Nhạc sỹ Trần Vương - 'Lên đây thì ở lại đây, ở lại với núi rừng Con Cuông'

Công Kiên 19/12/2021 13:15

(Baonghean.vn) - Ngày hôm nay (19/12), nhiều người dân huyện Con Cuông không khỏi bùi ngùi, xót thương khi hay tin nhạc sỹ Trần Vương qua đời. “Nhạc sỹ của núi rừng” đã đi xa nhưng những bài hát của ông vẫn vang vọng giữa đại ngàn miền Tây.

Cơ duyên với núi rừng miền Tây

Cũng như bao người từng được gặp gỡ, tiếp xúc và trò chuyện với nhạc sỹ Trần Vương, sáng nay tôi chợt sững sờ khi đọc những dòng trên tài khoản facebook của anh Trần Đình Đức, con trai của nhạc sỹ Trần Vương báo tin bố mình qua đời. Vẫn biết không ai thoát khỏi vòng sinh – tử, năm nay ông sắp sửa sang tuổi 83, cũng có thể xem là thượng thọ nhưng lòng tôi chợt dâng lên bao nỗi nhớ thương.

Hơn 10 năm trước, khi vừa tập tễnh bước chân vào nghề báo, tôi say sưa với bản, làng miền Tây Nghệ An, nơi sinh sống của cộng đồng dân tộc Thái, Mông, Khơ mú… Vào mùa hội, đến đâu tôi cũng được nghe giai điệu rộn ràng, náo nức và không kém phần đằm thắm, thiết tha của những ca khúc do nhạc sỹ Trần Vương sáng tác, được bà con cất lên giữa không gian núi rừng. Từ đó, tôi ước ao một lần được gặp để nghe ông sẻ chia tâm sự, tiếng lòng của mình với mảnh đất Con Cuông và núi rừng miền Tây.

Nhạc sỹ Trần Vương. Ảnh: Công Kiên
Nhạc sỹ Trần Vương. Ảnh: Công Kiên

Rồi tôi cũng có được may mắn ấy, không chỉ được gặp một lần, mà còn trở nên thân thiết với gia đình nhạc sỹ Trần Vương. Các anh chị con trai và con dâu của ông xem tôi như một người em, những lần gặp thường nói: “Bác Vương hỏi thăm em suốt. Còn hỏi không biết dạo này em khỏe không mà ít thấy lên Con Cuông!”.

Những gần gặp gỡ và trò chuyện cùng nhạc sỹ Trần Vương đã giúp tôi hiểu hơn về ông – người được đồng bào các dân tộc gọi một cách trìu mến là “Nhạc sỹ của núi rừng”. Ông sinh ra và lớn lên ở xã Nam Cường (nay là Trung Phúc Cường, huyện Nam Đàn), thuộc vùng hạ lưu dòng sông Lam nhưng lại gắn bó với mảnh đất Con Cuông, là “miền Trà Lân” một thuở.

Ảnh tư liệu: Thành Cường
Vào mùa hội, khắp bản, làng vang lên giai điệu rộn ràng, náo nức và không kém phần đằm thắm, thiết tha của những ca khúc do nhạc sỹ Trần Vương sáng tác, được bà con cất lên giữa không gian núi rừng. Ảnh tư liệu: Thành Cường

Có lẽ, cuộc đời sinh ra nhạc sỹ Trần Vương là để dành cho núi rừng và bản, làng miền Tây. Bởi, ông từng giảng dạy âm nhạc tại Trường ĐHSP Hà Nội nhưng cuộc đời run rủi lại đưa ông về với Trường Sư phạm miền núi Nghệ An. Rồi bàn tay cuộc đời lại tiếp tục đưa ông đến với các bản mường Con Cuông với tư cách là một cán bộ văn hóa.

Có sẵn tư chất nghệ sỹ và bề dày vốn sống, vốn văn hóa tích lũy được qua thời gian, ông đã gặt hái được cho mình những “quả ngọt”. Có thể kể ra công trình “Con Cuông - vùng sinh thái hấp dẫn, di tích độc đáo” (Nxb Nghệ An, 2004). Công trình này là sự tập hợp những bài viết của ông đã đăng trên các báo và tạp chí giới thiệu những truyền thuyết, những sự tích gắn liền với các danh lam, thắng cảnh trên địa bàn. Đó là Thẩm Nàng Màn, suối Tạ Bó, thác Khe Kèm, Bia Ma Nhai...

Ảnh: Nguyễn Đạo
Non nước hữu tình đã níu giữ nhạc sỹ Trần Vương ở lại với núi rừng Con Cuông. Ảnh: Nguyễn Đạo

Trong hành trình gặp gỡ và suy ngẫm, nhạc sỹ Trần Vương còn có được những tác phẩm truyện, ký khá đặc sắc và được tập hợp thành tập “Đóa hoa rừng” (Nxb Nghệ An, 2004). Những tác phẩm này tập trung khắc họa và ca ngợi vẻ đẹp của những con người bình dị, âm thầm cống hiến sức lực, trí tuệ cho quê hương, đất nước. Đó thật sự là những đóa hoa muôn sắc và tỏa ngát hương thơm khắp các bản, làng.

Không chỉ câu hát, còn là tâm nguyện

Vốn được đào tạo bài bản về âm nhạc nên có lẽ tài năng và vốn sống của nhạc sỹ Trần Vương được kết tinh qua những ca khúc mang đậm âm hưởng của núi rừng. Và có lẽ cái danh hiệu “Nhạc sỹ của núi rừng” cũng bắt nguồn từ đó. Gia tài âm nhạc của ông khá bề thế, trong đó có những ca khúc “để đời” như “Cây đa Cồn Chùa”, “Trăng ngàn”, “Cây khèn bè”, “Em đi chăm vườn rừng”, “Rừng xuân nhớ Bác”, “Miền Tây quê ta”,...

Có thể nói, niềm say mê và khát vọng sáng tạo đã trở thành động lực giúp nhạc sỹ Trần Vương vượt qua bao đèo cao, suối sâu để đến với các bản, làng xa xôi, nơi đồng bào các dân tộc đang lưu giữ những giá trị văn hóa đặc sắc. Những làn điệu dân ca khắp, lăm, nhuôn, xuối dường như đã thấm sâu vào máu thịt và trở thành dòng sữa mát lành nuôi dưỡng thế giới tâm hồn, tình cảm của nhạc sỹ Trần Vương.

Ảnh tư liệu: Thành Cường
Thác Khe Kèm - một thắng cảnh của Con Cuông được nhạc sỹ Trần Vương giới thiệu trong các bài nghiên cứu văn hóa - lịch sử. Ảnh tư liệu: Thành Cường

Điều này giải thích vì sao ca từ, giai điệu và tiết tấu của những ca khúc do ông sáng tác đều gần gũi, giàu hình ảnh, đậm tính nhân văn, dễ nhớ, dễ thuộc và được bà con đón nhận một cách nồng nhiệt. Hầu khắp các bản, làng vùng cao đều nhắc đến tên ông, và từ người già đến trẻ nhỏ đều thuộc ít nhất một vài bài hát của ông để làm vốn.

Trong quá trình sáng tác, nhạc sỹ Trần Vương thường tập trung vào chủ đề ca ngợi vẻ đẹp và quá trình vươn lên làm chủ núi rừng quê hương của đồng bào các dân tộc miền Tây. Với ông, có vẻ như mỗi câu chuyện, mỗi sự tích dân gian đều có thể khơi gợi thành những đề tài cho các ca khúc. Chẳng hạn, sự tích về dòng Nậm Nơn, Nậm Mộ đã giúp nhạc sỹ Trần Vương viết nên ca khúc “Tình ca sông Lam”.

Ảnh: Thành Cường
Thắng cảnh khe Nước Mọc, xã Yên Khê (Con Cuông). Ảnh: Thành Cường

Cũng có khi, những sinh hoạt đời thường của bà con như xuống suối, lên nương, dệt vải hay các sinh hoạt văn hóa như nhảy sạp, múa khèn, thổi sáo đều có thể trở thành nguồn cảm hứng và chất liệu cho các nhạc phẩm. Trong đó, có thể kể đến nhạc phẩm “Cây khèn bè”, “Nhạc sỹ của núi rừng” hết lời ca ngợi bàn tay khéo léo, tài hoa của người nghệ nhân đã chế tác ra loại nhạc cụ độc đáo này.

Chỉ với chất liệu chính là cây nứa nhưng chiếc khèn bè lại “chở đầy âm thanh”, lúc rộn ràng như ngày hội mường, lúc êm ái như dòng suối nhỏ, lúc bay vút lên suốt cánh rừng xanh. Âm thanh ấy còn là tiếng lòng của trai gái vùng cao: “tiếng khèn của lòng anh”, “tiếng khèn của tình em” và “tiếng khèn của nỗi nhớ vấn vương”. Và nữa, trong tiếng khèn bè có cả “lời ngày xưa vọng lại” cùng “lời tương lai dang cánh tay vẫy gọi”.

Theo lời nhạc sỹ Trần Vương, cuộc đời ông được “neo đậu” nơi mảnh đất Con Cuông là một may mắn lớn. Bởi đây là một miền quê non nước hữu tình, núi sông hùng vĩ như Vườn Quốc gia Pù Mát, sông Giăng, thác Khe Kèm. Nơi đây còn là vùng đất giàu truyền thống lịch sử- văn hóa. Là nơi ghi danh chiến công vương triều nhà Trần trong công cuộc bình định giặc Ai Lao, giữ yên bờ cõi qua Di tích Bia Ma Nhai.

Ảnh: Sách Nguyễn
Một góc phố huyện Con Cuông - nơi nhạc sỹ Trần Vương sinh sống. Ảnh: Sách Nguyễn

Là nơi nghĩa quân Lê Lợi hạ thành Trà Lân làm nên khí thế “trúc chẻ tro bay”, đánh dấu bước ngoặt lớn trong công cuộc đánh đuổi giặc Minh, góp phần viết nên áng thiên cổ hùng văn “Bình Ngô đại cáo”. Là nơi thành lập Chi bộ đảng đầu tiên của các huyện vùng cao với Di tích cây đa Cồn Chùa...

Vì thế, trong sự nghiệp sáng tác, nhạc sỹ Trần Vương có phần ưu ái đối với mảnh đất Con Cuông, nơi ông gọi là quê hương thứ hai của mình. Người dân nơi đây hầu hết đều yêu thích các khúc hát của ông, trong đó ca khúc “Cây đa Cồn Chùa” và “Phố huyện Con Cuông” đã trở nên rất đỗi quen thuộc, có người gọi là “Huyện ca”.

Những năm gần đây, tuổi già và bệnh tật đã dần lấy đi sinh lực của “Nhạc sỹ núi rừng”, sức khỏe vơi dần theo ngày tháng. Để rồi, hôm nay ông từ giã cõi đời về với miền cực lạc, gửi lại tiếng lòng tha thiết với núi rừng và bản, làng miền Tây…

Theo thông tin từ gia đình, nhạc sỹ Trần Vương sẽ an nghỉ tại Con Cuông, nơi ông gắn bó gần trọn cuộc đời. Khi viết những dòng này, trong tâm tưởng của tôi lại vang vọng những câu hát trong ca khúc “Phố huyện Con Cuông”: “Lên đây thì ở lại đây, cho dù bén rễ xanh cây cũng ở lại đây, ở lại đây với núi rừng Con Cuông/ Ở lại đây với người mình yêu thương...”.

Có lẽ, đó không chỉ là câu hát, mà còn là tâm nguyện của “Nhạc sỹ của núi rừng”!

Mới nhất

x
Nhạc sỹ Trần Vương - 'Lên đây thì ở lại đây, ở lại với núi rừng Con Cuông'
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO