Thực hiện hiệu quả các chỉ tiêu, phát huy bản sắc văn hóa, con người xứ Nghệ trong tình hình mới
Những năm qua, việc thực hiện các chỉ tiêu về tỷ lệ làng, bản, khối phố văn hóa và tỷ lệ xã, phường, thị trấn có thiết chế văn hóa, thể thao đạt chuẩn đã góp phần quan trọng trong việc phát triển văn hóa địa phương. Cùng với đó, việc xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh gắn với xây dựng, hoàn thiện và phát huy nhân cách, bản sắc con người xứ Nghệ cũng đang được triển khai một cách có hiệu quả trong giai đoạn mới.
Liên quan đến vấn đề này, Báo Nghệ An đã ghi nhận nhiều ý kiến từ người dân, cán bộ công tác trong lĩnh vực văn hóa và lực lượng thanh niên trên địa bàn tỉnh.
Bà Quán Thị Điệp (bản Minh Tiến, xã Châu Hạnh, huyện Quỳ Châu): “Đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa gắn với xây dựng nông thôn mới”
Trong những năm gần đây, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn liền với xây dựng nông thôn mới đã lan tỏa mạnh mẽ, tạo nên những chuyển biến tích cực về diện mạo và đời sống tinh thần của các thôn, bản. Phong trào không chỉ nâng cao đời sống vật chất mà còn khơi dậy tinh thần đoàn kết, sự chia sẻ và trách nhiệm trong mỗi cộng đồng.
Việc thực hiện các tiêu chí theo Nghị định số 86/2023/NĐ-CP đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của người dân, khuyến khích họ tham gia tích cực vào xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa và xã, phường tiêu biểu. Các thiết chế văn hóa và thể thao ngày càng được quan tâm đầu tư, tạo điều kiện cho các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao phong phú và sôi nổi.
Bản thân tôi cũng cảm nhận được ý nghĩa quan trọng của việc thực hiện Nghị định trên nên đã vận động gia đình hiến tặng hơn 2.000m2 đất để xây dựng Nhà Văn hóa cộng đồng của bản. Điều này không chỉ góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của người dân trong bản mà còn hoàn thiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới của địa phương.
Không chỉ tại bản Minh Tiến, việc toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa gắn với xây dựng nông thôn mới tại xã Châu Hạnh đã gặt hái được nhiều kết quả đáng khích lệ. Cụ thể, tỷ lệ gia đình văn hóa đạt 87,5%, làng văn hóa đạt 82,82%, với các nhà văn hóa bản được trang bị cơ sở vật chất để phục vụ sinh hoạt cộng đồng. Các đội văn nghệ quần chúng hoạt động tích cực, góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Việc thực hiện tốt "mục tiêu kép" vừa xây dựng đời sống văn hóa, vừa hoàn thiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới đã tạo sự đồng thuận để người dân hỗ trợ nhau xóa đói, giảm nghèo và xây dựng môi trường sống văn minh, xanh - sạch - đẹp.
Theo thời gian, nhiều hủ tục lạc hậu đã được loại bỏ, thu nhập bình quân đầu người đạt 46,4 triệu đồng/năm, mang lại nhiều khởi sắc cho địa phương cả về kinh tế, văn hóa và xã hội.
Bà Quán Thị Điệp
Ông Nguyễn Mạnh Cường - công chức Văn hóa xã Bồi Sơn (Đô Lương): "Tôn vinh, lan tỏa giá trị di sản văn hóa của nhân loại".
Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại từ năm 2014. Đến nay, Dân ca ví, giặm đã ăn sâu vào tâm thức, trở thành món ăn tinh thần, một phần không thể thiếu trong đời sống của nhiều người dân Việt Nam.
Hiểu được giá trị của di sản văn hóa này, tôi cùng cấp ủy, chính quyền địa phương đã thành lập và duy trì tốt Câu lạc bộ Dân ca ví, giặm xã Bồi Sơn. Tại huyện Đô Lương, câu lạc bộ đã được tạo điều kiện để biểu diễn trên thuyền để phục vụ du khách về với Lễ hội Đền Quả Sơn và tham gia vào nhiều chương trình nghệ thuật quan trọng cấp huyện, cấp tỉnh. Điều này khiến các nghệ nhân trong câu lạc bộ cảm thấy đầy hứng khởi.
Giờ đây, không chỉ ở huyện Đô Lương, tại các dịp lễ hội truyền thống như ở Nam Đàn, Đô Lương, Thanh Chương… chương trình biểu diễn phục vụ hát Dân ca ví, giặm đã trở thành một món ăn tinh thần đặc sắc cho nhân dân và du khách.
Cùng với đó, tại phố đi bộ thành phố Vinh từ năm 2022 đến nay, vào mỗi dịp cuối tuần, người dân và du khách lại được thưởng thức những làn điệu Dân ca ví, giặm mộc mạc, sâu lắng. Đây là điểm tựa để các câu lạc bộ Dân ca ví, giặm trên địa bàn tỉnh có cơ hội được kết nối niềm đam mê, góp phần vào việc bảo tồn, phát huy giá trị của di sản đặc biệt này.
Tuy đã đạt nhiều thành tựu, công tác bảo tồn và phát huy giá trị Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh vẫn còn một số hạn chế. Lực lượng kế thừa gặp khó khăn khi phần lớn nghệ nhân là người lớn tuổi, trong khi thế hệ trẻ chưa thực sự quan tâm hoặc thiếu cơ hội tiếp cận sâu sắc.
Một số địa phương chưa đầu tư đồng đều vào các câu lạc bộ và không gian diễn xướng. Sự hiện đại hóa khiến môi trường tự nhiên của Dân ca ví, giặm, như làng quê, ruộng đồng dần mai một. Những yếu tố này đặt ra thách thức trong việc gìn giữ và lan tỏa sức sống của loại hình nghệ thuật này.
Ông Nguyễn Mạnh Cường
Thầy Trần Đình Huy - Bí thư Đoàn trường THPT Dân tộc nội trú Nghệ An: "Nuôi dưỡng tình yêu văn hóa dân tộc trong lòng thế hệ trẻ".
Việc nuôi dưỡng tình yêu văn hóa dân tộc trong lòng học sinh, thế hệ trẻ là vô cùng cần thiết để bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống. Tại Trường THPT Dân tộc nội trú Nghệ An, Câu lạc bộ Nghệ thuật dân tộc của trường đã liên tiếp gặt hái những thành quả đáng ghi nhận, như giải Nhất Liên hoan “Tiếng hát học sinh, sinh viên thành phố Vinh năm 2021; giải Nhì Liên hoan “Các câu lạc bộ nghệ thuật thành phố Vinh năm 2023”; giải Ba Hội thi “Tìm kiếm tài năng tỉnh Nghệ An” năm 2023. Mỗi tác phẩm dự thi đều mang dấu ấn riêng biệt của các dân tộc Thái, Ơ Đu, Thổ, Mông… góp phần làm phong phú thêm bức tranh văn hóa đa dạng của tỉnh Nghệ An.
Có thể thấy, ngoài việc học tập kiến thức, học sinh luôn mong muốn có thêm nhiều sân chơi văn hóa để có thêm cơ hội trải nghiệm, học hỏi và gắn bó với di sản dân tộc. Việc nuôi dưỡng tình yêu văn hóa dân tộc thông qua các câu lạc bộ, chương trình văn hóa, văn nghệ, tọa đàm trong nhà trường sẽ giúp thế hệ trẻ không chỉ góp phần bảo tồn di sản mà còn là cách để vun đắp niềm tự hào với văn hóa dân tộc. Từ đó, khơi dậy ý chí phấn đấu và ý thức, trách nhiệm đối với quê hương, đất nước.
Sau 4 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 18/NQ-HĐND ngày 13/12/2020 của HĐND tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021 -2025) tỉnh Nghệ An có tỷ lệ làng, bản, khối phố văn hóa đạt 71 - 73%; Tỷ lệ xã, phường, thị trấn có thiết chế văn hóa, thể thao đạt tiêu chí theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đạt 82%.
Đến nay, toàn tỉnh có 222 mô hình văn hóa tiêu biểu cấp tỉnh được công nhận, 4.025 đội văn nghệ quần chúng; có 737.186/851.151 gia đình được công nhận danh hiệu Gia đình Văn hóa (đạt 87%).
Công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phục vụ mục tiêu bảo tồn và phát triển được quan tâm. Toàn tỉnh đang lưu giữ hệ thống di sản phong phú, đa dạng với 2.602 di tích, danh thắng.