'Rào cản' khiến sản phẩm Nghệ An khó bán được hàng trên sàn thương mại điện tử

Tiến Đông 16/02/2022 14:00

(Baonghean.vn) - Thương mại điện tử ngày càng chiếm ưu thế trong lĩnh vực bán lẻ, đây cũng là xu thế phát triển của thương mại hiện đại, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh đang hoành hành phức tạp như hiện nay. Tuy nhiên, việc bán được hàng trên kênh này không hề đơn giản.

Lướt qua các trang thương mại điện tử như: Lazada, Sendo, Shopee, Tiki… chỉ cần gõ cụm từ “đặc sản Nghệ An”, đã cho kết quả hàng nghìn sản phẩm đặc sản thương hiệu Nghệ An được bày bán trên này. Từ giò bê, tương, lạc, bánh đa, trám đen, nhút, dưa muối… cho đến các sản phẩm đặc hữu mang thương hiệu của từng đơn vị. Thế nhưng, hầu hết các sản phẩm này do từng đại lý, nhà bán lẻ đăng bán. Thậm chí cùng một sản phẩm gốc, nhưng có cả đại lý tại Nghệ An lẫn TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội đăng lên, và qua mỗi đại lý lại có giá bán khác nhau.

Đưa nhiều nhưng bán được chẳng bao nhiêu

Là đơn vị sản xuất các sản phẩm dược liệu, Công ty CP Dược liệu Pù Mát là đơn vị tiên phong ở huyện Con Cuông trong việc đưa các sản phẩm lên các sàn sàn thương mại điện tử như: Tiki, Voso, Lazada, Shopee, Sendo, Alibaba… Hiện tại đơn vị này đã có 7 sản phẩm OCOP được công nhận đạt tiêu chuẩn 4 sao đang bày bán trên các sàn này, thế nhưng việc bán hàng đang gặp khó khăn.

Ông Phan Xuân Diện – Giám đốc Công ty CP Dược liệu Pù Mát cho biết: Mặc dù đã tham gia các sàn thương mại điện tử từ cách đây hơn 2 năm, nhưng hiệu quả bán hàng qua kênh này đạt được còn hạn chế. Ông Diện dẫn chứng, theo thống kê của công ty mỗi năm, bán hàng qua Lazada và Shopee không được 10 thùng (mỗi thùng 24 hộp), riêng Sendo thì gần như không có tương tác. Do không kỳ vọng được nhiều vào thương mại điện tử nên gần như các sản phẩm của đơn vị này đang phải bán qua các đại lý truyền thống, người bán lẻ trên facebook hay chào bán qua các hội chợ thương mại…

Thương mại điện tử đang là xu thế phát triển, nhưng việc bán được hàng hóa trên hệ thống này không phải là chuyện đơn giản. Ảnh: Tiến Đông
Thương mại điện tử đang là xu thế phát triển, nhưng việc bán được hàng hóa trên hệ thống này không phải là chuyện đơn giản. Ảnh: Tiến Đông

Cũng theo ông Diện, hiện nay ngoài sàn thương mại Alibaba yêu cầu trả phí 10 triệu đồng/năm để duy trì gian hàng thì gần như các sàn thương mại điện tử của Việt Nam đều miễn phí việc đăng bán hàng, sau khi trừ chi phí vận chuyển, các sàn này chỉ thu phần trăm trên mỗi đơn hàng giao dịch thành công. Tuy nhiên, do thiếu tương tác, cùng với việc gặp phải sự cạnh tranh của hàng trăm mặt hàng cùng loại trong cùng chuyên mục nên các sản phẩm gần như chỉ được “treo” lên chứ không có đơn nào được chọn.

Dẫn chứng rõ nét nhất chính là vào mùa cam vừa qua, mặc dù đặc sản cam Vinh đã được quảng bá rầm rộ, được nhiều người biết đến. Thế nhưng, khi lên sàn thương mại điện tử đã vấp phải sự cạnh tranh rất lớn của cam Hòa Bình, Hà Tĩnh. Vì thế mà hiệu quả bán hàng không cao, các nhà vườn, doanh nghiệp lại phải quay lại với phương thức bán hàng truyền thống và trông chờ vào các thương lái.

Mùa cam vừa qua, mặc dù nhiều hoạt động, chương trình đã được xúc tiến để quảng bá tiêu thụ cam Vinh, nhưng gần như vẫn phải phụ thuộc vào thương lái. Ảnh: Tiến Đông
Mùa cam vừa qua, mặc dù nhiều hoạt động, chương trình đã được xúc tiến để quảng bá tiêu thụ cam Vinh, nhưng gần như vẫn phải phụ thuộc vào thương lái. Ảnh: Tiến Đông

Theo thống kê, vào mỗi vụ cam Vinh, các nhà vườn bán online qua mạng, sàn thương mại điện tử, chỉ chiếm khoảng 15-20%, còn lại thương lái địa phương thu mua bán ra thị trường trong và ngoài tỉnh, lên đến 75-80%.

Ông Trương Văn Biên, chủ trang trại cam tại Đồng Thành (Yên Thành) chia sẻ rằng, dù đã đăng bán lên các sàn thương mại điện tử nhưng đến mùa thu hoạch cam vẫn phải chờ vào thương lái đem ra chợ bán. Lý do mà ông Biên đưa ra là không có người phụ trách khâu bán hàng để có thể tương tác tích cực với khách hàng. Việc phụ thuộc vào thương lái khiến cho các sản phẩm đã bị ép giá, đồng thời khó khăn hơn khi tiêu thụ trong mùa dịch.

Theo báo cáo của Sở Công Thương Nghệ An, từ năm 2012 đơn vị này đã được tỉnh giao quản lý Sàn giao dịch thương mại điện tử Nghệ An có địa chỉ truy cập tại http://37nghean.com. Tính đến nay đã có hơn 463 doanh nghiệp và thương nhân đăng ký thành viên tham gia và thiết lập gian hàng. Giới thiệu và chào bán 3.681 sản phẩm và dịch vụ. Tuy nhiên, phần lớn vẫn chỉ dừng lại ở mức độ thông tin, quảng bá sản phẩm, việc trao đổi mua bán trực tiếp còn hạn chế.

Nhiều đơn vị đang tập trung chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm mà chưa thực sự quan tâm đến việc marketing bán hàng trên sàn thương mại điện tử. Ảnh: Tiến Đông
Nhiều đơn vị đang tập trung chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm mà chưa thực sự quan tâm đến việc marketing bán hàng trên sàn thương mại điện tử. Ảnh: Tiến Đông

Hỗ trợ nhà sản xuất bán hàng hiệu quả

Sự cạnh tranh trên các sàn thương mại điện tử là điều không tránh khỏi. Một điểm yếu cố hữu của các doanh nghiệp, nhà bán lẻ ở Nghệ An là không dám đầu tư nhân lực, tiền bạc để xây dựng các chiến dịch marketing, quảng cáo. Bởi thực tế muốn bán tốt trên các sàn thương mại điện tử như Shoppee, Lazada… thì phải có đội ngũ tương tác hùng hậu, khi có khách hàng xem, đặt hàng phải trả lời và chốt đơn ngay. Chưa kể doanh nghiệp, đại lý phải bỏ tiền chạy quảng cáo trên các ứng dụng mạng xã hội khác để sản phẩm được lên top của sàn mới được nhiều người biết đến.

Bản thân những người như ông Phan Xuân Diện – Công ty CP Dược liệu Pù Mát, ông Trịnh Xuân Giáo – Chủ trang trại cam Thiên Sơn (Đồng Thành – Yên Thành)cũng thừa nhận rằng đơn vị đang tập trung sản xuất, cố gắng tạo ra những s ản phẩm đạt chất lượng mà chưa thực sự đầu tư nhân lực cho việc phát triển mảng thương mại điện tử.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hiếu – Trưởng phòng Kế hoạch – Tài chính – Tổng hợp, Sở Công thương cho biết: Để hỗ trợ doanh nghiệp, HTX, làng nghề, hộ sản xuất kinh doanh từng bước chuyển đổi số, tiếp cận hình thức kinh doanh hiện đại, đưa các sản phẩm lên sàn giao dịch thương mại điện tử, Sở đã tham mưu UBND tỉnh ban hành và đang triển khai thực hiện Kế hoạch Phát triển thương mại điện tử Nghệ An giai đoạn 2021-2025 và một số kế hoạch hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn Nghệ An năm 2021, 2022 và định hướng đến năm 2025. Trong đó, mục tiêu là đến năm 2025 sẽ có 80% sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu của Nghệ An tham gia các sàn giao dịch thương mại điện tử trong và ngoài nước.

Lễ ký kết hợp tác thúc đẩy tiêu thụ nông sản Nghệ An trên sàn thương mại điện tử voso.vn. Ảnh: Phú Hương

Hiện Sở Công thương Nghệ An đang phối hợp với Cục TMĐT&KTS của Bộ Công Thương và các đơn vị liên quan hỗ trợ các cá nhân, đơn vị đăng ký tham gia các sàn thương mại điện tử trong và ngoài nước để kết nối, giới thiệu sản phẩm, mở rộng thị trường trong nước và quốc tế cũng như đào tạo kiến thức, kỹ năng quảng bá, bán sản phẩm trực tuyến.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hiếu - Trưởng phòng KH-TC-TH, Sở Công Thương Nghệ An

Bên cạnh đó, Sở Công Thương còn phối hợp với các ngành, địa phương lựa chọn các nhóm hộ sản xuất đủ điều kiện, có sản phẩm được chứng nhận an toàn thực phẩm, các sản phẩm đạt các chứng chỉ, chứng nhận như OCOP, VietGAP, GlobalGAP... để giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ trên sàn giao dịch thương mại điện tử Nghệ An. Đồng thời hợp tác, chia sẻ, liên kết với các sàn thương mại điện tử uy tín trong và ngoài nước.

Trước mắt, Sở hỗ trợ địa phương trong việc đăng tải các sản phẩm lên sàn, sau đó sẽ chuyển giao tài khoản quản trị gian hàng cho các địa phương, đồng thời yêu cầu địa phương cử cán bộ phối hợp kết nối để quản trị, cập nhật thông tin, sản phẩm tại các gian hàng của huyện, thành, thị.

Nhiều sản phẩm đặc sản của Nghệ An đã được Livestream giới thiệu, quảng bá trên các nền tảng hiện đại. Ảnh: Quang An
Nhiều sản phẩm đặc sản của Nghệ An đã được Livestream giới thiệu, quảng bá trên các nền tảng hiện đại. Ảnh: Quang An

Bà Hiếu còn cho biết, trong thời gian tới, Sở Công Thương cùng các các cơ quan chức năng sẽ hoàn thiện các bước để đưa nhiều nông sản đặc sản của Nghệ An lên các sàn thương mại điện tử hiện có. Phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức hướng dẫn người dân quy trình bán hàng trực tuyến, marketing, chăm sóc khách hàng qua các chợ online... Đồng thời, đẩy mạnh kết nối tiêu thụ thông qua các kênh: tổ chức Diễn đàn kết nối tiêu thụ nông sản…

Song song với đưa các sản phẩm nông sản lên sàn, những năm qua Sở Công Thương cũng đã hỗ trợ tổ chức, đơn vị xây dựng nhiều Website thương mại điện tử; chuyển giao hàng chục bộ phầm mềm quản lý khách hàng, quản lý bán hàng thông minh, tổ chức đào tạo, tập huấn cho hàng ngàn lượt học viên. “Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng Internet là môi trường bình đẳng, không phân biệt lớn bé, cá nhân hay tổ chức doanh nghiệp. Ai làm tốt hơn việc quảng cáo, marketing, tương tác hỗ trợ khách hàng, giá cả... thì bán được hàng. Sàn chỉ là phương tiện, yếu tố quyết định vẫn là con người” – Bà Hiếu khẳng định.

Mới nhất
x
'Rào cản' khiến sản phẩm Nghệ An khó bán được hàng trên sàn thương mại điện tử
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO