Nhà báo Phan Đình Sung: Người không tên dưới trang báo

06/11/2014 15:36

(Baonghean) - Tôi thuộc thế hệ em út của các anh, các chị đặt viên gạch đầu tiên xây nền móng cho Báo Nghệ An mà từ lúc thành lập 10/11/1961, nó mang măng sét “Nhân dân Nghệ An”. Trong số biên chế tòa soạn 9 người buổi đầu, có một nhà báo người gốc Huế, suốt ngần ấy năm gắn bó cùng tờ báo, chỉ chuyên tâm làm mỗi việc phát hành và xây dựng đội ngũ cộng tác viên. Ấy vậy mà bạn đọc, cộng tác viên Nghệ An kể từ năm 1961 cho đến ngày non sông liền một dải, ông trở về Huế, làm Trưởng phòng Trị sự Báo Dân, rồi Báo Bình-Trị-Thiên, biết bao lần nhắc đến tên ông với cảm xúc trân trọng dâng tràn. Ông là nhà báo Phan Đình Sung.

Nhà báo Phan Đình Sung (thứ nhất hàng thứ hai từ phải sang) tác nghiệp tại Kim Liên ngày 10/12/1961. Ảnh: Văn Đồng
Nhà báo Phan Đình Sung (thứ nhất hàng thứ hai từ phải sang) tác nghiệp tại Kim Liên ngày 10/12/1961. Ảnh: Văn Đồng

Tôi biết ông, được ông quan tâm truyền nghề khi còn là anh công nhân giao thông, chăm chỉ viết bài cho Báo Nghệ An, từ năm 1966-1967. Ấn tượng ban đầu tiếp xúc là nụ cười rộng mở, tiếng Huế dịu dàng tha thiết và ánh mắt bao dung trên gương mặt chữ điền với vầng trán cao, thanh thoát. Tôi hơi lạ khi thấy nắng nóng đến vậy mà ông vẫn chễm chệ cái mũ bê-rê trên đầu. Sau này mới vỡ ra khi ông cố giấu đi cái đầu hói. Dân Phong Toàn, Quang Sơn bảo ông giống Lê-nin. Tôi nhìn kỹ, quả hao hao. Mỗi lần gặp, dù rất vội nhưng ông vẫn hào hứng chuyện trò bếp núc nghề báo rồi nhắc tôi phải chăm đọc, chăm tìm hiểu đời sống người lao động, khuyên tôi nên gặp gỡ các nhà báo Thanh Phong, Dương Huy, Phan Huy Chuyên, Lê Ngọc Vượng… mà học nghề. Khốn nỗi, thằng nhóc công nhân cầu đường như tôi, phọt phẹt viết đôi ba bài “người tốt việc tốt”, được các anh sửa, cho đăng, sướng tê người, làm sao mà dám gặp các nhà báo chính hiệu lúc bấy giờ. Những lần tới tòa soạn, lúc về thể nào ông Phan Đình Sung cũng gói cho tôi vài chục tờ giấy pơ-luya, kèm lời động viên phải nhớ viết bài cho báo nhé! Nhớ nhé!

Chỉ vậy thôi đã làm ấm lòng, đã háo hức muốn viết, muốn đáp đền cử chỉ ân cần của người phụ trách cộng tác viên, bạn đọc. Hóa ra, chẳng phải chỉ có riêng tôi được ông dìu dắt, mà các anh Nguyễn Xuân Phầu, Tú Uyên, Võ Huy Ngoãn, Văn Thiên, Hồng Nhu, Quang Huy, Nguyễn Thị Kim Điều, Bá Dũng, Ninh Viết Giao, Trần Thanh Tâm, Hữu Thước, Trần Văn Cung - kỹ sư nông nghiệp... cũng cảm mến ông, được ông săn sóc, mời cộng tác cho Báo Nghệ An.

Đã thành lệ, báo ra xưởng in còn thơm mùi mực, ông đánh tên cộng tác viên, kèm địa chỉ bài viết trên trang báo rồi cuộn một tờ, phong lại, hối hả ra bưu điện Thái Sơn (Đô Lương) gửi cho tác giả trong tỉnh. Nhìn nét chữ của ông tú tài Tây, tốt nghiệp Trường Quốc học Huế trên bao thư mới chỉn chu, nghiêm túc làm sao! Và rồi mở báo ra, đọc bài mình được đăng, xem có bị sửa nhiều không, rồi thì “khoe” với mọi người trong đơn vị. Những bài viết sục sôi chống Mỹ trên mặt trận giao thông thuở ấy, “Đường Quỳnh Lưu”, “Những nhịp cầu nổi”, “Phá bom thông cầu”, “Dũng sỹ phá bom Nguyễn Bích Cớn”... như vẫn còn nguyên cảm xúc khi đọc trên Báo Nghệ An từ bấy đến giờ.

Ông dành giấy trắng hai mặt tặng cho cộng tác viên nhưng riêng mình, ông rất tiết kiệm. Ông thường tận dụng mặt sau Bản tin TTX, Bản tin Bắc Kinh in tiếng Pháp để thảo công văn, lập kế hoạch, đề cương tuyên truyền, rồi ông tự đánh máy gửi cho hàng trăm cộng tác viên. Ông sống tằn tiện với mức lương cán sự ba nhưng vẫn gửi tiết kiệm. Ông không thuốc, không trà, chỉ biết có cơm tập đoàn qua bữa. Có điều ông rất khỏe, làm việc hùng hục, rảnh ra là đọc, nghe bản tin tiếng Anh, tiếng Pháp qua ra-đi-ô. Tỉnh trang bị cho ông đài Xương Mao, ông chỉ xin nhận chiếc Ori-ông-tông của Hungari to tổ bố và lắp pin bên ngoài. Ông ăn mặc tuềnh toàng, tứ mùa là bộ bà ba màu gụ cài khuy, gần như ông chỉ có một chiếc áo vét màu sáng, nghe đâu ông mua và mặc khi còn làm Chủ tịch UBHC xã Xuân Hòa (Nam Đàn), trước thời điểm được tỉnh điều về phòng thông tin, rồi sang Báo Nghệ An.

Với tính cách xởi lởi, có sức cảm mến người khác, ông tập hợp cho Báo Nghệ An hơn 200 cộng tác viên, hình thành lực lượng “làm báo không chuyên” ở các ngành Y tế, Giao thông Vận tải, Nông nghiệp, Thương nghiệp, Công nghiệp, bộ đội địa phương, công an vũ trang và cả những huyện miền núi cao. Các ông Sầm Nga Di, Lương Kim Duyên ở Quỳ Châu, Trần Vương ở Con Cuông, Sỹ Thuần ở Anh Sơn, bây giờ còn lưu giữ những tập bài viết được Báo Nghệ An đăng vào thập kỷ 60, 70. Ông Võ Huy Ngoãn, thợ sửa xe đạp chợ Dàn, Diễn Hồng là một cộng tác viên xuất sắc. Mỗi khi phóng viên Báo Nghệ An vào hiệu, ông sốt sắng liền tay vá xăm, bơm lốp, tra dầu và không bao giờ nhận tiền công.

Nhà báo Thanh Phong, có lần bị tụt xích xe đạp, ông Ngoãn nhiệt tình tra dầu, mỡ đến mức vành đĩa đã mòn không sao bám được vào từng mắt xích, đành dắt bộ. Bà Nhuần, cán bộ phụ nữ xã Quỳnh Hồng, thầy giáo Phan Sinh Viên… được dự hội nghị công tác viên hàng năm, được tặng phích nước Rạng Đông, chiếu cói Hưng Hòa, cứ tấm tắc khen ông Phan Đình Sung, khen Báo Nghệ An chu đáo, có món quà thật thiết yếu, sang trọng thời bấy giờ. Các cộng tác viên đâu có biết, cả cơ quan gần 20 con người mà chỉ Tổng biên tập Nguyễn Hường, Phó Tổng Biên tập Phan Đình Cơ mới được trang bị phích nước nóng.

Năm 1969, nhờ ông Phan Đình Sung phát hiện, giới thiệu sau 5 năm công tác, tôi lúc này là anh cán bộ tuyên truyền thi đua Ty Giao thông Vận tải Nghệ An được tuyển làm báo chuyên nghiệp. Về tá túc xóm Phong Toàn, xã Quang Sơn (Đô Lương), tôi được dịp gần gũi ông Phan Đình Sung, hiểu thêm, học thêm ở ông không chỉ kiến thức làm báo mà cả sự từng trải, kiềm chế trong tình cảm xa gia đình thăm thẳm vì nỗi đau chia cắt hai miền sau năm 1954. Dường như con người ông dồn nén nỗi niềm riêng tư cho công việc không tên, không tuổi của báo, mà ông với tư cách là người sáng lập khi còn công tác ở tờ Truyền Thanh trực thuộc UBHC tỉnh Nghệ An. Ngay phương pháp phát hành tờ báo khổ nhỏ, ra mỗi tuần hai kỳ với số lượng 5.000 bản của ông cũng khá độc đáo.

Đầu tuần, đầu tháng, ông đạp xe sang văn phòng Ủy ban, văn phòng Tỉnh ủy sơ tán tại 2 xã Thái Sơn, Thượng Sơn (Đô Lương), gặp ông Hoài Phong, ông Phượng ghi lịch thời gian hội nghị, đại biểu tham dự. Thế rồi, mỗi kỳ báo ra, ông nhận từ ba đến năm trăm bản, tới dự hội nghị nào, ông cũng vận động mua báo lẻ và đặt mua báo dài kỳ. Chẳng hiểu ông “tiếp thị” mềm dẻo, nghệ thuật ra sao mà hồi ấy chiến tranh phá hoại, đời sống khó khăn nhưng các xã miền núi, xã vùng giáo đều mua Báo Nghệ An cho từng xóm, bản và chi bộ đọc thường xuyên.

Cứ thế, ông vận động Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ tỉnh, MTTQ đặt mua Báo Nghệ An cho từng chi đoàn, ban mặt trận xóm, bản. Thuở ấy, ông Phan Đình Sung qua ông Lê Nhu, Chủ tịch MTTQ tỉnh, gặp gỡ ông “vua mèo” Vừ Chông Pao, Vừ Xây Xua có uy tín lớn với đồng bào Mông để nhờ đặt mua báo Nghệ An miền núi, phụ trang Báo Nghệ An, mỗi tháng ra bốn kỳ, in chữ to, kèm nhiều ảnh đẹp về hình ảnh con người, non nước vùng cao hăng hái đánh giặc, sản xuất, giữ bản, giữ mường. Anh hùng thủy lợi Lương Văn Hậu, dân tộc Thái, là một trong nhiều điển hình được phát hiện, giới thiệu trên Báo Nghệ An miền núi. Chuyên mục “Đầu bản cuối mường”, “Đầu làng cuối xóm” ra đời trên Báo Nghệ An, Báo Nghệ An miền núi những năm 60, 67 có công đóng góp ý tưởng, phổ biến của nhà báo Phan Đình Sung, nhà báo Lăng Phước.

Dịp Bác Hồ về thăm quê hương lần thứ 2 vào tháng 12/1961, ông và phóng viên nhiếp ảnh Duy Liêu, Văn Đồng được phân công theo chân Bác. Ông giỏi tốc ký được Văn phòng Tỉnh ủy giao ghi chép nội dung các buổi nói chuyện của Bác ở xã Kim Liên, hợp tác xã Vĩnh Thành (Yên Thành) ngày 10/12/1961.

Bây giờ, mỗi lần bắt gặp tấm ảnh đen trắng chụp Bác thăm bà con Kim Liên, Vĩnh Thành đăng, in trang trọng trên những ấn phẩm vào dịp lễ, kỷ nhiệm lớn của cả nước, của Nghệ An, ít ai biết người luôn đi bên cạnh Bác, gương mặt hơi cúi xuống cuốn sổ trên tay, chính là nhà báo Phan Đình Sung...

Có lẽ hơn 50 năm làm báo, tài sản duy nhất của ông đem về Huế sau giải phóng 26/3/1975 chính là bức ảnh lịch sử ấy, mà ở vị trí trang trọng nhất trong ngôi nhà gỗ ở Gia Hội - Huế, được ông lồng khung gỗ quý treo lên, xem như báu vật của đời mình!

Văn Hiền

Mới nhất

x
Nhà báo Phan Đình Sung: Người không tên dưới trang báo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO