Nhà nông thời 4.0 ở Nghệ An
(Baonghean.vn) - Những trang trại tự động, sản xuất hàng hóa, sàn thương mại điện tử, bán hàng online… dần trở thành những khái niệm không còn xa lạ với nhiều người nông dân vốn chân lấm tay bùn. Công nghệ được đưa vào đã tạo tiền đề căn bản để hướng đến một ngành nông nghiệp hiện đại và chuyên nghiệp.
Dám nghĩ, dám làm
Anh Nguyễn Văn Sơn - Giám đốc HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Phú Thịnh ở huyện Hưng Nguyên là một trong những người đầu tiên đưa cây dâu tây vào trồng với quy mô sản xuất hàng hóa ở Nghệ An.
“Nhiều người vẫn lo lắng, cây dâu tây đưa về trồng ở Nghệ An có phù hợp không. Nhưng đến nay, bước sang năm thứ 5, cây phát triển rất tốt, thậm chí, tôi còn kỳ vọng sản xuất ra những quả dâu ngon hơn, nổi tiếng hơn cả ở những vùng xứ lạnh. Nếu dám đặt cược vào tương lai thì điều gì cũng có thể, miễn là mình có kiến thức, dám học hỏi và áp dụng” - anh Sơn chia sẻ.
Những quả dâu tây được Nguyễn Văn Sơn trồng trên đất Hưng Nguyên. Ảnh: PH |
Tốt nghiệp đại học ngành sinh học, ra trường, anh Sơn sang tu nghiệp 1 năm ở Israel - đất nước có nền nông nghiệp công nghệ cao rất phát triển trong điều kiện tự nhiên cực kỳ khắc nghiệt. Thêm kinh nghiệm làm việc ở Tập đoàn TH trong lĩnh vực nhà màng, năm 2019, anh Sơn mạnh dạn nghỉ việc để về làm “nông dân 4.0”.
Trên diện tích 2.500 m2 ở xã Hưng Khánh, một nhà màng rộng 1.100 m2 được đầu tư xây dựng, với hệ thống tưới tự động, ứng dụng công nghệ kết nối vạn vật IOT (Internet of Things), có ưu điểm là gần như hoàn toàn tự động nhận biết các yếu tố dinh dưỡng trong đất, nhiệt độ, ánh sáng để tự điều chỉnh chế độ chăm sóc ở mức hợp lý nhất.
Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Phú Thịnh trong nhà màng trồng dưa lưới. Ảnh: PH |
Hơn 3 năm nay, đủ loại cây trồng giá trị cao đã được anh Sơn trồng trong khu nhà màng và diện tích đất sản xuất sạch xung quanh, như dâu tây, dưa lưới, dưa chuột trực sinh. Sản phẩm chất lượng rất cao, hoàn toàn sạch, mẫu mã đẹp, năng suất cao và giá bán cũng cao hơn nhưng khách lẻ, khách buôn chưa bao giờ vắng. Khách đến vườn không chỉ mua sản phẩm, còn được trải nghiệm, tham quan, tìm hiểu về quy trình sản xuất từng loại cây trồng.
Chúng tôi đã có sản phẩm dưa lưới được công nhận OCOP; từ sự hỗ trợ, kết nối của tỉnh, ngoài kênh quảng bá trên mạng xã hội, HTX sẽ tích cực xúc tiến đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử, vào các siêu thị và hệ thống phân phối lớn để có hướng tiêu thụ ổn định, giá trị cao.
Từ những thành công ban đầu, HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Phú Thịnh tiếp tục triển khai thêm dự án sản xuất nông nghiệp kết hợp du lịch canh nông tại TX. Cửa Lò, đa dạng vườn cây ăn quả, nho, dưa lưới, hoa hồng, nhà màng rộng 0,5ha.
Ngoài cây lúa, những năm gần đây, huyện Yên Thành còn nổi tiếng với sản phẩm cam Xã Đoài được trồng trên vùng đất đồi các xã Đồng Thành, Minh Thành… Ông Trương Văn Biên - chủ trại cam ở xóm Đồng Trung, xã Đồng Thành cho biết: Mặc dù đã trồng đến năm thứ 9, nhưng vườn cam vẫn cho năng suất gần 30 tấn/ha, quả mọng nước và đẹp, luôn bán được với giá từ 40.000 - 50.000 đồng/kg tại vườn.
“Vườn cam có hệ thống tưới tự động, chỉ cần bấm nút là cả khu vườn đều được tưới, không những tiết kiệm công lao động và nước, mà còn phun rất đều, đảm bảo vừa đủ lượng nước cho cây cam phát triển” - ông Biên chia sẻ. Để có được vườn cam năng suất cao, chất lượng tốt, ông đã tìm đến sự tư vấn kỹ thuật chăm sóc của một chuyên gia Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Ngoài chăm sóc theo quy trình VietGAP, ông Biên còn sử dụng ớt cay, tỏi, gừng để pha chế thành thuốc trừ sâu sinh học.
Nghệ An đã có rất nhiều vùng cam do các "nông dân 4.0" đầu tư trồng, chăm sóc theo đúng quy trình VietGAP, làm nên thương hiệu Cam Vinh. Ảnh tư liệu: Xuân Hoàng |
Nhờ đó, trong khi nhiều vườn cam rơi vào tình trạng thoái hóa sớm, thì 5ha cam của gia đình ông vẫn sinh trưởng phát triển và cho quả tốt, sản phẩm an toàn và được người tiêu dùng tín nhiệm.
Theo ông Nguyễn Văn Dương - Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thành: Đến nay, gần 400ha cam trên địa bàn đều cơ bản áp dụng quy trình tưới nhỏ giọt tự động. Cùng những giải pháp kỹ thuật khác, sản phẩm cam có chất lượng và giá bán luôn ở mức cao.
Không chỉ trong khâu sản xuất, mà trong vấn đề tiêu thụ, được sự hỗ trợ từ Nhà nước cộng thêm sự nhanh nhạy, nắm bắt xu thế, nông dân Yên Thành đã có nhiều cách làm hay như tham gia livestream, kết nối khách hàng, quảng bá và bán hàng trên mạng xã hội…
Mô hình trồng cà chua chery trong nhà màng của nông dân xã Quỳnh Lương (Quỳnh Lưu). Ảnh: Thanh Phúc |
Ngoài cam, Yên Thành còn có sản phẩm ốc bươu đen thương phẩm đã đưa lên Sàn Thương mại điện tử, được khách hàng ở rất nhiều tỉnh thành biết tới, có những thời điểm, nguồn hàng không đủ cung ứng ra thị trường. Ngoài ra, đến nay trên địa bàn huyện có gần 1.000ha lúa được ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ từ gieo mạ khay đến cấy máy.
Nhiều trang trại chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao về hệ thống máng ăn, máng uống tự động, xử lý chất thải, đầu tư hệ thống làm mát, sưởi ấm chuồng trại như trang trại ông Lê Công Chất, xã Khánh Thành quy mô 1.000 con lợn thịt, trang trại ông Lê Văn Hưng, xã Tiến Thành quy mô 12.000 con gà...
Toàn huyện Yên Thành có gần 30 nhà màng được đầu tư và áp dụng công nghệ sản xuất tự động, hiện đại, chủ yếu sản xuất các loại rau, củ, quả chất lượng cao, đảm bảo an toàn thực phẩm.
Xu thế tất yếu
Nếu nông nghiệp công nghệ cao là tập trung thay đổi phương thức sản xuất từ truyền thống sang hiện đại, thì nông nghiệp 4.0 là thay đổi phương thức quản lý nông nghiệp, mở đường cho những hoạt động sản xuất chính xác, chặt chẽ mà con người không cần có mặt trực tiếp.
Trên thế giới, công nghệ 4.0 hiện đang là xu thế, là lựa chọn giúp nền nông nghiệp nhiều nước đạt những thành tựu quan trọng. Nằm trong xu hướng chung đó, ở Việt Nam, nền sản xuất nông nghiệp lạc hậu, manh mún, nhỏ lẻ vốn tồn tại hàng trăm năm đã dần được thay thế bằng các phương thức sản xuất tiên tiến, tập trung và ngày càng mang tính chất hàng hóa.
Nhiều nông dân Nghệ An đã biết sử dụng công nghệ thông tin để bán nông sản qua sàn thương mại điện tử. Ảnh tư liệu: Thanh Phúc |
Trên địa bàn Nghệ An, cũng xuất hiện ngày càng nhiều những nông dân dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn tiếp cận, đầu tư, áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất. Cùng với sự vào cuộc của các doanh nghiệp, những nông dân chân chất cũng đã và đang dần thay đổi cách thức, tư duy sản xuất để tạo ra khối lượng hàng hóa tập trung, chất lượng cao, cũng như tìm con đường tiêu thụ ổn định và giá trị cao hơn.
Khích lệ nông dân hướng đến nền sản xuất nông nghiệp hiện đại và bền vững, những năm qua, Nghệ An đã có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ bà con trong việc dồn điền đổi thửa, tạo nguồn vốn sản xuất, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cũng như tìm kiếm thị trường, tham gia các hội chợ, đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử…
Nhiều sản phẩm nông sản của Nghệ An đã tham gia các hội chợ, nâng cao giá trị. Ảnh tư liệu Việt Phương |
Đặc biệt, thông qua Chương trình Mỗi xã, phường một sản phẩm (OCOP) với những cơ chế hỗ trợ về xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm và quy trình giám sát, phân loại, nâng hạng sản phẩm, người nông dân đã ngày càng bắt nhịp với cách thức làm nông nghiệp mới, quan tâm đến chất lượng, quy trình công nghệ, giá trị thương hiệu, hướng đến sản xuất bền vững và nâng cao giá trị.
Theo ông Nguyễn Văn Đệ - Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn thách thức trên hành trình xây dựng nông nghiệp 4.0, nhưng đây vẫn là hướng đi được tỉnh và ngành quan tâm, hỗ trợ. Cùng sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của người nông dân, nông nghiệp 4.0 sẽ là một trong những “đòn bẩy” quan trọng giúp Nghệ An phát triển, hướng đến làm kinh tế nông nghiệp hiệu quả và bền vững.