Nguyễn Thế Sơn - Người đối mặt với quá khứ

28/01/2010 17:12

(Baonghean) - Giám đốc Công ty cổ phần Du lịch Ánh Sáng Vàng (ở số 8A 1C1, Thái Văn Lung, phường Bến Nghé, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh) vốn là một tay giang hồ hảo hán: Hai lần vào tù, hai lần học đại học, trùm buôn lậu, trùm cướp giật, cuộc đời gần như bị vứt bỏ.

Một người có tính cách “đặc chất Nghệ”, đó Nguyễn Thế Sơn, 39 tuổi, quê ở phường Cửa Nam, thành phố Vinh, Nghệ An. Mới đây, anh lại thành lập cơ sở rửa xe Hướng thiện tại quê nhà để giúp những người bạn từng lầm lỡ như mình.


Cơ sở rửa xe Hướng Thiện. Ảnh: Minh Thư


Kỳ 1: Những bước chân sa ngã

Năm 1990, 19 tuổi, cánh cửa vào đại học đóng sập trước mặt Sơn, bởi ông chủ tịch phường không chịu xác nhận vào bản khai lý lịch hồ sơ thi đại học của anh. Lý do thật lãng nhách: Bố Sơn - ông Nguyễn Văn Lợi, một thời được mệnh danh là “Vua Lốp” đất Nghệ - đã theo kiện Công an tỉnh năm năm trời, cho đến khi gặp được một đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng thì vụ kiện mới có hồi kết. Học giỏi, lòng tràn đầy mơ ước nhưng con đường học vấn đã bị chặn đứng, cùng sự kỳ thị trong khối phố đối với cả gia đình khiến Sơn không còn cách nào khác: Ra đường!

Những năm đó đường thành phố Vinh đầy bụi bặm. Sơn theo đám thanh thiếu niên hư hỏng chơi bời, phá phách, đánh nhau. Rồi đến một hôm, Sơn phát hiện một người đàn ông là bố của người bạn học, mà mỗi lần Sơn đến nhà chơi đều được ông ta răn dạy những điều đạo đức, đang ân ái cùng một cô gái trẻ! Niềm tin sụp đổ, lòng uất hận dâng lên, Sơn lao vào đấm vào mặt ông ta một quả trời giáng. Sơn hét: “Ông đã từng dạy tôi như thế nào, ông đang làm gì đây?”… Ông ta đưa cho đám bạn của Sơn 3.000 đồng, xin được tha. Ngay ngày hôm sau, Sơn bị người ta còng tay, bị truy tố tội “cưỡng đoạt tài sản công dân”. Sơn đã vào tù như vậy!

Chín tháng sau, ra tù, tâm hồn chai cứng, Sơn biết mình không thể sống được với sự kỳ thị của và ghét bỏ của người dân trong khối phố, quyết định tìm đường ra Lạng Sơn với hi vọng nơi cửa khẩu mới mở sẽ cho mình một cơ hội ?

Chuyến tàu chợ ra đến ga Hàng Cỏ thì Sơn hết tiền. Bước xuống sân ga lòng Sơn trống vắng, túi rỗng, không biết đi đâu, về đâu, làm gì? Trên chuyến xe buýt chật chội, Sơn biết một số tên móc túi đang áp sát vào mình. Sơn nói khẽ: “Chúng mày biến đi, tao cũng là dân bụi đây”. Và Sơn thấy chúng đã móc trót lọt cái ví của một ông già ngồi ở cuối xe. Mất ví, ông già khóc lóc thảm thiết. Trong đó có số tiền nhỏ ông dành dụm mang từ quê ra cho đứa cháu gái mồ côi đang học đại học ở Hà Nội, Sơn nhảy xuống bến cùng bọn móc túi: “Chúng mày trả lại ông già cái ví đi, sao không lấy của người khá giả, người giàu? Chúng mày không nghe ông già khóc à?”. Cả bọn xông vào Sơn. Một trận ẩu đả xảy ra. Sơn rút cái lê súng AK giấu trong người, dí vào cổ tên cầm đầu: “Chúng mày có trả không?”… Cái ví tiền được trả lại cho ông già bất hạnh.

Nhưng vẫn không biết đi đâu, về đâu. Đói quá, Sơn lại đi theo bọn móc túi, lang thang ngoài bến xe… Biết Sơn là một “quái” ở Nghệ An ra, lũ bụi rủ Sơn nhập bọn “làm ăn”. Sơn từ chối: “Chúng mày cho tao bữa nào thì tao cảm ơn bữa ấy, nhưng tao không làm việc này nữa!”. Sơn xin vào đội bốc xếp hàng hóa ở bến xe đầu cầu Long Biên, làm được mấy ngày có chút tiền, anh quyết định tiếp tục hành trình lên Lạng Sơn. Vừa đặt chân xứ Lạng, Sơn đã chứng kiến năm thanh niên đang vây đánh một người đàn ông dồn dập. Ngay lập tức, Sơn lao vào can thiệp. Nạn nhân đã bị thương, hôn mê, được Sơn mang đến bệnh viện cấp cứu. Sơn tháo chiếc đồng hồ SK của nạn nhân ra tiệm cầm đồ ngoài cổng bệnh viện được mấy trăm nghìn đồng, mang vào mua thuốc chăm sóc cho nạn nhân. Ba ngày sau, nạn nhân tỉnh dậy, anh ta cho Sơn biết tên là A. chủ một đường dây buôn hàng lậu từ Lạng Sơn về Hà Nội. Và, thật đương nhiên, Sơn trở thành trợ thủ đắc lực chuyên áp tải, “đánh hàng” lậu triền miên cho A…

Từ đây, cuộc đời Sơn là chuỗi ngày giành giật, đâm chém. Trên hai cánh tay Sơn, tôi nhìn thấy hàng chục vết sẹo chém ngang dọc, ở dưới bắp đùi chân trái có một vết đạn xuyên qua. Đó là dấu vết để lại từ những băng đảng buôn lậu khác, từ những chuyến hàng luồn rừng, vượt tuyến nguy hiểm mà Sơn đánh cược cả mạng sống của mình để kiếm những đồng tiền tội lỗi. Làm cho A. được một thời gian, Sơn tách ra lập đường dây buôn lậu riêng, rồi trở thành một tay trùm buôn lậu có tiếng ở vùng biên giới phía Bắc…

Năm 1994, khi đã có trong tay 200 triệu đồng, ước mơ bước vào giảng đường đại học của Sơn lại trỗi dậy ! Sơn rũ bỏ tất cả, tập trung ôn thi và đỗ vào Đại học Luật Hà Nội. Sơn nói: “Anh có biết tại sao tôi lại chọn đại học luật ? Vì trước đó, bạn tôi buôn sắt vụn gặp oan khuất trong một vụ án, tôi đã bỏ tiền ra thuê luật sư từ Hà Nội bào chữa cho bạn. Tôi thấy nghề luật sư thật có ý nghĩa, mang sứ mệnh đấu tranh bảo vệ công bằng cho mọi người. Thế là tôi quyết chí vào học luật…”.

Sơn kể: “Về Hà Nội, năm học thứ nhất trôi đi trong yên bình phẳng lặng, tôi tham gia hầu hết các hoạt động của trường. Khi tham gia những trận đấu giải bóng đá sinh viên, tôi làm quen được nhiều bạn mới, trong đó có “Bóng Nhựa”, tên thật là Tr. “Bóng Nhựa” hay tổ chức những lần đi đá bóng độ, tôi là một trung phong luôn đem lại những bàn thắng nên được Tr. đưa cho tiền để tiêu xài. Những đồng tiền như vậy phần nào giải được cơn “khát” tiền của cuộc sống sinh viên! Sau này tôi mới biết “Bóng Nhựa” là một công tử ăn chơi bạt mạng, tiêu tiền như rác. Sang năm học thứ hai, tình bạn của “Bóng Nhựa” với tôi ngày càng khăng khít, thông qua “Bóng Nhựa” tôi biết thêm nhiều bạn bè mới ở đất Hà thành. Những năm đó, phong trào đua xe diễn ra với qui mô và mức độ ngày càng tăng. Những cuộc đua như vậy thường có mặt 9-10 nhóm, mỗi nhóm bốn tay đua. Nhóm chúng tôi góp mặt trong tất cả cuộc đua và nhanh chóng nổi tiếng trong giới “anh hùng xa lộ Hà thành”, giật hết các “giải thưởng”. Thời gian đầu tôi chỉ tham gia với vai trò ngồi sau xe, nhưng về sau tôi không chịu thua kém “đồng đội”. Khi thực hiện những trò chơi quái đản, chết người với chiếc xe máy như “bốc đầu”, dùng chân lái xe, điều khiển xe bay qua chướng ngại vật... tôi luôn được sự cổ vũ nồng nhiệt. Để có sự ngông cuồng xem thường mạng sống của chính mình, tất cả chúng tôi đều phải dùng ma túy !”.

Đám bạn hư hỏng của Sơn thường chui vào các vũ trường, “ngậm hàng” – dùng thuốc lắc. Cùng với những cuộc vui chơi như vậy là số lần bỏ học của Sơn ngày càng tăng lên theo cấp số nhân. Tiền bạc của Sơn và của gia đình gửi cho cũng tan thành mây khói. Một đêm, Sơn bị công an bắt tại vũ trường, thử text Sơn dương tính với ma túy. Thế là Sơn bị đuổi học!

Nhục nhã và ê chề, Sơn không dám về quê, ở lại Hà Nội và ngày càng lún sâu vào ma túy. Sơn tụ tập đám bạn giang hồ và cầm đầu một băng cướp giật. Một buổi chiều, sau khi giật được chiếc dây chuyền vàng của một phụ nữ, Sơn bị cảnh sát SBC rượt đuổi. Cuộc rượt đuổi làm náo loạn đường phố Hà Nội. Dù đã trổ hết tài nghệ điều khiển xe máy, những ngón vào cua “bó vỉa”, những cú lắc, lạng lách qua đầu ôtô, Sơn bị bắt, bị điệu về số 16 Thuyền Quang, Hà Nội. Bản án 3 năm tù giam là cái giá mà Sơn phải trả cho những gì mình đã gây ra. Nhưng điều lớn hơn cả là ước mơ ở giảng đường đại học của Sơn trở thành dang dở!

Ngày đầu tiên trong nhà tạm giữ, đói thuốc, Sơn đau đớn, vật vã như một con thú trúng tên độc! Từ trong xương trong tủy như có hàng ngàn con giòi con bọ đang đục khoét, như có ai dùng kềm sắt kẹp, rứt... Sơn lao đầu vào tường phòng giam như một kẻ mất trí, mong được chết đi.

Chuyển về Trại cải tạo số 6, thuộc huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An, Sơn dứt hẳn ma túy, tích cực cải tạo, được giảm án. Ngày hết hạn tù, được trả tự do, đám bạn giang hồ đánh xe hơi lên đón Sơn về, nhưng Sơn đã quyết định ở lại. Sơn nói với Giám thị trưởng Phan Lê Sen: “Chú cho cháu ở lại một thời gian nữa. Khi nào cháu thật sự tự tin, vững vàng, cháu mới có thể rời khỏi nơi này”. Sơn được Trại cải tạo số 6 làm hợp đồng lao động lái xe chở vật liệu với 500.000 đồng mỗi tháng. Sau đó, Sơn trở về quê ở Vinh. Không có việc làm, bởi không một nơi nào dám nhận một “thằng tù”. Buồn chán, Sơn lại lang thang ra đường. Tình cờ gặp thằng bạn cũ, nó chìa ra heroin, rồi kim tiêm. Tiếng bẻ gãy bụp ống nước cất làm mắt Sơn hoa lên, miệng khô đắng, mồ hôi vã ra như tắm. Sơn hét lên một tiếng rồi nhảy lên xe máy phóng như bay về nhà. Vứt chiếc xe đổ kềnh giữa sân, Sơn lao lên giường ôm đầu quằn quại. Anh khóc !

Nhưng những giọt nước mắt hối hận cho quãng đời đã qua vẫn không thắng được sự lôi kéo của heroin và đám bạn cũ. Sống trong sự kỳ thị và ghét bỏ của nhiều người, Sơn không biết bấu víu vào đâu, lại tái nghiện…

Một hôm, sau khi giật được mớ tiền lẻ trên tay một ông già, sau khi đã “phê thuốc”, Sơn lầm lũi đi trong cơn mưa tầm tã. Bước chân vô định đưa Sơn trở về ngôi nhà của mình ở phường Cửa Nam. Ở đó có bố mẹ, có người vợ trẻ - những người thân yêu của Sơn. Họ vẫn tin rằng rồi có ngày Sơn sẽ đổi khác.

Đêm đã khuya, tiếng mẹ Sơn ho khẽ, tiếng đứa con mới 3 tháng tuổi khóc oằn oặt. Sơn rùng mình, chân muốn khụy xuống. Hai tay Sơn đấm vào cổng sắt đến tóe máu: “Bố mẹ ơi, con sẽ làm lại tất cả!”. Ngay sau đó là những ngày Sơn cai nghiện vật vã. Đến bây giờ, tôi vẫn nhìn thấy những vết dây xích, khóa trên cổ chân, bắp chân Sơn hằn sẹo...

(Kỳ 2: Đối mặt với quá khứ để làm người lương thiện)

Trần Hoài

Mới nhất
x
Nguyễn Thế Sơn - Người đối mặt với quá khứ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO