Nhà điêu khắc Nguyễn Xuân Thủy: Những bức tượng xen lẫn vui buồn
(Baonghean) - Có người nói, Nguyễn Xuân Thủy là người “tham lam” trong nghệ thuật. Ngoài sở trường điêu khắc, anh còn hứng thú với cả công việc thiết kế nội, ngoại thất và vẽ tranh. Nguyễn Xuân Thủy cũng là người có duyên trong công tác quản lý. Hiện người nghệ sỹ quê Nghệ này phụ trách công việc trưng bày tại Nhà triển lãm 16 Ngô Quyền (Hà Nội) thuộc Hội Mỹ thuật Việt Nam, là Phó chủ tịch Hội Mỹ thuật Hà Nội. Bởi vậy, sự bận rộn dường như lúc nào cũng níu lấy anh như một điều khó tránh khỏi...
Trong phòng làm việc bộn bề tranh, tượng ở tầng 2 nhà 16 Ngô Quyền, xen giữa các khoảng thời gian tiếp khách, Nguyễn Xuân Thủy tranh thủ trò chuyện với tôi. Sống và gắn bó rất lâu với Hà Nội, nhưng chất giọng nằng nặng miền Trung vẫn không đổi thay nơi anh. Anh nói: “Có lẽ vì tôi quê biển, cái mặn mòi ấy đã ngấm thật sâu, thật bền, là gốc rễ mất rồi”. Nguyễn Xuân Thủy sinh ra và lớn lên tại vùng quê biển Diễn Châu. Năm 1976, anh ra Hà Nội học lúc còn rất trẻ. Anh học 5 năm hệ Trung cấp của Đại học Mỹ thuật Việt Nam, và sau này anh học tiếp 5 năm nữa tại Đại học Mỹ thuật Công nghiệp - chuyên ngành Điêu khắc. Sau khi ra trường, anh gia nhập quân đội. Trong suốt 2 năm thực hiện nghĩa vụ quân sự, công việc chính của Nguyễn Xuân Thủy là chế tác đồ mỹ nghệ cho sư đoàn. Sau khi xuất ngũ, anh trở về làm giảng viên của Trường Mỹ nghệ Hà Sơn Bình, nay là Trường Trung cấp nghề Tổng hợp Hà Nội. Năm 1998, anh bắt đầu làm công tác quản lý, đầu tiên là Trưởng ban Nghề, rồi sau đó là Trưởng phòng Đào tạo. Mãi đến năm 2012, anh mới chính thức chuyển về công tác tại Hội Mỹ thuật Việt Nam.
Họa sĩ Nguyễn Xuân Thủy
Nhớ lại thời còn trong quân ngũ, nhà điêu khắc Nguyễn Xuân Thủy cảm động nói rằng, khoảng thời gian ấy tuy ngắn nhưng có ý nghĩa thật lớn đối với cuộc đời làm nghệ thuật của anh. Môi trường quân đội không chỉ giúp anh trau dồi bản lĩnh mà còn giúp anh thấu hiểu hơn người lính, để rồi sau này qua lăng kính đa chiều của người nghệ sỹ, anh đã xây dựng thành công bằng nhiều chất liệu hình tượng người lính cả trong thời bình lẫn thời chiến. Chỉ với 2 năm trong quân ngũ nhưng anh đã biết vận dụng có hiệu quả, biến quá trình lao động nghệ thuật của mình - một người lính - thành quá trình tự đào tạo, rồi lại biết vận dụng quá trình tự đào tạo đó vào quá trình đào tạo cho bao thế hệ học sinh khi anh được đứng trên bục giảng của nhà trường. Trong suốt 27 năm công tác tại Trường Trung cấp nghề Tổng hợp Hà Nội, cho dù là giảng viên hay cán bộ quản lý, Nguyễn Xuân Thủy luôn đặt ba chức năng cơ bản của một nhà sư phạm mỹ thuật trong mối quan hệ biện chứng, đó là giảng dạy, nghiên cứu và sáng tác. Với anh, làm tốt ba điều này sẽ tạo nên những biến đổi lớn về chất làm giàu vốn sống, vốn nghệ thuật của bản thân.
Trong sáng tác, Nguyễn Xuân Thủy không kén chọn đề tài như một số nghệ sỹ khác mà tùy vào cảm xúc. Anh hướng cái nhìn của mình theo cảm hứng nhân văn, truyền thống và muốn khai thác tận cùng cảm hứng đó. Thế giới nghệ thuật của Nguyễn Xuân Thủy, đặc biệt trong lĩnh vực điêu khắc, có thể là bất cứ những gì tồn tại và hiện diện quanh người nghệ sỹ. Và, cho dù bằng chất liệu gì: đá, gỗ, xi măng, gốm hay sơn mài… thì hình tượng mà Nguyễn Xuân Thủy dồn công sức, tâm huyết để khắc họa đều trở nên có hồn, ý tưởng mà người nghệ sỹ vươn tới được lột tả. Nhờ thế, thông qua các cuộc triển lãm lớn nhỏ được tổ chức từ Trung ương đến địa phương và khu vực, nhiều tác phẩm của anh đã giành được các giải thưởng cao, như tác phẩm Thiếu nữ (xi măng trắng) đoạt giải Ba tại Triển lãm 10 năm (1983 – 1993) Điêu khắc toàn quốc do Bộ Văn hóa tổ chức; tác phẩm Chải tóc (gỗ) đoạt Giải thưởng Khu vực đồng bằng sông Hồng năm 1997 do Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức.
Hai tác phẩm: Thiếu nữ và Người đàn bà phố Khâm Thiên của Nguyễn Xuân Thủy.
Năm 2002, tác phẩm Người đàn bà phố Khâm Thiên (đá) đã đoạt được cả 2 giải thưởng: Giải thưởng Khu vực đồng bằng sông Hồng của Hội Mỹ thuật Việt Nam và Giải của Bộ Quốc phòng tại Triển lãm kỷ niệm 30 năm Ngày chiến thắng Điện Biên Phủ trên không. Tiếp đó, Nguyễn Xuân Thủy đoạt giải Ba toàn quốc về tranh cổ động kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng Thủ đô (1954 – 2004) do Thành phố Hà Nội tổ chức; giải Nhất với tác phẩm Âm vang Thăng Long (gốm, sơn mài) tại Triển lãm Mỹ thuật Thủ đô năm 2011; và gần đây, năm 2012, tác phẩm Trăng non (gốm) đã được Hội Mỹ thuật Hà Nội tặng thưởng. Ngoài ra, anh được Hội Mỹ thuật Việt Nam tặng Huy chương Vì sự nghiệp phát triển mỹ thuật và Kỷ niệm chương về Văn hóa - Nghệ thuật Việt Nam.
Xoay quanh câu chuyện về nghệ thuật và người nghệ sỹ, anh nói: “Theo tôi nghĩ, người nghệ sỹ nói chung trước hết cần phải có năng khiếu, tiếp đến phải có gu thẩm mỹ tốt. Riêng với điêu khắc, người nghệ sỹ cần có khả năng tư duy sáng tạo tốt, có sức khỏe, tính chịu khó, đôi bàn tay khéo léo và tỉ mẩn với công việc”.
Rồi bằng một giọng xa xăm, chậm rãi, anh thổ lộ: “Có một bộ phận không nhỏ nghệ sỹ không được ăn lương trong xã hội, nếu cứ theo đuổi nghệ thuật thì lấy gì mà sống, mà sáng tạo? Số nghệ sỹ sống được với nghề, ít lắm, đó là điều thật đáng buồn!...”
Quả đúng như anh nói, nhiều nghệ sỹ được đào tạo bài bản, công phu và tốn kém lắm, và họ cũng trăn trở, yêu nghề lắm chứ. Ấy thế mà vẫn “giữa đường đứt gánh”, kiên quyết dứt áo ra đi, từ giã… vô thời hạn đối với nghệ thuật. Giữa thời kinh tế thị trường, cơm áo đâu có đùa với khách thơ? Thực trạng này, theo Nguyễn Xuân Thủy, có thể sẽ gia tăng khi nghệ thuật đương đại đang ngày càng được các nghệ sỹ Việt Nam, đặc biệt là các nghệ sỹ trẻ hào hứng đón nhận và mạnh dạn thể nghiệm.
Thế nhưng, rào cản đối với loại nghệ thuật này không thuộc trách nhiệm người nghệ sỹ - chủ thể sáng tạo, mà nằm ở người quản lý sáng tạo. Đối với nghệ thuật nói chung, người ta thường xem xét chúng bằng tai chứ ít khi bằng cảm quan nghệ thuật, nghe ngóng nhiều hơn là hứng thú, có cái mới lạ lại càng nghe ngóng, đắn đo. Mà người nghệ sỹ thì không thể cứ chờ đợi mãi để được cấp phép trong khi luôn có sự hối thúc của sự sáng tạo… “Người quản lý sáng tạo nghệ thuật nhất thiết phải có cảm quan nghệ thuật tốt và có trình độ, kiến thức để hiểu được giá trị của nghệ thuật, nếu không người nghệ sỹ sẽ gặp khó. Các quan chức thì nên đến các cuộc triển lãm để động viên nghệ sỹ, “ngó nghiêng” một chút để xem nghệ thuật nước nhà đang phát triển đến đâu. Đối với mỹ thuật nói chung và điêu khắc, hội họa nói riêng, nên chăng Nhà nước quan tâm bằng những đợt khuyến khích mua tranh, tượng cho nghệ sỹ…”.
Trước khi chia tay, nhà điêu khắc Nguyễn Xuân Thủy nói với tôi: “Anh chị em nghệ sỹ cần những sự động viên, khích lệ để có cảm hứng và tiếp tục sáng tạo”. Nói rồi, anh lại ngồi im lặng như một bức tượng - một bức tượng đầy niềm vui xen lẫn nỗi buồn. Tôi hiểu, nỗi niềm đó của anh không chỉ từ góc độ của một nghệ sỹ, mà còn là của một người quản lý đầy tâm huyết đối với nghệ thuật.
Quỳnh Lâm