Nhạc sỹ Thế Anh: "Chất lính" chắp cánh cho âm nhạc

07/04/2014 21:37

(Baonghean) - Mái tóc cắt ngắn trẻ trung, nụ cười tinh nghịch và rạng rỡ, chiếc túi nhỏ đựng máy tính bảng vắt chéo trước ngực, giày thể thao, nhạc sỹ Trần Thế Anh khiến chúng tôi ngạc nhiên vì cứ ngỡ tác giả của những ca khúc về người lính rất đỗi hào hùng, xúc động, ắt hẳn phải khá dạn dày, từng trải. Câu chuyện với chàng trai chạm tuổi 30 này càng lúc càng thú vị, khi đằng sau gương mặt rất trẻ ấy lại là sự thâm trầm, sâu sắc đến không ngờ. Và niềm đam mê với những giai điệu của anh đã cuốn chúng tôi theo…

Giấc mơ cây đàn

Sinh ra trong một “gia đình lính” ở phường Trung Đô (Vinh), Thế Anh đến với âm nhạc bắt đầu từ… lời hát của mẹ. Mẹ Thế Anh vốn là văn công của Đoàn Văn công Đồng Lộc (Sư đoàn 441), mỗi lần nghe mẹ hát, cậu bé Thế Anh dường như được đắm chìm trong một thế giới du dương.

Nhạc sỹ Trần Thế Anh (giữa) trong phòng thu.
Nhạc sỹ Trần Thế Anh (giữa) trong phòng thu.

Sinh nhật tròn 6 tuổi, quà mẹ tặng Thế Anh là chiếc đàn điện tử đồ chơi bằng nhựa của Trung Quốc. Thế Anh nhớ lại cái giây phút mở hộp quà và bàn tay mình chạm vào những phím đàn nhỏ xíu. Những âm thanh bất chợt ngân lên khiến trái tim cậu bé run lên vì xúc động và tò mò. Mày mò trên chính cây đàn ấy, Thế Anh đã đánh thức được những giai điệu đầu tiên, là “Một con vịt xòe ra hai cái cánh…”, là “Ba thương con vì con giống mẹ…” rồi tới những ca khúc dài hơn, khó hơn. Thế là dịp Tết Trung thu, bà ngoại cậu bé tổ chức vui Trung thu cho trẻ em trong xóm, Thế Anh được “giới thiệu” trình diễn rất nhiều bài hát. Được lũ trẻ “phục sát đất”, cậu bé tự nhận thấy mình có chút năng khiếu với âm nhạc, từ đó thỉnh thoảng lại mang đàn đến “phục vụ miễn phí” cho các bạn nhỏ quanh nhà. Chính mẹ là người đã nhận ra niềm đam mê âm nhạc dần lớn lên trong tâm hồn cậu trai cả, bà đã đưa Thế Anh sang nhà Nhạc sỹ- NSƯT Hoàng Thành gửi gắm. Nhạc sỹ Hoàng Thành cũng đã “nhìn” ra con người âm nhạc trong Thế Anh. Ông nói với hai mẹ con: “Thầy sẽ kèm cặp để con trưởng thành”.

Biết hoàn cảnh nhà mình vất vả, Thế Anh chỉ dám gặp cây đàn riêng của mình trong… giấc mơ. Ngay cả sau này, khi theo học Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, Thế Anh cũng toàn phải mượn đàn của trường để luyện tập. Sau thời gian dành dụm, làm thêm, Thế Anh mới mua được cây đàn organ đầu tiên của mình trị giá 6 triệu, là một cây đàn cũ nhưng là cả một niềm ước mơ to lớn. Cây đàn thứ 2, là cây đàn hiện tại của Thế Anh dùng cũng là một cây đàn cũ, trị giá 17 triệu. Những bản nhạc được nhiều người biết tới, được hát, được giải cao trong các hội thi, hội diễn cũng bắt đầu ngân lên nốt đầu tiên từ những cây đàn cũ ấy…

Trở thành người lính

“Cũng không ngờ, đời lính đã nhẹ nhàng đến với mình để rồi trở thành tình yêu, thành duyên nợ suốt đời, song hành cũng với tình yêu âm nhạc”- Thế Anh tâm sự. Năm học lớp 9, niềm đam mê âm nhạc đã giục cậu bé 15 tuổi mạnh dạn làm đơn xin thi vào lớp năng khiếu của Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội (Khi đó là Cao đẳng VHNT Quân đội). Giấy báo trúng tuyển về, nhưng cả gia đình, đặc biệt là ông ngoại khuyên cháu nên chờ một thời gian nữa, học cho xong cấp 3, khi đủ cứng cáp rồi hãy đi xa. Thế Anh gác lại giấc mơ nghệ thuật, ở nhà theo học xong cấp 3 rồi khăn gói lên đường làm nghĩa vụ quân sự. “Cũng là để cho mình trưởng thành hơn, vả lại nhà mình có truyền thống, từ đời ông, đến cha mẹ đều mang áo lính”. Cuộc sống người lính trẻ lần đầu xa gia đình biết bao vất vả, bỡ ngỡ nhưng ấm áp tình anh em, đồng chí. Thế Anh chẳng còn nghĩ đến giấc mơ trở thành nghệ sĩ, nhưng thẳm sâu trong tâm hồn người lính trẻ vẫn nguyên vẹn nỗi đam mê. Sau những giờ luyện tập vất vả nơi thao trường, giọng hát, tiếng đàn của Thế Anh lại vang lên, trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu đối với bạn bè đồng đội.

Nhạc sỹ Trần Thế Anh.
Nhạc sỹ Trần Thế Anh.

Hết thời gian huấn luyện, anh được biên chế vào Lữ đoàn công binh 414 Quân khu 4. Cơ duyên đến với Thế Anh, khi có một suất đi thi vào Đại học Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội được đơn vị dành cho anh. Niềm hạnh phúc vỡ òa khi một lần nữa giấy báo trúng tuyển với số điểm khá cao đến với Thế Anh. Luôn tự nhắc mình là một người lính, Thế Anh cần mẫn luyện tập, tuân thủ kỷ luật. Cái mộc mạc, chân thành, chịu thương chịu khó của anh lính trẻ nhận được tình thương mến của các thầy và các bạn. Được học với thầy, nhạc sỹ An Hiếu (con trai nhạc sỹ An Thuyên), Thế Anh trở thành học trò cưng của thầy. Anh thường xin thầy cho đi theo cùng để quan sát, học hỏi. Những lần đi cùng thầy, Thế Anh nhận mang đàn cho thầy. Cái đàn to, nặng bằng cả người Thế Anh, nhưng may đã được tôi luyện qua thời gian ở lính nên “nặng như thế mình vẫn vác được, mà được thầy cho vác đàn theo cũng là may mắn của mình rồi”.

Tốt nghiệp khóa học, nhạc sỹ - thiếu tướng Đức Trịnh có ý nhận cậu trò xuất sắc ở lại học tiếp, nhưng nhiệm vụ của người lính đối với đơn vị đã thúc giục Thế Anh trở về. Thế Anh được nhận về Nhà văn hóa Quân khu 4. Và bắt đầu từ đây, những ca khúc hào hùng, thiết tha viết về người lính, viết bằng tâm hồn “đậm chất lính” đã lần lượt đến với công chúng. Sau đó, Thế Anh được chuyển về công tác tại Phòng Tuyên huấn - Cục Hậu cần Quân khu 4, được giao nhiệm vụ tổ tham gia dàn dựng, tổ chức các chương trình văn nghệ của các đơn vị trong Quân khu. Từ năm ngoái đến giờ, Thế Anh tiếp tục được đi học nâng cao tại chính mái trường xưa: Đại học VHNT Quân đội. Trong chặng sáng tác hơn 5 năm trời, chàng lính Thế Anh cho biết: Những ca khúc mình viết hầu hết đều là những bài về người lính, về tuổi trẻ. Bao nhiệt huyết, bao ước mơ, hoài bão dồn nén trong từng nốt nhạc khiến những bài hát của Thế Anh luôn mang đến niềm hứng khởi. được bạn bè trong và ngoài quân đôi yêu mến.

Kỷ niệm với những “đứa con tinh thần”

Ca khúc đầu tay của Thế Anh, cũng là ca khúc được ấp ủ dồn nén và trau chuốt lâu nhất chính là ca khúc đoạt Huy chương Vàng trong Liên hoan Tiếng hát Toàn quân năm 2007: “Xanh mãi tuổi 20”. Thế Anh nhớ lại kỷ niệm về giai điệu đầu tiên ấy: Lần đó, mình đang trong thời gian huấn luyện lính mới, thì bố mẹ và bạn gái lên thăm. Mình nhìn thấy mọi người mà trào nước mắt. Lúc đó, nỗi nhớ nhà, nhớ mẹ bao ngày qua như không thể kìm nén. Mình đọc trong mắt mẹ một nỗi thương con vô bờ. Có lẽ mẹ thấy mình gầy và đen quá. Thế là lời hát đầu tiên đến trong nỗi nghẹn ngào: “Tuổi 20 lần đầu xa mẹ”. “Lần đầu xa mẹ” và làm quen với cuộc sống tập thể, học cách chăm sóc bản thân, gác lại bao chuyện riêng tư để lên đường làm nhiệm vụ, sẵn sàng bảo vệ Tổ quốc. Đầy niềm nhớ thương nhưng cũng chất chứa bao nỗi tự hào…”

Thế rồi lần lượt gom nhặt xúc cảm sau những chặng hành quân, Thế Anh viết tiếp: “…lớp lớp thanh niên lên đường quên mình cho Tổ quốc, họ đã ra đi vang mãi khúc quân hành…”. “Khi đó mình chưa biết gì về lý luận sáng tác. Nó là cảm xúc rất thực hàng ngày của đời lính. Ban đầu, mình không có chủ ý viết ra để sau này phổ nhạc. Nó chỉ như cuốn nhật ký ghi lại cảm xúc của người lính trẻ tràn đầy tự hào vì đã góp công sức nhỏ bé của mình để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Trong một chuyến hành quân từ Nam Đàn lên Thanh Chương, Thế Anh vừa đi vừa nhẩm lại những dòng chữ mình đã viết. Giai điệu bài hát cứ theo anh trên chặng đường hành quân. Anh quên đi tấm áo nhuộm đầy bụi bẩn, ướt đẫm mồ hôi và chiếc ba lô nặng trĩu sau lưng. Lên đến Thanh Chương, ai ai cũng mệt nhoài, ăn uống, sinh hoạt xong mọi người đều đi ngủ sớm, Thế Anh chong đèn ngồi viết nhạc, viết được một nửa, anh dừng lại vì quá mệt.

Mãi đến khi, đơn vị tổ chức sinh hoạt, chia mỗi nhóm 3 người ngồi lại chuyện trò, tâm sự. Biết bao chuyện vui buồn, chuyện yêu đương được chia sẻ khiến tâm hồn chàng tân binh dấy lên niềm xúc cảm mãnh liệt. Anh viết tiếp bản nhạc còn dang dở trong niềm phấn chấn, hứng khởi.

Năm 2007, Thế Anh đang công tác ở Nhà Văn hóa Quân khu 4 thì nhận được lời mời vào Đoàn Kinh tế Quốc phòng 92, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế dàn dựng chương trình tham dự Liên hoan tiếng hát toàn quân. Bài hát “Màu xanh tuổi 20” được đưa vào dàn dựng và đạt huy chương Vàng. Ca khúc nhanh chóng được phổ biến trong toàn quân và tầng lớp thanh niên. “Màu xanh tuổi 20” từ đó đã vang lên trong nhiều chương trình dành cho chiến sỹ ở các đài truyền hình, trong lễ ra quân, ngày phát động những phong trào của đoàn thanh niên, trong những đêm lửa trại. Nó nói hộ tấm lòng những người lính trẻ đối với đất nước, quê hương…

Một ca khúc khác mà Thế Anh cũng bỏ ra nhiều công sức để hoàn thành ấy là “Niềm tin người lính”. Khi viết lên những dòng: “Một ngày mới bắt đầu từ bình minh/ Mỗi tấc đất quê hương có mồ hôi người lính/ Hướng ấy chúng tôi đi là hướng mặt trời lên…”, người nhạc sỹ- chiến sỹ thấy tim mình trào lên niềm xúc động, tự hào. Trước mặt anh khi đó là hình ảnh ông ngoại mình với những mảnh đạn còn đang nằm trong cơ thể, là bố, là mẹ, là bạn bè, đồng đội. Mỗi gương mặt thân thương ấy đã như một nốt ngân trong trái tim anh. Giai điệu bài hát như điệp trùng đoàn quân đang hướng về tiền tuyến, như lớp lớp sóng dồn để trào dâng niềm vui bãi bờ…

Với bài hát “Trở về”, Thế Anh lại nhớ đến kỷ niệm ngày cùng với đơn vị đến thắp hương cho các nữ thanh niên xung phong tại Ngã ba Đồng Lộc: “Đến thắp hương cho các chị ấy, lại nghe thuyết minh, ai trong đoàn cũng thổn thức. Lúc đó, không hiểu sao, mình đã cố nén mà vẫn khóc, mình có cảm giác rất rõ ràng rằng, các chị ấy đang ở đâu đây. Thế là mình muốn tìm, muốn gọi, muốn các chị hãy trở về đi, để sống tuổi thanh xuân trên quê hương đã thanh bình…”. Viết xong bài hát, tự dưng trong lòng Thế Anh như nhẹ bẫng, cái cảm giác như của con tằm đã rút ruột nhả tơ

Đối với Thế Anh, mỗi ca khúc đều là máu thịt của mình. Anh viết không nhanh, chỉ có trên dưới 10 ca khúc trong hơn 5 năm sáng tác, thế mà cũng đã “vất vả và khó nhọc lắm”. Được biết đến là một nhạc sỹ trẻ triển vọng, nhưng Thế Anh lại chọn “một góc lặng lẽ” cho mình. Anh nói: Rất nhiều nhạc sỹ, ca sỹ trẻ chọn con đường “làm giàu”: tự bỏ tiền lăng xê mình lên, hoặc bằng cách này, cách khác, nhưng mình là một người lính, mình muốn được sống thực với cuộc sống người lính của mình, như bao nhiêu đồng đội khác. Và mình muốn được viết nhiều hơn nữa về người lính. Có thể nói, chính “chất lính” đã chắp cánh cho âm nhạc của Thế Anh.

Chia sẻ về những dự định trong tương lai, Thế Anh tâm sự: “Mình sẽ kiên trì theo đuổi dòng nhạc thính phòng, hướng đến ca ngợi quê hương đất nước. Nhất định trong những sáng tác tiếp theo mình sẽ đưa chất liệu dân ca ví dặm xứ Nghệ để làm mềm, làm mới những ca khúc viết về người lính. Bởi dân ca ví dặm là kho tàng quý báu mà mình luôn khao khát được khám phá, vận dụng vào những nhạc phẩm của mình”.

Bài, ảnh: Thùy Vinh - Nguyễn Lê

Mới nhất

x
Nhạc sỹ Thế Anh: "Chất lính" chắp cánh cho âm nhạc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO