Nhà văn Di Li ra sách PR thường thức đầu tiên ở Việt Nam
Là người đầu tiên ở Việt Nam làm luận văn thạc sĩ về lĩnh vực quan hệ công chúng (PR), cũng là giảng viên ĐH bộ môn này, lại trực tiếp làm PR…, nhà văn Di Li vừa tiếp tục đóng dấu ấn riêng khi ra mắt cuốn sách thường thức về PR đầu tiên tại Việt Nam.
Nhà văn Di Li ký tặng sách cho bạn đọc. |
Muốn “minh oan” cho PR
Với “bức xúc” kéo dài về tình trạng hiểu sai PR, nhiều người cho rằng khái niệm PR gắn với nhiều thứ không thật, khoe khoang, xì căng đan…, Di Li đã “nung nấu” kế hoạch “minh oan” cho PR bằng việc cho ra cuốn sách “Tôi PR cho PR” tại NXB Văn hóa thông tin, với sự hỗ trợ của công ty Phương Đông. Đây cũng là đơn vị liên kết đã độc quyền 14 đầu sách của nữ nhà văn trong những năm qua.
Ngôn ngữ gọn gàng, giọng văn trong sáng, giàu hình ảnh, khai thác nhiều thông tin tư liệu về lĩnh vực PR cũng như sử dụng nhiều ví dụ sinh động liên quan đến PR là những sự kiện, vụ việc diễn ra tại Việt Nam trong thời gian qua, “Tôi PR cho PR” hấp dẫn người đọc bằng cách trình bày sáng rõ, dễ hiểu.
Chia cuốn sách thành 12 phần: Biến công chúng thành fan hâm mộ; Bằng cách chiếm tình cảm của công chúng; PR không phải xì căng đan; Phòng bệnh hơn chữa bệnh; PR không phải quảng cáo; Những câu chuyện PR may mắn; Làm sao để thay đổi công chúng?; Thông điệp của một quốc gia; PR đen và Spin Doctor, Hack và Flack; Khủng hoảng là thảm họa của doanh nghiệp và người nổi tiếng; Nếu không tỉnh táo, đừng tham gia mạng xã hội; Đối xử tốt với người trong nhà trước khi ngoại giao với hàng xóm.
Tác giả đi vào từng chủ đề cụ thể với những “tít bài” như cách đặt vấn đề, sau đó đi vào phân tích, bàn luận, xen kẽ là các ví dụ và cuối mỗi phần đưa ra một khung tóm lược nội dung. Có thể các chuyên gia nghiên cứu hay thực hành PR sẽ có quan điểm hoặc khác hoặc một số điều trái ngược với tác giả, nhưng những nguyên tắc, kinh nghiệm, kỹ năng được đưa ra trong nội dung như những bài học thể hiện tính ứng dụng cao.
Làm mới điều tưởng đã quen
Chia sẻ tại buổi ra mắt cuốn sách tổ chức chiều 22-11 tại Ngôi nhà Ý – phố Lê Phụng Hiểu, Hà Nội, Thứ trưởng Bộ xây dựng Nguyễn Đình Toàn cho rằng, đây là đề tài không mới, nhưng tác giả đã đưa đến độc giả vấn đề tưởng rằng đã biết nhưng thực ra là biết chưa rõ lắm!
Ông cho rằng, chúng ta ai cũng có cái “máu” tự PR cho mình. Đọc cuốn sách này, chúng ta có thể cảm thấy nhiều đối tượng khác nhau đều cần PR, từ chính khách cho đến người bán xôi, cắt tóc… Và ông khẳng định: “Không biết làm PR cho cơ quan mình, đơn vị mình thì sẽ thiệt thòi. Nhưng tôi cũng rất tâm đắc với lời tác giả ở đầu sách: “Một câu chuyện PR tốt phải bắt nguồn từ uy tín của tổ chức và chất lượng của sản phẩm”.
Ông Hoàng Nam Tiến – Chủ tịch FPT Sotfware nói: Di Li làm mới những điều đã cũ và quen thuộc. Đó là một việc khó khăn. Ông Tiến rất tán thành “lời khuyên” của tác giả cuốn sách khi thực hành PR: Đừng khoe khoang hay nói về mình quá nhiều!
Kể lại chuyện 12 năm trước, ông Tiến nói, trong hồ sơ của chúng tôi thường xuyên có câu: Người Việt Nam cần cù, thông minh… Đi đâu chúng tôi cũng nói đến điều đó. Cho đến một hôm, một chuyên gia người Nhật ghé vào tai tôi: Vậy các bạn ngụ ý rằng người Việt Nam hơn người ở các nước khác phải không? “Từ đó chúng tôi bỏ câu ấy ra khỏi tài liệu makerting”.
Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên nhận xét về cuốn sách: “Dễ đọc, ngôn ngữ như nói chuyện. Tác giả cho thấy vốn tri thức về nghề và cái tài của người viết sách phổ thông. Đây là cuốn sách cần thiết khi mà lâu nay chúng ta hiểu về PR còn phiến diện, sai lệch”.
Tác giả cuốn sách, người rất bình tĩnh trong nhiều sự kiện do mình làm MC hoặc tham gia công tác PR bộc bạch: “Tôi khá hồi hộp, vì đó là cuốn sách PR thường thức đầu tiên ở Việt Nam. Bản thảo đã được tôi gửi đến nhiều người đọc trước xem có dễ hiểu không. Và tôi đã chỉnh sửa trước khi in theo góp ý của họ". Nói về kế hoạch tương lai gần, nữ nhà văn nổi tiếng về nhiều đầu sách và cách PR cho tác phẩm của mình một cách khéo léo cho biết, tôi đang chuẩn bị cho cuốn sách về chủ đề “PR tình yêu”.
Theo NDĐT