cổ tích thần kỳ. Ở đó, cũng có biết bao thử thách gian nan, những thăng trầm của cuộc sống và một kết cục có hậu như bao câu chuyện cổ tích.
Nguyễn Thị Thanh Phúc giành huy chương vàng đầu tiên
ở nội dung đi bộ 20 km cho điền kinh
Tình cờ bén duyên
Thanh Phúc vốn sinh ra trong một gia đình có 7 anh chị em. Do là vùng đất bán sơn địa nên cả gia đình với 9 miệng ăn chỉ trông chờ vào 5 sào ruộng khoán, quanh năm vất vả, đầu tắt mặt tối cũng chẳng đủ ăn. Cái nghèo, cái khổ đã khiến mấy chị em Phúc sớm phải tự thân vận động, làm đủ thứ nghề để phụ bố mẹ trước khi lựa chọn con đường thể thao. Cái nghiệp điền kinh đến với Phúc cũng khá tình cờ. Năm 2004, khi đại diện cho trường đi thi Hội khỏe Phù Đổng cấp thành phố, Phúc đoạt ngay HCĐ marathon, chỉ thua 2 VĐV thuộc lớp năng khiếu. Ngay từ hồi đó, Phúc đã lọt vào tầm ngắm của các nhà tuyển trạch trên tuyển. "Trông con bé gày gò, nhỏ con nhưng ý chí mãnh liệt lắm”, HLV Trần Anh Hiệp, người đầu tiên phát hiện ra tài năng và hướng cho Phúc theo nghiệp đi bộ nhận xét. "Ở nhà cha mẹ cực khổ quá, mình xin đi tập thể thao để đỡ cho ba mẹ được một miệng ăn”, Phúc chỉ suy nghĩ đơn giản như vậy. Lúc ấy, cô gái trẻ này không biết được rằng, đấy cũng chính là ngã rẽ của cuộc đời mình.
Nghị lực phi thường
Chính vì là nông dân chính gốc, đã sớm tôi luyện cho Phúc một sức khỏe và ý chí tuyệt vời. Thành công không tự dưng mà đến, với môn đi bộ, lại càng khó. Độ khó về kỹ thuật luôn đòi hỏi các VĐV phải biết cách tự hoàn thiện mình và cả mẹo... tránh trọng tài. Quãng đường dài 20km, chạy đã mệt bở hơi tai nữa là đi bộ. Trong các môn, đi bộ khiến các VĐV hay phải thay giày nhất bởi quá trình đi luôn luôn phải tiếp xúc với mặt đất, dân trong nghề gọi là "lỗi bay”. Trên cả quãng đường, các VĐV cũng không được phép uống nước, nên phải tự biết điều chỉnh cơ thể nếu không đành phải bỏ cuộc chơi. Bởi thế, không ít VĐV sau khi hoàn tất quãng đường của mình, chân tóe máu vì ma sát, ngất đi vì mệt và mất nước. Mô tả về môn đi bộ cực khổ để thấy rằng, bất cứ ai theo được môn này, ngoài tố chất thể lực, thể hình thì điều quan trọng nhất chính là ý chí và niềm đam mê. Thiếu một trong những điều này coi như không bao giờ có được thành tích.
Mười mấy năm trời, bất kể nắng mưa, Phúc vẫn đạp chiếc xe cà tàng đi gần 20 cây số để tới trung tâm TDTT Đà Nẵng tập môn đi bộ. "Cuộc sống mưu sinh vất vả ở quê đã tạo cho Phúc ý chí rất kiên cường, nên dù khó khăn đến mấy cũng không thể khuất phục được cô gái nhỏ nhắn này”, HLV Trần Anh Hiệp cảm động kể lại. Vốn là dân đi bộ nên chuyện đi bộ hàng chục cây số chẳng có gì là lạ đối với Phúc. Phúc kể 2 chị em vẫn thường đón xe bus về thăm mẹ, nhưng xe chỉ đỗ cách nhà tới chục cây. Không có tiền, 2 chị em tranh thủ tập luyện luôn, rồi lúc lên trường cũng lại đi bộ như thế mà không ai cảm thấy mệt chút nào.
Chính Phúc cũng không ngờ, nhờ những ngày đội nắng đi bộ trên cát bằng đôi chân trần, nhờ những lần "cuốc bộ” về thăm mẹ đã giúp em trở thành "độc cô cầu bại” tại các giải trong nước sau này ở nội dung đi bộ. Hàng chục huy chương, trong đó những dấu mốc đáng nhớ chính là tấm HCV tại Đại hội TDTT toàn quốc trên quê nhà và đặc biệt là tấm
Đến giờ, người dân xã Hòa Sơn vẫn không thể ngờ cái con bé gày gò, đen nhẻm vẫn thường đi chân đất tới trường cách nhà cả chục cây số lại vào đội tuyển quốc gia. Tất cả vẫn nghĩ, Phúc lên thành phố để làm... "osin” bởi cô là người rất đảm việc nhà. Còn với các nhà chuyên môn, thành tích của Phúc vừa thiết lập chẳng khác nào một điều thần kỳ. Thế nhưng để đạt được những thành công đó đã khiến không ít người phải suy ngẫm.
Nội dung đi bộ vốn chịu cảnh thiệt thòi so với các môn khác, ngay cả trong môn điền kinh. Người hâm mộ chỉ biết đến những Trương Thanh Hằng, Vũ Thị Hương...chứ có ai biết đến Phúc. Thậm chí sau 10 năm tập luyện và thi đấu, Phúc mới 2 lần được đi thi đấu nước ngoài và đều giành thành tích vẻ vang (SEA Games 26 và giải đoạt chuẩn tại Nhật Bản lần này). Phúc cũng chưa một lần được thọ giáo các chuyên gia nước ngoài, chủ yếu tự thân vận động là chính và cũng ai biết bao nhiêu năm qua, đồng lương ít ỏi thậm chí còn không đủ tiền giúp Phúc mua đôi giày tử tế. "Thể thao thì môn nào cũng khó, cũng khổ cả, mình có khả năng mà không dám làm, mới là cái khổ nhất. Cứ tự bó buộc trong khuôn khổ, không dám thoát khỏi cái biên giới do chính mình tạo ra mới là thất bại”, Phúc vẫn tự động viên mình như vậy.
Hàng chục năm chịu bao cảnh thiệt thòi, không được quan tâm đúng mức, thành công đến với cô gái nhà nghèo giàu nghị lực hệt như một giấc mơ và như một câu chuyện cổ tích vậy.
Theo Daidoanket