Nhà thơ Quang Huy - người thầy của tôi

27/02/2015 14:52

(Baonghean.vn)- “Mồng một tết cha, mồng ba tết thầy”. Lẽ thường là vậy, nhưng mồng một Tết năm nay, tôi nhận được điện thoại từ một bạn thơ: nhà thơ Quang Huy đã qua đời. Đối với chúng tôi, lớp học trò trường cấp 2 Yên Thành những năm từ 1958 đến 1961, lớp những cây bút thơ trưởng thành từ những năm 60-70 của thế kỷ 20 không thể nào quên được nhà giáo – nhà thơ Quang Huy, một trong những người có công trong việc đào tạo, bồi dưỡng nhưng cây bút trẻ, có công xây dựng Hội Văn học Nghệ An trong những ngày đầu mới thành  lập.

(Baonghean.vn)- “Mồng một tết cha, mồng ba tết thầy”. Lẽ thường là vậy, nhưng mồng một Tết năm nay, tôi nhận được điện thoại từ một bạn thơ: nhà thơ Quang Huy đã qua đời. Đối với chúng tôi, lớp học trò trường cấp 2 Yên Thành những năm từ 1958 đến 1961, lớp những cây bút thơ trưởng thành từ những năm 60-70 của thế kỷ 20 không thể nào quên được nhà giáo – nhà thơ Quang Huy, một trong những người có công trong việc đào tạo, bồi dưỡng nhưng cây bút trẻ, có công xây dựng Hội Văn học Nghệ An trong những ngày đầu mới thành lập.

Nhà thơ Quang Huy và vợ
Nhà thơ Quang Huy và vợ

Nhà thơ Quang Huy sinh năm 1931, tại Hải Dương trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng và nhân văn. Ông bước vào đời bằng nghề dạy học. Tốt nghiệp sư phạm vào loại xuất sắc trong nước, ông được điều sang dạy ở khu học xá Trung ương ở Quế Lâm Trung Quốc. Năm 1958, ông về nước và được điều về giảng dạy văn học tại Trường cấp 2 Yên Thành. Bấy giờ cả huyện Yên Thành mới chỉ có một trường cấp 2 công lập. Lớp học trò con em nông dân như chúng tôi, áo nâu chân đất từ trường làng về trường huyện, được tiếp xúc với mấy thầy giáo từ Hà Nội về tăng cường, như một luồng gió mới thổi vào ngôi trường vùng quê nghèo lam lũ, các thầy đem theo những phương pháp, kỹ năng giảng dạy mới có sức lôi cuốn, thu hút học sinh đến lạ kỳ. Với vốn kiến văn sâu rộng, với cách phân tích sâu sắc, truyền cảm, tâm huyết, thầy như mở ra cho chúng tôi một chân trời mới lạ. Nhất là những giờ giảng Kiều, những buổi ngoại khóa nói chuyện thơ, văn từ miền Nam gửi ra. Trong đời học sinh, tôi đã từng học văn với nhiều thầy giáo rồi sau đó tôi cũng trở thành một giáo viên dạy văn. Thành công nhất của nhà giáo Quang Huy là không chỉ khắc họa cho học sinh những áng văn bất hủ mà thầy truyền cho học sinh lòng yêu mến, đam mê văn học, gắn bó suốt đời với nghiệp văn. Dù con đường ấy không chỉ có hương thơm cỏ lạ mà còn bao gian nan cơ cực.

Ở Trường cấp 2 Yên Thành chỉ vài ba năm, sau khi đạt giải cao của một cuộc thi thơ của Báo Văn Nghệ, ông được điều vào Ty văn hóa Nghệ An và trở thành một trong những người ở trong Ban vận động thành lập Hội Văn nghệ Nghệ An. Năm 1967, Hội Văn nghệ Nghệ An được thành lập tại một khu rừng ở xã Lăng Thành, nhà thơ Quang Huy được bầu vào Ban chấp hành trực tiếp phụ trách tiểu ban thơ, biên tập viên thơ của tờ báo Văn nghệ Nghệ An. Trong những năm tháng chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, nhà thơ Quang Huy có mặt ở hầu khắp các trọng điểm ác liệt, vừa sáng tác vừa xây dựng phong trào, vừa dìu dắt bồi dưỡng những cây bút trẻ, suốt gần 20 năm lăn lộn ở Nghệ An, ông đã sáng tạo nhiều tác phẩm thơ, văn đóng góp cho văn học xứ Nghệ và cả nền văn học Việt Nam. Với tài năng nhiều mặt, ông vừa làm thơ vừa viết văn xuôi. Về thơ ông xuất bản các tập: Sao và đất (in chung với Thạch Quỳ); Nơi giáp mặt; Trăng đầu núi; Dòng suối thức; Gió từ tay mẹ; Tuyển tập thơ Quang Huy. Về văn ông có các tập: Hoa Xuân Tứ; Chuyện xóm Lèn; Ở một vùng bãi sông...

Có thể nói, 20 năm ở Nghệ An là thời gian mà nhà thơ Quang Huy gặt hái được nhiều thành công nhất. Ông trở thành cây bút chủ lực của Hội văn nghệ Nghệ An và trở thành Hội viên Hội nhà văn Nghệ An từ đất lửa Nghệ An.

Nét đặc sắc nhất của thơ Quang Huy là ông đã thành công ở nhiều thể loại thơ, nhất là thơ lục bát và thơ viết cho thiếu nhi. Là nhà thơ gốc từ miền quê quan họ nhưng Quang Huy miệt mài, say mê ví giặm, giặm vè Nghệ Tĩnh, cùng với các nhà thơ Trần Hữu Thung, Minh Huệ, Quang Huy đã tiếp thu những tinh hoa thơ ca dân gian Nghệ Tĩnh, sáng tạo, nâng tầm lên thành những tác phẩm thơ mang tính bác học, trở thành những bài thơ bất hủ như hàng loạt bài thơ lục bát nổi tiếng, hàng loạt bài thơ thiếu nhi thể thơ 3 chữ, 3 chữ, về “bao thứ quả lạ kỳ”, “chuyện vui về chim”, “chuyện vui về cá”, “một trăm thứ chim một nghìn hoa lá”...

Có thể nói, Quang Huy là một trong những người có công xây dựng Hội Văn nghệ Nghệ An từ buổi đầu thành lập cho đến khi ông từ giã Nghệ An ra Hà Nội làm biên tập viên thơ Đài tiếng nói Việt Nam, làm Giám đốc kiêm Tổng biên tập Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin, nhà thơ Quang Huy không chỉ xem Nghệ An là vùng quê sáng tác, mà ông trở thành con rể Nghệ An, thành người con đã góp phần nâng giặm vè của thơ ca dân gian Nghệ An lên tầm bác học, đóng góp vào kho tàng văn học Nghệ An nhưng tác phẩm văn thơ bất hủ.

Nhà thơ Vương Trọng trong một bài viết có ý tưởng đề nghị nên khắc bài thơ “Mười hai cô gái Truông Bồn” của Quang Huy vào một trong những tấm bia ở di tích lịch sử Truông Bồn. Trong những ngày nhà thơ Quang Huy đang nằm trên giường bệnh, chúng tôi đang biên soạn tuyển tập “700 năm thơ Yên Thành”, có xin ý kiến nhà thơ Quang Huy về cách tuyển chọn thơ và ông giành nhiều tình cảm quý báu đối với quê hương, góp nhiều ý kiến chân tình.

Xuân này, nhà thơ Quang Huy, người thầy của chúng tôi, lớp những cây bút thơ Nghệ An trưởng thành từ những năm chống Mỹ cứu nước đã ra đi ở tuổi 84, nhưng những thành quả sáng tạo mà ông để lại cũng nhưng toàn bộ tình cảm, tài năng đức độ của ông vẫn còn sống mãi với đất trời và lòng người xứ Nghệ. Bài viết này chúng tôi xin thay cho nén tâm hương những người học trò cũ của thầy.

Ngô Đức Tiến

Mới nhất
x
Nhà thơ Quang Huy - người thầy của tôi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO