Nhạc sĩ Dương Hồng Từ: Giữ gìn vốn văn hóa dân gian như giữ gìn máu thịt, ký ức và bản sắc quê hương, dân tộc
Minh Quân•06/07/2025 13:37
Hướng tới Đại hội Thi đua yêu nước tỉnh Nghệ An giai đoạn 2020-2025, nhạc sĩ, nhà nghiên cứu Dương Hồng Từ là một trong những đại biểu được chọn là điển hình tiên tiến. Dịp này, phóng viên Báo và phát thanh, truyền hình Nghệ An đã có cuộc trò chuyện với ông về quá trình công tác cũng như những trăn trở của ông trong gìn giữ vốn văn hóa quý giá của quê hương.
P.V: Thưa nhạc sĩ Dương Hồng Từ, được biết, ông đã dành phần lớn cuộc đời lặn lội khắp các bản, làng miền Tây tỉnh nhà, sưu tầm, bảo tồn và lan tỏa giá trị văn hóa dân gian của đồng bào các dân tộc thiểu số. Với ông, mỗi tiếng khèn, tiếng chiêng, mỗi câu hát, điệu múa không chỉ là âm thanh vui hội mà còn là ký ức, hồn cốt của một cộng đồng.Ông có thể chia sẻ đôi nét về cuộc đời và cơ duyên đưa ông đến với công tác sưu tầm, nghiên cứu âm nhạc dân gian miền Tây Nghệ An?
Nhạc sĩ, nhà nghiên cứu Dương Hồng Từ: Tôi sinh năm 1941 trong một gia đình nông dân nghèo ở xã Đà Sơn, huyện Đô Lương trước đây, nay là xã mới Thuần Trung. Tuổi thơ gắn với những buổi theo mẹ đi cấy thuê, gặt thuê, ăn cơm độn khoai sắn, nghe tiếng mõ trâu chiều muộn và những câu hát ru mộc mạc của mẹ. Chính từ những câu hát ru ấy mà tình yêu âm nhạc thấm dần vào tôi.
Năm tôi lên 10 tuổi, gia đình chuyển lên khai hoang vùng kinh tế mới ở Tân Kỳ rồi sang Nghĩa Đàn. Ở vùng đất đỏ bazan Phủ Quỳ đầy nắng gió, tôi lần đầu được nghe những câu hát ru con, những làn điệu dân ca mộc mạc, tiếng trống, tiếng chiêng vang trong lễ mừng cơm mới. Những âm thanh ấy đã gieo vào tôi niềm yêu thích, khiến tôi lắng nghe, ghi nhớ từng giai điệu, từng nhịp trống giữa núi rừng, dù khi ấy tôi chưa biết mình sẽ gắn bó cả đời với âm nhạc dân gian.
Nhạc sĩ, nhà nghiên cứu Dương Hồng Từ cùng các tác phẩm chuyên khảo. Ảnh: Minh Quân
Năm 1960, khi hơn 18 tuổi, tôi xung phong nhập ngũ, được biên chế vào lực lượng Công an vũ trang Nghệ An (nay là Bộ đội Biên phòng), đóng quân ở các xã biên giới miền Tây, nơi đồng bào Thái, Mông, Khơ Mú sinh sống. Ở nơi biên cương ấy, tôi được sống gần đồng bào, được nghe những điệu khèn Mông vang vọng trong sương sớm, nghe tiếng sáo Thái réo rắt bên nương, tiếng chiêng, tiếng cồng, tiếng khắc luống vang vọng khắp rẻo cao. Mỗi âm thanh ấy như một mạch nguồn chảy vào lòng tôi, gieo vào tôi khát vọng được tìm hiểu, sưu tầm, lưu giữ những giá trị âm nhạc ấy để không bị mai một theo thời gian.
Suốt 13 năm quân ngũ, cấp trên phát hiện tôi có năng khiếu âm nhạc nên đã cử tôi đi học các lớp bồi dưỡng sáng tác, dạy chơi nhạc cụ phục vụ công tác tuyên truyền. Tôi trở thành thành viên chủ chốt của Đội Tuyên truyền văn nghệ Công an vũ trang Nghệ An, đi biểu diễn phục vụ bà con miền Tây, các giáo xứ vùng sâu, các chiến sĩ tình nguyện làm nhiệm vụ quốc tế tại Lào, và cả lần được biểu diễn tại đầu cầu Hiền Lương, nơi vĩ tuyến 17 chia cắt 2 miền Nam – Bắc.
Năm 1973, sau khi xuất ngũ, tôi được nhận công tác tại Phòng Văn nghệ, Ty Văn hóa Nghệ An. Năm 1975, tôi thi đỗ Nhạc viện Hà Nội, chuyên ngành sáng tác âm nhạc. Tốt nghiệp năm 1980, tôi trở lại Nghệ An, phụ trách mảng băng, đĩa nhạc, công việc gắn với thành phố Vinh, nhưng trong lòng tôi, tiếng khèn, tiếng sáo, tiếng chiêng, những điệu xòe Thái, múa khèn Mông vẫn vang lên đầy day dứt, nhắc tôi về những bản, làng xa xôi nơi biên giới.
Vì vậy, tôi luôn xin được tham gia các chuyến công tác miền núi, tìm gặp các nghệ nhân, học cách thổi khèn, đánh chiêng, ghi chép, thu âm lại những bài dân ca, điệu múa. Tôi dần nhận ra, đây không còn là niềm đam mê cá nhân mà còn là trách nhiệm gìn giữ, trao lại những giá trị văn hóa dân gian đang đứng trước nguy cơ mai một cho thế hệ sau.
Những vũ điệu của dân tộc Thổ bên tiếng cồng chiêng, tiếng trống. Ảnh: Minh Quân
Từ năm 2002, khi nghỉ hưu, tôi như được “cởi trói”, lại khoác ba lô, mang theo máy ghi âm, sổ tay, rong ruổi khắp các bản, làng miền Tây Nghệ An. Mỗi chuyến đi, mỗi câu hát, mỗi tiếng khèn tôi lưu giữ được đều trở thành một viên gạch xây nên kho tư liệu quý phục vụ công tác nghiên cứu, bảo tồn văn hóa dân gian.
P.V: Trong suốt hành trình ấy, điều gì khiến ông trăn trở và quyết tâm hơn với công việc gìn giữ di sản văn hóa dân gian?
Nhạc sĩ, nhà nghiên cứu Dương Hồng Từ: Tôi luôn coi mình có “món nợ ân tình” với bà con miền Tây Nghệ An. Những ngày công tác vùng biên, đồng bào đã cưu mang, chia sẻ từng nắm cơm, ngụm nước, miếng thịt rừng trong những ngày gian khó. Họ mở lòng, dạy tôi chơi khèn, dạy tôi những câu hát, điệu múa cổ. Tôi luôn trăn trở, nếu không kịp lưu giữ thì rồi sẽ mất đi khi các nghệ nhân già yếu, và đó sẽ là mất mát lớn cho quê hương.
Có những ngày, tôi đi bộ hàng chục cây số đường rừng, băng qua suối lạnh, ngủ lại trong những căn nhà sàn ẩm tối, chỉ để nghe một điệu khèn cổ hay ghi âm một bài hát ru đã truyền qua nhiều thế hệ. Những kỷ niệm ấy trở thành động lực để tôi tiếp tục hành trình, dù tuổi đã cao, sức khỏe không còn như trước.
Nhạc sĩ Dương Hồng Từ nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2022. Ảnh: NVCC
P.V: Vậy trong quá trình sưu tầm, ông có gặp khó khăn gì không và làm thế nào để khắc phục?
Nhạc sĩ, nhà nghiên cứu Dương Hồng Từ: Khó khăn thì nhiều lắm. Đường lên bản lắm đèo dốc, sạt lở, mùa mưa thì trơn trượt, mùa nắng thì bụi mù. Có những hôm tôi đi bộ cả ngày, phải qua suối, lội rừng, ăn cơm nắm, uống nước suối, tối ngủ lại nhà sàn cùng bà con. Để được bà con tin tưởng, tôi phải sống cùng họ, chia sẻ công việc hàng ngày, tham gia cùng họ trong các lễ hội, các dịp đám cưới… rồi dần dần họ mở lòng, hát cho tôi nghe, dạy tôi từng tiếng khèn, cách rung môi, cách lấy hơi khi thổi, cách đánh nhịp khi múa xòe.
Bên cạnh đó, việc ghi âm, ghi chép, phân tích và hệ thống hóa tư liệu cũng đòi hỏi sự kiên nhẫn, tỉ mỉ. Tôi phải tự học cách ghi âm những giai điệu khó, dịch lời từ tiếng Thái, tiếng Mông sang tiếng Việt, rồi so sánh, đối chiếu để tìm ra sự khác biệt giữa các vùng, các nhánh dân tộc. Đó là một quá trình bền bỉ, nhưng tôi chưa bao giờ thấy mệt mỏi bởi tôi hiểu việc mình làm là cần thiết.
P.V: Được biết, đến thời điểm này, ông đã xuất bản nhiều công trình nghiên cứu âm nhạc dân gian có giá trị. Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn?
Nhạc sĩ, nhà nghiên cứu Dương Hồng Từ: Đến nay, tôi đã xuất bản 5 cuốn sách chuyên khảo, gồm: “Âm nhạc dân gian dân tộc Thái ở Nghệ An”, “Âm nhạc dân gian dân tộc Mông ở Nghệ An”, “Văn hóa dân gian người Mông ở Nghệ An”, “Văn hóa cổ truyền dân tộc Thổ ở Nghệ An” và “Âm nhạc dân gian dân tộc Thổ ở Nghệ An”. Những công trình này không chỉ tập hợp hàng trăm bài dân ca, mà còn phân tích hệ thống nhạc cụ, các làn điệu dân ca, dân nhạc, mô tả phong tục, tập quán, các nghi lễ, lễ hội gắn với âm nhạc.
Một số cuốn sách chuyên khảo của nhạc sĩ Dương Hồng Từ. Ảnh: Minh Quân
Bên cạnh việc biên soạn sách, tôi còn tham gia nhiều dự án khác để bảo tồn văn hóa. Chẳng hạn, đầu năm 2020 tôi cùng các đồng tác giả đã tái bản cuốn “Nhạc cụ dân tộc miền núi Nghệ An” nhằm giới thiệu rộng hơn những nhạc cụ truyền thống của đồng bào miền Tây Nghệ An. Tôi cũng đang tập hợp tư liệu để xuất bản cuốn “Hoa tiêng tiếng”, một tác phẩm mo sử thi dân tộc Thổ.
Ngoài ra, tôi cùng Hội Nhạc sĩ Nghệ An và một số cơ quan đã tổ chức nhiều chương trình giao lưu văn hóa, nghệ thuật để giới thiệu nhạc cụ dân gian và dân ca lên đời sống cộng đồng. Tôi coi những hoạt động này như một món quà tri ân với quê hương, với đồng bào miền Tây.
P.V: Ông đã nhận được nhiều giải thưởng lớn, trong đó có Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật. Ông có thể chia sẻ cảm xúc của mình khi nhận giải thưởng cao quý này?
Nhạc sĩ, nhà nghiên cứu Dương Hồng Từ: Tôi rất xúc động và tự hào khi những đóng góp của mình được Đảng, Nhà nước, đồng nghiệp ghi nhận. Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật năm 2022 với cụm công trình nghiên cứu âm nhạc dân gian dân tộc Thái và Mông là khích lệ lớn, tiếp thêm động lực cho tôi tiếp tục sưu tầm, nghiên cứu, dù tuổi đã cao.
Nhạc sĩ, nhà nghiên cứu Dương Hồng Từ cùng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2022. Ảnh: Minh Quân
Tôi cũng vinh dự khi các tác phẩm của mình từng nhận nhiều giải thưởng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Giải Hồ Xuân Hương của tỉnh Nghệ An. Những giải thưởng không chỉ vinh danh cá nhân, mà còn là sự ghi nhận giá trị văn hóa của đồng bào miền Tây Nghệ An.
P.V: Sắp tới, ông sẽ tham dự Đại hội Thi đua yêu nước tỉnh Nghệ An giai đoạn 2020-2025 với tư cách là điển hình tiên tiến. Ông có thể chia sẻ cảm xúc của mình trước sự kiện này?
Nhạc sĩ, nhà nghiên cứu Dương Hồng Từ: Tôi rất vui khi được chọn là một trong những gương mặt điển hình tiên tiến dự Đại hội Thi đua yêu nước tỉnh Nghệ An giai đoạn 2020-2025. Đây là sự ghi nhận cho những nỗ lực bền bỉ của tôi và cũng là sự khẳng định giá trị của công tác bảo tồn, phát huy văn hóa dân gian trong sự phát triển chung của tỉnh nhà.
Tôi hy vọng, thông qua Đại hội, những câu chuyện, những việc làm cụ thể trong công tác gìn giữ di sản văn hóa sẽ được lan tỏa, truyền cảm hứng để nhiều người quan tâm hơn nữa, tham gia vào việc bảo tồn, phát triển các giá trị văn hóa truyền thống.
P.V: Theo ông, việc gìn giữ văn hóa dân gian trong bối cảnh hiện nay có ý nghĩa thế nào? Và ông muốn gửi gắm điều gì tới thế hệ trẻ?
Nhạc sĩ, nhà nghiên cứu Dương Hồng Từ: Trong thời đại hội nhập, khi cuộc sống hiện đại kéo theo nhiều giá trị mới, văn hóa dân gian đứng trước nguy cơ bị lãng quên hoặc biến dạng. Việc giữ gìn văn hóa dân gian chính là giữ lại hồn cốt của dân tộc. Mỗi bài dân ca, mỗi điệu múa, tiếng khèn, tiếng chiêng đều chứa đựng lịch sử, đời sống, tâm tư, tình cảm, triết lý sống của cả một cộng đồng. Nếu chúng ta không giữ gìn, rồi sẽ đến lúc các thế hệ sau không còn biết ông cha mình từng có những giá trị tinh thần đẹp đẽ ấy.
Vì vậy, tôi mong muốn các bạn trẻ hãy giữ cho mình một tình yêu, niềm tự hào với văn hóa dân tộc. Hãy tìm hiểu, học hỏi, trân trọng và góp phần bảo tồn, phát huy những giá trị đó trong đời sống hôm nay. Có thể bắt đầu bằng những việc nhỏ: Học hát một bài dân ca, học chơi một loại nhạc cụ dân tộc, tìm hiểu một phong tục đẹp của quê hương, tham gia các câu lạc bộ dân ca, dân vũ ở trường, ở địa phương. Bởi mỗi người giữ một phần nhỏ, cộng lại sẽ thành một kho tàng văn hóa to lớn, giúp thế hệ sau vẫn có thể nghe lại tiếng khèn, tiếng chiêng, những câu hát ru trong trẻo, những điệu múa xòe uyển chuyển...
“
Với tôi, văn hóa dân gian chính là máu thịt, là ký ức, là bản sắc của quê hương, của dân tộc.
Nhạc sĩ, nhà nghiên cứu Dương Hồng Từ
Với tôi, văn hóa dân gian chính là máu thịt, là ký ức, là bản sắc của quê hương, của dân tộc. Tôi tin rằng, chỉ cần chúng ta giữ được ngọn lửa đam mê, gìn giữ và lan tỏa, thì dù ở bất cứ thời đại nào, những giá trị văn hóa ấy vẫn sẽ sống mãi và không ngừng phát huy giá trị.
Bình luận của bạn đã được gửi và sẽ hiển thị sau khi được duyệt bởi ban biên tập.
Ban biên tập giữ quyền biên tập nội dung bình luận để phù hợp với qui định nội dung của Báo.