Nhân chuyến thăm Lam Kinh (Thanh Hóa): Ngẫm về 2 huyền tích

13/02/2012 17:27

1. Nhà sư và linh nghiệm mộ táng .

1. Nhà sư và linh nghiệm mộ táng .



Theo “Lam động chủ thuật chuyện” mà ông Nguyễn Tiêu, người làng Cham nơi Lê Lợi sinh ra, sưu tầm và kể thì: “Vào năm Hồng Võ Nhà Minh (1398) khi đó nước ta đã bị nhà Minh chiếm, Lê Lợi mới 13 tuổi, có nhà sư Trịnh Bạch Thạch, phán rằng: “động Chiêu Nghi, có một vùng đất rộng nửa sao hình như quả hình quốc ấn… táng đất này sau 30 năm sẽ phát ngôi thiên tử; tôi chỉ ngại một điều là con cháu sau này có thể phân tán riêng. Nhưng ngôi vua lại gặp vận trung hưng dài lâu 300 năm. Mệnh trời biết được là khi lánh nạn gặp được “đại ngư phún thủy, ngũ lục lân hàng” lại khôi phục được cơ đồ xưa.” Sư già dẫn Lê Lợi đến động Chiêu Nghi chỉ chỗ đất nửa sào hình quốc ấn. Sau đó Lê lợi đưa Linh xa an táng tại gốc cây quế đi ra một trăm bước. ..

Ngẫm lại thấy diễn biến lịch sử gần đúng như vậy: Lê Lợi giải phóng đất nước khỏi ách nhà Minh, lên ngôi vua năm 1428, đúng 30 năm, tính từ khi gặp vị sư già. Và quả thật, trong 26 triều vua Lê cứ mỗi lần gặp nguy cơ “thất truyền” lại xuất hiện những nhân vật và tình thế để nối lại. Cụ thể: đến đời vua thứ 10, Lê Cung Hoàng (năm 1527) thì bị họa Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê. Nghiệp lớn những tưởng mất tại đây, thì may sao Lê Quán Công đã cõng được Lê Duy Ninh (mới 11 tuổi) chạy sang Lào, mà nối được.

Số là, Nguyễn Kim một cựu thần nhà Lê, phất cờ đánh lại nhà Mạc đang cần ngọn cờ “Phù Lê”, đã đón Lê Duy Ninh về nước tôn làm vua (vua Trang Tông 1533-1548 mở đầu thời Lê Trung Hưng). Thế nhưng cũng từ đó hình thành hai thế lực thế Nam - Bắc triều giữa nhà Lê và nhà Mạc tranh giành quyền thống trị suốt nửa thế kỷ. Tình thế đó đã lại xuất hiện nhân tố có lợi cho nhà Lê lần thứ hai: Trịnh Tùng đánh vào thành Thăng Long, bắt được Mạc Mậu Hợp, đón vua Lê Thế Tông vào thành (1593). Vậy là từ đây dù thế lực họ Trịnh lấn át dần vua Lê nhưng về danh nghĩa, nhà Lê cũng được trị vì. Chính trong bối cảnh vua Lê bị Chúa Trịnh lấn át đó thì ở Đàng Trong lại xuất hiện vương triều nhà Nguyễn làm đối trọng. Chín đời chúa (từ chúa Nguyễn Hoàng, 1558 đến chúa Nguyễn Phúc Thuần, 1777), làm chúa Trịnh “ lao tâm khổ tứ”. Chiến cục xảy ra liên miên lại bị khởi nghĩa nông dân uy hiếp, bên trong bị chúa Trịnh chèn ép những tưởng nhà Lê khó bề ra thì may thay nhà Lê lại được quân Tây Sơn phù trợ lần thứ 3. Số là năm 1786, quân Tây Sơn sau đạp đổ chúa đời thứ chín, Nguyễn Phúc Thuần, kết thúc vương triều Nguyễn ở Đàng Trong, đã kéo quân ra Bắc, dương cờ Phù Lê diệt Trịnh, đánh vào thành Thăng Long, diệt Trịnh, giữ nguyên ngôi báu cho Lê Hiển Tông - vị vua thứ 25 của vương triều Lê. ..

Như vậy, đúng như lời lời sư già đã tiên đoán: mỗi khi lần triều Lê nguy cơ mất mạch lại xuất hiện những nhân tố khả dĩ nối lại vương triều, cho dù thực quyền mỗi thời một khác. Và lời phán trên 300 năm cũng đúng: Tổng cộng thời Lê Sơ (từ vua Lê Thái Tổ lên ngôi 1428 đến vua Cung Hoàng 1527) là 10 đời vua 99 năm với thời thời Lê Trung Hưng (từ vua Lê Trang Tông đến đời Lê Chiêu Thống, 16 đời vua, thời gian trị vì 225 năm )… quả là 300 năm có lẻ.
Chúng tôi nghĩ, nhờ Huyền tích mộ táng và lời tiên tri của vị sư này, mà du khách đến thăm Lam Kinh ngày nay, có thêm duyên cớ, ngẫm nghĩ về lịch sử các triều Lê, một cách hệ thống, lý thú .

2. Bàn chân Rùa 6 móng...

Thực tế và các hình tượng về loài rùa bàn chân chúng chỉ có 5 móng. Thế nhưng, rùa đội Bia Vĩnh Lăng (Lam kinh) lại có những 6 móng. Móng thứ 6 bị khuyết phần sừng, để vết lõm vào phần thịt. Du khách thường muốn biết hàm ý sâu xa hình tượng này.

Được biết, nhiều nhà nghiên cứu văn hóa- sử học đã căn cứ vào huyền tích “Hoàn kiếm” để làm sáng tỏ một phần chiếc móng rùa thứ 6 đó. Câu chuyện bắt đầu từ truyền thuyết vua An dương Vương và nỏ thần. Đấy là năm 218 trước công nguyên, vua Âu Việt là Thục Phán được Thần Kim Quy cho chiếc móng để làm lẫy nỏ. Nhờ có nỏ thần ấy và thành xây hình trôn ốc mà An Dương Vương đã thắng 50 vạn quân xâm lược Nhà Tần (Trung Quốc). Tiếc thay, chiếc lẫy nỏ sau đó vua Thục đã giữ lấy làm của báu cho riêng mình. Cuối cùng, của báu rơi vào tay giặc dẫn đến hậu quả lớn: nước mất, nhà tan.



Tác giả bên bức tượng rùa 6 ngón đội bia

Một huyền tích tương tự cũng nói về vật báu trời cho để đánh giặc là: khi Lê Lợi dấy binh ở Lam Sơn, có một người dân chài trên sông Chu ở làng Mục Sơn, tên Thận, vớt được thanh kiếm lạ đem dâng cho ngài. Lạ thay lưỡi kiếm đem mài thấy rõ chữ “Thuận Thiên” “Lê Lợi”. Đầu năm 1428, khi đã đánh đuổi xong giặc Minh, lên ngôi vua, Lê Lợi cùng quần thần đi thuyền ngắm cảnh trên hồ Thủy Quân (Thăng Long), Vua thấy một con rùa vàng nổi lên mặt nước, ngay trước mũi thuyền. Hiểu ý rùa vàng, vua rút gươm báu trả lại cho rùa. Rùa ngậm kiếm, lặn xuống nước rồi đi mất (từ đó hồ Thủy Quân gọi là hồ Hoàn Kiếm).

Huyền thoại này và bàn chân rùa có 6 ngón đã phát sinh hai giả thuyết. Một số người nghiên cứu cho rằng, 6 móng chân tượng trưng cho 6 năm trị vì của vua Lê Thái Tổ. Nhưng cũng có ý kiến, trong đó có giáo sư Hà Minh Đức lại cho rằng: đó là hình tượng thể hiện triết lý: đã có vay thì có trả, bảo quốc không thể chiếm thành của riêng. Đấy là bài học về chữ tín mà đạo trời cũng như đạo đời cần tuân thủ. Người nghệ sĩ tạc bia Vĩnh Lăng đã nhắc nhở người đời sau nhớ lấy bài học An Dương Vương có vay mà không trả vậy. Trái lại, nhờ giữ được đạo đó mà nhà Lê đã trị vì được 354 năm, dài nhất trong lịch sử các triều đại phong kiến Việt Nam.


Hoàng Chỉnh

Mới nhất

x
Nhân chuyến thăm Lam Kinh (Thanh Hóa): Ngẫm về 2 huyền tích
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO