Nhạc cụ truyền thống trong đời sống hôm nay

(Baonghean) - Thời gian qua, chuyên trang Dân tộc & Miền núi, Báo Nghệ An đã giới thiệu 10 nhạc cụ của các dân tộc thiểu số anh em trên mảnh đất miền Tây Nghệ An đến bạn đọc gần xa. Đây không phải là một chuyên đề nghiên cứu, trong phạm vi các bài báo do nhóm phóng viên và CTV của Báo Nghệ An thực hiện, chúng tôi đã cố gắng đưa đến bạn đọc một phác họa chung nhất của các nhạc cụ dân tộc thiểu số trong sinh hoạt cộng đồng ngày trước cũng như hiện nay...
Chắc hẳn chuyên đề này sẽ còn bỏ sót một số nhạc cụ độc đáo, chúng tôi sẽ giới thiệu trong những bài viết khác. Có một số nhạc cụ đã được giới thiệu nhiều trên Báo Nghệ An, chẳng hạn cây khèn bè của người Thái. Chúng tôi đã chủ trương sẽ không viết bài riêng về khèn bè trong chuyên đề này nữa. Có những nhạc cụ đã vượt ra khỏi phạm vi của một cộng đồng dân tộc và trở thành di sản chung của nhiều cộng đồng. Ví như chiếc đàn tính của người Tày, nó đã được du nhập vào các cộng đồng thiểu số ở Nghệ An. Hay như chiếc đàn môi, cả người Thái và người Mông đều rất ưa thích, và cho đó là nhạc cụ của dân tộc mình?!
Những nhạc cụ dân tộc thiểu số ở Con Cuông.
Những nhạc cụ dân tộc thiểu số ở Con Cuông.
Chuyên đề “Những nhạc cụ dân tộc thiểu số” gồm 10 bài viết, chúng tôi đã giới thiệu được 5 nhạc cụ của người Thái gồm cồng chiêng, pí đăng, xi xlo, kèn, lá, đàn tập tinh, 2 nhạc cụ của người Thổ (đàn tính, kèn Thổ), 2 nhạc cụ của người Mông (khèn, đàn môi), 1 nhạc cụ của người Khơ mú là cây pí tơm. 10 bài viết của chuyên đề cũng là 10 chuyến đi đến các cộng đồng làng bản trên nhiều huyện miền núi Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn, Quỳ Hợp... Tại các nơi đến, chúng tôi đều gặp được những người thực sự tâm huyết với các nhạc cụ của cha ông mình. Họ đang nỗ lực gìn giữ những sản phẩm văn hóa mà đối với cộng đồng là giá trị đích thực...
Tuy nhiên, có một thực tế là phần nhiều các nhạc cụ dân tộc đang trong tình trạng bị giới trẻ quên lãng. Hiện nay, có rất ít các bạn trẻ người Thái chơi được đàn xi xlo, pí đăng, kèn lá. Ít người biết đến đàn tập tinh. Vì nhiều lẽ, ngày nay nhiều bạn trẻ xa rời các giá trị âm nhạc truyền thống, trong đó phải kể đến sự du nhập các trào lưu âm nhạc phương Tây. Họ vẫn ưa nhạc sàn, nhạc thị trường hơn là cồng chiêng hay hát “khắp” Thái. Tuy vậy, khi đến các bản người Mông, một điều lý thú là ở đây từ người trẻ đến người già, trai hay gái đều thích nhạc Mông. Ngày nay, các bạn trẻ người Mông cũng biết lên mạng tải những bản nhạc của dân tộc mình về điện thoại, hoặc tìm mua những đĩa hát của người Mông. Việc tìm các bản nhạc Mông trên mạng internet là điều khá dễ dàng, bởi dòng nhạc này vẫn rất phổ biến tại các cộng đồng Mông ở nước ngoài như Lào, Thái Lan, Mỹ… Một cán bộ văn hóa người Mông ở Kỳ Sơn chia sẻ, hiện có khá nhiều các nhạc sỹ người Mông ở nước ngoài vẫn sáng tác những bài tình ca dựa trên các làn điệu dân ca dân tộc mình. 
Cây đàn tính cải tiến đã có thể chơi những bản tân nhạc.
Cây đàn tính cải tiến đã có thể chơi những bản tân nhạc.
Nằm ngoài xu hướng quay lưng lại với các nhạc cụ dân tộc của giới trẻ, lại có những người đang cố gắng cải tiến các nhạc cụ này để chúng trở nên hợp thời hơn. Những việc làm này xuất phát từ tình yêu đối với các giá trị âm nhạc truyền thống. Một trong những người đó là ông Lương Nghiệp (Môn Sơn - Con Cuông). Ông thạo chơi nhiều nhạc cụ của người Thái như đàn tính, xi xlo, pí đăng, đàn tập tinh. Là một người yêu văn hóa, văn nghệ, lại mong muốn những nhạc cụ dân tộc trở nên phù hợp hơn với nhịp sống đương đại, ông đã có những cải tiến trên cây đàn xi xlo (một nhạc cụ có vỉ kéo như đàn nhị của người Việt) từ 2 dây lên 3 dây, để có thể chơi được những nhạc phẩm tân nhạc. Bởi vốn dĩ, đàn xi xlo chỉ có thể kéo các làn điệu dân ca khắp, lăm, xuôi, nhuôn của người Thái. Ngoài ra, ông Nghiệp còn tham gia cải tiến cây đàn tính du nhập từ người Tày các tỉnh miền núi phía Bắc. Không chỉ có ông Lương Nghiệp, những nghệ nhân chế tác đàn ở Quỳ Hợp cũng có những cố gắng để cây đàn tính ngày càng trở nên tinh xảo hơn.
Còn đối với chị Hạ Y Nênh, một người chơi đàn môi giỏi ở bản Hòa Sơn (Tà Cạ - Kỳ Sơn), dù đã qua thời con gái từ lâu, những ngày hội xuân đã nhường lại cho trai gái lứa sau, chị vẫn giữ kỹ chiếc đàn môi để bản thân không lãng quên đi những ngày son trẻ. Đó cũng là một cách lưu giữ truyền thống, trước trào lưu sống hiện đại hiện thời. 
Qua những chuyến thâm nhâp thực tế tìm hiểu các nhạc cụ của người thiểu số, chúng tôi nhận thấy một thực trạng chung, các nhạc cụ dân tộc thiểu số ngày nay đang yếu thế trước các nhạc cụ hiện đại! Nguyên nhân, những nhạc cụ này không đáp ứng được nhu cầu nghe nhìn của giới trẻ ngày nay. Thế nhưng, cũng phải nói rằng những nhạc cụ truyền thống của người vùng cao vẫn có cuộc sống riêng. Đâu đó, trong các cộng đồng vẫn vang lên tiếng khèn bè, khèn Mông. Vào dịp tết đến xuân về, người dân gần Hang Bua (Châu Tiến - Quỳ Châu) mở hội. Tiếng cồng chiêng, tiếng khèn bè, khắc luống rộn ràng khắp khu vực lễ hội. Đây thực sự là dịp tốt để những giá trị truyền thống được đem ra phô diễn thu hút mối quan tâm của du khách gần xa. 
Một cuộc sống khác của chân giá trị âm nhạc truyền thống, trong đó có các nhạc cụ dân tộc thiểu số, là ở những nhạc phẩm tân nhạc mang âm hưởng nhạc dân tộc thiểu số. Tuy chưa có nhiều người trẻ đưa âm hưởng dân nhạc vùng cao vào sáng tác của họ, nhưng có một lớp các nhạc sỹ đã thành danh chung thủy với âm nhạc của người vùng cao, trong đó có nhạc sỹ Trần Vương (Khối 3, Thị trấn Con Cuông). Từ nhiều năm nay, người vùng cao không chỉ ở Nghệ An mà ở nhiều địa bàn miền núi các tỉnh Bắc miền Trung và phía Bắc đều đã quen nghe và yêu thích những nhạc phẩm của ông. Trong một buổi chiều cuối năm lạnh giá, chúng tôi có dịp gặp lại ông. Sức khỏe ông đã có phần giảm sút so với những lần gặp trước đây. Tuy nhiên ông vẫn rất hào hứng khi nói về những nhạc cụ của người vùng cao. Với ông, mỗi loại nhạc cụ từ cây khèn bè của người Thái đến chiếc khèn Mông, đều rất kỳ diệu! Điều kỳ diệu ở chỗ, phần lớn những nhạc cụ này đều chế tác từ tre nứa, gỗ nhưng âm thanh lại rất đặc biệt, không thua kém các nhạc cụ hiện đại. Theo ông, chiếc khèn bè là một nhạc cụ đặc biệt nhất. Với 14 ống nứa thôi, nhạc cụ này có thể chơi được các bản tân nhạc. Đây là điều hiếm nhạc cụ của người vùng cao làm được, nếu không được cải tiến. 
Nhạc sỹ Trần Vương cũng cho rằng, nếu chúng ta tìm hiểu kỹ thì chính những nhạc khí của người vùng cao đã mang hẳn trong nó tính đương đại. Một điều khiến những nhạc cụ này ít được người trẻ ngày nay quan tâm là bởi chúng chưa được cải tiến để có thể chơi trong giàn nhạc hiện đại. Ông lấy ví dụ về cây đàn bầu của người Việt chẳng hạn. Nó vốn chỉ có một dây, nhưng khi được “điện tử hóa” cũng không hề kém cạnh các nhạc cụ hiện đại. Ông còn cho rằng, đối với một số nhạc cụ cải tiến là điều cần thiết, nhưng điều quan trọng nhất vẫn là làm sao để đưa những nhạc cụ này có thể biểu diễn trong dàn nhạc hiện đại, như cách mà chúng ta đã làm với cây đàn bầu cũng như một số nhạc cụ dân tộc khác...
Theo ông Trần Vương, giới trẻ chắc sẽ không quay lưng lại với các giá trị âm nhạc truyền thống, trong đó có các nhạc cụ dân tộc thiểu số. Sẽ đến một độ tuổi nào đó, họ sẽ quay lại với âm nhạc dân tộc, bởi một giá trị đã tồn tại suốt nhiều thế hệ, sẽ không dễ mất đi!
Hữu Vi

tin mới

Đường hoa trên dốc Kẻ Lè ở Quỳ Châu

Đường hoa trên dốc Kẻ Lè ở Quỳ Châu

(Baonghean.vn) - Quốc Lộ 48A như dải lụa mềm vắt qua thị trấn Tân Lạc, huyện miền núi Quỳ Châu có hai con dốc khá nổi tiếng là Kẻ Lè và Bù Bài. Để tạo mỹ quan cho cửa ngõ thị trấn Tân Lạc, huyện Quỳ Châu từ đầu năm nay đã tổ chức thành công đường hoa trên dốc Kẻ Lè.

Có hẹn với Môn Sơn - Lục Dạ

Có hẹn với Môn Sơn - Lục Dạ

(Baonghean.vn) - Lễ hội Môn Sơn - Lục Dạ là một trong những lễ hội độc đáo và mang đậm bản sắc văn hóa của người dân tộc Thái ở huyện Con Cuông. Bên cạnh cảnh đẹp thiên nhiên, Môn Sơn còn níu chân du khách bởi bản sắc văn hóa độc đáo của người dân nơi đây.

Tháng Tư về trên sắc hoa cúc biển Cửa Lò

Tháng Tư về trên sắc hoa cúc biển Cửa Lò

(Baonghean.vn) - Cứ mỗi độ tháng 4 về, những bông cúc biển lại tỏa sắc rực rỡ. Vẻ đẹp riêng của loại hoa được xem là biểu tượng du lịch Cửa Lò khiến cho các thiếu nữ không thể bỏ lỡ với mong muốn lưu lại những tấm hình làm kỷ niệm.

Khai mạc lớp bồi dưỡng văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam

Khai mạc lớp bồi dưỡng văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam

(Baonghean.vn) - Ngày 15/4, tại thành phố Hạ Long, Hội đồng Lý luận phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương phối hợp với tỉnh Quảng Ninh khai mạc lớp bồi dưỡng “Văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam: Vai trò của sáng tạo, lý luận, phê bình và quảng bá”.

Bệnh tan máu bẩm sinh

Sàng lọc, phòng ngừa bệnh tan máu bẩm sinh

(Baonghean.vn) - Bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia) là bệnh di truyền và ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe của người bệnh và cả chất lượng dân số. Tại Nghệ An, dù đã được tuyên truyền thường xuyên nhưng số người mắc bệnh vẫn còn khá cao, nhất là ở các huyện miền núi.