Thắp sáng văn hóa dân tộc thiểu số trong trường học ở Kỳ Sơn
Việc thành lập Câu lạc bộ Nghệ thuật dân tộc trong các trường học ở vùng cao Kỳ Sơn là hướng đi sáng tạo, góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, khơi dậy niềm tự hào, tình yêu quê hương, đất nước trong mỗi học sinh.

Kỳ Sơn là vùng đất giàu truyền thống văn hóa với sự cộng cư của nhiều đồng bào dân tộc thiểu số như Thái, Khơ Mú, Mông... Mỗi dân tộc là một mảng màu độc đáo trong bức tranh văn hóa đa sắc. Giữ gìn và phát huy bản sắc ấy là một phần quan trọng trong giáo dục thế hệ trẻ. Để hiện thực hóa điều này, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Trung học cơ sở Kỳ Sơn đã tiên phong thành lập Câu lạc bộ Nghệ thuật Dân tộc – nơi ươm mầm tình yêu văn hóa dân gian cho các em học sinh.

Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Trung học cơ sở Kỳ Sơn có 420 học sinh thuộc 5 dân tộc thiểu số khác nhau.
Cô giáo Lê Na - Phó Hiệu trưởng nhà trường cho hay: “Nhà trường luôn trăn trở về cách đưa văn hóa dân gian vào chương trình giáo dục. Chính điều này đã thôi thúc chúng tôi thành lập câu lạc bộ nghệ thuật mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc”.

Sau nhiều nỗ lực cộng với huy động từ nguồn xã hội hóa, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Trung học cơ sở Kỳ Sơn đã trang bị được nhạc cụ truyền thống gồm các loại đàn, sáo và nhiều nhạc cụ dân tộc khác.
Hiện nay, 87 học sinh có năng khiếu của Câu lạc bộ Nghệ thuật dân tộc Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Trung học cơ sở Kỳ Sơn vẫn duy trì đều đặn mỗi tuần một buổi sinh hoạt nghệ thuật.

Trong đó, ở nhóm âm nhạc, các em học sinh vừa được học những giai điệu dân ca quen thuộc của dân tộc mình, vừa được trải nghiệm những điệu múa uyển chuyển của người Mông, nét duyên dáng trong vũ điệu của người Thái, hay âm hưởng đặc sắc của dân ca Khơ Mú. Đặc biệt, nhà trường còn mời các nghệ nhân dân gian đến truyền dạy, giúp các em hiểu sâu hơn về nguồn cội, về hồn cốt của từng giai điệu.

Ở nhóm mỹ thuật, là nơi mà các em học sinh có cơ hội tái hiện những khung cảnh đầy nên thơ, hùng vĩ của vùng núi cao. Những bức tranh vẽ về cảnh đào Mường Lống bung nở giữa trời Xuân, chợ biên Nậm Cắn nhộn nhịp, hay mái trường thân thương nép dưới chân núi của các em học sinh... đã lan tỏa tình yêu thiên nhiên đến với cộng đồng qua các nền tảng mạng xã hội.
Dẫu Câu lạc bộ Nghệ thuật dân tộc Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Trung học cơ sở Kỳ Sơn đã mang đến những hiệu quả trong việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc cho các em học sinh, nhưng theo thầy Hoàng Văn Sơn - Phó phòng Giáo dục huyện Kỳ Sơn, để nhân rộng mô hình này đến các trường học khác trên địa bàn vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn. “Khó khăn lớn nhất chính là cơ sở vật chất còn hạn chế. Việc tìm kiếm nghệ nhân am hiểu sâu sắc về văn hóa các dân tộc để giảng dạy cũng không dễ dàng. Bên cạnh đó, đội ngũ giáo viên có chuyên môn về nghệ thuật còn mỏng, chưa đủ để tổ chức thường xuyên các hoạt động chất lượng cao. Một thách thức khác là làm thế nào để duy trì sự hấp dẫn, tránh đi vào lối mòn, nhàm chán đối với học sinh” – thầy Hoàng Văn Sơn trăn trở.

Dù còn nhiều khó khăn, ngành Giáo dục huyện Kỳ Sơn vẫn đặt niềm tin vào việc nhân rộng mô hình này. Thời gian tới, Phòng Giáo dục sẽ tiếp tục tìm kiếm các nguồn hỗ trợ để nâng cấp cơ sở vật chất, đồng thời khuyến khích các trường học khác thành lập câu lạc bộ nghệ thuật riêng. Bên cạnh đó, các chương trình giao lưu văn hóa giữa các trường cũng sẽ được tổ chức nhằm mở rộng không gian sáng tạo, giúp học sinh có cơ hội học hỏi lẫn nhau và tiếp cận với nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống hơn.