Nguyên Thứ trưởng Hoàng Xuân Lương đánh giá việc thực hiện lời dặn của Bác đối với miền Tây Nghệ An

Thành Duy (lược ghi) 01/09/2019 09:44

(Baonghean.vn) - Tiến sỹ Hoàng Xuân Lương - nguyên Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nghệ An đã có bài tham luận với tiêu đề "Miền Tây Nghệ An - 50 năm thực hiện lời dặn của Bác Hồ trong Bức thư cuối cùng Bác gửi cho Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà (21/7/1969 - 21/7/2019)".

Bài tham luận được nguyên Thứ trưởng Hoàng Xuân Lương trình bày tại Hội thảo khoa học “Nghệ An - 50 năm thực hiện Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bức thư cuối cùng của Người gửi Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh” do Tỉnh ủy Nghệ An tổ chức sáng 31/8.

Nguyên Thứ trưởng Hoàng Xuân Lương trình bày tham luận tại Hội thảo. Ảnh: Thành Cường

Nếu xét riêng các nội dung trong Bức thư của Bác về vùng miền Tây Nghệ An có thể thấy nổi lên 3 nội dung chính:

1. Bác mong Nghệ An mau trở thành một trong những tỉnh khá nhất của miền Bắc, Bác nhắc đến: đất đai rộng lớn, tài nguyên phong phú, rừng vàng.

2. Định canh, định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số.

3. Cán bộ tốt người dân tộc thiểu số để vận động nhân dân.

Tiến sỹ Hoàng Xuân Lương - nguyên Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc

Bức tranh miền Tây có nhiều điểm nổi bật so với vùng miền núi cả nước

Chúng ta nhìn lại xem 50 năm ta làm 3 điều này ở miền Tây Nghệ An thế nào?

Suốt quá trình lịch sử, Đảng bộ tỉnh Nghệ An rất quan tâm đến việc đánh giá tiềm năng miền Tây. Từ những năm 60 của thế kỷ trước, Nghệ An đã lập Ban miền Tây do một Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy làm Trưởng ban.

Sau những năm 70, khi Ban miền Tây giải thể, đã thành lập Ban Dân tộc tương đương một sở để giúp tỉnh quản lý Nhà nước về vùng dân tộc thiểu số, miền núi.

Đặc biệt, gần 20 năm qua, chúng ta tham mưu để Chính phủ 2 lần phê duyệt kế hoạch phát triển miền Tây Nghệ An. Điều này chứng tỏ Đảng bộ và chính quyền Nghệ An thấy được tiềm năng và rất quan tâm đến sự phát triển miền Tây và vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Ngã 3 Na Loi thuộc biên giới Tây Nghệ, hướng bên phải đi Mường Ải, Mường Típ (Kỳ Sơn), hướng bên trái là nhánh đường 10 dẫn lên đỉnh núi Pu Xai Lai Leng. Ảnh: Sách Nguyễn
Giao thông ở miền Tây Nghệ An được đồng chí Hoàng Xuân Lương đánh giá thuộc tốp tốt nhất so với vùng miền cả nước. Trong ảnh là ngã ba Na Loi thuộc biên giới Tây Nghệ An, hướng bên phải đi Mường Ải, Mường Típ (Kỳ Sơn), hướng bên trái là nhánh đường 10 dẫn lên đỉnh núi Pu Xai Lai Leng. Ảnh tư liệu: Sách Nguyễn

Nếu nhìn một khái quát, 50 năm qua nhìn lại bức tranh miền Tây có mấy điểm nổi bật so với vùng miền núi cả nước: hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông miền Tây Nghệ An là một trong những khu vực tốt nhất cả nước; đã nhìn thấy tiềm năng nên bước đầu đã hình thành được một vùng công nghiệp chế biến nông, lâm sản để khai thác đất rộng, tài nguyên phong phú...

Bên cạnh đó, đời sống đồng bào, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số nâng lên, giảm nghèo trong vùng dân tộc thiểu số khá nhanh. Cuối năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Nghệ An xấp xỉ 17%, trong khi tỷ lệ nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số bình quân cả nước là 23%; hệ thống y tế, văn hóa, giáo dục của miền Tây Nghệ An khá tốt, xấp xỉ trên mặt bằng của vùng miền núi Việt Nam.

Về định canh, định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số, suốt 50 năm qua, tỉnh đã quan tâm, cơ bản đồng bào 11 huyện, thị miền núi đã định cư. Còn định canh có thể đạt được một nửa vì ở trong định canh bao hàm yếu tố ổn định sản xuất để đảm bảo đời sống, phần này Nghệ An chưa làm được trọn vẹn, còn phải phấn đấu.

Còn về ý “cán bộ tốt người dân tộc thiểu số để vận động nhân dân” - đây là việc sâu sắc. Tiếp thu ý kiến của Bác, Nghệ An có truyền thống chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ dân tộc, lúc nào cũng có các đồng chí cán bộ dân tộc thiểu số tham gia Ban Thường vụ Tỉnh ủy, có thời kỳ có cán bộ làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh… Cán bộ xã, thôn ở vùng đồng bào dân tộc đều do người dân tộc thiểu số đảm nhiệm, đây là thành công. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ được trẻ hóa đội ngũ…

Có thể khẳng định, công tác xây dựng đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số ở Nghệ An là một mô hình thành công. Là bài học chung cho công tác đào tạo, bố trí đan xen, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ dân tộc thiểu số.

Tập trung xóa rốn nghèo ở vùng miền Tây

… "Tuy đã đạt nhiều thành tựu quan trọng, nhưng nhìn lại chúng ta vẫn thấy vùng miền Tây còn nhiều nỗi lo, đặc biệt đây vẫn là rốn nghèo của cả tỉnh, hơn 70% hộ nghèo của toàn tỉnh tập trung vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số; trong dự báo thế hệ nguồn phía sau của đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số đang mỏng dần đi…

Vì vậy, tỉnh nên tiếp tục quan tâm để bảo tồn, phát triển cho được văn hóa tộc người và có cán bộ người dân tộc thiểu số điều hành đời sống chính trị ở cơ sở - nơi có đồng bào dân tộc sống thành cộng đồng.

Lãnh đạo Đảng ủy xã Tri Lễ, huyện Quế Phong kiểm tra công tác sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Thành Duy
Lãnh đạo Đảng ủy xã Tri Lễ, huyện Quế Phong kiểm tra công tác sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Thành Duy

Đặc biệt, Chính phủ và Quốc hội đã thống nhất chủ trương và sắp tới sẽ xây dựng, ban hành một chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi bao gồm 9 dự án trên 9 lĩnh vực.

Do đó, tỉnh nên rà soát xem cần phát huy vấn đề gì cần thiết để đưa vào trong 9 dự án của chương trình mục tiêu quốc gia trên, làm thế nào có thể giải quyết tốt những vấn đề của vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Tôi có suy nghĩ, để Nghệ An trở thành một tỉnh giàu mạnh, một trong những tỉnh khá nhất miền Bắc thì nhất thiết vùng miền Tây Nghệ An cũng phải đạt xấp xỉ mặt bằng chung của tỉnh.

Nguyên Thứ trưởng Hoàng Xuân Lương đánh giá việc thực hiện lời dặn của Bác đối với miền Tây Nghệ An
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO