Nhà báo không bị kiện khi người phát ngôn nói sai
"Báo chí đăng, phát đúng nội dung thông tin mà người phát ngôn cung cấp thì không phải chịu trách nhiệm về nội dung thông tin đó", ông Hoàng Hữu Lượng - Cục trưởng cục Báo chí (Bộ TTTT), cho biết.
Sáng nay (17.5), Bộ Thông tin & Truyền thông (TTTT) đã họp báo công bố Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí (có hiệu lực từ ngày 1.7), trong đó có nội dung đáng chú ý là nhà báo sẽ không bị kiện khi người phát ngôn đưa thông tin sai.
Các nhà báo đang tác nghiệp. Ảnh minh họa. |
Trong Quyết định 25 của Thủ tướng Chính phủ về Ban hành Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí, có nội dung hoàn toàn mới so với quy chế cũ đó là người đứng đầu chịu trách nhiệm về việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí kể cả trong trường hợp ủy quyền cho người khác phát ngôn.
Ông Hoàng Hữu Lượng - Cục trưởng cục Báo chí (Bộ TTTT), cho biết: “Trường hợp cơ quan báo chí đăng, phát đúng nội dung thông tin mà người phát ngôn, người được ủy quyền phát ngôn cung cấp thì không phải chịu trách nhiệm về nội dung thông tin đó. Đây là nội dung mới tạo điều kiện cho báo chí hoạt động, bởi trước đây một số báo đăng trung thực ý kiến người phát ngôn cũng bị kiện. Nhưng theo quy chế mới thì báo chí không bị kiện trong trường đăng tải chính xác nội dung thông tin của người phát ngôn”.
Quyết định số 25 của Thủ tướng Chính phủ về Ban hành Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí đã có nhiều điểm đổi mới hơn so với quy chế ban hành năm 2007.
Về việc quy định người phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính nhà nước đã rõ ràng hơn, chỉ có 3 người có thể được phát ngôn gồm: Một là người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước. Hai là người được người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước giao nhiệm vụ phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí thường xuyên (người phát ngôn). Ba là người được ủy quyền phát ngôn, việc ủy quyền phát ngôn được thực hiện bằng văn bản, được áp dụng trong từng vụ việc và có thời hạn nhất định.
Quy định này nói rõ người phát ngôn phải công bố số điện thoại và địa chỉ e-mail cho báo chí được biết.
Theo quy định cũ, khi các cá nhân (không phải là người phát ngôn) trong cơ quan hành chính nhà nước cung cấp thông tin cho báo chí thì chỉ được phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí theo quan điểm cá nhân, không nhân danh cơ quan hành chính nhà nước.
Quy định mới có nói cụ thể hơn tại khoản 4 Điều 2 rằng, các cá nhân đó không được tiết lộ bí mật điều tra, bí mật công vụ, thông tin sai sự thật và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin đã cung cấp.
Về thời hạn phát ngôn và cung cấp thông tin định kỳ, ông Hoàng Hữu Lượng cho biết: “Đã được rút ngắn thành ít nhất 3 tháng tổ chức 1 lần (trước đây là 6 tháng). Trong những trường hợp đột xuất bất thường, trường hợp xảy ra vụ việc cần có ngay thông tin ban đầu thì người phát ngôn hoặc người được ủy quyền phát ngôn có trách nhiệm chủ động phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí trong thời gian chậm nhất 1 ngày kể từ khi vụ việc xảy ra (quy chế cũ quy định chậm nhất 2 ngày)”.
Theo Dân Việt - TH